BÀI ĐỌC I: Kh 11, 4-12
“Hai vị tiên tri ấy đã làm cho dân trên hoàn cầu chịu nhiều khổ cực”.
Trích sách Khải Huyền của Thánh Gioan Tông đồ.
Có lời phán cùng tôi là Gioan rằng: “Hai chứng tá của Ta là hai cây ôliu và hai cây đèn đặt trước mặt Chúa Tể địa cầu. Và nếu ai toan hãm hại các ngài, thì sẽ có lửa từ miệng các ngài phun ra tiêu diệt các địch thù; ai toan làm hại các ngài thì chính kẻ ấy phải bị giết như vậy. Các ngài có quyền đóng cửa trời, khiến trời không mưa trong những ngày các ngài nói tiên tri. Các ngài lại có quyền biến nước thành máu, và gieo tai hoạ cho trần gian bất cứ lúc nào tùy ý. Và khi các ngài đã hoàn tất nhiệm vụ chứng tá rồi, thì con mãnh thú từ vực thẳm lên sẽ giao chiến với các ngài, nó sẽ thắng và giết chết các ngài. Thi thể các ngài sẽ bị bêu nơi công trường của Thành lớn, gọi cách bóng bảy là Sôđôma và Ai-cập, là nơi Chúa các ngài đã bị đóng đinh. Thiên hạ thuộc mọi chi tộc, mọi dân, mọi nước, và mọi ngôn ngữ, đã xem thấy thi thể các ngài trong ba ngày rưỡi, và người ta không để cho thi thể các ngài được chôn cất trong mộ. Dân chúng trên khắp mặt đất sẽ vui mừng vì cái chết của các ngài và hoan hỉ tặng quà cho nhau, vì hai vị tiên tri ấy đã từng làm cho họ chịu nhiều khổ cực. Nhưng sau ba ngày rưỡi, (sinh khí từ) Thiên Chúa nhập vào các ngài. Và các ngài đứng dậy, khiến cho những người trông thấy phải khiếp sợ. Rồi các ngài nghe có tiếng vang lớn từ trời phán cùng các ngài rằng: ‘Hãy lên đây’. Các ngài liền lên trời, trong đám mây trước mắt các địch thù của các ngài.
Chính lúc đó đất chuyển động dữ dội, và một phần mười của thành thị bị sụp đổ, làm bảy ngàn người thiệt mạng trong cơn động đất ấy. Còn các người sống sót thì kính sợ và cao rao vinh danh Đức Chúa Trời”.
Đó là lời Chúa.
ĐÁP CA: Tv 143, 1. 2. 9-10
Đáp: Ôi Đá Tảng của con, chúc tụng Chúa! (c. 1a).
Xướng:
1) Ôi Đá Tảng của con, chúc tụng Chúa là Đấng rèn luyện cho tay con biết đấu tranh, cho các ngón tay con thiện nghề chinh chiến. – Đáp.
2) Chúa là tình thương và là chiến luỹ, là Đấng phù trợ và giải phóng con. Chúa là khiên thuẫn, là chỗ con nương náu; Ngài bắt chư dân phải khuất phục con. – Đáp.
3) Ôi Thiên Chúa, con sẽ hát mừng Ngài bài ca mới; với cây đàn mười dây, con sẽ ca mừng Ngài, vì Ngài đã ban cho các vua chiến thắng, đã giải phóng Đavít là tôi tớ của Ngài. – Đáp.
Tin mừng: Mt 12,46-50
46 Người còn đang nói với đám đông, thì có mẹ và anh em của Người đứng bên ngoài, tìm cách nói chuyện với Người. 47 Có kẻ thưa Người rằng: “Thưa Thầy, có mẹ và anh em Thầy đang đứng ngoài kia, tìm cách nói chuyện với Thầy.” 48 Người bảo kẻ ấy rằng: “Ai là mẹ tôi ? Ai là anh em tôi ?” 49 Rồi Người giơ tay chỉ các môn đệ và nói: “Đây là mẹ tôi, đây là anh em tôi. 50 Vì phàm ai thi hành ý muốn của Cha tôi, Đấng ngự trên trời, người ấy là anh chị em tôi, là mẹ tôi.”
1. Suy niệm (TGM Giuse Nguyễn Năng)
Sứ điệp: Chúa Giêsu thiết lập Hội Thánh là Dân riêng mới. Dân riêng mới được quy tụ không theo tiêu chuẩn huyết thống, nhưng theo tiêu chuẩn tin và thi hành ý muốn Chúa Cha.
Cầu nguyện: Lạy Chúa, dân riêng thời Cựu ước bao gồm những con cháu của gia đình tổ phụ Gia-cóp. Họ liên kết với nhau nhờ tình máu huyết. Còn Chúa, Chúa quy tụ dân riêng của Chúa theo một tiêu chuẩn khác. Ai sống theo thánh ý Chúa Cha, người đó trở nên dân riêng, trở nên người thân của Chúa. Nhờ đó, tất cả mọi người đều có cơ hội trở nên con cái trong đại gia đình Chúa thiết lập.
Thoáng nghe Tin Mừng hôm nay, con có cảm tưởng dường như Chúa lạnh lùng với thân bằng quyến thuộc. Nhưng suy gẫm thêm, con mới hiểu rằng: tình máu mủ dù có thắm thiết đến đâu cũng không thể chặt chẽ bằng mối tình thiêng liêng được liên kết bằng tình yêu Chúa. Chúa không dạy con bỏ tình ruột thịt, nhưng dạy con biết cùng nhau sống thánh ý Chúa Cha để mọi mối tình nhân loại được vững bền và có giá trị cao cả.
Các tín hữu thời Giáo Hội sơ khai là tấm gương quý báu cho con. Họ đã trở nên anh chị em vì cùng tin và cùng sống Tin Mừng của Chúa. Họ đã góp tất cả của cải để chia đều cho nhau. Chúng con là anh chị em ruột thịt cũng không thể làm được như vậy.
Lạy Chúa, xin cho con nhận ra ý nghĩa cao cả của Bí tích Rửa Tội, vì nhờ đó, con được dẫn vào mối liên hệ thân thích mới. Nhưng nhất là xin Chúa giúp con sống bí tích Rửa Tội, thực thi Thánh Ý Chúa trong cuộc sống, để nhờ đó con được thực sự trở nên con cái Thiên Chúa và là anh chị em với nhau. Amen.
Ghi nhớ: “Người giơ tay trên các môn đệ mà nói: Ðây là mẹ Ta và là anh em Ta”.
2. Suy niệm (Lm. Carôlô Hồ Bạc Xái)
Nguồn gốc thánh lễ hôm nay là ngày thánh hiến một giáo đường tôn kính Đức Trinh Nữ Maria tại Giêrusalem. Thánh lễ này đã có từ thế kỷ thứ VI trong Giáo hội Đông Phương và được mừng kính như một lễ về Đức Mẹ. Việc Mẹ Thiên Chúa bước vào đền thờ, có nghĩa là việc ông Gioankim và bà Anna, cha mẹ của Đức Trinh Nữ đem và dâng Đức Maria cho Thiên Chúa trong Đền thờ.
Truyền thuyết này dựa theo quyển ngụy thư “Phúc Âm thánh Giacôbê”. Giáo Hội Rôma phủ nhận thánh lễ này lúc ban đầu, vì nội dung không đúng tập tục của Thánh Kinh, nhưng từ thế kỷ XIV lại đón nhận và phổ biến rộng rãi.
Việc Đức Mẹ dâng mình vào Đền Thờ cũng là một vấn đề còn nhiều tranh luận. Đúng hơn, chúng ta phải hiểu chính Đức Maria là Đền Thờ sống động của Thiên Chúa. Qua tiếng thưa vâng để đáp lại ơn gọi, Đức Maria trở thành Đền Thờ của Thiên Chúa, là thành Giêrusalem viên mãn và là mẫu mực của Hội thánh Chúa Kitô.
Nguyện xin Chúa nhận lời Đức Mẹ chuyển cầu và ban cho chúng con được dư đầy ơn phúc.
3. Suy niệm (Lm. Giuse Đinh Lập Liễm)
Kẻ chết sống lại (Lc 27-40)
- Nhóm luật sĩ và biệt phái tin có sự sống lại, còn nhóm Sađốc thì không. Mặc dầu nhóm Sađốc không tin vào cuộc sống đời sau, nhưng qua lời lẽ của họ, người ta thấy họ có một quan niệm hết sức vật chất về cuộc sống ấy: ở đời sau người ta cũng cưới vợ lấy chồng sinh con và hưởng thụ tất cả những lạc thú như ở đời này. Nhưng Đức Giêsu đã mạc khải cho họ có sự sống lại và cách thức sống cuộc sống đời sau. Ngài cho thấy cuộc sống ấy không còn giống như ở đời này, không còn lệ thuộc vào không gian và thời gian. Trái lại, cuộc sống của người công chính khi phục sinh sẽ được thần thiêng hoá như đời sống của các thiên thần.
- Hôm nay, nhóm Sađốc đã đứng lên để bàn mưu tính kế nhằm hại Đức Giêsu. Cái bẫy mà họ đưa ra chính là câu chuyện liên quan đến sự sống lại. Vấn nạn mà họ đặt ra cho Đức Giêsu và yêu cầu Ngài trả lời: theo luật Maisen, nếu người anh lấy vợ, khi chết đi mà chưa có con, thì người em phải lấy vợ của anh mình để có con nối dõi. Vậy cả 7 anh em nhà kia lấy vợ, nhưng chưa có con thì đã chết, sau cùng người đàn bà kia cũng chết. Vấn đề đặt ra là: khi sống lại, người đàn bà kia sẽ là vợ của người nào trong 7 anh em đó ?
- Để trả lời cho họ, Đức Giêsu trưng dẫn sách Ngũ kinh như ông Maisen đã gọi: “Đức Chúa là Thiên Chúa của tổ phụ Abraham, Thiên Chúa của tổ phụ Isaác và Thiên Chúa của tổ phụ Giacóp. Ngài không phải là Thiên Chúa của kẻ chết, nhưng là Thiên Chúa của kẻ sống, vì đối với Ngài, tất cả đều đang sống”. Thiên Chúa là sự sống. Ngài ban và duy trì sự sống ngay cả sau khi chết.
Đức Giêsu luôn luôn từ chối trả lời theo khôn ngoan thế gian, nhưng người đứng trên phương diện khác để trả lời. Câu chuyện của Sađốc đặt ra là giả tưởng, không có thật. Sự sống đời sau khi sống lại không như nhiều người Do thái tưởng là sự nối tiếp sự sống đời này. Nhưng, “những ai được xét là đáng hưởng hạnh phúc đời sau” và sống lại từ cõi chết, thì không cưới vợ gả chồng, quả thật họ không thể chết nữa, vì họ được sống như thiên thần. Họ là con cái Thiên Chúa.
- Đức Giêsu còn trả lời thêm cho biết trật tự, cách tổ chức, cách thế hiện hữu của cuộc sống mai hậu không giống như cuộc sống đời này. Không thể lấy kinh nghiệm hiện hữu của cuộc sống này để áp dụng vào việc suy đoán cách hiện hữu của cuộc sống mai hậu. Đời này có lấy vợ gả chồng chỉ là chuyện sinh, lão, bệnh, tử, nên cần phải có người giúp đỡ, phục vụ và nối dõi. Khi con người đã trở thành bất tử, họ không còn sống phụ thuộc vào không gian và thời gian nữa, vì thế, họ cũng không cần phải cưới vợ gả chồng. Họ sẽ bước vào cuộc sống thần thiêng như các thiên thần, cuộc sống của họ lúc này là trường sinh bất tử, sung mãn, trọn vẹn và tồn tại muôn đời với Đấng Hằng Hữu. Công việc của họ chính là ca ngợi Chúa trong vinh quang Nước trời như các thiên thần, được tham dự vào đời sống của Thiên Chúa (Hiền Lâm).
- Nói chung, trên mọi bình diện, mọi lý luận chỉ dựa trên công sức trí khôn con người, thì không thể nào dẫn dắt đến sự nhìn nhận niềm tin vào sự sống lại. Đức Giêsu đã quả quyết mạnh mẽ vì sự thật có sự sống lại, nhưng Chúa không giải thích cho biết sự việc sẽ xảy ra như thế nào và cũng không nói về thời gian khi nào sẽ xảy ra biến cố sống lại. Có thể là hai câu hỏi như thế nào và vào lúc nào là hai điều không quan trong cho ơn cứu rỗi, nên Đức Giêsu đã không giải thích, không mặc khải gì thêm. Không phải chỉ có lời quả quyết suông của Chúa mà thôi, nhưng chúng ta còn có sự kiện cụ thể khác nữa, đó là chính sự sống lại của Đức Giêsu Kitô. Đức Kitô Phục sinh là câu trả lời duy nhất cho thắc mắc của con người về cái chết, về sự sống lại và sự sống đời đời (R. Veritas).
- Tất cả cuộc sống chúng ta đều xây dựng trên niềm tin vào sự sống lại của Đức Giêsu và sự sống mai hậu. Tất cả những nỗ lực xây dựng công bằng bác ái của chúng ta chỉ có ý nghĩa là bởi vì chúng ta tin vào cuộc sống vĩnh cửu và sự sống lại.
- Truyện: Kinh nghiệm cận tử
Mấy năm gần đây, một số bác sĩ Đức và Mỹ đã rất chú ý đến hiện tượng mà họ gọi là “kinh nghiệm cận tử” (near death experience): nhiều người vì một tai nạn hay một lý do nào đó đã ngất đi trong một thời gian khá dài. Về mặt thể lý, coi như họ đã chết. Nhưng sau đó họ sống lại. Các bác sĩ đã phỏng vấn 1370 người ấy. Trong những điều họ thuật lại, có những điểm mà ai cũng nhất trí, như sau:
– Cuộc sống ở “cõi bên kia” hạnh phúc hơn cuộc sống ở đời này.
– Sau khi “chết đi sống lại”, không ai còn sợ chết nữa, không ai ham muốn kiếm tiền bạc danh vọng lạc thú gì nữa. Điều duy nhất mà họ quan tâm là sống yêu thương, quảng đại, phục vụ mọi người (Tóm bài của Willie Hoffsuemmer).
4. Suy niệm (Lm. Nguyễn Vinh Sơn SCJ)
Câu chuyện
Đức cha Gioan Baotixita Bùi Tuần chia sẻ hành trình ơn gọi giám mục của Ngài: Khi tôi được gọi làm giám mục phó giáo phận Long Xuyên, đất nước và Giáo hội Việt Nam đang sôi động chuyển biến từng ngày, từng giờ. Tình hình thì rất nghiêm trọng, còn tôi thì rất hèn mọn, yếu đuối.
Tôi vâng lời Tòa Thánh trong muôn vàn lo âu. Với tâm tình phó thác, tôi nói với Chúa: “Này con xin đến, để thực thi ý Chúa”.
Suy niệm
Ðức Giêsu không bao giờ coi nhẹ tình cảm gia đình, Ngài càng không hề lãnh đạm với mẹ và anh em của Ngài. Tuy nhiên, Ngài luôn đề cao mối liên hệ thiêng liêng trong niềm tin và lòng yêu mến theo Tin Mừng.
Cho nên, Ngài khẳng định: “Ai làm theo ý Cha Ta trên trời, thì người ấy là anh em, chị em và là mẹ Ta vậy”, cao hơn mối liên hệ thiêng liêng dựa trên Lời Chúa mà Ngài đang mang sứ mạng rao truyền, sẽ dệt nên niềm tin và lòng yêu mến cho người lãnh nhận. Ngài khẳng định trong tương quan với nước Ngài, quan hệ máu mủ ruột thịt không quan trọng bằng niềm tin khi biểu lộ thực thi ý Chúa. Đại gia đình thiêng liêng mà các thành viên đều mang tiêu chuẩn nghe và thi hành ý Thiên Chúa.
Khi khẳng định, mẹ và anh em Ngài chính là người nghe và thực hành Lời, Chúa Giêsu muốn cho mọi người thấy Mẹ Maria chính là người lắng nghe Lời Chúa và đem ra thực hành hơn ai hết. Thật thế, Mẹ Maria là người đầu tiên đã lắng nghe lời Chúa và đem ra thực hành khi Mẹ thưa với sứ thần đến truyền thánh ý Chúa trong cuộc đời Mẹ, khi đáp trả: “Vâng, này tôi đây là nữ tỳ của Thiên Chúa, xin hãy thực hiện nơi tôi điều Ngài truyền”, lời xin vâng đã khai mở ơn cứu rỗi và sự sống mới cho thế giới. Mẹ đã trở nên gương mẫu cho mọi người Kitô: Lắng nghe và thực hành Lời Chúa dạy.
Chính Mẹ cũng đã đi trước nêu gương và muốn cho chúng ta sống như Mẹ đã sống. Nơi tiệc cưới Cana, Mẹ truyền: “Hãy làm theo lời Ngài truyền”, hành động đó đã dọn sẵn mọi sự để Chúa làm phép lạ mang đến niềm vui cho những người chung quanh… Mẹ luôn suy gẫm trong lòng các biến cố cuộc đời Đấng Cứu Thế, đặc biệt, dưới chân thập tự, Mẹ sống đức tin vào Thiên Chúa mãnh liệt nhất. Cho nên, trên phương diện gia đình đức tin: Nghe và thực hành Lời Chúa, Đức Maria xứng đáng là Mẹ hơn ai hết.
Chúng ta cùng ý thức mình thực sự là anh chị em với Chúa, khi sống: Xin vâng theo thánh ý Chúa (Lc 1,38)
Ý lực sống
“Lạy Chúa, này con đến để thi hành thánh ý Chúa”.
(Dt 10,7)
Nguồn: WGPSG