Caritas TGP Sài Gòn đã tổ chức buổi tập huấn về phương pháp và kỹ năng thu thập thông tin người khuyết tật (NKT) vào sáng ngày thứ bảy, 16.05.2020 tại Hội trường Tòa Tổng Giám mục Sài Gòn.
Trình bày viên của buổi tập huấn là Soeur Elisabeth Marie Vũ Thị Tuyết Minh, phụ trách Ban hỗ trợ NKT của Cartias TGP Sài gòn. Cùng tham dự buổi tập huấn là 55 thành viên Caritas thuộc các Giáo hạt: Chí Hòa, Gia Đình, Gò Vấp, Phú Nhuận, Sài gòn – Chợ Quán, Tân Định, Tân Sơn Nhì, Xóm Chiếu, Xóm Mới và Phú Nhuận.
Soeur Elisabeth cho biết, theo dự án hỗ trợ NKT (2020-2022) của Caritas Việt Nam liên kết với Đức, Caritas TGP tổ chức buổi tập huấn để giúp thành viên Caritas có được kiến thức và kỹ năng thu thập thông tin NKT, qua đó giúp Caritas nắm bắt được nhu cầu cũng như khó khăn của NKT để có thể hỗ trợ họ một cách hiệu quả hơn.
Người khuyết tật là ai?
Trước tiên, Soeur Elisabeth giải thích các khái niệm về NKT theo định nghĩa của WHO (Tổ chức y tế thế giới) và Luật NKT Việt Nam để thành viên có thể phân biệt rõ các dạng khuyết tật, mức độ khuyết tật.
Tham dự viên cũng được hướng dẫn những từ ngữ nên dùng hoặc tránh khi giao tiếp với NKT, hoặc đặt ra các câu hỏi: “Tôi có thể giúp gì cho bạn?”, “Tôi nên làm gì cho bạn?”… khi đưa ra đề nghị giúp đỡ. Thành viên được giải thích lý do phải đặt câu hỏi do NKT cảm giác họ được quan tâm và tôn trọng, vì chỉ có họ mới hiểu rõ mình có những khả năng nào và đang cần giúp đỡ gì?
Soeur Elisabeth cũng đưa ra những hướng dẫn cụ thể khi giao tiếp với một số dạng khuyết tật đặc thù như: không nói quá to với người khiếm thị, luôn đứng trước mặt người khiếm thính khi giao tiếp với họ, luôn cố gắng đặt bản thân ngang tầm mắt của NKT vận động, kiên nhẫn với người bị suy giảm khả năng nói hoặc khuyết tật nhận thức.
Tham dự viên cũng được mời đóng vai NKT và người lấy thông tin để minh họa cho bài học, cũng như giúp cho học viên hiểu và ghi nhớ những kiến thức đã học.
Thu thập thông tin bằng cách nào?
Để tiếp cận NTK, tham dự viên được hướng dẫn các kỹ năng thu thập thông tin như: kỹ năng đặt câu hỏi: Câu hỏi đóng khi NKT còn ngần ngại, lúng túng; câu hỏi mở để lấy nhiều thông tin hơn; kỹ năng lắng nghe và các lưu ý để có thể lắng nghe một cách hiệu quả hơn; kỹ năng phản hồi nhằm diễn đạt lại những gì NKT nói…
Thu thập thông tin NKT phục vụ cho dự án của Caritas Việt Nam
Sau khi đã cung cấp các kiến thức và kỹ năng thu thập thông tin NKT, Soeur Elisabeth hướng dẫn các thành viên cách lấy thông tin NKT theo mẫu của Caritas Việt Nam. Thành viên Caritas sẽ thăm viếng và thu thập thông tin NKT theo chiều sâu bao gồm các thông tin về cá nhân NKT, tình trạng khuyết tật, tình trạng tài chính, các mối tương tác với xã hội, các khó khăn và nguyện vọng được hỗ trợ ở các lĩnh vực như: xã hội, giáo dục, y tế, sinh kế …
Ngoài ra, Ban tổ chức cũng soạn thảo các đường link và mẫu điền để thuận tiện cho các thành viên trong việc ghi nhận và gởi thông tin trực tiếp cho VP Caritas. Các thành viên cũng được yêu cầu phổ biến cho các giáo xứ trong Giáo Hạt để cùng thực hiện và gởi thông tin cho Văn phòng Caritas TGP trong tháng 10/2020.
Cuối buổi tập huấn, theo đề nghị của Soeur Elizabeth, mỗi Giáo Hạt sẽ đề cử hai thành viên Caritas tham gia vào Ban hỗ trợ NKT của Giáo phận. Các thành viên này sẽ được tập huấn thêm và các kiến thức, kỹ năng cần thiết để hỗ trợ NKT hiệu quả hơn.
Được biết, đây là buổi tập huấn lần thứ 2 của Caritas TGP cho các Giáo Hạt chưa được tập huấn đợt 1 vào ngày 09.05.2020, nhằm phục vụ cho dự án hỗ trợ NKT tại Việt Nam của Caritas Việt Nam liên kết với Caritas Đức (2020-2022). Theo dự kiến, mỗi Giáo Phận sẽ thu thập thông tin tổng quát của ít nhất của 1.000 NKT trong Giáo Phận và gởi về Caritas Việt Nam trong tháng 10/2020. Dự án nhằm nắm bắt được nhu cầu và khó khăn của NKT để giúp đỡ họ một cách hiệu quả hơn.
Anna Nguyễn Phương Trang
Ban truyền thông Caritas TGP Sài gòn
Nguồn: caritassaigon.vn