Chưa được phân loại

KINH THÁNH CỰU ƯỚC TỔNG QUÁT (chương 5 & 6)

CHƯƠNG V  NHỮNG HÌNH THỨC TỒN TẠI CỦA NẾP SỐNG DU MỤC

Bước qua khuôn khổ mới (định cư) một số tục lệ cũ vẫn được duy trì. Tục đòi nợ máu là một tục lệ trong sa mạc trở thành một tục lệ được luật pháp thừa nhận; tục hiếu khách vẫn được duy trì mãi.

Ngôn ngữ vốn có tính “bảo cựu” còn hơn cả tục lệ nữa, cũng vẫn giữ dấu vết của một thời quá khứ. Sau đây là vài thí dụ : tiếng “lều” thực ra chỉ là nơi để ở trong thời du mục, nhưng đến thời định cư vẫn được dùng với nghĩa là”nhà”; thời du mục khi muốn nói rằng ai đó khởi hành sáng sớm thì người ta dùng kiểu nói “lên yên” (Tl 19,9 1S 17,20), kiểu nói này vẫn được dùng trong thời định cư với cùng một ý nghĩa.

Cựu ước cũng vẫn dùng lại một số hình ảnh của thời du mục trong các bài thơ. Chẳng hạn : “dây lều bị đứt”, “cọc lều bị nhổ” để chỉ cái chết (Gp 4,21); còn “dây lều vẫn thẳng” và “cọc lều vẫn vững” thì chỉ sự an ninh (Is 33,20); “mái lều giang rộng” có nghĩa là dân số tăng gia (Is 54,2). Ngoài ra còn rất nhiều hình ảnh về cuộc sống chăn chiên vẫn còn được giữ lại, Thiên Chúa và Đấng Messia thường được so sánh với Người mục tử (Tv 23 Is 40,11 Gr 23,1-6 Ed 34 v.v…)

CHƯƠNG VI     LÝ TƯỞNG DU MỤC TRONG CÁC SÁCH NGÔN SỨ

Những bản văn Thánh kinh cổ xưa không mấy ưa nếp sống du mục. Trình thuật về Cain trong St 4,11-16 là một lời kết án kiểu sống du mục : Cain đã bị đuổi vào sa mạc để phạt tội đã giết Abel, hắn phải đi lang thang và mang dấu ấn, dấu wasm, dấu chỉ những người du mục trong sa mạc. Còn Abel thì là mục tử (St 42) được cảm tình của tác giả. Nhưng tác giả ghi rõ : Abel là mục tử chăn đàn chiên nhỏ, nghĩa là tác giả xem em sống cùng một nếp sống của các tổ phụ Do thái, chỉ sống ngoài rìa sa mạc. Còn Cain trước khi phạm tội thì làm nghề trồng trọt (St 4,2). Như vậy trong trình thuật này sa mạc là nơi náu thân của những người định cư mà đã hư đốn, những kẻ sống ngoài vòng pháp luật.

Trong trình thuật về Ismael ta cũng thấy ý tưởng không thích ấy : “tay nó chống lại mọi người, tay mọi người chống lại nó, nó lập cư đối diện với anh em nó” (St 16,12). Sa mạc là nơi ở của dã thú, quái vật và ma quỉ (Is 13,21-22 34,11-15). Con dê gánh tội cũng bị đuổi vào sa mạc (Lv 16).

Ngược lại cái mà người ta gọi là “lý tưởng du mục” trong Cựu ước, các ngôn sứ quay về quá khứ về thời niên thiếu của Israel trong sa mạc, về tuần trăng mật với Thiên Chúa (Gr 2,2 Hs 13,5 Am 2,10). Còn đối với thời hiện tại thì họ kết án những thói xa hoa và nếp sống dễ dãi ở thành thị (Am 3,15 6,8 v.v…) và đối với tương lai họ cho rằng sẽ có ơn cứu rỗi khi quay về nếp sống sa mạc, xem đó là thời đại hoàng kim (Hs 2,16-17 12,10).

Trong thái độ đó có một phản ứng chống lại nền văn minh định cư của Canaan để dẫn đến những băng hoại về luân lý và tôn giáo. Cũng có một nỗi nhớ tiếc thời Thiên Chúa kết ước với Israel trong sa mạc và dân gắn bó với Thiên Chúa. Theo các ngôn sứ nếp sống du mục không phải là lý tưởng, mà lý tưởng là một đời sống đạo trong sạch và một lòng trung thành, chung thuỷ với giao ước. Nếu họ nói đến việc trở về sa mạc thì không phải để tưởng nhớ đến nếp sống du mục của các tổ phụ, mà chỉ như một cách thoát khỏi nền văn minh băng hoại.

CHƯƠNG VII  NHỮNG NGƯỜI RÉRAB

Điều mà các ngôn sứ đề cao như lý tưởng nhưng lại không bao giờ đem ra thực hành, thì có một nhóm người cực đoan thực hành. Đó là những người Rékab.

Giêrêmia nói đến họ như sau : số là Giêrêmia muốn nêu một bài học cho dân. Ông gọi những người trong gia đình Rékab đến đền thờ và mời họ uống rượu. Nhưng họ không uống vì cho rằng : ông Yonadab, con của Rékab, tổ phụ của họ đã ra lệnh cho họ rằng “các ngươi và con cháu các ngươi không bao giờ được uống rượu, các ngươi cũng không được xây nhà, gieo giống trồng nho và có những vật sở hữu; các ngươi phải sống dưới lều suốt đời, để có thể trường thọ trên đất mà các ngươi là khách lạ (gérim)”. Giêrêmia đã đem gương trung thành ấy để làm gương cho những người Do thái không sống theo lời Jahvé (Gr 35). Trong câu chuyện này ta thấy có sự đối kháng giữa nếp sống du mục với nếp sống canh nông định cư. Những người Rékab tự ý sống xa nền văn minh thành thị. Nếu họ có sống ở Giêrusalem là vì họ bị ép buộc : họ đến đó để trốn tránh quân Chaldée (Gr 35,11).

Họ thường sống kiểu du mục, lang thang hết nơi này sang nơi khác, chẳng bám víu vào một nơi nào. Nhưng họ cũng là những kẻ nhiệt thành tôn thờ Jahvé. Cho nên Giêrêmia mới đem họ ra làm gương và Jahvé hứa chúc lành cho họ (Gr 35,19). Cũng như mọi người du mục, họ tổ chức thành gia tộc, nhưng cũng lập thành một hệ phái tôn giáo riêng, xem ông tổ Yonadab là nhà làm luật tôn giáo.

Ông Yonadab này được biết đến do có tham dự vào cuộc cách mạng của Jéhu (2V 10,15-24). Jéhu muốn tiêu diệt sự thờ phượng Baal ở Samaria nên mang theo Yonadab để cho ông này thấy “lòng nhiệt thành với Jahvé của mình” (c.16). Như vậy Yonadab được coi như một người gương mẫu thờ kính Jahvé.

You may also like