Linh Tiến Khải – Vatican
Trong buổi đọc Kinh Truyền Tin trưa Chúa Nhật 16.09.2018, ĐTC Phanxicô giải thích ý nghĩa bài Phúc Âm kể lại việc Chúa Giêsu hỏi các môn đệ: dân chúng và chính các môn đệ nghĩ và nói gì về Ngài, về căn tính của Ngài.
Đối với chúng ta, Chúa Giêsu là ai?
Chúa Dân chúng thì cho rằng Chúa Giêsu là một vị ngôn sứ lớn. Còn thánh Phê rô thì tuyên xưng Ngài là Đấng Cứu Thế. Thật ra, đối với Chúa các tham khảo ý kiến và các bép xép của dân chúng và cả các câu trả lời với các công thức tiền chế không quan trọng. Bởi vì một niềm tin bị giản lược vào các công thức là một niềm tin cận thị. Chúa muốn rằng các môn đệ, hôm qua cũng như ngày nay của Ngài, thiết lập với Ngài một tương quan cá nhân và như thế họ tiếp nhận Ngài vào trung tâm cuộc sống của họ.
Hôm nay Chúa Giêsu cũng hỏi từng người trong chúng ta: “Ta là ai đối với con?” Mỗi người hãy tự trả lời dưới ánh sáng Thiên Chúa Cha ban cho chúng ta liên quan tới Con của Ngài. Có thể chúng ta cũng hăng hái trả lời như thánh Phê rô: “Thầy là Đức Kitô “. Nhưng khi Chúa nói cho chúng ta biết rõ rằng sứ mệnh của Ngài sẽ không kết thúc trong con đường thành công rộng rãi thênh thang, nhưng trên con đường hẹp, cam go của Người Tôi Tớ Khổ Đau, bị hạ nhục, khước từ và đóng đanh, thì khi đó cả chúng ta nữa cũng phản đối và nổi loạn như Phêrô, vì nó trái nghịch với các chờ mong của chúng ta. Và chúng ta cũng đáng bị Chúa quở trách như Ngài đã quở trách Phê rô là Satan, vì không suy nghĩ theo Thiên Chúa, nhưng suy nghĩ như loài người (c. 33).
Việc tuyên xưng niềm tin nơi Chúa Giêsu không chỉ dừng lại nơi lời nói, nhưng đòi buộc phải được chứng thực bởi các lựa chọn và các cử chỉ cụ thể, bởi một đời sống thấm nhuần tình yêu đối với Thiên Chúa và đối với tha nhân. Chúa nói với chúng ta rằng để có thể theo Ngài và là môn đệ của Ngài thì cần từ bỏ chính mình, nghĩa là từ bỏ các yêu sách kiêu căng ích kỷ của mình và vác lấy thập giá mình. “Ai muốn cứu mạng sống mình thì sẽ mất nó. Ai mất mạng sống mình vì Thầy và vì Tin Mừng sẽ cứu được nó” (c. 35).
Ơn gọi sâu thẳm nhất của Kitô hữu là yêu thương
Để có thể hiểu được sự mâu thuẫn này cần nhớ rằng ơn gọi sâu thẳm nhất của chúng ta là yêu thương, vì chúng ta đã được tạo dựng nên giống hình ảnh của Thiên Chúa là Tình Yêu. Thường trong cuộc sống, vì biết bao lý do khác nhau, chúng ta lạc đường, bằng cách tìm kiếm hạnh phúc trong các sự vật hay nơi các người mà chúng ta đối xử như đồ vật. Nhưng chúng ta chỉ có thể tìm thấy hạnh phúc khi tình yêu, tình yêu đích thực gặp gỡ chúng ta, tiếp nhận chúng ta và biến đổi chúng ta. Chứng tá của các thánh chứng minh cho điều đó.
Xin Đức Trinh Nữ Maria, là Đấng đã sống lòng tin bằng cách trung thành theo Chúa Giêsu Con Mẹ, cũng giúp chúng ta bước đi trên con đường của Ngài bằng cách quảng đại xả thân cho Chúa và cho các anh chị em khác.
ĐTC tặng thánh giá – dấu chỉ tình yêu của Chúa
Sau kinh Truyền Tin ĐTC, trước sự ngạc nhiên của các tín hữu, ĐTC loan báo rằng ngài tặng cho các tín hữu một thánh giá. ĐTC nói: “Thánh giá là dấu chỉ tình yêu của Thiên Chúa va qua Chúa Giêsu, Thiên Chúa đã ban tặng sự sống cho chúng ta. Tôi mời anh chị em đón nhận món quà này và mang vào nhà anh chị em, vào phòng của con cái anh chị em, hoặc ông bà của anh chị em … ở bất kỳ nơi nào, nhưng trong nhà. Nó không phải là một vật trang trí, mà là một dấu hiệu tôn giáo để chiêm ngưỡng và cầu nguyện. Nhìn Chúa Giê Su bị đóng đinh, chúng ta nhìn vào sự cứu rỗi của chúng ta.”
ĐTC cho biết là món quà của ngài được những người nghèo và những người tỵ nạn phân phát; món quà nhỏ nhưng quý giá! ĐTC nhấn mạnh rằng: “Như mọi khi, đức tin đến từ những người nhỏ bé, từ những người khiêm tốn.”