Trong mỗi dịp tham dự lễ khấn dòng của các tu sĩ, tôi vẫn thường nghe một số người giáo dân nói: Thầy (sơ) khấn dòng xong là mất tự do rồi ha! Đối với họ khi người tu sĩ khấn khiết tịnh là không được lập gia đình; khấn khó nghèo là không có tài sản và khấn vâng phục là cái gì cũng phải làm theo ý Bề trên, tức là mất sự tự do. Vậy phải chăng khi người tu sĩ khấn vâng phục là họ bị mất sự tự do?
Trước tiên chúng ta cần hiểu rõ ý nghĩa cặp hạn từ “vâng phục” và “tự do”. Vâng phục trong tiếng La- tinh, cũng như trong tiếng Hy- lạp hoặc trong tiếng Híp- ri có nghĩa là “lắng nghe, mở đôi tai”. Theo ý nghĩa tôn giáo, vâng phục là thái độ thực hành lắng nghe lời Thiên Chúa. Tự do, theo Từ điển tiếng việt phổ thông định nghĩa: “Tự do là không bị bó buộc, kiểm soát, tự do dân chủ”. Theo định nghĩa này thì thường tự do được hiểu như là không bị bất cứ một cái gì bên ngoài cản trở, muốn làm gì thì làm: Tôi muốn nằm ngủ hay muốn học bài hoặc chạy xe đi chơi… Đều làm được, không bị ai ngăn cấm, không bị ai cản trở cả. Và một người sống buông thả theo dục vọng, không bị điều kiện vật lý hạn chế, không bị luật lệ ngăn cấm, cũng được xem như là người có tự do – muốn làm gì thì làm. Xem ra định nghĩa này không rõ ràng, mang tính hàm hồ và đưa đến sai lạc, gây hận thù, làm chết hàng triệu con người. Và, nếu hiểu tự do theo nghĩa này thì quả thật người tu sĩ khi khấn vâng phục đã bị mất tự do.
Theo Từ điển Công giáo: “Tự do là khả năng bắt nguồn từ lý trí và ý chí, để hành động hay không hành động, làm việc này hoặc việc nọ; nhờ đó, con người có thể thực hiện những hành vi có ý thức và trách nhiệm”. Tự do là món quà quý giá mà Thiên Chúa ban cho con người; đó là khả năng quyết định, hướng cuộc đời mình về hạnh phúc. Tự do đạt tới mức hoàn hảo khi con người quy hướng về Thiên Chúa (x.GLHTCG, số 1731). Tự do phải được thực hiện theo hướng dẫn của lương tâm, đức ái và của Chúa Thánh Thần: “Bởi Thần Khí của Chúa ở đâu, thì ở đấy có tự do” (2Cr 3,17). Nhờ tự do, con người phát triển, trưởng thành trong chân lý và sự thiện. Như thế, với Ki-tô giáo thì người ta chỉ có thể tìm thấy tự do trong sự lệ thuộc vào Thiên Chúa, một sự “vâng phục đức tin”. Tự do đích thực không phải là một sự chinh phục của con người cho bằng ơn nhưng không của Thiên Chúa, là hoa trái của Thần Khí, được đặt trong mức độ con người tự đặt mình dưới sự lệ thuộc thương yêu đối với Đấng Tạo Hóa và Đấng Cứu Độ của mình. Nơi ấy, biểu lộ rõ ràng cái nghịch lý của Tin Mừng: “Ai muốn cứu mạng sống mình, thì sẽ mất, còn ai mất mạng sống mình vì Thầy, thì sẽ tìm được mạng sống ấy” (Mt 16,25). Nói cách khác: Hễ ai muốn giữ gìn và bảo vệ tự do bằng mọi giá thì sẽ mất, nhưng ai chấp nhận “đánh mất” nó trong sự tin tưởng phó dâng vào tay Thiên Chúa họ sẽ giữ được nó: tự do sẽ được trao lại cho họ, vô cùng lộng lẫy và sâu sắc, một món quà tuyệt diệu của tình Chúa. Rồi chúng ta sẽ thấy, tự do chúng ta lãnh nhận sẽ cân xứng với tình yêu và sự tín thác của lòng con thảo nối kết chúng ta với tình Cha trên trời. Như vậy, với lời khấn vâng phục người tu sĩ không đánh mất đi ‘tự do” của mình, nhưng nhờ vâng phục người tu sĩ hướng tới một sự tự do đích thực, tự do trong sự lệ thuộc và gắn bó với Thiên Chúa. Điều này cũng đã được Chân phúc Gio-an Phao-lô II nói trong Tông huấn Vita Conserata: “Mầu nhiệm về sự tự do của con người là con đường vâng phục ý muốn Chúa Cha, và mầu nhiệm của vâng phục là con đường chinh phục từng bước sự tự do chân thật”. Chúng ta cũng có thể thấy qua kinh nghiệm sống động của các thánh. Các ngài hiến dâng cho Thiên Chúa không tính toán, chỉ ao ước thực hiện thánh ý Thiên Chúa và về phần mình, các ngài dần dần cảm nhận được niềm vui của một sự tự do vô biên, không gì ở đời này có thể cướp đi được.
Ngoài ra, lời khấn vâng phục còn là cách thức thể hiện trọn vẹn con người. Trong sắc lệnh Perfectae Caritatis, Công đồng Va-ti-ca-nô II đã khẳng định: “Đức vâng lời trong đời tu trì chẳng những đã không giảm bớt phẩm giá, nhưng còn giúp nhân vị trưởng thành nhờ phát triển tự do của con cái Thiên Chúa”. Đức vâng phục không phải là một cách tự chế, hãm mình để rèn luyện nhân đức, mà chính là một cách thể hiện nhân phẩm, trong đó người tu sĩ tự thực hiện chính mình và tự do dấn thân trong ơn gọi và sứ mạng. Đời sống của người tu sĩ sẽ trở thành một sự vâng phục khi họ chân thành tìm ý Chúa và đồng hóa ý Chúa với ý riêng của mình. Với lời khấn vâng phục, người tu sĩ đã chấp nhận lệ thuộc người khác và như thế là hạn chế quyền độc lập của mình. Tuy nhiên, cho dù vậy thì nó cũng không cản trở người tu sĩ phát triển trọn vẹn con người của mình, bởi vì sự chấp nhận lệ thuộc đó là do chính người tu sĩ tự nguyện chọn lựa. Và, sau khi đã hoàn toàn ý thức và tự do chọn đáp lại ơn gọi của mình, thì đức vâng phục giúp người tu sĩ càng ngày càng trở nên cái họ phải trở thành. Đức vâng phục không phải là một phương tiện để kiềm hãm đối với người dưới, hoặc để kiểm soát đối với người trên, mà là một tác nhân xây dựng nhân phẩm con người. Như vậy thì phạm vi của đức vâng phục mở ra thật rộng: Người tu sĩ vâng phục cởi mở mình ra với Chúa và với mọi người trong tinh thần lắng nghe, đón nhận, tin cậy lẫn nhau. Nhờ đó, họ có thể đọc ra được sự thật. Từ đó, họ mới hiểu được những dấu chỉ của thời đại, nghe được những tiếng mời gọi của Chúa và tìm được sức mạnh để thực hiện sự dấn thân vì Nước Trời.
Tóm lại, vâng phục và tự do không mâu thuẫn nhau. Khi khấn vâng phục người tu sĩ hướng đến sự tự do đích thực, sự tự do với chính mình để gắn bó vơi Thiên Chúa. Qua lời khấn vâng phục người tu sĩ thể hiện được trọn vẹn con người của mình, một con người bước theo sát Đức Ki-tô một cách triệt để, sống hoàn toàn phó thác và vâng phục thánh ý Chúa Cha.
Cyprien Chí,FSF