Giáo Hội Toàn Cầu

Hướng tới Mầu nhiệm Phục sinh

Mùa Chay được cử hành với đỉnh cao là Tuần Thánh, thời gian quý giá mà Giáo hội dành cho các tín hữu để trở về với những điều thiết yếu của đức tin và tái khám phá mối quan hệ sâu sắc với Thiên Chúa. Sau đây là cuộc phỏng vấn dành cho linh mục dòng Đa Minh, cha Wojciech Giertych, thần học gia của Phủ Giáo Hoàng về ý nghĩa sống mầu nhiệm Vượt Qua.
Đâu là ý nghĩa của những ngày này, những ngày chúng ta đang đang chuẩn bị sống?

Bây giờ chúng ta đang ở cuối Mùa Chay và chúng ta đang chuẩn bị cử hành lễ Phục sinh của Chúa. Thời gian trung tâm của lịch sử cứu độ là Cuộc Khổ Nạn, sự chết và sự sống lại của Con Thiên Chúa, tiếp theo là món quà của Chúa Thánh Thần. Hàng năm chúng ta cử hành long trọng phụng vụ Phục sinh; nhưng phải nhớ rằng mỗiThánh lễ, mỗi bí tích trong Giáo hội đều mang lại sức mạnh siêu nhiên từ việc Trái tim của Chúa Giêsu mở ra, từ đó khơi nguồn ân sủng cứu chuộc. Nơi món quà của Chúa Kitô, chúng ta tìm thấy ơn cứu độ. Chúng ta biết rõ tội lỗi của chúng ta. Với tình cảm tự nhiên, ngay lập tức chúng ta nhận ra rằng tội lỗi không phù hợp với khuynh hướng của những điều tốt đẹp tồn tại trong bản chất của chúng ta, và nó có nền tảng trong trật tự đạo đức luân lý khách quan bắt nguồn từ sự khôn ngoan của Thiên Chúa. Tuy nhiên, đồng thời chúng ta khám phá giới hạn sức mạnh bản chất đạo đức của chúng ta. Vì vậy, chúng ta thấy mình ở trong một loại bẫy. Chúng ta muốn làm việc thiện và làm ác. Tâm trí biết điều tốt, ngay cả khi đôi khi bối rối, và sức mạnh con người bị tổn thương, không thể hoàn toàn tuân thủ điều tốt nhất. Mầu nhiệm Phục sinh là món quà của Thiên Chúa, trao ban con đường cứu rỗi và giải thoát. Tất cả Mạc khải trình bày cho chúng ta về sự dâng hiến của Cha đời đời. Mùa Chay chính là thời gian đặc biệt làm cho chúng ta sẵn sàng mở lòng, đón nhận trọn vẹn món quà của Chúa.

Trong thời đại của chúng ta, cái ác, điều xấu xuất hiện khắp nơi. Cha không nghĩ rằng việc tìm kiếm Thiên Chúa có thể trở thành một lối thoát khỏi thực tế của thế giới và tội lỗi? Có phải điều quan trọng hơn là tìm ra phương tiện để ngăn chặn điều ác, hạn chế ảnh hưởng của nó và bảo vệ kẻ yếu khỏi hiểm nguy?

Rốt cuộc, câu hỏi là liệu chúng ta phải cứu thế giới và Giáo hội bằng phương tiện của con người, hay ngược lại, chúng ta phải cứu Giáo hội và thế giới bằng phương tiện thiêng liêng. Có rất nhiều người trên thế giới tìm kiếm phương tiện tự nhiên để giải quyết các vấn đề khác nhau. Chúng ta không phủ nhận nỗ lực này, nhưng Giáo hội, được Chúa Kitô thiết lập và được ân sủng của Ngài ban cho, có những phương tiện siêu nhiên, và đây là những phương tiện thực sự duy nhất Giáo hội có. Về vấn đề này, tư tưởng đạo đức được chia thành ba khuynh hướng: tập trung vào các hành vi tìm kiếm phẩm chất đạo đức của Giáo hội và thế giới; tập trung vào các quy tắc và thủ tục pháp lý hy vọng tìm thấy sự bảo vệ trong những thực tại này; và cái nhìn Kitô giáo tập trung vào ân sủng của Chúa Kitô, có thể nhận được qua đức tin sống động và cụ thể thông qua các nhân đức được Thiên Chúa trao ban. Chính vì điều này, Thánh Phaolô kết luận rằng: “chỉ có đức tin hành động nhờ đức ái” (Gal 5, 6). Do đó, điều quan trọng là mở lòng cho tình yêu siêu nhiên được “cài đặt” trong tâm hồn, giống như một chương trình được cài đặt trong máy tính. Trong thực tế, Thiên Chúa yêu cầu sự hợp tác của chúng ta, cầu xin đôi tay, trái tim và lòng quảng đại của chúng ta, qua đó tình yêu của Thiên Chúa có thể có mặt ở đây, bây giờ, nơi chúng ta sống.

Đây có phải là ý nghĩa của Mùa Chay?

Chắc chắn rồi. Toàn bộ phụng vụ Mùa Chay có thể được coi là một lời dẫn giải về những lời chúng ta được nghe khi bắt đầu Thánh lễ: “Chúng ta hãy nhìn nhận ra tội lỗi của chúng ta, để chúng ta xứng đáng tham dự vào các mầu nhiệm thánh”. Phụng vụ bắt đầu với ý thức rằng tất cả chúng ta đều là tội nhân, chúng ta yếu đuối và chúng ta cần sự giúp đỡ của Thiên Chúa, bởi vì sức mạnh tự nhiên của chúng ta thiếu và bị hạn chế trong khả năng của nó. Trong Mùa Chay, toàn bộ phụng vụ giúp chúng ta tập trung chú ý vào Chúa Kitô và về ơn Cứu chuộc của Ngài. Giáo hội vẫn gợi ý cho chúng ta ba phương tiện, giúp chúng ta tập trung vào ba nhân đức đối thần đó là là đức tin, đức cậy và đức ái, ba nhân đức xuất phát từ Thiên Chúa và hướng về Thiên Chúa: thông qua cầu nguyện, ăn chay và bố thí các tín hữu tìm lại được Thiên Chúa và chuẩn bị cho việc cử hành Mầu nhiệm Phục sinh. Cầu nguyện, bao gồm việc kích hoạt đức tin và bác ái, hướng tâm trí tiến về mầu nhiệm lớn hơn tính toán của con người, vì lý do duy nhất là tình yêu dành cho Thiên Chúa. Ăn chay, không chỉ thức ăn mà còn từ những thứ khác – ví dụ, từ internet. Và mời gọi bố thí, một hành vi bác ái cụ thể, không chỉ nhắm đến sức khỏe thể chất của người nghèo mà trên hết là sự cứu rỗi đời đời của họ.

Cha luôn trở về mối tương quan của chúng ta với Chúa. Quan điểm theo chiều dọc có thể khiến cha quên chú ý chiều ngang không?

Không, chúng ta cần cả hai. Như vậy thập giá được hình thành. Nhưng đầu tiên đó là mối tương quan với Thiên Chúa, một mối tương quan hiếu thảo, đầy tin tưởng, mặc dù sự yếu đuối và tội lỗi của chúng ta. Và kết quả từ mối tương quan trên là chúng ta được dẫn đến mối quan hệ theo chiều ngang với người thận cận, vì một động lực duy nhất là cùng một Thiên Chúa. Chúng ta yêu những người thân cận theo cái nhìn Thiên Chúa, vì chúng ta cũng muốn họ trở thành những vị thánh, những người con thực sự của Chúa. Mùa chay với lời cầu nguyện, ăn chay và bố thí, các buổi tĩnh tâm, bài giảng và bài đọc, nhắc nhở chúng ta, mặc dù tội lỗi của chúng ta, tội lỗi của thế giới, chúng ta có thể hàn gắn mối quan hệ với Chúa, tận dụng những thành quả của Mầu nhiệm Vượt qua luôn có sẵn trong các bí tích.

Tại sao cha nhấn mạnh về tội lỗi?

Tội lỗi là một thực tế hiển nhiên của cuộc sống chúng ta. Để nhận ra nó không cần phải đọc báo, chỉ cần nhìn vào lương tâm của chúng ta. Tất cả chúng ta là những người mang tội lỗi, nhưng đồng thời, là Kitô hữu, được rửa tội, chúng ta đã được cứu chuộc. Chiều kích Cứu chuộc mở mắt để chúng ta có thể nhận ra sự thật thật về chính mình. Điều này tránh dẫn đến tình trạng trì trệ và tập trung vào điều xấu, bởi vì tội lỗi đã được cứu chuộc. Chúng ta hiện diện sau phục sinh! Chúa đã chiến thắng quyền lực của ác quỷ và cái chết. Mùa chay và lễ Phục sinh là một cơ hội tuyệt vời cho đời sống tâm linh.

Làm thế nào để trả lời cho những người khăng khăng khẳng định rằng lòng thương xót có thể tạo ra sự thờ ơ trước cái ác?

Lòng thương xót của Thiên Chúa không phủ nhận thực tại tội lỗi. Tin vào sức mạnh của ơn cứu chuộc trong Mầu nhiệm Vượt qua và qua các bí tích giúp chúng ta có thể nhìn thẳng vào cái ác. Người tín hữu không sợ điều ác, bởi vì chúng ta tìm thấy sự bình an trong Chúa Kitô và ân sủng của Ngài. Suy nghĩ về điều này chúng ta phải tránh rơi vào một nhân loại học sai lầm. Nhân loại không được chia thành hai, những người vô nhiễm và những người tội lỗi. Chúng ta đều là con của Adam. Thiện và ác gặp nhau nơi mỗi chúng ta. Suy niệm về Mầu nhiệm Vượt qua mà chúng ta cử hành trong Tuần Thánh, cần lưu ý rằng tận sâu thẳm không có sự giả hình trong giáo huấn của Giáo hội. Mầu nhiệm được mặc khải không cần phải dựa trên sự khả tín bên ngoài, bởi vì nó được thiết lập dựa trên Thiên Chúa, không phải dựa trên hành vi của các tín hữu và chính các linh mục. Chúng ta đều biết rằng chúng ta là tội nhân. Đức tin dựa trên những lời hứa của Chúa và ân sủng được ban trong các bí tích, chứ không phải dựa trên mẫu gương tốt đẹp của các linh mục! Chính các linh mục là những tội nhân và cũng phải khiêm tốn cầu xin sự trợ giúp của Chúa, các linh mục chiến đấu như mọi người để giữ cho đức tin được sống trong tâm hồn. Giống như mọi người, các linh mục có những lúc mà lòng trung thành yếu đuối và điều này không đáng ngạc nhiên, nhưng ân sủng của Chúa Kitô luôn mạnh mẽ hơn.

Con người không sống một mình mà ở trong vũ trụ, do Thiên Chúa tạo dựng. Có mối quan hệ nào giữa món quà Cứu chuộc và thụ tạo?

Không còn nghi ngờ gì nữa, chính Thiên Chúa là Đấng Tạo Hóa và Cứu Chuộc, và do đó, không thể có mâu thuẫn giữa hai “bàn tay” của Thiên Chúa. Ơn cứu chuộc có ảnh hưởng đến toàn bộ thế giới thụ tạo. Cũng về chủ đề này, chúng ta tìm thấy một đề tái khá thần bí của thánh Phaolô, thánh nhân viết: “Muôn loài thọ tạo những ngong ngóng đợi chờ ngày Thiên Chúa mặc khải vinh quang của con cái Người” (Rô-ma 8, 19). Nó có nghĩa là gì? Thật khó đưa ra một câu trả lời rõ ràng và đơn giản, nhưng dần dần chúng ta ngày càng nhận thức rõ hơn về trách nhiệm của mình đối với công trình sáng tạo. Các đức tính “sinh thái”, giống như tất cả các nhân đức, có mối tương quan với các nhân đức đối thần. Mối tương quan hiếu thảo với Thiên Chúa có tác động đến tất cả cuộc sống, thậm chí là xã hội và liên quan đến toàn bộ thế giới thụ tạo.

Ngọc Yến – Vatican

You may also like