Hôm 16/7/2020, Bộ Giáo lý Đức tin đã cho công bố Chỉ Nam về thủ tục cần tuân thủ trong việc giải quyết các trường hợp lạm dụng trẻ vị thành niên.
Tài liệu gồm 30 trang, 9 chương là một câu trả lời chính xác và đúng lúc cho các câu hỏi thường gặp về thủ tục cần tuân thủ trong việc giải quyết các trường hợp lạm dụng trẻ vị thành niên của giáo sĩ.
Vì vậy, đây không phải là một quy luật hoặc luật lệ mới, mà là một tài liệu giúp các vị Bản quyền và các viên chức giáo luật thi hành cụ thể các quy định của Giáo luật hiện hành liên quan đến những tội nặng gây tổn thương cho toàn thể Giáo hội, là vết thương sâu đậm và đau thương đòi phải được chữa lành.
Được yêu cầu trong Hội nghị của các chủ tịch Hội đồng Giám mục thế giới về bảo vệ trẻ vị thành niên trong Giáo hội, tổ chức tại Vatican vào 02/2019, Chỉ Nam này được gọi là “1.0” vì dự kiến nó sẽ được cập nhật định kỳ dựa trên sửa đổi luật hiện hành hoặc các thực hành của Bộ Giáo lý Đức tin.
Nguồn pháp lý tham chiếu
Điều gì cấu thành tội phạm, cuộc điều tra sơ bộ diễn ra như thế nào, các thủ tục tố tụng gồm những điều gì: là những câu hỏi mà tài liệu muốn cung cấp. Tài liệu có tham chiếu Bộ Giáo luật, Tông thư dưới dạng Tự sắc “Sacramentorum Sanctitatis Tutela-Bảo vệ tính thánh thiêng của các Bí tích” của Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II trong năm 2001 và được Đức nguyên Giáo hoàng Biển Đức XVI cập nhật vào năm 2010, và Tự Sắc “Vos estis lux mundi – Các con là ánh sáng thế gian”, được Đức Thánh Cha Phanxicô ban hành năm 2019 “về bảo vệ trẻ vị thành niên và những người lớn dễ bị tổn thương”.
Đón tiếp, lắng nghe và đồng hành
Đặc biệt, trong tài liệu có các yêu cầu đặt ra: thứ nhất là bảo vệ con người. Quyền bính Giáo hội được yêu cầu cam kết để người được coi là nạn nhân và gia đình người này được tôn trọng xứng nhân phẩm. Cần phải “đón tiếp, lắng nghe và đồng hành qua các dịch vụ cụ thể, cũng như hỗ trợ tinh thần, y tế và tâm lý theo từng trường hợp cụ thể”. Tài liệu nhấn mạnh: “Điều này cũng phải được thực hiện đối với bị cáo”.
Xác minh cẩn thận mọi thông tin
Khía cạnh thứ hai là cần phải xác minh cẩn thận và chính xác thông tin đấng Bản quyền nhận được về một trường hợp giả thiết bị cáo buộc lạm dụng. Ngay cả khi không có tố cáo chính thức, tin tức được lan truyền từ các phương tiện truyền thông, hoặc ngay cả khi nguồn tin ẩn danh, tài liệu đề nghị đánh giá cẩn thận từng thông tin nhận được và đào sâu. Đương nhiên, ấn tín bí tích vẫn còn hiệu lực: trong trường hợp này, cha giải tội sẽ phải thuyết phục hối nhân báo cáo về lạm dụng bị cáo buộc bằng các cách khác.
Bí mật do chức vụ và thông báo công khai
Khía cạnh thứ ba liên quan đến thông tin: trong một số điểm của tài liệu hướng dẫn có nhắc nhở nghĩa vụ phải tôn trọng “bí mật do chức vụ”.Tuy nhiên, tài liệu nhấn mạnh rằng, trong quá trình điều tra sơ bộ, người được coi là nạn nhân và các nhân chứng không bị “ràng buộc phải giữ im lặng liên quan đến sự kiện”. Tuy nhiên, họ được yêu cầu tránh mọi thông tin “không phù hợp và bất hợp pháp” phổ biến công khai, đặc biệt là trong giai đoạn điều tra sơ bộ, để không gây cảm tưởng về sự kiện đã xác định.
Cộng tác giữa Giáo hội và Nhà nước
Cuối cùng, khía cạnh thứ tư nói về tầm quan trọng của việc cộng tác giữa Giáo hội và Nhà nước. Chỉ Nam nhấn mạnh rằng ngay cả trong trường hợp không có quy định nghĩa vụ pháp lý rõ ràng thì quyền bính Giáo hội vẫn báo với thẩm quyền dân sự bất cứ khi nào Giáo hội cho rằng điều này là cần thiết để bảo vệ người bị xúc phạm, hoặc những người vị thành niên khác khỏi nguy cơ của các hành vi phạm tội tiếp theo. Đồng thời, văn bản hướng dẫn nhắc nhở rằng “hoạt động điều tra phải được thực thiện phù hợp với luật dân sự của mỗi quốc gia”. (CSR_5281_2020)
Nguồn: Vatican News