Ngày nay hơn lúc nào hết “Nhân bản” được đặt lên hàng đầu trong cuộc sống của con người, vì nó có liên quan đến mọi phía cạnh trong cuộc sống: nào là nhân bản trong kinh tế, nhân bản trong kinh doanh, nhân bản trong sản xuất, nhân bản trong giao tiếp, nhân bản trong ngoại giao, nhân bản trong nghề nghiệp và cả nhân bản trong đời tu …
Ở đây tôi chỉ dừng vào điểm nhân bản trong đời tu, mà chỉ là Tu Sĩ Công Giáo mà thôi.
Tu sĩ là một giới tu đặc trưng và đặc biết của cộng đồng nhân loại. Họ đã tự hiến, trong Tin Mừng, đặt họ vào giới “hoạn quan vì Nước Trời”; có nghĩa là người tu sĩ, họ đã bỏ tất cả để theo Chúa KiTô, qua ba lời khấn dòng : trinh sạch, khó nghèo và vâng phục; cũng có nghĩa là họ không có tiền, không có quyền, không có gia đình, và cả không tình cảm riêng tư, họ thật là người chuyên chính vô sản, để nhằm phục vụ cho con người, vì con người trong tình yêu Thiên Chúa cứu độ để được thanh thoát, dễ dàng và thuận tiên trong sự hiến dâng cuộc đời mình.
Từ những yếu tố đó, nhân bản của người tu sĩ sẽ mang một đặc trưng khác biết so với nhân bản của con người bình thường chính là Khiêm Tốn.
Có ai dám khoe khoang khi trong tay không có lấy một đồng xu.
Có ai dám phô trương khi nơi mình không một chút tài sản.
Có ai dám tự hào khi mà quyền lực, tự do không có
Có ai dám anh hùng khi thân mình chỉ là đơn thân mỏng manh.
Và có ai dám tự phụ khi chỉ có một mình không hơn không kém.
“Khiêm tốn” là hai từ nghe thật dễ thương và dễ tiếp nhận. Nhưng trong thực tế thì thật khó và chẳng dễ tiếp nhận chút nào, ví dụ như : không được nêu tên trong lời chào đầu của các buổi lễ hội, hội họp thật là khó chịu nhỉ? không được giao công tác cụ thể nơi những buổi họp, hội nghị hoặc đại hội gì đó …, nếu có việc nhờ đột xuất, thật là khó tham gia đúng he? và còn vô vàn những khó chịu, bực bội khi mà họ bị bỏ quên, hoặc bị phê phán, phê bình, coi chừng mất ơn gọi như chơi!? hoặc trở nên lãnh đạm trước những xô bồ của công việc, có nghĩa là: dửng dưng, khi họ đang sống và hiện diện trong một tập thể, trong công đoàn; và nhất là nơi những tu sĩ, khi họ đạt được những thành công và thành quả trong công việc, trong cuộc sống, nếu như không được đề cao, hoặc lấy mẫu là gương mẫu, thi thật là bức xúc và xúc phạm!.Nhìn chung là phải được đề cao và tôn trọng, lúc đó họ mới có hưng phấn và nhiệt thành.
Phải chăng đây là những lý luận phải có trong nhân bản, trong xã giao, trong tương quan, hay tính tự kiêu nằm sâu trong huyết máu chưa được cải hoá.
Hãy xem và học gương mẫu trên mọi gương mẫu của Thầy Giêsu :
Soi gương Chúa Giêsu trong lời nói và đời sống: “ tôi cũng vậy, tôi không lên án chị đâu, thôi chị cứ về đi, và từ nay đừng phạm tôi nữa” (Ga 8,11b). Một câu nói thật ấn tượng, mang tính xây dựng và cải hóa, chắc chắn, chị phụ nữ này sẽ biến đổi cuộc đời 100%. Trên cây thập giá, Chúa Giêsu thay vì lên án, hoặc ra vạ phạt tuyệt thông, ngược lại, Ngài đã nhìn xuống những gương mặt hằm hằm sát khí, đang thi hành án xử tử Ngài, với một câu nói thật nhân từ, và xót thương “Lạy Cha, xin tha cho họ, vì họ không biết việc họ làm” (Lc 23,34)…Những việc làm cụ thể, Khi những trẻ nhỏ đến chơi, các môn đệ đã xua đuổi các em, Chúa Giêsu đã dậy cho các môn đệ của Ngài bài học yêu thương, và khiêm nhường trong sứ mệnh: “cứ để trẻ em đến với Thầy, đừng ngăn cấm chúng, vì nước Thiên Chúa là của những ai giống như chúng. Thầy bảo thật anh em: Ai không đón nhận nước Thiên Chúa với tâm hồn một trẻ em, thì sẽ chẳng được vào” . Rồi Ngài ôm lấy các trẻ em (Mc 10,14 – 15), cụ thể việc rửa chân cho các môn đệ”…Vậy, nếu Thầy là Chúa, là Thầy mà còn rửa chân cho anh em, thì anh em hãy rửa chân cho nhau” (Ga 13, 14) và “đối với anh em cung vậy : khi đã làm tất cả những gì theo lệnh phải làm, thì hãy nói: chúng tôi là đầy tớ vô dụng, chúng tôi đã chỉ làm việc bổn phận đấy thôi” (Lc 17,10). Chúa Giêsu đã làm gương, mục đích để huấn luyện, và cải hoá những môn đệ để họ trở nên giống Người hơn, và đó cũng là điều kiện để được vào nước của Ngài.
Từ lời nói và việc làm, Chúa Giêsu luôn tế nhị, muốn xây dựng con người trưởng thành trong đời sống cũng như trong niêm tin, tất cả được tóm gọn: “hãy học nơi tôi vì tôi hiền lành và khiêm nhượng trong lòng” (Mt 11,29).
Chắc chắn, mọi tu sĩ trong trường đào tạo, họ luôn được huấn luyện về mọi nhân đức, nhưng đức “khiêm tốn” phải được chú tâm huấn luyện một cách tích cực nhất; vì tất cả nền tảng tu đức đều bắt đầu từ “khiêm tốn”, mà căn nguyên của khiêm tốn là “đức mến” Cũng như 10 điều răn chỉ tóm gọn có hai điều mà thôi là : “mến Chúa và yêu người”. Như lời thánh Phaolô “giả như tôi được nói tiên tri, và được biết mọi điều bí nhiệm, mọi lẽ cao siêu, hay có được tất cả đức tin đến chuyển núi dời non, mà không có đức mến thì tôi cũng chẳng là gì” (1Cor 13,2)
Tóm lại, nếu không sống khiêm tốn, người tu sĩ sẽ không thể tự đào tạo nơi bản thân và đào tạo cho anh em khác, tất cả nơi họ là thượng giới chứ không có hạ giới, như vậy làm sao họ có thể đồng hành, cũng có nghĩa là làm sao họ có thể thực hiện lời di chúc của Chúa Giêsu : “anh em hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em”; đồng thời cũng không thể có hiệu quả khi anh em ra đi loan báo Tin Mừng cứu độ của Thầy gương mẫu Giêsu “ vậy anh em hãy đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ” (Mt 28,19)
Cách tích cực và hiệu quả nhất chính là sống khiêm tốn, vì, khiêm tốn là sự học hỏi, thăng tiến và phát triển; chứ không có nghĩa là nhường nhịn dẫn đến tốn kém, tổn thất.
Louis Gonzaga Phạm Thế Nhung