Hôm thứ Năm 25 tháng Bẩy, tờ Aleteia nhắc nhớ mọi người về một câu hỏi đã từng được tờ New York Times khai thác rất ồn ào vào năm 2001: Lương Đức Giáo Hoàng một tháng là bao nhiêu?
Là lãnh đạo của Giáo Hội Công Giáo, Giáo Hội đến nay vẫn là tôn giáo lớn nhất trên toàn thế giới, tờ New York Times cho rằng vị Giáo Hội chắc là phải nhận được một mức lương hào phóng để đền bù cho nhiều nhiệm vụ đa dạng của mình. Tuy nhiên, sự thật hoàn toàn ngược lại.
Năm 2001, sau khi có những đồn đoán cho rằng Thánh Gioan Phaolô II đã kiếm được một mức lương rất lớn, phát ngôn viên của Vatican lúc bấy giờ là Tiến sĩ Joaquin Navarro-Valls, đã chấm dứt những suy đoán về mức lương của Đức Giáo Hoàng, với lời tuyên bố long trọng này “Giáo hoàng Công Giáo không và chưa bao giờ được trả lương.”
Điều này thậm chí còn đúng hơn đối với Đức Phanxicô, một thành viên của Dòng Tên, với lời khấn khó nghèo ngay lần đầu tiên bước vào nhà dòng.
Các vị Giáo Hoàng không nhận được bất kỳ khoản tiền nào dưới dạng tiền lương hàng tháng. Tất cả các chi phí đi lại và sinh hoạt do Tòa Thánh chi trả. Ngài không bao giờ phải lo lắng về thức ăn hay chỗ ở, nhưng ngài không có bất kỳ thu nhập nào để chi tiêu cho các mua sắm khác.
Tuy nhiên, Đức Giáo Hoàng có quyền truy cập vào một quỹ bác ái gọi là Quỹ Đồng Thiền Thánh Phêrô để ngài có thể tự do phân phối cho những người có nhu cầu theo sự phân định của mình. Chẳng hạn, theo Crux, Đức Thánh Cha Phanxicô đã trao 500,000 đô la từ quỹ này để hỗ trợ cho gần 75,000 người tầm trú vào Hoa Kỳ đang kẹt ở biên giới Mễ Tây Cơ. Đây chỉ là một trong nhiều khoản đóng góp mà ngài thường xuyên thực hiện, đặc biệt là sau các thảm họa thiên nhiên, hay sau các tai họa do chiến tranh gây ra.
Đức Giáo Hoàng sống theo gương của Chúa Giêsu, không có tiền lương và phụ thuộc vào sự quảng đại của người khác trong việc cung cấp những nhu cầu của ngài trong sứ vụ ba năm rao giảng Tin Mừng, như được đề cập trong Kinh thánh.
2. Giáo Hội vừa mất đi một vị Hồng Y can trường và khôn ngoan
Kính thưa quý vị và anh chị em,
Đức Hồng Y Jaime Ortega, người tù khổ sai trong các trại lao động cải tạo của cộng sản đã qua đời hôm thứ Sáu 26 tháng Bẩy vừa qua sau một thời gian dài chiến đấu với bệnh ung thư. Ngài đã về với Chúa ở tuổi 82. Thánh lễ an táng của ngài đã diễn ra hôm Chúa Nhật 28 tháng Bẩy tại nhà thờ chính tòa thủ đô Havana.
Đức Hồng Y Jaime Ortega sinh ngày 18 tháng 10, năm 1936 trong một gia đình lao động nghèo. Cha ngài là công nhân trong một nhà máy làm đường mía. Ngài được thụ phong linh mục ngày 2 tháng Tám, 1964. Hai năm sau đó ngài bị bắt và bị kết án tù khổ sai trong các trại lao động cải tạo của cộng sản.
Sau khi ra khỏi tù vào cuối năm 1967, ngài trở thành một linh mục lưu động. Cụ thể, mỗi cuối tuần ngài cử hàng hàng chục thánh lễ ở hàng chục thánh đường di chuyển hàng ngàn cây số trong một tuần để cử hành các phép bí tích và các thánh lễ cho những nơi không có linh mục trong hai giáo phận Matanzas và Havana. Trong tuần, ngài còn giảng dạy tại chủng viện Thánh Ambrôsiô là chủng viện liên giáo phận đặt trụ sở tại Havana.
Tuy công việc bận rộn như thế, và ám ảnh của các trại lao động cải tạo vẫn còn rất mới mẻ trong tâm trí, ngài đã can đảm quy tụ các thanh thiếu niên và tổ chức các trại hè. Điều này được coi là một hành động đối kháng tuy âm thầm nhưng rất quyết liệt với chế độ Fidel Castro.
Ngày 4 tháng 12, 1978, Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II bổ nhiệm ngài làm Giám Mục Pinar del Río. Ba năm sau đó, vị Giáo Hoàng Ba Lan lại bổ nhiệm ngài làm Tổng Giám Mục Havana.
Trước tình cảnh lầm than của dân chúng, ngài đã gầy dựng lại tổ chức Caritas Cuba. Đây được coi là một hành động phi thường vào thời điểm cộng sản xăm soi mọi hoạt động của Giáo Hội Công Giáo.
Ngày 26 tháng 11, 1994, ngài được Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II nâng lên hàng Hồng Y. Do đó, ngài đã từng tham gia trong mật nghị bầu Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô thứ 16 và Đức Giáo Hoàng Phanxicô.
3. Giấc mơ chưa tròn của vị Hồng Y
Kính thưa quý vị và anh chị em,
Thánh lễ an táng của Đức Hồng Y Jaime Ortega diễn ra rất gấp gáp, chưa đầy 48 tiếng sau khi ngài qua đời. Dù thế, nhiều nhà lãnh đạo Giáo Hội từ các quốc gia khác bao gồm Đức Hồng Y Seán Patrick O’Malley của tổng giáo phận Boston, Đức Tổng Giám Mục Thomas Wenski, của tổng giáo phận Miami, Florida, Đức Tổng Giám Mục Roberto Gonzalez Nief của Puerto Rico và nhiều vị khác đã tham dự thánh lễ an táng ngài tại nhà thờ chính tòa của thủ đô Havana. Sự hiện diện của đông đảo các nhà lãnh đạo từ các quốc gia khác cho thấy sự đánh giá cao đối với những cống hiến của Đức Hồng Y cho Giáo Hội Cuba và thế giới.
Bà Hortesia Garcia, là một người bạn thân của Đức Hồng Y từ thuở bé cho biết giấc mơ lớn nhất nhưng tiếc thay chưa tròn của Đức Hồng Y là đưa quê hương thoát ra khỏi đại họa cộng sản.
Trong hơn ba thập niên, ngài đã làm việc miệt mài và kiên nhẫn để làm dịu thái độ hung hăng của Fidel Castro đối với Giáo Hội Công Giáo.
Sau cuộc chính biến bất thành 19 tháng Tám, 1991 tại Nga, cộng sản tan rã trên phạm vi toàn cầu trừ ra tại Trung Quốc, Việt Nam, Bắc Hàn và Cuba.
Ước mơ lớn nhất của người dân Cuba là giải thể được chế độ cộng sản. Đó cũng là ước mơ của Đức Hồng Y nhưng ngài chọn con đường kiên nhẫn.
Ngài thành công trong việc đàm phán cho các chuyến tông du thăm Cuba của Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II vào năm 1998. Kế đó là chuyến tông du của Đức Thánh Cha Bênêđíctô thứ 16 vào năm 2012 và mới đây là chuyến tông du của Đức Thánh Cha Phanxicô vào năm 2015.
Ngài cũng thành công trong việc đàm phán thả hàng chục tù nhân chính trị trong năm 2010 và 2011.
Năm 2014, Cuba chính thức công nhận Thứ Sáu Tuần Thánh là ngày quốc lễ thể theo lời yêu cầu của Đức Thánh Cha Bênêđíctô thứ 16.
Năm 2017, một ngôi nhà thờ đầu tiên đã được phép xây dựng tại Cuba.
Khi Raul Castro trở thành tổng thống năm 2010, Đức Hồng Y Ortega đóng một vai trò quan trọng trong việc mở cửa đất nước và khôi phục quan hệ với các quốc gia phương Tây.
Vào thời điểm quan trọng trong các cuộc đàm phán bí mật giữa Cuba và Hoa Kỳ chính Đức Hồng Y Ortega là người đã chuyển các thông điệp giữa Đức Thánh Cha Phanxicô, anh em nhà Castro và Tổng thống Barack Obama.
Trong thánh lễ an táng Đức Hồng Y, người ta nhận thấy có Phó Chủ tịch thứ nhất Cuba Salvador Mesa và hai nhà lãnh đạo cấp cao khác trong Bộ Chính trị Đảng Cộng sản cùng với các quan chức khác.
Việc tham dự lễ an táng của chính phủ Cuba và các quan chức đảng Cộng sản minh chứng cho sự thành công của ngài trong việc nâng cao vị trí Giáo Hội trên hòn đảo Caribbê này sau khi Liên Xô sụp đổ.
Tiếc thay, giấc mơ quang phục quê hương thoát ra khỏi đại họa cộng sản vẫn chưa tròn.
4. Đức Thánh Cha bổ nhiệm một nhà báo làm Phó Giám đốc phòng Báo chí Tòa Thánh
Đức Thánh Cha Phanxicô đã bổ nhiệm một nữ ký giả người Brazil phục vụ tại Đài phát thanh Vatican, cô Cristiane Murray, làm Phó Giám đốc phòng Báo chí Tòa thánh. Việc bổ nhiệm cô Cristiane Murray diễn ra chỉ vài ngày sau khi ông Matteo Bruni bắt đầu nhận lãnh trách vụ Giám Đốc Phòng Báo Chí Tòa Thánh vào ngày 22 tháng 7.
Sinh năm 1962 tại Rio de Janeiro, Brazil, Cristiane Murray có bằng Quản trị Kinh doanh và Tiếp thị từ Đại học Công Giáo Rio. Cô gia nhập Vatican Radio vào năm 1995 và kể từ đó trở thành thành viên của chương trình hàng ngày hướng về Brazil. Cô cũng tham gia vào việc sản xuất các nội dung bằng tiếng Bồ Đào Nha, cho trang Facebook, Twitter, Instagram và YouTube của Bộ Truyền Thông Tòa Thánh.
Nhận được quyết định bổ nhiệm, Cristiane cho biết cô vô cùng xúc động: “Đối với tất cả các nhà báo và các đồng nghiệp của tôi tại Thánh Bộ Truyền thông, bổ nhiệm này thể hiện một dấu chỉ quan trọng công nhận giá trị các công việc hàng ngày của chúng tôi trong việc đưa thông điệp Tin Mừng, Đức Giáo Hoàng và Giáo Hội đến với thế giới”.
Cô cám ơn Đức Thánh Cha Phanxicô đã chọn cô cho nhiệm vụ quan trọng này. Cô cũng vô cùng biết ơn tổng trưởng Bộ Truyền Thông Paolo Ruffini, Giám đốc biên tập Andrea Tornielli, cũng như Đức Hồng Y Lorenzo Baldisseri, Tổng thư ký của Thượng Hội Đồng Giám Mục nơi cô đã làm việc trong một năm qua để chuẩn bị cho Thượng Hội Đồng Ngoại Thường Vùng Amazon.
5. Tổng giáo phận Belém do Pará bày tỏ quan ngại sâu xa sau vụ tù nhân nổi loạn khiến 57 người chết
Trong thông báo đưa ra hôm thứ Ba 30 tháng Bẩy, tổng giáo phận Belém do Pará của Brazil bày tỏ những quan ngại sâu xa sau khi xảy ra vụ nổi loạn tại nhà tù Altamira khiến 57 tù nhân bị thiệt mạng.
Theo tổng giáo phận Belém do Pará, nhà tù Altamira ở tiểu bang Pará phía đông bắc Brazil chứa hơn gấp đôi số tù nhân theo thiết kế ban đầu.
Nhà tù cũng không có đủ lính canh để bảo đảm an toàn cho các tù nhân.
Những trận đánh nhau chết người không phải là hiếm trong các nhà tù ở Brazil, nơi có dân số tù lớn thứ ba thế giới. Tuy nhiên, thảm họa tại nhà tù Altamira là quá khủng khiếp.
Bạo lực bùng phát lúc 07:00 giờ địa phương hôm thứ Hai khi các thành viên của một băng đảng tội phạm nằm trong Khu A của nhà tù, xông vào khu kế bên nơi các thành viên của một băng đảng đối thủ bị nhốt.
Mười sáu tù nhân đã bị chặt đầu trong cuộc chiến sau đó. Nhiều người khác chết vì ngạt khói sau khi các tù nhân đốt cháy phòng giam. Tổng cộng 57 người đã chết trong vụ này.
Các videos quay từ bên ngoài nhà tù cho thấy khói cuồn cuộn bốc lên từ tòa nhà và các tù nhân thoải mái đi lại trên mái nhà.
Các tù nhân cũng bắt hai nhân viên nhà tù làm con tin nhưng đã thả họ ra sau khi đàm phán với cảnh sát và quân đội.
Giao tranh trong nhà tù kéo dài khoảng năm giờ.
Các nguồn tin từ các linh mục tuyên úy cho biết nhà tù, có sức chứa 163 người, đã giam giữ 343 tù nhân. Họ cũng chỉ ra rằng Altamira chỉ có 33 lính canh, quá thấp để bảo đảm an toàn trong nhà tù cho các tù nhân.
6. Đức Cha Hạ Chí Thành lên án vụ tấn công bạo lực của cảnh sát tại nhà ga Nguyên Lãng của Hương Cảng
Trong một tuyên bố đưa ra hôm 22 tháng Bẩy, Đức Cha Hạ Chí Thành, Giám Mục Phụ Tá Hương Cảng đã lên án cuộc tấn công nhắm vào thường dân vô tội tại nhà ga Nguyên Lãng (元朗,Yuen Long).
“Chúng tôi lên án bạo lực vì bất kỳ lý do nào và chúng tôi hy vọng những kẻ phạm tội phải bị đưa ra trước công lý,” Đức Cha Giuse Hạ Chí Thành (夏志誠, Ha Chi-shing) viết trong bản tuyên bố.
Ngài cho biết có ít nhất 45 người bị thương, trong đó 6 người bị thương rất nặng.
Cuộc tấn công diễn ra sau cuộc biểu tình ủng hộ dân chủ mới nhất ở trung tâm Hương Cảng, trong đó cảnh sát đã bắn hơi cay và đạn cao su vào người biểu tình.
Những kẻ côn đồ trang bị dùi cui của cảnh sát nhưng không mặc đồng phục cảnh sát đã tấn công hành khách và người dân đang trên đường trở về sau cuộc biểu tình.
Chính quyền Hương Cảng cũng lên án cuộc tấn công tại Nguyên Lãng là “hoàn toàn không thể chấp nhận được đối với Hương Cảng, một xã hội thượng tôn pháp luật. Chính quyền Đặc khu lên án mạnh mẽ bất kỳ hành vi bạo lực nào.”
Đám côn đồ xông vào trạm xe điện Nguyên Lãng vào khoảng 22:30 giờ địa phương, chỉ vài giờ sau cuộc đụng độ giữa người biểu tình và cảnh sát ở khu vực Thượng Hoàn (上環, Sheung Wan).
Nguyên Lãng nằm gần biên giới với Trung Quốc, nghĩa là cách rất xa nơi diễn ra các cuộc biểu tình ủng hộ dân chủ.