Giáo Hội Toàn Cầu

Vatican kêu gọi chú ý đến cuộc khủng hoảng lương thực đang gia tăng do Covid-19

WGPSG / Vatican — Vào thứ Bảy 16-5, các viên chức Tòa Thánh nói rằng dịch bệnh Covid-19 đang gây ra một cuộc khủng hoảng lương thực, đồng thời khuyến khích mỗi người đóng góp phần nhỏ bé của mình để giúp đỡ những người đang thiếu đói. 

Cha Augusto Zampini-Davies cho biết trong cuộc họp báo trực tuyến hôm thứ Bảy 16-5-2020: “Hiện nay, cuộc khủng hoảng Covid 19 đang làm gia tăng các vấn đề liên quan đến lương thực.” 

Ngài đặt câu hỏi: “Chúng ta biết giá trị của một xã hội được xác định qua cách chúng ta đối xử với những người nghèo nhất, những người dễ bị tổn thương nhất, vì vậy chúng ta phải làm gì cho những người đang phải chịu đựng không chỉ vấn đề sức khỏe mà còn cả sự đói khát cũng như những vấn đề liên quan đến lương thực.” 

Cha Zampini-Davies là thư ký phụ tá của Bộ Thăng Tiến Sự Phát Triển Con Người Toàn Diện của Tòa Thánh. Ngài nói rằng tình trạng khẩn cấp của đại dịch COVID-19 đang ảnh hưởng đến nguồn cung cấp lương thực ở nhiều cấp độ trong xã hội: ví dụ, các trẻ em ăn trưa ở trường sẽ bị đói khi trường học đóng cửa, và chuỗi cung ứng lương thực bị ảnh hưởng bởi các hạn chế về xuất nhập khẩu. 

Ngài nói: Cũng có hàng triệu người mất việc hoặc đang bị ngăn cản làm việc do các biện pháp nhằm kiểm soát tình trạng khẩn cấp về y tế, và điều này thường có nghĩa là họ đang đối diện với cái đói. 

Cha Zampini-Davies đặt câu hỏi: “Điều gì đang xảy đến với hàng triệu người không nhận được sự giúp đỡ từ thị trường cũng như nhà nước, nhưng chúng ta đang buộc họ phải ở nhà? Những gì đang xảy đến với những người này? Chúng ta không thể ép họ ở nhà mà không có bất kỳ sự hỗ trợ nào.”

Trả lời câu hỏi liên quan đến đề xuất của ĐTC Phanxicô về một “mức lương cơ bản phổ quát”, cha Zampini-Davies cho biết đây là “một công cụ” đã được sử dụng trong quá khứ giúp đối phó với các tình huống kinh tế khẩn cấp. 

“Như là một công cụ, nó có những ưu và nhược điểm, nhưng nếu chúng ta muốn thăng tiến đời sống cho mọi người, chúng ta cần phải làm gì đó.” 

“Chúng ta không thể thờ ơ,” ngài nói. “Hiện tại tất cả các cấu trúc xã hội đều đang bị thách thức, vì vậy những gì chúng ta đang cố gắng làm là ưu tiên quan tâm trước hết đến người nghèo, đó là một yếu tố cơ bản và là một mệnh lệnh đạo đức.” 

Một cuộc khủng hoảng lương thực như là hậu quả của đại dịch này là một trong những vấn đề mà Ủy ban mới về COVID-19 của Vatican đang tìm cách đối phó. 

Ủy ban này được đặt dưới sự bảo trợ của Bộ Thăng Tiến Sự Phát Triển Con Người Toàn Diện, đứng đầu là Đức Hồng y Peter Turkson, và dự định sẽ làm việc trong khoảng một năm. 

ĐHY Turkson lưu ý rằng, “Đại dịch Covid-19 bắt đầu như một vấn đề y tế; nhưng nó đã ảnh hưởng mạnh mẽ đến kinh tế, việc làm, lối sống, an ninh lương thực, vai trò của trí tuệ nhân tạo và an ninh mạng, chính trị, quản trị và chính sách (theo chủ nghĩa quốc gia hoặc mở rộng liên đới), các nghiên cứu và bằng sáng chế. 

“Hầu như mọi khía cạnh của đời sống và văn hóa của con người đều bị tổn thương bởi đại dịch này.” 

Ủy ban này là “một cơ quan của Tòa thánh nhằm đối phó với đại dịch Covid-19 về nhiều phương diện.” 

Cha Zampini-Davies cho biết: Tổ chức Nông Lương Thế Giới (FAO) ước tính khoảng 800 triệu người trên thế giới đã và đang đối diện với cái đói kinh niên. 

“Tuy nhiên… vẫn có những hy vọng, bởi vì tình trạng khủng hoảng này có thể là một cơ hội để thay đổi,” cha nói. 

Cha Zampini-Davies đã đưa ra một số gợi ý về các hành động được thực hiện ở cấp quốc tế, nhưng cũng nhấn mạnh cách “người dân bình thường” có thể trợ giúp bằng cách giảm thiểu thất thoát và lãng phí lương thực, và bằng cách thay đổi chế độ ăn uống của họ: ăn các loại thực phẩm theo mùa và hạn chế các sản phẩm gây ô nhiễm cao. 

Ngài nhắc tới mẫu gương của thánh Têrêsa Hài Đồng Giêsu “mỗi cử chỉ chăm sóc nhỏ bé đều có giá trị” và lưu ý rằng đại dịch đã cho thấy chúng ta không cần nhiều thứ như chúng ta nghĩ. Dù có ít hơn, chúng ta vẫn có thể làm nhiều điều hơn.” 

Cha Aloysius John, Tổng thư ký của Caritas Quốc tế – mạng lưới viện trợ toàn cầu lớn nhất của Giáo hội Công giáo – nói: “như Đức Thánh Cha nói với chúng ta, tại thời điểm bi thương này của lịch sử loài người, tôi muốn Giáo hội hiện diện thông qua công việc bác ái và nếu bạn không làm điều đó thì ai sẽ làm?” 

 Hannah Brockhaus (CNA/ Chuyển ngữ: Minh Lộc / Nguồn: WGPSG

 

Bài viết liên quan