Người môn đệ phải sống nghèo với con tim không dính bén với giàu sang
Cách thức sống nghèo đầu tiên của người môn đệ là không dính bén với tiền bạc và sự giàu có. Đó là điều kiện để bắt đầu hành trình của người môn đệ. Nó bao hàm một “con tim khó nghèo”, đến nỗi nếu trong việc tông đồ, cần những tổ chức và cơ cấu mà dường như cho thấy sự giàu có, hãy sử dụng chúng thật tốt – nhưng đừng dính bén. Thực thế, người thanh niên giàu có trong Tin Mừng đã làm Chúa Giêsu cảm động nhưng anh không thể theo Người bởi con tim anh dính bén với của cải. Nếu bạn muốn theo Chúa Giêsu, hãy chọn con đường nghèo khó và nếu bạn giàu có thì đó là bởi Thiên Chúa đã ban nó cho bạn, để phục vụ người khác, nhưng con tim của bạn, đừng dính bén. Người môn đệ không sợ nghèo khó, mà ngược lại, người ấy cần phải sống nghèo.
Nghèo khó trong việc chịu bách hại vì Tin Mừng
Hình thức thứ hai của việc sống nghèo là việc chịu bách hại. Trong bản văn Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu sai các môn đệ ra đi như “những con chiên vào giữa bầy sói.” Cũng thế, ngày nay, có nhiều Kitô hữu chịu bách hại vì Tin Mừng và bị vu khống.
Hôm qua, trong hội trường của Thượng Hội Đồng, một giám mục đến từ một trong những vùng đất đang chịu bách hại kể lại việc một thanh niên công giáo đã bị một nhóm thanh niên cực đoan, chống lại Giáo Hội bắt đi. Anh ấy bị đánh và bị ném xuống một giếng nước. Rồi chúng ném bùn xuống. Cuối cùng, khi bùn lên tới cổ, chúng hỏi: Cho mày nói lần cuối: mày có chối bỏ ông Giêsu Kitô không? – Không. Sau đó chúng ném một hòn đá xuống và giết anh. Tất cả chúng ta đều nghe điều đó. Và việc này không phải ở thế kỷ đầu tiên đâu, nó mới diễn ra cách đây hai tháng thôi. Đó là một ví dụ. Nhưng có rất nhiều Kitô hữu ngày nay đang bị bách hại về thể lý. Ôi! Đó là phạm thượng, hãy treo cổ nó.
Ngày nay, cũng có một hình thức bách hại khác. Việc bách hại của những lời vu khống, của những tin đồn và người Kitô hữu thinh lặng, chịu đau khổ vì sự nghèo khó này. Thỉnh thoảng, cũng cần phải tự vệ để không vướng vào xì-căng-đan. Những bách hại nhỏ nơi hàng xóm, nơi giáo xứ… nhỏ thôi, nhưng chúng là thử thách và một chứng thực: thử thách của một cuộc sống nghèo. Đó là cách thức sống nghèo thứ hai mà Chúa Giêsu đòi hỏi nơi ta.
Cái nghèo của việc cảm thấy bị bỏ rơi
Hình thức sống nghèo thứ ba: đó là sự nghèo khó của cô độc, của việc bị bỏ rơi. Bài Đọc Một ngày hôm nay cho ta một ví vụ. Trong bài trích thư thứ hai gửi cho Timothe, “thánh Phaolo” – một người vốn “không sợ hãi điều gì” kể rằng trong phiên bào chữa đầu tiên tại công đường, không ai giúp ngài cả: “tất cả đều bỏ rơi tôi.” Nhưng ngài lại thêm rằng Thiên Chúa ở cùng ngài và ban cho ngài sức mạnh. Trong lúc bị bỏ rơi của người môn đệ: như nó có thể xảy ra với một chàng trai hay một cô gái 17-20 tuổi, những người với nhiệt huyết của mình, đã từ bỏ giàu sang để theo Chúa Giêsu, và rồi, với sức mạnh và trung tín, hàng ngày họ chịu đựng những vu khống, những bách hại, đố kỵ và ngờ vực, lớn có nhỏ có. Và sau cùng, Thiên Chúa cũng có thể đòi hỏi người môn đệ cô độc đến giờ sau hết.
Cha nghĩ về người cao trọng nhất trong số những người được người nữ sinh ra: Gioan Baotixita. Vị ngôn sứ cao cả: dân chúng đã đến với ngài để chịu phép rửa. Kết cục của ngài thế nào? Một mình, trong lao tù. Các con hãy nghĩ xem, điều gì là ngục tù trong thời đại đó, bởi nếu những thứ trong thời đại này cũng thế, các con hãy nghĩ về điều đó… Cô đơn, bị lãng quên, bị sát hại vì sự yếu đuối của nhà vua, vì sự thù ghét của bà hoàng hậu ngoại tình và vì sự nhất thời của cô gái. Đó là kết cục của một người vĩ đại nhất trong lịch sử. Và không đâu xa, nhiều lần trong những nhà hưu, có rất nhiều linh mục, nữ tu – những người đã dành cả đời để truyền giảng Tin Mừng, họ cảm thấy cô độc, cô độc với Thiên Chúa: không ai nhớ đến họ.
Tất cả môn đệ phải biết cách bước đi trên đường nghèo khó
Một hình thức của nghèo khó mà Chúa Giêsu đã hứa cho chính thánh Phê-rô: “khi anh còn trẻ, anh đi đến nơi anh muốn; nhưng khi đã già, người ta sẽ đưa anh đến nơi anh chẳng muốn.” Vì thế, người môn đệ là người nghèo theo nghĩa không dính bén với của cải, đây là bước đầu tiên. Và người ấy là người nghèo vì kiên tâm trước bách hại lớn nhỏ, và người ấy nghèo bởi sống trong tình trạng bị bỏ rơi cho đến cuối đời. Thực vậy, chính con đường của Chúa Giêsu cũng kết thúc với lời cầu nguyện cùng Chúa Cha: “Cha ơi, Cha ơi, sao Cha bỏ con?”
Chúng ta hãy cầu nguyện cho các môn đệ, những linh mục, nữ tu, giám mục, giáo hoàng, giáo dân, để họ có thể biết cách bước đi trên con đường nghèo khó mà Thiên Chúa muốn.
Trần Đỉnh, SJ