Chưa được phân loại

Hạnh các thánh ngày 13.6

THÁNH ANTÔN PAĐUA.

Linh mục tiến sĩ Hội Thánh

Lòng tôn sùng rộng rãi và mạnh mẽ đối với thánh Antôn Padua thật lạ lùng so với những sự kiện đời Ngài.

Ngài sinh năm 1195 có lẽ gần Lisbonne, nước Bồ Đào Nha, trong một gia đình quyền quý vương giả. với tên gọi là Fernando. Cha Ngài là hiệp sĩ và viên chức tại triều đình hoàng đế Alphongsô thứ II, vua nước Bồ Đào Nha.

herp-saint-anthony-padua-distributing-bread

Femado được gởi đi học trường nhà thờ chánh tòa tại Lisbonne. Nhưng vào tuổi 15, Ngài gia nhập dòng thánh Augustinô. Sau hai năm tại nhà dòng, Ngài xin được chuyển về Coimbra vì bạn bè đến thăm quá đông. Tu viện Coimbra có một trường dạy Thánh kinh rất danh tiếng. Thánh nhân theo học 9 năm Thần học và Kinh Thánh và đã chịu chức linh mục tại đây. Fernado nỗ lực học hỏi và đã trở thành học giả sâu sắc về thần học và kinh thánh.

Ngày kia với nhiệm vụ tiếp khách, Ngài săn sóc cho 5 tu sĩ Phanxicô đang trên đường tới Morocco truyền giáo. Về sau họ bị tàn sát dã man và thi hài họ được đứa về Coimbra để tổ chức quốc táng. Sự kiện này thôi thúc Femando mong ước hiến đời mình cho cánh đồng truyền giáo xa xăm.

Nôn nóng với ước vọng mới, Fernando phải tiến một bước bất thường đầy đau khổ là rời bỏ dòng Augustinô để nhập dòng Phanxicô. Nhà dòng đặt tên Ngài là Antôn và chấp thuận cho Ngài tới Morocco. Nhưng vinh dự tử đạo không được dành cho ngài, ý Chúa muốn chọn ngài làm việc khác sáng danh Chúa hơn, ngài ngã bệnh và phải trở về nhà. Trên đường về, con tàu bị bão thổi bạt từ Messina bờ biển Phi châu về Sicyly. Thế là An tôn nhập đoàn với anh em Phanxicô nước Ý. Có lẽ thánh nhân có mặt trong cuộc họp tổng tu nghị ở Assisi, dịp lễ Hiện Xuống năm 1221, và gặp thánh Phanxicô ở đây. ít lâu sau Ngài được gởi tới viện tế bần ở Forli gần Emilia để làm những công việc thấp hèn. Ngài cũng trải qua một thời gian sống cô tịch tại Monté Paolô ở Roma, sống đời phục vụ khiêm hạ, chuyên tâm cầu nguyện và thống hối.

Dầu vậy một biến cố bất ngờ khiến người ta khám phá ra khả năng đặc biệt của thánh nhân. Trong một buổi lễ phong chức ở Forli, nhà giảng thuyết được mời vắng mặt mà không ai dám thay thế. Cha giám tỉnh truyền cho Antôn lên tòa giảng. Vì đức vâng lời, Ngài đã giảng buổi lễ hôm đó, mọi người đều kinh ngạc về tài hùng biện và sự khôn ngoan của Ngài. Người ta thấy ngay được rằng: Ngài là một nhà giảng thuyết bậc nhất. Hậu quả tức thời: Ngài được chỉ định làm nhà giảng thuyết trong cả Atalia. Đây là một thời mà Giáo hội cần đến những nhà giảng thuyết hơn bao giờ hết để chống lại các lạc thuyết.

Kể từ đó nhà tế bần Forli không còn gặp lại Antôn nữa, Ngài du hành không ngừng bước từ miền nam nước Ý tới miên Bắc nước Pháp, hiến trọn thời gian và năng cực cho việc giảng dạy. Sự đáp ứng của dân chúng đã khích lệ Ngài nhiều, các nhà thờ không đủ chỗ cho người đến nghe. Người ta phải làm bục cho Ngài đứng ngoài cửa. Nhưng rồi đường phố và quảng trường đã lại chật hẹp quá và người ta phải mang bục ra khỏi thành phố tới những cánh đồng hay sườn đồi, nơi có thể dung nạp những 20, 30, 40 ngàn người đến nghe Ngài. Nghe tin Ngài đến đâu, thì nơi đó tiệm buôn đóng cửa, chợ hoãn phiên họp, tòa ngưng xử án. Suốt đêm dân chúng từ khắp hướng đốt đuốc tụ về. Dường như bất cứ ai một lần chịu ảnh hưởng của thánh Antôn thì không có gì chống lại được sự lôi cuốn bởi các bài giảng của Ngài. Ngài đã can đảm đương đầu với các người lạc giáo và các nhà độc tài để bênh vực người yếu thế.

Nghe ngài giảng, kẻ tội lỗi hối cải, người lạc đạo ăn năn, kẻ nhân đức thêm đạo hạnh. Đức Giáo Hoàng Gregorio IX gọi ngài là “Hòm bia giao ước và là cái búa giáng xuống kẻ lạc giáo”. Dưới đây là một đoạn trong bài giảng của Ngài, nói về lời giảng phải đi đôi với việc làm: “Ai được đầy Thánh Thần, thì nói nhiều ngôn ngữ. Nhưng ngôn ngữ đây chính là những chứng từ khác nhau về Đức Kitô như là khiêm nhường, nghèo khó, nhịn nhục và vâng lời. Ta nói lên những sự ấy khi ta bày tỏ chúng ra cho người khác thấy nơi con người chúng ta. Lời nói sẽ sống động, khi chính các hành động nói lên, thế nên tôi xin các bạn hãy im tiếng để cho hành động nói lên. Chúng ta đầy dẫy những lời nhưng hành động trống rỗng, nên bị Chúa nguyền rủa như Người đã nguyền rủa cây vả chỉ có lá mà không có quả. Thánh Gregorio nói “Luật được đề ra cho những người giảng đạo để họ thực hành điều họ giảng”. Họ sẽ mất giờ giảng cho người khác biết trong khi hành động của họ phá hoại lời giảng…”

Tương truyền, thánh nhân làm được rất nhiều việc lạ.

Dường như Thiên Chúa muốn chứng thực lời giảng của thánh nhân bằng những việc lạ thường như thế.

Ngài thường mạnh mẽ chống lại sự yếu đuối của hàng tu sĩ qua những tội nổi bật trong xã hội đường thời như: tính tham lam, nếp sống xa hoa, sự độc đoán của họ. Đây là một giai thoại điển hình: khi Ngài được mời để giảng ở hội đồng họp tại Bourges, dưới sự chủ tọa của tổng giám mục Simon de Sully. Với những lời mở đầu “Tibi loquor cornute” (Tôi xin thưa cùng Ngài đang mang mũ giám mục trên đầu), thánh nhân tố giác vị giám mục nơi Ngài tới, làm mọi thính giả phải kinh ngạc.

Cũng tại Bourges, nên ghi lại một phép lạ lừng danh về một con lừa thờ lạy bí tích Thánh Thể. Với một người Do thái không tin Chúa hiện diện trong Mình Thánh. Thánh nhân nói: “Nếu con lừa ông cưỡi mà quỳ xuống và thờ lạy Chúa ẩn mình dưới hình bánh thì ông có tin không?” Người Do thái nhận lời thách thức. Hai ngày sau ông ta không cho lừa ăn rồi dẫn tới chỗ họp chợ, giữa một bên là lúa mạch và bên kia thánh Antôn kiệu Mình Thánh Chúa đi qua, con vật quên đói quay sang thờ lạy Chúa.

Mùa chay cuối cùng thánh Antôn giảng ở Padua. Và người ta còn nhớ mãi về sự nhiệt tình mà thánh nhân đã khơi dậy. Dân địa phương không thể nào tìm ra thức ăn lẫn chỗ ở cho đoàn người đông đảo kéo tới. Nhưng sau mùa chay này, thánh nhân đã kiệt sức. Ngài xin các bạn đồng hành đưa về nhà thờ Đức Maria ở Padua để khỏi làm phiền cho chủ nhà trọ. Không nói được nữa. Ngài dừng chân ở nhà dòng Đức Mẹ người nghèo ở Arcella.

Tại đây, người ta đặt Ngài ngồi dậy và giúp Ngài thở. Ngài bắt đầu hát thánh thi Tạ ơn và qua đời giữa tiếng ca ngày 13.6.1231.

Không đầy một năm sau, Đức Giáo Hoàng Gregorio IX đã phong thánh cho ngài và Đức Piô XII đã tôn Ngài lên làm Tiến sĩ Hội Thánh. Một đại giáo đường đã được cất lên để tôn kính ngài, ngày nay vẫn còn là đích điểm của biết bao cuộc hành hương trên khắp thế giới.

Lạy Thiên Chúa toàn năng hằng hữu, Chúa đã ban cho dân Chúa một nhà giảng thuyết lừng danh và cũng là người cứu giúp những kẻ khốn cùng, đó là thánh linh mục Antôn.Xin nhận lời thánh nhân chuyển cầu, mà cho chúng con biết trung thành tuân giữ giáo huấn của Đức Kitô để được Chúa giúp đỡ trong những lúc ngặt nghèo. Chúng con cầu xin, nhờ Đức Kitô, Chúa chúng con. Amen.

Thánh ÂUTINH HUY, NICOLA THỂ Và ĐAMINH ĐINH ĐẠT

Quân nhân tử đạo

Một ngày mùa Hạ 1839, vua Minh Mạng rời hoàng cung đi dạo và quan sát dân tình Huế. Mọi sinh hoạt phải tạm ngưng, mọi người phải dạt vào lề đường chờ xa giá vua đi qua mới tiếp tục công việc. Bỗng xuất hiện 2 người lính không thuộc đội cận vệ, tiến ra và quỳ rạp trước kiệu rồng, hai tay nâng cao tờ sớ. Viên quan hầu nhận sớ trình vua xem, tuy chỉ thấy 2 người lính nhưng sớ ký tên 3 người là các ông Âutinh Huy, Nicola Thể và Đaminh Đạt. Sớ viết: “Cha ông chúng tôi đã theo đạo Giatô, năm ngoái các quan tra tấn ép buộc bước qua Thánh giá, chúng tôi đã miễn cưỡng làm theo chứ thực tâm không muốn, nay chúng tôi xin tiếp tục giữ đạo để tròn chữ hiếu với cha ông chúng tôi”. Đây là biến cố chính đưa đến cái chết anh dũng của các vị tử đạo mà chúng ta mừng kính.

tdvn_AugustinoPhanVietHuyThánh Đaminh Đinh Đạt NicolasBuiDucThe

Thánh Huy, Thể, Đạt

Gian lao thử thách là cơ hội quý giá cho người môn đệ làm chứng cho Chúa trước mặt người đời. Và kẻ nào bền chí đến cùng, kẻ ấy sẽ được cứu thoát. Chính các thánh Âutinh Huy Nicola Thể và Đaminh Đinh Đạt đã thực hành đúng Lời Chúa, đã kiên trì bền chí chịu hình khổ đến cùng vì Chúa, nên đã được cứu thoát, được lãnh triều thiên vinh hiển…

Âutinh Phan Viết Huy sinh năm 1795, tại làng Hạ Linh, thuở bé có dâng mình cho Chúa chuẩn bị làm thầy giảng nhưng sau ra ngoài lập gia đình và tham gia quân ngũ được 10 năm. Nicola Bùi Đức Thể sinh năm 1792 tại làn Kiên Trung, tính đến ngày bị bắt, ông mới đi lính được 1 tháng, và Đaminh Đinh Đạt sinh năm 1803 tại làng Phú Nhai, tuy ít tuổi nhất nhưng ông đã tham gia quân đội được 12 năm, tất cả là quân nhân ở tỉnh Nam Định, dưới thời vua Minh Mạng. Cả ba đều nhiệt thành thờ kính Chúa và sống đạo đức lương thiện.

Theo lệnh vua, các quan phải truy lùng khắp nơi, bắt hết người Công giáo. Ai chịu bước qua Thập Giá, bỏ đạo thì tha. Ai bất tuân sẽ bị tù đày hoặc giết chết. Lúc đó, quan tổng trấn tỉnh Nam Định là Trịnh Quang Khanh không lo thi hành lệnh vua, nên bị khiển trách và hăm dọa cách chức. Ông ta hoảng hốt, sợ mất quyền hành chức tước nên đâm ra oán ghét người Công giáo, và thề quyết tận diệt họ. Từ đó ông trở thành “Hùm xám” tỉnh Nam Định.

Công việc trước tiên ông ta định làm là thanh lọc lại hàng ngũ quân đội. Biết rõ trong số các quân nhân dưới quyền ông có nhiều người theo “Giatô tả đạo”. Nếu không tận diệt họ trước, họ sẽ dung túng che chở cho người đồng đạo. Và như thế, ông sẽ không thi hành đúng lệnh vua.

Dựa theo lý lịch, ông cho dọn đại tiệc thiết đãi hết các binh sĩ Công giáo trong tỉnh Nam Định. Có tất cả khoảng 500 người phải đến dự bữa tiệc này.

Gần bên phòng tiệc, ông cho đặt sẵn một cây Thánh Giá, với gông cùm xiềng xích đòn vọt…

Tiệc vừa xong, ông mời mọi người sang phòng đó, chỉ cho họ xem một bên là Thánh Giá, một bên là các dụng cụ hành khổ và dõng dạc tuyên bố: “Tôi biết anh em vì lầm lạc mà theo Giatô tả đạo, là thứ đạo đức vua đã cấm. Tôi thương anh em, muốn cứu anh em. Vậy anh em hãy bước qua Thập Giá để được về với gia đình và được đức vua khen thưởng. Ai ngoan cố không chịu bỏ tà đạo, sẽ gánh chịu các hình khổ ghê gớm kia”.

Khốn thay,  hôm đó chỉ có 15 người can đảm không bước qua Thánh Giá. Quan tổng đốc liền ra lệnh gông cùm và tống giam 15 người vào ngục.

Liên tiếp mấy ngày liền, quan cho dẫn họ ra công đường, tra tấn đánh đập tàn nhẫn, buộc phải đạp lên Thánh Giá. Vì đau đớn quá, chịu không nổi, họ bỏ đạo từ từ. Sau cùng chỉ còn có ba ông: Âutinh Huy, Nicola Thể và Đaminh Đinh Đạt. Còn bao nhiêu người kia đều nhát đảm chối Chúa bỏ đạo! Riêng ông Huy, vì trước đây có lấy vợ nhỏ ở tỉnh, đêm hôm đó trốn ra ngoài xưng tội và làm tờ cam kết bỏ vợ nhỏ với cha Năng tại họ Phúc Đường rồi trở vào tù với anh em. Giai đoạn này Trịnh Quang Khanh đang bị ngưng chức, tổng trấn Lê văn Đức tạm thay quyền đã cho lệnh đóng gông và đưa các ngài phơi nắng nơi công cộng suốt 21 ngày liền, mọi người đi qua đều được tự do hành hạ sỉ nhục, nhưng quan lại thất bại.

Quan tổng đốc thấy cực hình không lay chuyển nổi niềm tin sắt đá của ba chiến sĩ dũng cảm này, liền cho gọi hết các kỳ lão ba làng Hạ Lỉnh, Kiên Trung và Phú Nhai đến, bảo phải khuyên thế nào cho các ngài bỏ đạo, bằng không sẽ bị trừng phạt nặng nề. Họ hết sức năn nỉ khuyên lơn. Nhưng ba vị anh hùng của Chúa vẫn can đảm trung kiên. Quan liền ra lệnh đánh đòn các kỳ lão trước mặt các ngài. Thấy các ông bị đòn đau đớn quá, các ngài cảm động, chịu quá khóa bỏ đạo! Thế là vì một chút tình cảm tầm thường mà ba chiến sĩ anh dũng của Chúa đã sa ngã. Thật đúng, tình cảm rất nguy hại…

Nhưng khi được trả tự do về nhà, các ông Âutinh Huy, Nicola Thể và Đaminh Đạt cảm thấy áy náy trong lòng, lương tâm cắn rứt. Từ đó, các ông vô cùng hối hận, cùng nhau trở lại tỉnh Nam Định, vào thẳng dinh quan tổng đốc, cùng tuyên xưng đức tin và thề quyết không chối Chúa bỏ đạo. Nhưng quan chỉ ra lệnh đánh đòn ba ông rồi đuổi về. Một hôm, nghe tin vua Minh Mạng ngự giá dạo chợ ở Huế,

các ông đón đường, đệ đơn tuyên xưng đức tin lên vua. Đọc xong, vua nổi giận, truyền tống giam các ông.

Một hôm quan hỏi: “sao có 2 mà lại đến 3 chữ ký”, “thưa quan, anh Đạt cũng không chịu quá khoá, nhưng bận việc quân nên không thể đi theo chúng tôi được. Anh ấy dặn chúng tôi thế nào thì anh ấy cũng thể ấy”. Các quan trình sự việc lên vua.

Sau đó theo lệnh vua, quan bày trước mặt 2 ông 10 nén vàng, 1 tượng chịu nạn, 1 thanh gươm rồi nói: “cho bay tự chọn: bước qua tượng thì được vàng, bằng không thì gươm sẽ chặt đôi ngươi ra, xác sẽ bỏ trôi ngoài biển”. Hai ông bình tĩnh bày tỏ ý chọn gươm. Vua Minh Mạng nổi giận truyền viết bản án như sau: “Trước đây ta đã làm án tử hình, nhưng ta thường chẳng muốn giết, nào ngờ chúng đã mê dại chẳng biết sự phải lẽ. Ta đã mở lối cho chúng ăn năn chừa cải song hai tên cố chấp theo Giatô tả đạo, lại bỏ cả việc quân vào kinh nộp đơn. Thật là bọn kiêu ngạo đáng khinh đáng ghét, chẳng thể để sống được nữa. Vậy 2 tội phạm Phan Viết Huy và Bùi Đức Thể phải cho lĩnh đem ra biển lấy rìu lớn chặt ngang lưng rồi bỏ xác xuống biển, để ai nấy biết tỏ điều răn cấm.”

Và ngày 13.6.1839, hai ông Âutinh Huy và Nicola Thể bị đưa ra biển, họ đặt 1 Thánh Giá ngay trong thuyền để thử xem các ông có đổi ý đạp lên chăng. Nhưng họ thất vọng, họ trói hai ông vào cột chèo, thay vì chặt ngang lưng, họ chặt đầu trước rồi bổ thân ra làm bốn, ném xuống biển làm mồi cho cá.

Còn ông Đaminh Đạt sau khi đi công tác lên tỉnh, ông thu xếp việc nhà, từ giã mọi người và chuẩn bị tâm hồn Xưng tội rước lễ đón nhận cái chết. Vợ con ông khóc lóc, ông lựa lời an ủi và quả quyết Chúa sẽ lo liệu quan phòng mọi sự.

Tổng đốc Trịnh quang Khanh bảo ông: “Hai bạn ngươi vì rồ dại không chịu bỏ đạo tà nên đã bị chém làm tư quãng xuống biển. Còn ngươi nếu khôn thì chối bỏ thứ đạo đó đi về với vợ con”, ông Đạt thưa: “Tôi đã chịu nhiều cực hình vì đức tin, nay tôi sẵn sàng chịu thêm nhiều hình khổ khác nữa. Hai bạn tôi đã được phúc trọng, quan cứ chém tôi thành 8 khúc cũng được”. Quan biết có đe doạ cũng không thành công liền lập án gửi về kinh xin xử giảo.

Ngày 18.7.1839 ông theo lính ra pháp trường Bảy Mẫu. Ông bình tĩnh nghe đọc bản án, rồi qùy gối thần thĩ cầu nguyện, chờ quân lính tháo gông rồi ông nằm xuống, lý hình dùng dây xiết cổ ông cho đến tắt thở. Tín hữu làng Phú Nhai thương lượng với quan quân đem thi hài vị anh hùng tử đạo về an táng tại khu đất của người anh cả của ngài. Sau hài cốt của ngài được lưu giữ tại nhà thờ Phú Nhai.

Đức Thánh Cha Lêô XIII đã phong Chân phước cho ba ông ngày 27.5.1900. Và ngày 19.6.1988, Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã suy tôn các ngài lên bậc Hiển Thánh.

Thánh Anrê TƯỜNG, Vinh sơn TƯƠNG, Đaminh MẠO, Đaminh NGUYÊN và Đaminh NHI

Giáo dân tử đạo.

“Có những người vì đức tin bị tra tấn, bị đánh đòn họ đã từ khước giải thoát ngõ hầu được hưởng sự sống hoàn hảo hơn. Có những người chịu thử thách, chịu sỉ nhục, chịu đòn vọt, họ còn bị xiềng xích ngục tù, bị ném đa, bị cưa xẻ, bị hiếp đáp, bị hành hạ…hết thảy những người đó đã được Thiên Chúa chúa chứng giám nhờ đức tin” (Dt 11,35-37.39) “Thầy bảo thật anh em: nếu ở dưới đất hai người trong anh em họp lại cầu xin bất cứ điều gì, thì Cha Thầy, Đấng ngự trên trời sẽ ban cho. Vì ở đâu có hai ba người họp lại nhân danh Thầy, thì có Thầy ở đấy, giữa họ.” (Mt 18,19-20)

Cầu nguyện chung là phương thế hiệu nghiệm thực hiện bác ái và hiệp thông, để được Chúa nhậm lời. Chúa Giêsu đã khẳng định sự hiện diện của Người ở giữ những kẻ hiệp nhau cầu nguyện, để đảm bảo cho hiệu năng lời cầu khẩn trước mặt Chúa Cha. Chính các Thánh Anh Hùng Tử Đạo Anrê Tường, Vinhsơn Tương, Đaminh Mạo, Đaminh Nhi và Đaminh Nguyên đã thực hiện đúng phương thức cầu nguyện này. Trong lúc chịu khổ hình thử thách vì Chúa, các ngài đã hiệp nhau cầu nguyện liên lỉ, nên được Chúa ban cho nghị lực, và can đảm đến hơi thở cuối cùng.

AnreTuong VinhSonTuong DaminhNguyenDucMao

DaminhNhiDaminhNguyen

Thứ tự các thánh từ trái qua và từ trên xuống: Thánh Tường, Tương, Mạo, Nguyên, Nhi

Hai anh em ruột Anrê Tường sinh năm 1812 và Vinhsơn Tương sinh năm 1814 làm chánh tổng, Đaminh Mạo sinh năm 1818 làm hương quản lo an ninh trật tự trong làng. Cả ba người là giáo dân họ đạo Phú Yên. Còn Đaminh Nguyên sinh năm 1800 là chánh trương xứ Lục Thuỷ và Đaminh Nhi sinh năm 1822 tại họ đạo Ngọc Cục. Cả năm 5 người đều đã lập gia đình, là nông dân khá giả, lương thiện và đạo đức gương mẫu, nên được mọi người kính nể quý trọng. Chịu ảnh hưởng trực tiếp bởi chiếu chỉ phân sáp, 5 giáo hữu này đã đồng lao cộng khổ để cuối cùng đồng vinh quang nước trời. Thiên Chúa đã chứng giám cho niềm tin của họ.

Giữa lúc các ông đang yên ổn làm ăn, sinh sống thờ Chúa giữ đạo, thì ngày 5.8.1861, vua Tự Đức ra chiếu chỉ “Phân sáp” bắt đạo gắt gao, dữ dội. Theo chiếu chỉ này, tất cả các lâng người Công giáo đều phải phân tán, sát nhập vào các làng dân ngoại.

Để thi hành chiếu chỉ nhà vua, ngày 14.9.1861, quan phủ Xuân Trường bắt mọi người Công giáo phải đạp lên Thánh Giá. Ai bất tuân sẽ bị trừng phạt nặng nề. Các ông Anrê tường, Vinhsơn Tương, Đaminh Nguyên can đảm từ chối không chịu quá khóa, nên bị bắt tống giam vào ngục ở làng Bạch Cốc, huyện Vu Bản, tỉnh Nam Định.

Ròng rã hơn 7 tháng trời ở trong ngục, các ông phải chịu gông cùm xiềng xích khổ sở, Mỗi lần bị điệu ra công đường xét xử, các ông lại bị tra tấn đánh đập dã man. Khổ nhục hơn cả là quân lính lấy những thanh sắt nung đỏ khắc lên má hai chữ TẢ ĐẠO, bên kia là tên làng xã nguyên quán, vết phỏng trên mặt đau đớn, lại còn bị mọi người cười nhạo chế giễu.

Dù bị tra tấn hành hạ khổ nhục như thế, các ông vẫn can đảm chịu đựng, nhờ hằng ngày cùng cầu nguyện chung với nhau. Các ông còn giúp nhau sám hối các lỗi lầm và tự nguyện hãm mình bằng chay tịnh mỗi tuần 3 ngày để chuẩn bị lãnh nhận hồng phúc tử đạo. Những lời cầu nguyện tha thiết nhiệt tình của các ông đã kéo được ơn nâng đỡ trợ lực của Chúa, đúng như lời Chúa Giêsu đã hứa “ở đâu có hai ba người họp lại nhân danh Thầy, thì có Thầy ở đấy, giữa họ.” Nhờ hiệp nhau cầu nguyện, Chúa Giêsu ở giữa các ông, giúp các ông chiến thắng mọi cực hình, mạnh mẽ tuyên xưng đức tin, can đảm làm chứng cho Chúa.

Trong bức thư đề ngày 2.8.1862 linh mục Estevez Nam đã trình bày cơn sốt bắt đạo tại Nam Định như sau: “Trong tỉnh Nam Định, người Công giáo bị đuổi khỏi nhà, quân lính trói từng 5 người một, họ chỉ được mang theo mấy nắm gạo chỉ đủ ăn chừng 2 ngày… Có 300 giáo hữu đang bị giam, Tổng đốc Nguyễn Đình Tân cấm tiếp tế lương thực, và chỉ mấy ngày sau 240 người gục chết, số còn lại hấp hối chờ chết… Ngày 18.5.1862 ông ra lệnh chém 21 người, ngày 22 chém 43 người, ngày 26 chém 67 người. Ngày 30.5 ông truyền trói 112 người buông thả sông, rồi hôm sau đến lượt 152 người khác… Việc làm của tổng đốc được các quan phủ huyện noi theo. Người Công giáo phải chết hàng trăm: kẻ bị chém, người chịu thiêu sinh trong ngục, hoặc có ai tháo chạy ra ngoài được cũng bị lý hình cầm gươm dí họ vào lửa cho đến chết…

Ngày 15.6.1862 các ông Anrê Tường, Vinhsơn Tương, Đaminh Mạo, Đaminh Nhi và Đaminh Nguyên bị điệu ra xét xử lần cuối cùng. Quan cho đánh đòn, bắt ép các ông bước qua Thánh Giá.

Các ông cương quyết từ chối. Quan liền cho lính trói cả năm ông, đem ra phơi nắng cả ngày, không cho ăn uống. Sáng hôm sau, ngày 16.6, quan cho dẫn các ông ra công đường, bảo quá khóa bỏ đạo, bằng không sẽ đem chém đầu. Ông Đaminh Mạo thay mặt anh em trả lời: “Nếu chịu đạp lên Thánh Giá, chúng tôi đã làm ngay ở quê làng chúng tôi rồi, dại gì phải chịu bao nhiêu hình khổ đến ngày nay. Chúng tôi không bao giờ bỏ Chúa chúng tôi. Xin quan cứ làm theo ý quan muốn”.

Nổi giận, quan liền ra lệnh dẫn năm vị anh hùng của Chúa ra pháp trường Bạch Cốc chém đầu. Ngoài ông Đaminh Nhi, còn 4 vị khác đều yêu cầu lý hình thay vì chém 1 nhát thì xin họ chém 3 nhát để tỏ lòng tôn kính Chúa Ba Ngôi.

Các ngài được chôn tại nơi tử đạo, năm sau được cải táng về nhà thờ họ quê làng. Đức Thánh Cha Piô XII phong Chân Phước cho năm vị ngày 29.4.1951. Và, ngày 19.6.1988, Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã suy tôn các ngài lên Hiển Thánh.

Thánh Phêrô ĐA

Giáo dân tử đạo

Thánh Phêrô Đa là vị tử đạo cuối cùng trong 117 chứng nhân đức tin tại Việt Nam đã được Giáo hội tôn vinh. Cái chết của ngài chấm dứt một giai đoạn cam go, mở ra thời thanh bình mới của Giáo hội Việt Nam. Tuy chỉ là một người tín hữu ít học, sinh trưởng trong một gia đình nghèo khó nhưng lòng dũng cảm và đức tin kiên vững của bác thợ mộc Phêrô Đa không thua gì các vị mục tử của mình: Chấp nhận hy sinh tất cả, để giữ lòng trung tín với Đức Kitô.

Thánh Phêrô Đa

Trong Hội Thánh, Chúa ban cho mỗi người một khả năng riêng để phục vụ lợi ích chung “Có nhiều đặc sủng khác nhau, nhưng chỉ có một Thần Khí. Có nhiều việc phục vụ khác nhau, nhưng chỉ có một Chúa. Có nhiều hoạt động khác nhau, nhưng chỉ có một Thiên Chúa làm mọi sự trong mọi người.” (I Cor 12, 4-6) Thánh Phêrô Đa là ông Từ, đảm trách việc dọn đồ lễ, chưng bông, đốt nến, giữ gìn sạch sẽ trong thánh đường. Thánh nhân đã siêng năng nhiệt thành chu toàn bổn phận, nên được Chúa thương ban triều thiên tử đạo.

Phêrô Đa sinh năm 1802 tại làng Ngọc Cục, xứ Lục Thủy, tỉnh Nam Định, thuộc giáo phận Trung Đàng ngoài. Thân phụ là người có đạo, nhưng thân mẫu là người ngoại giáo. Dù vậy, cậu cũng được rửa tội và giáo dục chu đáo theo giáo lý Công giáo.

Vì cha mẹ nghèo, nhỏ không được học chữ nghĩa nhiều, nên lớn lên cậu học nghề thợ mộc để đi làm phụ giúp gia đình. Khi đến tuổi trưởng thành, cậu lập gia đình, và trở nên gia trưởng gương mẫu về mọi phương diện, nhất là về đạo đức lương thiện. Trong việc dạy dỗ huấn luyện con cái, cậu biết rõ lời nói không bằng gương sáng đời sống hằng ngày.

Thế nên, muốn con cái làm chính cậu làm trước, lánh trước cho chúng noi theo bắt chước. Và kết quả thật tốt đẹp…

Đặc biệt là ông Phêrô Đa rất nhiệt tình với nhà chung. Khi cha xứ ngỏ ý muốn tìm người làm từ, giúp việc nhà thờ, ông tình nguyện sẵn sàng ngay. Và sau khi nhận trách vụ, ông luôn cố gắng làm tròn bổn phận. Mỗi ngày, ông dậy đúng giờ, kéo chuông, dọn đồ lễ, chưng bông, quét dọn trong ngoài nhà thờ sạch sẽ, xứng đáng nơi tồn nghiêm thờ Chúa, giúp mọi người thêm lòng sốt sắng và kính trọng Nhà Chúa. Những ngày lễ cả, lễ trọng, ông luôn lo chuẩn bị chu đáo, trang hoàng bông hoa, cờ xí lộng lẫy. Mọi người trong xứ đạo thấy vậy thì hết sức khen ngợi và thán phục tinh thần hy sinh phục vụ của ông.

Đang lúc ông hăng say nhiệt thành lo giúp việc Nhà Chúa như thế thì năm 1862, vua Tự Đức ra chiếu chỉ “phân sáp”, bắt đạo gắt gao. Nhiều giáo hữu bị bắt, trong đó có ông. Lúc đó, ông đã 60 tuổi, bị giam ở phủ Xuân Trường 6 ngày rồi đày đi Gia Linh.

Ở đây, ông phải chịu nhiều hình khổ, ngày đêm bị gông cùm xiềng xích. Nhiều lần bị đem ra tra tấn dã man, buộc ông bước qua Thánh Giá, bỏ đạo. Nhưng ông luôn luôn can đảm bền chí vượt qua tất cả vì Chúa, cương quyết một lòng trung thành theo Chúa, không bao giờ chối Chúa bỏ đạo. Ông noi gương thánh Phêrô là Quan thầy của ông: nếu bỏ Chúa thì biết theo ai; chỉ có Chúa mới có lời ban sự sống đời đời.

Các quan thấy cực hình không thể khuất phục được anh hùng đức tin, nên kết án thiêu sống. Và ngày 17.6.1862, quân lính dẫn người tôi tớ trung thành của Chúa ra pháp trường. Dọc đường, ông thầm thĩ cám ơn, và khẩn khoản nài xin Chúa ban ơn giúp sức cho đủ can đảm trong giờ phút cuối cùng này.

Khi lửa cháy sắp tàn, một người lính thấy ông chưa chết hẳn, liền rút gươm chém đứt đầu ông, đưa linh hồn ông về cõi phúc muôn đời. Thế là thánh Phêrô Đa, người giáo hữu kiên cường bất khuất có thể nói là đã hy sinh vì chân lý bất diệt đến 2 lần: vừa bị thiêu đốt, vừa bị chém đầu. Thi hài người tôi trung của Đức Kitô được các tín hữu chôn ngay tại pháp trường, năm sau cải táng đưa về quê nhà.

Ngày 29.4.1951, Đức Thánh Cha Piô XII phong Chân Phước cho ông. Và ngày 19. 6.1988, Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã suy tôn ngài lên Hiển Thánh.

You may also like