Chưa được phân loại

KINH THÁNH CỰU ƯỚC TỔNG QUÁT (phần 2 chương 1)

PHẦN II : NHỮNG ĐỊNH CHẾ GIA ĐÌNH

CHƯƠNG I : GIA ĐÌNH

1) Mô hình gia đình Israel :

Các nhà nhân chủng học phân biệt nhiều mô hình gia đình. Trong gia đình huynh đệ (fratriarcat), quyền hành nằm trong tay người anh cả và được chuyển từ anh này sang anh kia. Mô hình này ta có thể gặp thấy nơi dân Hurrites, ở Assyrie và Élam. Cũng có vào vết tích trong Cựu ước như : tục Lévirat mà sau này ta sẽ nói tới khi bàn về hôn nhân, chuyện các con trai của Giacob đứng lên báo thù cho em gái Dina của họ bị làm nhục (St 34) vai trò của Laban trong chuyện gả em gái Rébecca (St 24). Mặc dù những thí dụ trên chưa đủ sức thuyết phục, nhưng ta cũng phải nhận rằng trong tục Lévirat và trong chuyện Rébecca, có thể có ảnh hưởng của những tục lệ của dân Assyrie và Hurrites là những dân trong buổi đầu có theo mô hình gia đình huynh đệ.

Trong gia đình mẫu hệ (matriarcat) mà các xã hội sơ khai thường theo, thì đặc điểm không phải là người mẹ nắm quyền, nhưng là người ta tính bà con với nhau theo liên hệ mẹ. Đứa con thuộc về gia đình họ ngoại và không được kể là bà con với họ nội, quyền thừa kế cũng tính theo họ ngoại. Theo trường phái nhân chủng học của Graebner và của Schmidt, mô hình gia đình mẫu hệ gắn liền với nền văn minh tiểu nông, còn mô hình gia đình phụ hệ gắn liền với nền văn minh chăn nuôi. Nhiều tác giả trong đó có Robertson Smith cho rằng mẫu hệ là mô hình đầu tiên của gia đình dân sémites. Có một số dấu vết trong Cựu ước như : St 20,12 Abraham bị trách vì đã giả bộ coi Sara là em gái trong khi Sara thực sự là em cùng cha khác mẹ và ông đã cưới Sara làm vợ; 2Sm 13,13 Ammon và Tamar là con cùng cha (Đavit) khác mẹ và có thể cưới nhau. Việc cưới em gái cùng cha khác mẹ hoặc cùng mẹ khác cha bị luật cấm (Lv 18,9 20,17 Đnl 27,22) nhưng 2 bản văn vừa trích cho thấy sự thật không luôn luôn như vậy và người ta kết luận rằng : thuở đầu tiên liên hệ bà con tính theo họ mẹ. Ta cũng nên nhớ rằng tên của đứa con trẻ mới sinh thường là do mẹ đặt và 2 đứa con của Giuse vì do những người vợ Ai cập sinh ra nên chỉ được nhận là con dân Israel sau khi chúng được Giacob nhận (St 48,5). Tuy nhiên những lý luận trên không đủ, bản văn nói về 2 con của Giuse không có nghĩa như người ta gán cho nó như trên, vì câu sau đó có nói rõ. Còn những bản văn về Sara và Tamar chỉ chứng minh rằng việc cưới em gái cùng cha khác mẹ thời đó chưa bị cấm, và rằng không phải luôn luôn mẹ đặt tên cho con (St 16,15 17,19 38,29-30).

Nhưng cho dù hoàn cảnh của thời tiền sử Israel mà ta không thể nắm rõ có thế nào đi nữa thì những tài liệu xưa nhất mà chúng ta có cũng cho thấy rõ rằng gia đình Israel theo mô hình phụ hệ. Thuật ngữ chính xác để gọi gia đình là “nhà cha”. Thuật ngữ chính xác để gọi gia đình là “nhà cha” (bêt’ab). Các bảng gia phả luôn kể tên theo hàng họ nội, vài tên phụ nữ được kể xen vào chỉ là luật trừ, luật xem người bà con gần nhất tính theo hàng ngang là chú hoặc bác (Lv 25,49). Trong hôn nhân người chồng được coi là “chủ”, là ba’al của vợ. Người cha có toàn quyền trên các con nếu con của ông đã có vợ thì ông vẫn có toàn quyền trên đứa con đó và trên cả người vợ của nó, quyền này lớn đến nỗi ngày xưa người cha có thể quyết định sự sống chết của những kẻ dưới quyền mình, chẳng hạn như ông Giuđa đã phạt con dâu là Tamar phải chết vì tội lăng loàn (St 38,24).

Gia đình gồm những người kết liên nhau vừa do chung huyết thống vừa do chung chỗ ở. “Gia đình” là “nhà” và “xây dựng gia đình” là “xây dựng một nhà” (Nhm 7,4), gia đình ông Noe gồm vợ ông, các con ông và các dâu ông (St 7,1.7); gia đình ông Giacob gồm tới 3 thế hệ (St 46,8-26). Cũng thuộc về gia đình là các tôi tớ, những khách ngụ cư hoặc gérim và những kẻ tứ cố vô thân như các góa phụ và các trẻ mồ côi đang sống dưới sự bảo trợ của gia đình. Ông Jephté mặc dù là một đứa con bất hợp pháp, nhưng khi bị anh em đuổi đi, đã đòi quyền được ở “nhà cha” (Tl 11,1-7).

Danh từ “nhà” có một ý nghĩa rất uyển chuyển và có thể chỉ dẫn toàn dân, chẳng hạn “nhà Giacob”, “nhà Israel” hoặc một phần quan trọng của dân, chẳng hạn “nhà Giuse”, “nhà Giuđa”. Nó cũng có thể chỉ bà con theo nghĩa rộng, chẳng hạn Yaazanya, hậu duệ của Rékab, và anh em, con cháu của ông đều được gọi chung là bêt Rékab (Gr 35,3). Trong những bản danh sách của sách Sử ký, những chủ “gia đình” là những người đứng đầu cả một nhóm người thật đông (1Sk 5,15.24 7,7.40 8,6.10.13…) còn trong sách Esdra những chủ “gia đình” từ Babylone hồi hương mang theo từ 28 đến 300 người (Edr 8,1-14).

Theo nghĩa rộng này, gia đình đồng hóa với gia tộc, mispahah. Gia tộc ở cùng một nơi và tùy đông hay ít mà chiếm nhiều hay ít làng, chẳng hạn gia tộc Dan ở 2 làng : Coréa và Eshtael (Tl 18,11), hoặc ngược lại nhiều gia tộc ở chung trong một thành, chẳng hạn khi Néhémia kiểm tra dân số thì ở Giêrusalem có những người thuộc 2 gia tộc Giuđa và Benjamin (Nhm 11,4-8). Gia tộc có những quyền lợi và bổn phận chung, và những người trong cùng gia tộc ý thức mình chung dòng máu nên gọi nhau là “anh em” (1Sm 20,29).

Gia đình chẳng những hợp nhất nhau về mặt xã hội, mà còn thể hiện ở mặt tôn giáo. Lễ Vượt qua là lễ gia đình và được tổ chức tại nhà (Xh 12,3-4.46). Mỗi năm cha của Samuel dẫn cả gia đình đi hành hương đền thờ Silo (1Sm 1,3t).

2) Tình liên đới gia đình – tục Go’él :

Những người thuộc chung gia đình theo nghĩa rộng phải giúp đỡ và bảo vệ nhau. Thể hiện bổn phận này là một tục lệ tương tự nơi các dân khác nhưng ở Israel thì có một hình thức đặc thù và có tên gọi riêng. Đó là tục Go’él, theo gốc chữ thì có nghĩa là “chuộc lại, đòi lại” nhưng căn bản là “bảo vệ”.

Go’él là người bảo vệ, che chỡ và cứu chuộc những quyền lợi của cá nhân hoặc tập thể trong gia đình. Nếu một người Israel buộc phải bán mình để trừ nợ, thì một người trong số bà con gần của người ấy đứng ra làm Go’él chuộc người ấy lại (Lv 25,47-49). Nếu một người Israel phải bán gia tài thì Go’él có quyền tiên mãi (ưu tiên mua trước) nhằm giúp tài sản gia đình không bị tản lạc (Lv 25,25) như trường hợp Giêrêmia đã lấy tư cách Go’él để mua miếng ruộng của người bà con tên là Hanaméel (Gr 32,6t).

Tục lệ này được thấy rõ trong truyện bà Ruth, nhưng trong trường hợp này việc mua đất lại thêm phức tạp với tục lệ Lêvirat. Noémi vì nghèo nên phải bán tài sản mình đi, nàng dâu tên Ruth vừa góa chồng vừa không con. Ông Booz là một Go’él của bà Noémi và của Ruth. Thế nhưng có một người bà con gần hơn nữa có quyền ưu tiên hơn Booz. Người bà con này sẵn sàng mua đất nhưng lại không chịu cưới Ruth, bởi vì nếu sinh con thì đứa con sẽ mang tên người chồng quá cố của Ruth và sẽ có uy quyền thừa kế mảnh đất ấy. Thế là Booz đứng ra vừa mua đất, vừa cưới Ruth.

Câu chuyện này cho thấy quyền Go’él phải theo một thứ tự bà con mà Lv 25,49 kể rõ : trước nhất là chú bác rồi đến con của chú bác và sau cùng mới tới những bà con khác. Ngoài ra Go’él cũng có thể từ chối bổn phận và quyền lợi của mình : hành động cởi giày (R 4,7-8) có nghĩa là từ bỏ quyền Go’él. Hành động này cũng tương tự như trong tục lệ Lévirat thế nhưng trong tục Lévirat thì hành động này mang thêm một ý nghĩa sỉ nhục.

Một trong những bổn phận chính của Go’él là đòi nợ máu mà chúng ta đã đề cập tới trong phần tổ chức bộ lạc.

Danh từ Go’él được dùng trong ngôn ngữ tôn giáo. Chẳng hạn Jahvé với tư cách là Đấng báo oán cho những kẻ bị áp bức và Đấng cứu vớt dân, được gọi là Go’él trong rất nhiều đoạn Thánh kinh như Tv 19,15 78,35 Gr 50,34 Is 41,14 43,14…

3) Những biến đổi của tục lệ gia đình :

Cơ chế gia đình vừa mô tả ở trên là một di sản của tổ chức bộ lạc. Khi chuyển sang nếp sống định cư và nhất là khi nếp sống thành thị phát triển thì nhiều tục lệ gia đình đã bị biến đổi.

Thế nhưng những liên hệ huyết thống lại càng thắt chặt thêm. Nghề nghiệp được cha truyền con nối. Có những làng gồm toàn thợ mộc và thợ sắt (1Dk 4,14), nhiều làng khác toàn thợ làm đồ gốm (1Sk 4,23) v.v… những tổ hợp thủ công nghệ này do một “người cha” điều khiển và được gọi là “tổ hợp gia đình”, mispahôt nghĩa là gồm những người có bà con với nhau hoặc ít ra tập họp nhau theo kiểu gia đình.

Không còn hoặc ít còn những đại gia đình gồm nhiều thế hệ cùng sống chung quanh một cụ tổ. Điều kiện về nơi ăn chốn ở tại các thành thị hạn chế bớt số lượng thành viên gia đình sống chung dưới một mái nhà, vì nhà cửa chật hẹp và nhỏ bé hơn. Trong gia đình chỉ còn những đứa con chưa lập gia đình riêng. Khi đứa con đã kết hôn thì nó lập một gia đình mới, gọi là nó “xây dựng một nhà” (Nhm 7,4).

Nếu các nô lệ còn thuộc về gia đình thì con số cũng ít hơn. Một phạm trù xã hội mới xuất hiện, đó là những kẻ làm thuê. Không chỉ có hình thức cũ là gia đình với các tôi tớ sống chung dưới quyền gia trưởng mà nay thêm những hình thức chủ-thợ, giàu-nghèo. Đây là một sự biến đổi được hoàn tất ở Israel cũng như ở Giuđa vào thế kỷ VIII trước CN.

Quyền của người gia trưởng không còn phải là vô giới hạn nữa. Cha không còn quyền giết con và ngay trường hợp đứa con phạm lỗi với cha mẹ thì quyền xét xử thuộc về các kỳ lão trong thành (Đnl 21,18-21).

Tình liên đới suy yếu đi, và cá nhân dần dần thoát khỏi tập thể gia đình. Nguyên tắc trách nhiệm cá nhân được đặt ra trong Đnl 24,16 được áp dụng trong 2V 14,6 được xác nhận trong Gr 31,29-30 và được triển khai trong Ed 14,12-20 18,10-20. Bổn phận bà con giúp đỡ nhau bị quên lãng, khiến các ngôn sứ giờ đây phải đứng ra bênh vực quyền lợi cho những kẻ mồ côi, góa bụa (Is 1,17 Gr 7,6 22,3)… tục Lévirat không còn buộc khắt khe như ta đã thấy trong chuyện Giuđa và chuyện Tamar (St 28) và Đnl 25,5-10 cho phép người ta từ bỏ bổn phận ấy. Việc đòi nợ máu bị giới hạn vì đã có công lý nhà nước và có luật lập những thành tị nạn (Ds 35,9-29 Đnl 19,1-13).

Bài viết liên quan