Thông Tin

Đức Hồng Y Parolin nói về chuyến đi Nga, Thượng Phụ Kirill, Ukraine và Putin

Ngày 25 tháng Tám vừa qua, Đức Hồng Y Parolin, Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh, đã dành cho Văn Phòng Truyền Thông của Tòa Thánh một cuộc phỏng vấn, trong đó ngài trả lời các câu hỏi về chuyến đi nói chung, về Thượng Phụ Kirill, về vấn đề Ukraine, và về Putin.

Nhận định chung của ngài là Nga “có một trách nhiệm đặc biệt trong các vấn đề hòa bình”. “Bất luận là đất nước, bất luận là nhà lãnh đạo của nó, họ đều có một trách nhiệm lớn lao trong việc xây dựng hòa bình và thực sự phải cố gắng đặt hòa bình, một ích lợi lớn lao hơn, lên trên mọi ích lợi khác”.

Hỏi: Thưa Đức Hồng Y, điều dễ hiểu là người ta chờ đợi rất nhiều ở chuyến đi Nga của Đức Hồng Y. Vậy lúc trở về Vatican, Đức Hồng Y có những cảm quan gì?

Đức Hồng Y Parolin: Tôi tin việc lượng giá chuyến đi này là một sự lượng giá tích cực và, do đó, cảm quan của tôi hiển nhiên là cảm quan biết ơn Chúa đã đồng hành với tôi trong mấy ngày qua. Chúng tôi đã có thể chu toàn chương trình đã đưa ra, có những cuộc gặp gỡ đã hoạch định, và tôi phải nói rằng những cuộc gặp gỡ này, cả ở cấp Chính Quyền Dân Sự, lẫn với Tổng Thống Putin rồi sau đó với ngoại trưởng Lavrov và rồi với các vị lãnh đạo cao cấp của hàng giáo phẩm thuộc Giáo Hội Chính Thống Nga, tức Thượng Phụ Kirill và Tổng Giám Mục Hilarion, đều thực sự diễn ra trong một bầu không khí thân ái, một bầu không khí lắng nghe nhau và một bầu không khí tôn trọng nhau. Tôi có thể mô tả chúng là những cuộc gặp gỡ có ý nghĩa; chúng cũng là các cuộc gặp gỡ xây dựng. Xem ra đối với tôi nên nhấn mạnh tới các chữ này: các cuộc gặp gỡ xây dựng. Rồi, điều cũng hiển nhiên là cuộc gặp gỡ với cộng đồng Công Giáo. Trên hết, nhờ cuộc đàm thoại và đối thoại chúng tôi có được với các vị giám mục tại Tòa Khâm Sứ, nên chúng tôi biết được một cách thân thiết hơn thực tế, sinh hoạt của cộng đồng Công Giáo ở Nga, các niềm vui, niềm hy vọng của cộng đồng này, nhưng cũng biết cả các thách đố và khó khăn mà công đồng này hẳn đang phải đối phó. Tới một mức nào đó, cũng có thể nói là đã đại diện cho cộng đồng này, trình bầy các khía cạnh trên cho các nhà cầm quyền. Xin đơn cử một việc: đó là vấn đề hoàn trả lại một số nhà thờ, trước đây bị trưng thu thời chế độ Cộng Sản và cho đến nay chưa có dự liệu hoàn trả nào, dù cộng đồng Công Giáo quả đang cần có các nơi thờ phượng thích đáng. Do đó, tôi có thể nói, cuối cùng, xin chỉ dùng một chữ, đây là một chuyến đi hữu ích, một chuyến đi thích thú và là chuyến đi xây dựng.

Hỏi: Đức Hồng Y đã có dịp nói với Đức Thánh Cha về chuyến đi chưa? Đức Hồng Y có thể chia sẻ điều gì trong những điều Đức Hồng Y đã nói?

Đức Hồng Y Parolin: Vâng, dĩ nhiên là có, ngay sau khi trở về, tôi được Đức Giáo Hoàng triệu vời nên đã trình lên ngài một bản phúc trình rất ngắn, tổng hợp cả về nội dung cũng như các kết quả của chuyến đi và, lẽ dĩ nhiên, tôi cũng đệ trình ngài những lời chào kính đã được các vị tôi gặp ủy thác cho tôi, lòng âu yếm và sự gần gũi của cộng đồng Công Giáo, các lời chào kính đa dạng của các nhà cầm quyền. Tôi nhớ Tổng Thống Putin, và tôi tin việc này cũng đã được ghi lại trong phần gặp gỡ công khai, Tổng Thống Putin nhấn mạnh tới kỷ niệm sống động trong các lần ông được hội kiến Đức Giáo Hoàng Phanxicô trong các năm 2013 và 2015, và cả lời chào kính huynh đệ của Thượng Phụ Kirill nữa. Hiển nhiên, Đức Giáo Hoàng rất hài lòng với các ấn tượng này, với những kết quả tích cực tôi trình lên ngài; Đức Giáo Hoàng rất, như ta thấy, rất cẩn trọng đối với bất cứ cơ hội đối thoại có thể có nào, ngài rất cẩn trọng, trân qúy mọi cơ hội đối thoại hiện có nào và ngài rất vui khi có các biện pháp được đẩy mạnh theo hướng này.

Hỏi: Trong cuộc gặp gỡ Thượng Phụ Kirill, đâu là các đề tài chính?

Đức Hồng Y Parolin: Tôi có thể nói thế này: chủ yếu chúng tôi đã suy nghĩ đôi chút về bầu khí mới này, bầu không khí mới đang chi phối các mối liên hệ giữa Giáo Hội Chính Thống Nga và Giáo Hội Công Giáo, bầu khí mới này, bầu không khí mới này từng đã được thiết lập trong mấy năm qua và, dĩ nhiên, có những lúc được đẩy nhanh một cách cực kỳ đặc biệt nhờ cuộc gặp gỡ tại Havana giữa Thượng Phụ và Đức Giáo Hoàng, và sau đó là biến cố này. Quả thực, tôi nhận thấy về phía qúy đối thoại viên Chính Thống Giáo: họ hết sức cảm động đối với kinh nghiệm được tôn kính di tích của Thánh Nicholas thành Bari tại Mạc Tư Khoa và St Petersburg, nhưng theo nghĩa họ cảm động bởi đức tin và lòng đạo của dân chúng. Cũng cần nhấn mạnh rằng rất nhiều người Nga tuy thuộc truyền thống Chính Thống Giáo nhưng không lui tới với Giáo Hội, không thực hành đạo, dịp này đã tiếp xúc với Giáo Hội. Quả là một biến cố vĩ đại cả về phương diện chiều kích: người ta nói tới con số 2 triệu rưỡi tín hữu kính viếng di tích, lẫn về phương diện tác động của đức tin và linh đạo do biến cố này sản sinh ra. Sau đó, chúng tôi đã duyệt lại đôi chút các biện pháp đã đưa ra và các biện pháp cần được đưa ra trong tương lai. Đối với tôi, xem ra, cả ở phía họ, lẫn ở phía chúng ta, hiện có ước muốn phải triệt để khai thác các tiềm năng đã được mở ra trong giai đoạn mới này, và, dĩ nhiên, sự hợp tác có thể diễn ra trong môt số lãnh vực, ở những bình diện khác nhau: từ việc hợp tác văn hóa, học thuật, tới việc hợp tác nhân đạo… Đã có nhiều sự nhấn mạnh tới điểm này là đứng trước nhiều tình huống tranh chấp hiện có trên thế giới, hai Giáo Hội có thể thực sự tiến hành một nỗ lực nhân đạo sâu sắc và hữu hiệu. Cũng đã bàn một cách tôn trọng và đồng thời thành thực xem có những vấn đề gai góc gì trong các liên hệ giữa hai Giáo Hội; tuy nhiên, ít nhất, dường như đối với tôi, căn cứ vào những điều tôi thu lượm được, đã có cố gắng đưa ra một chiều hướng khá tích cực, tức, thăm dò những cách chung để bàn và cố gắng đạt được các giải pháp có thể có cho các vấn đề này. Và, dĩ nhiên, những cách chung này, những đề nghị cụ thể đã xuất đầu lộ diện này cũng cần được thẩm tra và có thể đem ra thi hành sau một cuộc biện phân thích đáng và suy nghĩ thêm.

Hỏi: Thưa Đức Hồng Y, về các chủ đề nhậy cảm nhất: vấn đề Ukraine là một trong các chủ đề tế nhị nhất trong các liên hệ giữa Tòa Thánh và Nga. Chính Đức Hồng Y đã thăm Ukraine cách nay 1 năm. Sau chuyến thăm của Đức Hồng Y, có tin tức gì mới không?

Đức Hồng Y Parolin: Tin tức, ít nhất cho tới nay, không có tin tức gì cả… có lẽ quá sớm để nghĩ đến một thứ tin tức nào đó. Chúng ta hy vọng Chúa tạo ra các hạt giống tốt lành mà chúng ta đã cố gắng gieo, đâm trồi và mang hoa trái. Tuy nhiên, như đã nói, vấn đề Ukraine là vấn đề được Tòa Thánh hết sức quan tâm: Đức Giáo Hoàng đã nhiều lần lên tiếng về vấn đề này… Điều hiển nhiên là vấn đề này không thể không bàn đến; nó không thể bị làm ngơ trong hoàn cảnh này. Tôi muốn nói một cách đặc biệt theo nghĩa cố gắng nhìn, lượng giá xem liệu có những biện pháp cụ thể nào có thể đưa ra để đạt một giải pháp lâu dài và công chính cho cuộc tranh chấp, giữa các phương thế hiện có, tức các Thoả Hiệp đã được hai bên thỏa thuận. Điều cũng được ghi nhận là Tòa Thánh vốn nhấn mạnh một cách đặc biệt tới các khía cạnh nhân đạo, bắt đầu với sáng kiến lớn của Đức Giáo Hoàng về Ukraine. Liên quan tới việc này, một trong các chủ đề là vấn đề thả tù binh; đây là một trong các chủ đề “nhân đạo” hết sức quan trọng trong việc đem một kích thích nào đó trở lại với trọn bộ diễn trình chính trị này, thoát khỏi tình huống ngưng trệ này để bắt đầu đẩy mạnh vấn đề ngưng bắn, vấn đề buông súng, vấn đề các điều kiện bảo đảm an ninh trên lãnh thổ, cả vấn đề các điều kiện chính trị để có thể tạo tiến bộ trong giải pháp hoàn cầu. Thực vậy, chúng tôi hy vọng một điều gì đó có thể giúp bước đi đúng hướng, lưu ý tới việc khi ta nói tới tình thế, tới các vấn đề nhân đạo, là chúng ta nói tới những con người và chúng ta nói về nỗi đau đớn. Và tôi tin rằng đó là tất cả những điều ta phải ghi nhớ khi cố gắng thêm để đi đúng hướng.

Hỏi: Báo chí, dĩ nhiên, rất lưu ý tới cuộc gặp gỡ của Đức Hồng Y tại Sochi với Vladimir Putin. Cuộc đàm thoại với Tổng Thống Nga ra sao?

Đức Hồng Y Parolin: Tôi xin nói rằng cuộc đàm luận với Tổng Thống Putin cũng phần nào như lời lượng định lúc ban đầu của tôi: nó là một cuộc gặp gỡ thân tình, một cuộc gặp gỡ tôn trọng lẫn nhau trong đó chúng tôi có thể bàn đến đủ mọi vấn đề, những vấn đề mà ít nhất chúng tôi muốn bàn đến, như vấn đề Trung Đông, tình hình ở Syria nói riêng, và trong bối cảnh này cả vấn đề sự hiện diện của các Kitô hữu nữa: chúng ta biết rằng một trong các trùng hợp hiện hữu giữa Nga và Tòa Thánh đúng là việc lưu ý tới tình thế của các Kitô hữu, vấn đề bách hại các Kitô hữu, một việc bách hại chúng tôi muốn kéo dài tới mọi nhóm tôn giáo, dĩ nhiên, và mọi nhóm thiểu số, tìm cách bao gồm cả người Hồi Giáo, như đã làm tại cuộc hội thảo tổ chức tại Geneva năm ngoái. Rồi đề tài Ukraine, chúng tôi đã nói đến phần nào; vấn đề Venezuela: tôi thấy báo chí cũng đã tường thuật một số lời tuyên bố đưa ra liên quan đến vấn đề này. Rồi đến các vấn đề song phương, mà tôi đã nhắc lúc đầu, chúng tôi trình bầy một số tình huống khó khăn của cộng đồng Công Giáo. Trên hết, tôi cố gắng nói điều này, đây là sứ điệp tôi muốn thông truyền: đó là nước Nga, vì vị thế địa dư, vì lịch sử của nó, vì nền văn hóa của nó, vì quá khứ của nó, vì hiện tại của nó, có một vai trò lớn lao phải đóng trong Cộng Đồng Quốc Tế, trong thế giới, một vai trò lớn phải đóng. Bởi đó, nó có trách nhiệm đặc biệt trong các vấn đề hòa bình, cả nước cũng như nhà lãnh đạo của nó, đều có trách nhiệm lớn lao trong các vấn đề xây dựng hòa bình và phải thực sự thực hiện một cố gắng để đặt lợi ích lớn lao hơn là hòa bình trên mọi lợi ích khác.

Hỏi: Cuối cùng, thưa Đức Hồng Y, ngoài các cuộc gặp gỡ hết sức quan trọng ra, có còn khoảnh khắc hay khía cạnh đặc biệt nào khác mà Đức Hồng Y muốn nhấn mạnh không?

Đức Hồng Y Parolin: Có, đó là giây phút tươi đẹp được cử hành Thánh Lễ với cộng đồng Công Giáo. Nhà Thờ Chính Tòa đầy người và đây quả là một ngạc nhiên, vì là ngày thường trong tuần và do đó, chúng tôi không mong sẽ có nhiều người đến thế; rồi, tất nhiên, tôi luôn ngạc nhiên trước đức tin và lòng sùng kính của những người dân này: cách họ tham dự Thánh Lễ, họ hiện diện ở đây một cách hết sức chú ý, hết sức tôn kính, hết sức thinh lặng. Tôi tin họ đến đây trước hết để biểu lộ sự gắn bó của họ với Đức Giáo Hoàng và sự kiện họ là chi thể của Giáo Hội hoàn vũ. Thành thử, đó là khoảnh khắc tươi đẹp. Một khoảnh khắc tươi đẹp khác là ít phút đến thăm công việc của các nữ tu của Mẹ Têrêxa ở Mạc Tư Khoa. Chúng tôi đã có thể gặp và chào kính mọi người được các chị giúp đỡ, ở đấy, người ta cũng biểu lộ một lòng mộ mến lớn lao đối với Đức Giáo Hoàng. Và rồi, điều cuối cùng tôi muốn nhắc đến là: Tôi rất có ấn tượng đối với cuộc viếng thăm vào buổi tối Nhà Thờ Chính Tòa Chúa Kitô Cứu Chuộc, là Nhà Thờ Chính Tòa Chính Thống Giáo của Mạc Tư Khoa; nhà thờ chính tòa này bị phá sập dưới chế độ Cộng Sản. Và, do đó, đấy cũng là một khoảnh khắc để tưởng nhớ lịch sử đau thương nhất của giai đoạn ấy, trong đó, người ta muốn tận diệt đức tin khỏi tâm hồn các tín hữu và loại bỏ mọi dấu hiệu chỉ sự hiện diện của Thiên Chúa và Giáo Hội tại Lãnh Thổ này. Một điều đã không thành công, vì Thiên Chúa lúc nào cũng lớn hơn các dự án của con người.

Theo bản tiếng Anh của © ZENIT

Vũ Văn An

Nguồn: vietcatholic.org

You may also like