Lời Chúa Suy Niệm Hằng Ngày

Thứ Ba 28/08/2018 – Thứ ba tuần 21 thường niên – Thánh Âu-tinh, giám mục, tiến sĩ Hội Thánh. Lễ nhớ. – Khốn cho kẻ giả hình.

Khốn cho kẻ giả hình.

28/08 – Thứ ba tuần 21 thường niên – Thánh Âu-tinh, giám mục, tiến sĩ Hội Thánh. Lễ nhớ.

“Phải làm những điều này, và không bỏ các điều kia”.

* Thánh nhân sinh năm 354 tại Ta-gát, châu Phi. Người đã trải qua giai đoạn thanh xuân đầy náo động cả về đạo lý lẫn cách sống cho tới khi được thánh Am-rô-xi-ô thanh tẩy cho năm 387. Người trở về quê hương và sống một cuộc đời khắc khổ. Rồi người được chọn làm giám mục giáo phận Híp-pôn. Trong suốt ba mươi bốn năm làm giám mục, người đã tận tụy chăm sóc đoàn chiên. Nhưng đáng kể nhất là tư tưởng và chứng tá đời sống của người đã lan tỏa. Người đã sống một cuộc đời hoàn toàn lo tìm kiếm Thiên Chúa và phục vụ Hội Thánh. Đối với người, Hội Thánh là cộng đoàn tín hữu Híp-pôn và đồng thời cũng là Thân Thể Chúa Kitô trải rộng khắp thế giới. Người qua đời năm 430.

Lời Chúa Mt 23, 23-26

Khi ấy, Chúa Giêsu phán rằng: “Khốn cho các ngươi, hỡi những luật sĩ và biệt phái giả hình: các ngươi nộp thuế thập phân về bạc hà, hồi hương và thì là, còn những điều quan trọng hơn trong lề luật, là đức công bình, lòng nhân từ và lòng tin thì các ngươi lại bỏ qua; đáng lẽ phải làm những điều này và không bỏ các điều kia.

“Hỡi những kẻ dẫn đường đui mù, các ngươi gạn lọc một con muỗi ra, nhưng lại nuốt trửng cả con lạc đà. Khốn cho các ngươi, hỡi những luật sĩ và biệt phái giả hình, vì các ngươi rửa bên ngoài chén đĩa, nhưng bên trong, các ngươi đầy gian tham và nhơ bẩn. Hỡi những người biệt phái đui mù, hãy rửa bên trong chén đĩa trước đã, để bên ngoài cũng được sạch”.

SUY NIỆM 1: Kết án thái độ vụ hình thức

Tin Mừng hôm nay ghi lại hai lời kết án của Chúa đối với thái độ vụ hình thức. Trước hết là việc giữ luật bên ngoài thật tỉ mỉ, mà không có lòng đạo đức thật, không thi hành công bằng và tình yêu thương.

Trong Do thái giáo, luật đóng thuế thập phân trên những sản phẩm con người làm ra là một hành động tôn giáo để nhìn nhận quyền tối cao của Thiên Chúa. Theo luật Môsê được ghi trong sách Thứ Luật, thì chỉ buộc trả thuế thập phân trên những sản phẩm chính là gạo, rượu, dầu, con vật đầu lòng. Thế nhưng, có lẽ vì quá sốt sắng, những Luật sĩ và Biệt phái muốn áp dụng thuế thập phân cho những sản phẩm nhỏ, không cần thiết như: bạc hà, thì là, rau húng.

Chúa Giêsu không kết án các Luật sĩ và Biệt phái vì sự tuân giữ luật Môsê một cách tỉ mỉ; nhưng Ngài kết án vì thái độ không trung thực: họ tuân giữ những điều hết sức nhỏ để tỏ ra mình sốt sắng đạo đức, nhưng họ lại lỗi phạm những điều lớn về đức công bằng và tình yêu thương, họ làm như thế chẳng khác nào lọc lừa con muỗi ra ngoài, nhưng lại nuốt con lạc đà nguy hiểm hơn.

Thái độ vụ hình thức thứ hai của các Luật sĩ và Biệt phái còn được thể hiện trong sự tuân giữ những nghi thức bên ngoài, mà không chăm lo tinh tuyền bên trong: họ lo rửa chén đĩa bên ngoài, mà bên trong tâm hồn thì đầy cướp bóc, tham lam. Việc tuân giữ nghi thức thanh tẩy bên ngoài, việc đến nhà thờ đọc kinh ngoài môi miệng mà thôi chưa đủ, cần phải để cho ơn Chúa biến đổi tận bên trong tâm hồn ngõ hầu trở nên con người mới. Sự hoán cải nội tâm quan trọng hơn và phải đi trước những thực hành đạo đức bên ngoài để tránh thái độ giả hình, vụ hình thức đáng bị Chúa khiển trách.

Nguyện xin Chúa thanh tẩy tâm hồn chúng ta khỏi những tham lam, ích kỷ, hẹp hòi. Xin cho chúng ta sống ngay chính bên trong cũng như bên ngoài, sống điều chúng ta nói trên môi miệng để làm chứng cho Chúa giữa mọi người.

(Trích trong ‘Mỗi Ngày Một Tin Vui’)

SUY NIỆM 2: Công bình, nhân ái, thành tín, trong sạch

Đức Giêsu nói: “Khốn cho các ngươi, hỡi các kinh sư và người Pha-ri-sêu giả hình! Các ngươi nộp thuế thập phân về bạc hà, thì là, rau húng, mà bỏ những điều quan trọng nhất trong lề luật là công bình, lòng nhân và thành tín. Phải làm các điều này mà không bỏ các điều kia.” (Mt. 23, 23)

Tôi rất thích mấy câu Phúc Âm này. Một lần nữa Đức Giêsu tỏ ra yêu thương những người biệt phái. Người hiểu và kính trọng họ biết bao. Nhưng Người cũng khiển trách thái độ nước đôi của họ: Vừa cứu vãn những vẻ bề ngoài bằng những cử chỉ vô ích, vừa loại bỏ những điều chân thực bên trong.

Đó là kiểu mẫu người tốt thời Đức Giêsu và chúng ta ngày nay cũng thế. Một đàng họ rất khắt khe tỉ mỉ bên ngoài, đàng khác họ quá phóng túng bên trong. Họ tỏ ra rất tự do rộng rãi đối với những điều thật sự quan trọng.

Càng đọc đi đọc lại những câu Tin Mừng này, tôi càng thấy nực cười! Đó là những câu rất đúng với hiện tại! Nếu chúng ta muốn rõ, chúng ta thử tự đánh giá mình một chút xem Tin Mừng là tấm gương soi cái gì?

Ba điều:

Ba điều này làm cho chúng ta phải chú ý: “Ba điều quan trọng nhất trong lề luật là: Công bình, lòng nhân ái và thành tín”. Các ngôn sứ, Đức Kitô, thánh Phao-lô và ngày nay Giáo Hội hằng rao giảng. Chính những điều này. Những bổn phận về công bình xã hội và tình yêu thương quan trọng hơn những bổn phận về nghi lễ. Các Ngài đã không ngừng nhắc đi nhắc lại rằng: Giúp những người nghèo khó, trung tín trong đời sống gia đình, công bình xã hội trong công ăn việc làm, định mức giá cả, thuế má, đồng lương. Ngôn sứ Za-ca-ri-a cũng kêu gọi: “Hãy thực hiện công bình theo chân lý, thực hành lòng yêu thương đối với nhau. Chớ áp bức kẻ góa bụa, mồ côi, khách lạ, nghèo khó và đừng mưu mô trong lòng để hãm hại nhau” (7, 9-10).

Không trong sạch:

Nhờ so sánh những lời Đức Giêsu khiển trách biệt phái, chúng ta thấy đó cũng là những lời khiển trách chúng ta. Phải, Người khiển trách tôi, khiển trách bạn: “Các ngươi lọc con muỗi, nhưng lại nhốt con lạc đà”, “Các ngươi rửa sạch chén đĩa, nhưng bên trong thì đầy những chuyện trộm cắp và vô độ”, bất công, lừa đảo lẫn nhau.

Chỉ con tim trong sạch mới nhìn thấy rõ Thiên Chúa. Không phải cái bên ngoài vào miệng làm cho con người ra nhơ bẩn, nhưng cái bên trong con người ra, mới làm nhơ bẩn con người thật sự. (Mt. 15, 11. 15-20)

JM

SUY NIỆM 3: TẠI SAO GIÀU CÓ LẠI KHÓ VÀO NƯỚC TRỜI? (Mt 19, 23-30)

Xem lại CN 28 TN. Thứ Ba tuần 8 TN.

Bài Tin Mừng hôm nay tiếp nối trình thuật hôm qua về chuyện một thanh niên đến xin Đức Giêsu chỉ giáo để làm sao đạt được sự sống đời đời. Vì thế, Đức Giêsu đã bảo anh ta về bán tất cả của cải để bố thí cho người nghèo thì sẽ được sự sống viên mãn như anh mong muốn. Tuy nhiên anh ta đã buồn rầu và bỏ đi vì lòng anh đã bị đồng tiền che lấp mục đích đời đời.

Khi thấy như thế, Đức Giêsu quay sang các môn đệ và dạy cho các ông bài học về tác hại đồng tiền nếu coi đó là mục đích, là ông chủ. Ngài nói: “Con lạc đà chui qua lỗ kim còn dễ hơn người giàu có vào Nước Trời”.

Thực ra thì Đức Giêsu dùng lối nói ngoa ngữ để cho người nghe thấy được sự nguy hiểm của đồng tiền nếu làm sai mục đích.

Thật thật, vào được Nước Trời thế nào khi đồng tiền đó là quà hối lộ; là của cướp dật; là đâm thuê chém mướn; là cờ bạc…! Tệ hơn nữa, vì không phải là đồng tiền của mình làm ra bằng mồ hôi nước mắt, bằng công lao vất vả, nên lại dùng đồng tiền bất chính đã chiếm đoạt được để làm những chuyện bất chính khác …!

Chỉ cần suy tư một chút thôi thì cũng đủ thấy sự nguy hiểm của đồng tiền khi đặt nó sai vị trí và sử dụng không đúng mục đích.

Sứ điệp Lời Chúa hôm nay dạy cho chúng ta bài học:

Hãy dùng của cải để xây dựng hạnh phúc cho mọi người, từ trong gia đình đến xã hội cũng như lo việc bác ái, truyền giáo và xây dựng Giáo Hội.

Được như thế, ấy là chúng ta đã nghe theo Chúa và đi trên con đường hoàn thiện mà Chúa muốn chúng ta đi. Như vậy, sự bình an, hạnh phúc chính là phần thưởng Chúa dành cho những ai trung tín và khôn ngoan khi biết quản lý và biết sinh lợi nén bạc Chúa trao theo thánh ý Chúa.

Lạy Chúa Giêsu, xin cho chúng con biết chọn Chúa là lẽ sống và gia nghiệp của mình. Như thế, xin cho chúng con biết coi mọi sự chỉ là phù du, phương tiện để đạt được hạnh phúc. Amen.

Ngọc Biển SSP

SUY NIỆM 4: Bên trong, bên ngoài

Suy niệm :

Đức Giêsu đã từng nói về tám Mối Phúc trong Bài Giảng trên núi.

Trong chương này, Ngài sẽ nói với các kinh sư và nhóm Pharisêu bảy lần:

“Khốn cho các ngươi!”

Đây không phải là lời chúc dữ cho bằng là lời trách than, buồn tiếc,

vì những sự giả hình, che đậy nơi một số nhà lãnh đạo Do thái giáo.

Nhưng giả hình không phải chỉ là bệnh của một số kinh sư ngày xưa.

Nó là bệnh của những Kitô hữu trong Hội Thánh của Mátthêu sau năm 70.

Và nó cũng là bệnh của những Kitô hữu thuộc thế kỷ hai mươi mốt.

“Khốn cho các ngươi!” là một lời cảnh báo đối với chính bản thân tôi.

Bệnh được nhắc đến trong lời Khốn cho thứ tư (c. 23)

là bệnh quá tập trung vào điều phụ thuộc mà bỏ quên điều cốt yếu.

Có một số người Pharisêu bày tỏ sự đạo đức của mình

qua việc nộp thuế thập phân về những thứ rau lặt vặt họ trồng trong vườn.

Ba thứ rau thơm: bạc hà, thì là, rau húng, đúng ra không phải tính thuế,

vì chỉ phải nộp thuế về hoa lợi của vụ mùa, của vườn cây ăn trái thôi.

Nhưng có người đã nộp thuế về mọi thứ rau cỏ trong vườn (Lc 11, 42).

Thuế thập phân chỉ đòi nộp một phần mười sản phẩm nông nghiệp làm được,

để giúp việc thờ phượng Chúa trong Đền thờ và các người làm việc tại đó.

Đức Giêsu không cản chuyện nộp thuế về những điều lặt vặt (c. 23).

Ngài chỉ tiếc là những chuyện nặng ký hơn trong Lề Luật

như công lý, lòng nhân và thành tín, lại bị bỏ quên (c. 23).

Ba điều này đều được các ngôn sứ nhắc nhở (Is 1, 17; Hs 6, 6; Hb 2, 4).

Ngôn sứ Mikha đã viết một câu nổi tiếng (Mk 6, 8):

“Đức Chúa đòi anh em điều gì nếu không phải là sống theo công lý,

mến chuộng lòng nhân và khiêm hạ đi với Thiên Chúa của anh em.”

Có thể thái độ đạo đức giả bắt nguồn từ thói háo danh và sợ khó.

Nộp thuế dễ được người ta thấy hơn

và cũng khỏi phải hoán cải nơi bề sâu của lòng mình.

Tập trung vào những cái lặt vặt để khỏi phải áy náy về chuyện hệ trọng.

Làm tốt một chuyện nhỏ, nhưng lại làm hỏng một chuyện rất lớn.

Bệnh được nhắc đến trong lời Khốn cho thứ năm (c. 25)

là bệnh quá coi trọng cái bên ngoài mà coi thường cái bên trong.

Một số người Pharisêu loay hoay với chuyện lau sạch bên ngoài chén đĩa.

Họ sợ mình trở nên ô uế nếu sử dụng đồ chưa được rửa kỹ.

Tiếc thay, họ không để ý đủ đến sự nhơ uế bên trong tâm hồn.

Mà đó mới là thứ nhơ uế thật sự đáng quan tâm.

Có nguy cơ là sự sạch sẽ bên ngoài nhằm che đậy sự nhơ uế bên trong,

và đánh lừa cái nhìn của người khác, khiến họ lầm tưởng.

Thật ra trở về với lòng mình để nhận ra những ô nhơ, thật là điều khó.

Rửa tay trước khi ăn, rửa bát đĩa trước khi dùng, là điều dễ hơn nhiều.

Trở vào lòng mình, ta dễ bắt gặp bao tham lam, gian dối, thèm muốn vô độ.

Những điều ấy ta không muốn nhìn nhận có nơi mình.

Đức Giêsu mời chúng ta tìm kiếm sự tinh tuyền bên trong trước đã,

rồi mới để ý đến cái sạch sẽ bên ngoài sau (c. 26).

Xin Chúa cho chúng ta đừng bị đui mù, nhưng được sáng mắt (cc. 24. 26),

để biết phân biệt cái chính, cái phụ, cái trong, cái ngoài.

 

Cầu nguyện :

Lạy Chúa Giêsu,

khi đến với nhau,

chúng con thường mang những mặt nạ.

Chúng con sợ người khác thấy sự thật về mình.

Chúng con cố giữ uy tín cho bộ mặt

dù đó chỉ là chiếc mặt nạ giả dối.

Khi đến với Chúa,

chúng con cũng thường mang mặt nạ.

Có những hành vi đạo đức bên ngoài

để che giấu cái trống rỗng bên trong.

Có những lời kinh đọc trên môi,

nhưng không có chỗ trong tâm hồn,

và ngược hẳn với cuộc sống thực tế.

Lạy Chúa Giêsu,

chúng con cũng thường ngắm mình trong gương,

tự ru ngủ và đánh lừa mình,

mãn nguyện với cái mặt nạ vừa vặn.

Xin giúp chúng con cởi bỏ mọi thứ mặt nạ,

đã ăn sâu vào da thịt chúng con,

để chúng con thôi đánh lừa nhau,

đánh lừa Chúa và chính mình.

Ước gì chúng con xây dựng bầu khí chân thành,

để chúng con được lớn lên trong bình an.

Lm. Ant. Nguyễn Cao Siêu SJ.

You may also like