Trong bài giảng thánh lễ sáng thứ Sáu mùng 6 tháng Năm tại nhà nguyện Santa Marta, Đức Thánh Cha nhận xét rằng Kitô hữu không gây tê nỗi đau của mình, không tìm cách làm mất đi cảm giác đau đớn nhưng sống nỗi đau ấy trong hy vọng rằng Thiên Chúa sẽ cho chúng ta một niềm vui không ai có thể cướp đi được.
Niềm vui và nỗi đau của một người phụ nữ sinh con
Lấy ý từ bài đọc trong ngày, trong đó Chúa Giêsu cảnh báo các môn đệ về một nỗi buồn đang ập đến, nhưng Chúa nói rằng nỗi buồn ấy sẽ được biến đổi sau này thành một tiếng reo vui, Đức Thánh Cha Phanxicô trình bày những suy tư về cách các Kitô hữu nên luôn luôn duy trì niềm vui và hy vọng của họ, ngay cả ở giữa những khổ đau. Ngài đã nêu ví dụ về người phụ nữ đang sinh con. Đức Thánh Cha nói: “Bà đau đớn khi thời khắc sinh em bé đến, nhưng bà quên đi những đau khổ.” Bà mang niềm hy vọng trong suốt thời kỳ đau đớn và sau đó bà vui mừng.
“Đây là tác động mà niềm vui và hy vọng có thể cùng nhau mang đến trong cuộc sống của chúng ta khi chúng ta đang đối mặt với đau khổ, khi chúng ta có vấn đề, khi chúng ta đang phải lao đao. Đó không phải là gây mê. Đau khổ là đau khổ nhưng nếu chúng ta sống với niềm vui và hy vọng, đau khổ sẽ mở ra cho anh chị em niềm vui của con người mới. Hình ảnh này của Chúa sẽ mang đến cho chúng ta niềm hy vọng lớn lao giữa những khó khăn của cuọc đời: khó khăn thường là khủng khiếp đến độ những khó khăn kinh hoàng ấy có thể làm cho chúng ta nghi ngờ đức tin của mình … Nhưng với niềm vui và hy vọng chúng ta tiến về phía trước bởi vì sau cơn bão này, một con người mới được nảy sinh, như trong trường hợp người phụ nữ sinh con. Và Chúa Giêsu nói với chúng ta đó là một niềm vui lâu dài và niềm hy vọng này sẽ không lụi tàn”
Niềm vui và hy vọng, không chỉ đơn giản là hạnh phúc hay lạc quan
Đức Thánh Cha giải thích rằng niềm vui và hy vọng của người Kitô hữu luôn gắn liền với nhau và chúng không thể bị lẫn lộn với thứ hạnh phúc đơn giản hay thái độ lạc quan.
“Một niềm vui mà không có hy vọng chỉ là một sự thích thú hay một cảm giác hạnh phúc tạm thời. Hy vọng mà không có niềm vui không phải là hy vọng, và nó không thể vượt xa hơn một thái độ lạc quan lành mạnh. Niềm vui và hy vọng luôn sánh bước bên nhau và cả hai đều tạo ra một sự bùng nổ mà trong Phụng Vụ Giáo Hội gần như reo lên – xin cho tôi nói từ này không chút xấu hổ: “Hãy mừng vui lên vì Giáo Hội của anh chị em! Mừng vui lên không màu mè hình thức! Bởi vì khi đó là một niềm vui mạnh mẽ, thì nó không cần hình thức bên ngoài, chỉ đơn giản là niềm vui.”
Đức Thánh Cha Phanxicô đã giải thích niềm vui và hy vọng phụ thuộc vào nhau như thế nào để phát triển; và các Kitô hữu được mời gọi để mở lòng ra ra đối với người khác với hai nhân đức này.
“Niềm vui củng cố hy vọng, và hy vọng nở hoa giữa niềm vui. Và chúng ta tiến về phía trước như thế. Nhưng cả hai nhân đức Kitô này, cùng với thái độ trong đó Giáo Hội muốn thấy nơi hai nhân đức ấy, chỉ cho chúng ta con đường mở lòng mình ra đối với tha nhân. Người vui mừng không đóng kín trong chính mình: hy vọng làm cho anh chị em mở lòng mình ra, nó giống như một mỏ neo trên bờ thiên đàng kéo chúng ta lên và ra ngoài. Mở ra khỏi chính mình, với niềm vui và hy vọng.”
Một niềm vui lâu dài
Đức Giáo Hoàng cũng lưu ý rằng niềm vui của con người có thể bị lấy đi bất cứ lúc nào trong khi Chúa Giêsu ban cho chúng ta một niềm vui lâu dài mà không ai có thể cướp đi khỏi chúng ta. Nó vẫn còn “thậm chí ngay cả trong khoảnh khắc đen tối nhất của chúng ta” giống như khi các tông đồ được trấn an bởi các thiên thần sau khi Chúa Giêsu lên trời đã trở về “tràn đầy niềm vui.” Đức Thánh Cha nói rằng các tông đồ có niềm vui “nhận biết rằng nhân loại được lên trời lần đầu tiên”, niềm hy vọng của sự sống và được hội ngộ với Chúa chúng ta. Điều này, ngài kết luận, đã trở thành “một niềm vui tràn ngập trong toàn thể Giáo Hội.”
Đặng Tự Do
vietcatholic.org