Thống kê về tuổi thọ trung bình cho thấy những thay đổi trong xã hội, những sự kiện diễn ra trên toàn cầu và xu hướng lão hóa trong tương lai.
Khi nói về tuổi thọ, chúng ta thường nghĩ đến tuổi thọ trung bình – nhưng những con số trung bình có thể không chính xác.
Ví dụ như trong Kinh Thánh, Thi thiên chương 90, theo nội dung ghi trong phiên bản của King James, viết “tuổi tác chúng ta thọ được 70”, dù chỉ cho đến gần đây, con người mới đủ may mắn để sống đến độ tuổi đó.
Một số nhân vật lịch sử đã sống qua độ tuổi này, như Augutus Ceasar, thọ 75 tuổi, hoặc Michelangelo, thọ 88 tuổi.
Từ thời Hy Lạp cổ đại, nhiều ý kiến đã cho rằng số năm tuổi là bội số của 7, ví dụ như tuổi 49 hoặc 63, được cho là những năm nhiều rủi ro nhất của đời người.
Năm 1689, một mục sư ở Breslau, Silesia (giờ đây là thành phố Wroclaw, Ba Lan) đã tổng hợp một bảng thống kê tuổi thọ.
Những con số này sau đó đã được chuyển đến tay ông Edmond Halley, Anh quốc, người sau đó dùng chúng để hồi năm 1693 đưa ra bảng ước tính đầu tiên về cơ hội sống thọ tới một độ tuổi nhất định.
Không có bằng chứng nào cho thấy rủi ro tăng lên ở tuổi 49 hay 63, và cũng không giống như kinh thánh, tuổi thọ tối đa trong bảng thống kê của Halley lên đến 84 tuổi.
Ông cho rằng con người có 2% cơ hội sống thọ đến tuổi này. Và dường như để chứng minh cho điều này, bản thân Halley sống thọ đến 85 tuổi.
Thọ đến 64
Tuổi thọ con người bị tác động nhiều từ số lượng những người chết trước tuổi trưởng thành. Bởi tính tổng thể thì tuổi trung bình bị thấp đi, nhưng những người sống thì sẽ thọ hơn.
Paul McCartney viết bài ‘Khi tôi 64 tuổi’ khi chỉ mới 16. Thời đó, 64 tuổi được cho là đã già.
Tuy nhiên khi xem xét tỷ lệ sống sót từ giai đoạn sơ sinh đến 16 tuổi, sau đó từ 16 tuổi đến 64 tuổi, chúng ta có thể thấy sự thay đổi trong nhiều thập niên qua.
Thống kê của Human Mortality Database cho thấy trong năm 1841, 31% trẻ em sinh ra ở Anh và xứ Wales chết trước tuổi 16.
Tuy nhiên gần 50% những người sống sót qua độ tuổi này có khả năng thọ tới 64 tuổi.
Khi nhóm The Beatles thu âm bài ‘Khi tôi 64 tuổi’ vào năm 1966, có khoảng 2,5% trẻ em chết trước tuổi 16.
Những bé gái sống qua tuổi này có 85% cơ hội thọ đến 64 tuổi, trong khi ở nam tỷ lệ này thấp hơn, 74%, do phong cách sống kém lành mạnh thường thấy ở nam giới.
Đến năm 2009, tỷ lệ trẻ em chết trước tuổi 16 là 1% và 92% phụ nữ có khả năng sống thọ tới 64, trong khi tỷ lệ này ở nam giới là 87%.
Điều này dẫn đến tuổi thọ trung bình ở nữ giới là 82 và nam giới là 78.
Những sự kiện quốc tế
Tuổi thọ trung bình còn mang tính lịch sử. Bên cạnh hai cuộc Thế chiến, cuộc hành quân của Napoleon sang Moscow, khiến 400.000 người thiệt mạng, đã làm giảm tuổi thọ trung bình đi 23 tuổi.
Dịch cúm ở Pháp năm 1918-1919 giảm tuổi thọ trung bình ở nữ giới đi 10 năm, trong khi HIV giảm tuổi thọ trung bình tại Nam Phi từ 63 tuổi trong năm 1990 xuống còn 54 tuổi trong năm 2010.
Nếu như trong năm 1970, Việt Nam có tuổi thọ trung bình là 48 thì giờ đây con số này là 75.
Anh quốc và xứ Wales đã phải tốn gần một thế kỷ, từ 1894 đến 1986, để đạt đến mức này.
Chúng ta cũng có thể thấy tác động của chênh lệch giàu nghèo trong một quốc gia.
Ví dụ như năm 1901, tuổi thọ trung bình của đàn ông da mầu tại Hoa Kỳ là 32. Có đến 43% đàn ông da đen chết trước tuổi 20.
Trong khi đó đối với đàn ông da trắng, tuổi thọ trung bình là 48 và chỉ 24% chết trước tuổi 20.
Sau 100 năm trải qua các phong trào dân sự, khoảng cách tuổi thọ vẫn còn đó, dù đã giảm đi nhiều, từ 16 năm xuống 5 năm.
Xu hướng lão hóa
Chúng ta được biết là dân số toàn cầu đã đạt đến 7 tỷ người và đang tăng lên nhanh chóng.
Chúng ta cũng có thể ước tính tuổi thọ trung bình của những người sinh ra ngày nay.
Các thống kê cho thấy đàn ông sinh ra ở Anh và xứ Wales có thể sống đến 90 tuổi, trong khi con số này ở phụ nữ là 94.
32% nam giới và 39% nữ giới được ước tính sống thọ đến 100 tuổi vào năm 2112.
Những con số này khá thú vị, nhưng cũng gây tranh cãi.
Có điều chắc chắn rằng trẻ em của tương lai sẽ phải trông nom rất nhiều người già.
Thống kê của Liên Hiệp Quốc ước tính số người trên tuổi 60 sẽ tăng gấp đôi trong khoảng thời gian từ 2007 – 2050.
Việc tuổi thọ trung bình tăng lên và tỷ lệ sinh đẻ giảm xuống đồng nghĩa với việc ngày sẽ càng có ít người trẻ tuổi hơn.
Sẽ có hơn 2 tỷ người trên 60 tuổi trên toàn cầu vào năm 2050, và 400 triệu người trên 80 tuổi.
Thế nhưng cuộc sống của những người già này sẽ ra sao?
Thi thiên chương 90 viết “nếu mạnh khỏe thì sống đến tám mươi; song sự kiêu căng của nó bất quá là lao khổ và buồn thảm, vì đời sống chóng qua, rồi chúng tôi bay mất đi.”
Đó không phải là một bức tranh về tuổi già có thể khiến chúng ta cảm thấy phấn khởi.
Vì sao chúng ta cố tìm cách sống thọ hơn, để rồi ngồi mỗi ngày ở góc phòng, nghe tiếng TV inh ỏi và không hiểu những người đến thăm đang gào lên những gì bên tai?
Thực tế không đến nỗi như vậy: Vào năn 2008, những người đàn ông Anh ở tuổi 65 được ước tính có khả năng sống thêm 17 năm, trong đó có 10 năm được miêu tả là sức khỏe từ ‘tốt’ đến ‘rất tốt’.
Phụ nữ ở tuổi 65 được dự đoán là có thể sống thêm 20 năm, trong đó có 11 năm được xem là có ‘sức khỏe tốt’.
(nguồn: BBC vietnam)