Lễ nhớ
I. Ghi nhận lịch sử – phụng vụ
Thánh Phanxicô Assise qua đời đêm mồng 3 rạng mồng 4 tháng 10 năm 1226 tại Assise, trong một túp lều ở Portioncule. Hai năm sau, 1228, ngài Đức Giáo Hoàng Grêgoire IX, bạn thân và vị bảo trợ của ngài, phong thánh. Năm 1939, ngài được Đức Giáo Hoàng Piô XII công bố là bổn mạng nước Ý, cùng với thánh Catherine de Sienna.
Là con một nhà buôn vải giàu có, ngài sinh tại Assise (nước Ý) khoảng năm 1181 và được đặt tên là Gioan. Cha ngài, ông Pietro di Bernardone, rất có thiện cảm với nước Pháp sau các cuộc hành trình đến đó, nên đã dạy ngài tiếng Pháp và những bài hát của các người hát rong thời đó. Vì vậy cậu bé Gioan được biệt danh là Francesco (nghĩa là người Pháp). Sau một thời trẻ vô tư và thích mạo hiểm, ngài tham gia cuộc chiến của Assise chống lại miền Perugia. Bị bắt làm tù binh, ngài bị giam cầm trong một năm (1202-1203). Năm 1205, ngài đăng ký gia nhập đội quân giáo hoàng của Gautier de Brienne và tham gia vào một cuộc viễn chinh. Nhưng một giấc mộng đã đưa ngài trở về Assise và ngài quyết định “theo chủ (Giêsu) hơn theo tớ (Gautier de Brienne). Từ đó càng ngày ngài càng chuyên chăm hơn vào việc cầu nguyện và bố thí. Năm 1205, ở Saint-Damien, ngài nghe tiếng Chúa Giêsu trên thánh giá nói với ngài: “Phanxicô, hãy đi trùng tu lại ngôi nhà thờ đổ nát của Ta.” Từ giã bạn bè và gia đình sau khi bị gia đình kiện cáo, Phan-xi-cô sống ẩn dật trong ba năm để chờ đợi một luồng ánh sáng. Cuối cùng, ngày 24 tháng 1 năm 1209, lễ thánh Mátthias, khi nghe bài Tin Mừng (Mt 10, 1-9) trong nhà thờ Đức Mẹ Các Thiên Thần, ngài hiểu rằng những lời Chúa Giêsu khuyên các môn đệ trong cuộc truyền giáo cũng là những lời khuyên cho ngài. Từ đó ngài sống một cuộc đời phiêu bạt và nghèo khó để rao giảng cho mọi tạo vật tin mừng cứu độ. Bằng lối sống này, ngài đã qui tụ được những môn đệ đầu tiên mà ngài gọi là “những Anh em hèn mọn”, nghĩa là những người thấp hèn nhất. Đó là những thanh niên đã từ bỏ mọi sự, đi khất thực, công bố Lời Chúa, hoà giải các địch thù, rao giảng sự sám hối và phép Thánh Thể . . . Năm 1210, nhóm nhỏ này–gồm 12 người, trong đó có Bernard de Quintavalle–cùng đi đến Rô-ma. Đức giáo hoàng Innôcentê III phê chuẩn bằng miệng bộ luật đầu tiên, rất đơn giản, do thánh Phanxicô soạn. Các anh em ngài từ nay có thể mang Tin Mừng đến khắp thế giới. Pax et bonum (bình an và tốt lành) là châm ngôn của các ngài. Lý tưởng của các ngài là Tin Mừng nguyên tuyền: tình yêu say đắm đối với Chúa Kitô, nghèo khó hoàn toàn, gần gũi với thiên nhiên, dịu dàng với mọi người . . . Năm 1212, ngài cùng chị Clara Assise lập Dòng Nhì Phanxicô, gọi là dòng Clarít, rồi ngài tìm cách tham gia đạo quân thập tự chinh nhằm cải hoá người Hồi giáo ở Syria, nhưng không thành công; tàu chở ngài bị đánh dạt vào bờ. Sau đó, ngài định đi Tây Ban Nha để cải hóa người Maures, nhưng rồi bị bệnh phải trở về Ý. Năm 1215 có tổng tu nghị đầu tiên của Dòng Anh em hèn mọn, và thánh Phanxicô sau khi hoàn tất tổ chức của Dòng, đã gửi những Anh em đầu tiên ra nước ngoài. Năm 1217, ngài tìm cách đến Pháp nhưng không thành, và năm 1219, người nghèo Poverello sang Ai Cập và gặp giáo trưởng Hồi giáo. Trở về nước Ý, năm 1221 ngài lập Dòng Ba Sám hối. Vào dịp tổng tu nghị ở Nattes, ngài soạn bộ luật thứ hai cho các Anh em hèn mọn, rồi năm 1223, bộ luật thứ ba, được Đức giáo hoàng Honoriô III phê chuẩn. Vẫn trong năm 1223, vào dịp lễ Giáng Sinh, trong một hang đá ở Greccio, ngài trưng bày một hang đá sống động Chúa Giáng Sinh. Năm sau, ngày 14 tháng 9 năm 1224, trên núi Alverne, ngài được ghi các dấu thánh của Chúa chịu nạn. Sau đó, khi trở về Assise, ngài ngã bệnh nặng và gần như bị mù. Giữa những đau đớn ghê gớm, ngài sáng tác Bài Ca Mặt Trời, và tối trước ngày ngài mất, ngài soạn Chúc Thư trong đó ngài diễn tả nỗi luyến tiếc thời nguyên thuỷ. Sức lực cạn kiệt, thánh Phanxicô tắt hơi thở khi mới bốn mươi lăm tuổi, mình trần nằm trên nền nhà Portioncule của ngài, miệng vẫn hát lên thánh vịnh 141: Voce mea ad Dominum clamavi (Con cất tiếng kêu lên cùng Chúa).
Thi hài ngài được an táng tại vương cung thánh đường nổi tiếng San Francesco mà Anh Êlie, người kế vị ngài, cho xây tại Assise (1228). Các giai thoại cuộc đời ngài thường xuyên được vẽ lại qua các thế kỷ. Chúng ta nhắc đến một số tác phẩm như Ông Thánh cho thấy các Dấu thánh (vô danh, Louvre); Thánh Phanxicô suy niệm trước một cái sọ người (Murillo, Séville, và le Greco, Pau); Thánh Phanxicô và Chúa Chịu Đóng Đinh (Le Caravage, Harford); Phép lạ Hoa hồng (Rubens, Lille); Khúc hoà tấu Thiên thần (Rubens, Anvers).
II. Thông điệp và tính thời sự
Các lời nguyện của thánh lễ vẽ lại những nét đặc trưng của thánh Phanxicô, đã được phác họa trong Ca Nhập lễ: “Thánh Phanxicô Assise, người của Chúa, đã lìa bỏ nhà cửa, gia nghiệp, để kết hôn với Chị Nghèo Khó; và Chúa đã nhận ngài vào phục vụ Người.”
Lời Nguyện của ngày nhắc nhớ “đời sống khiêm hạ và nghèo khó” của thánh Phanxicô, “hoàn toàn nên giống Chúa Kitô”. Thomas de Celano làm chứng: “Vì rất khiêm hạ, ngài đầy lòng nhân hậu với mọi người và biết hoà hợp với tính khí của mỗi người. Là vị người thánh thiện nhất trong chư thánh, ngài tỏ ra là một người anh em giữa những kẻ tội lỗi.” (Tiểu Sử thánh Phanxicô).
Lời Nguyện trên lễ vật gợi ra “mầu nhiệm thập giá mà thánh Phanxicô đã ôm ấp suốt đời mình.” Tháng 8 năm 1224, lúc ấy đang trên núi Alverne, sống đời ẩn dật, cầu nguyện và chay tịnh, thánh Phanxicô đã xin Chúa cho mình được chia sẻ tình yêu và sự đau khổ của Chúa. Thế là, vào dịp lễ Suy tôn Thánh giá, trong lúc ngài cầu nguyện, thiên thần Sêraphim hiện ra mang cho ngài ảnh Chúa chịu đóng đinh. Từ đó, hai bàn tay, cạnh sườn và hai bàn chân của ngài được in những dấu thánh cuộc Khổ nạn của Chúa Kitô, cho tới khi ngài mất. Vì vậy chúng ta cầu nguyện trong Thánh thi của Kinh Chiều: “Anh Phanxicô, những dấu đinh của thập giá nặng nề đã nhập vào thân thể anh! Ước chi mỗi người chúng tôi được đi đến tột cùng sức lực mình, và chịu đau khổ hoàn toàn vì tình yêu Chúa !” Lời Nguyện sau hiệp lễ diễn tả “đức ái của thánh Phanxicô và tâm hồn tông đồ quảng đại của ngài.”
Được tình yêu Chúa Kitô thu hút cũng mạnh như sự quan tâm đối với phần rỗi đồng loại, thánh Phanxicô đặt nền tảng cho tất cả công cuộc cải cách của mình trên đức khiêm nhường. Ngài viết cho anh em trong dòng: “Chúng ta không bao giờ được muốn trổi hơn người khác, nhưng phải ước muốn làm đầy tớ và lụy phục mọi người vì Thiên Chúa.” (Bài đọc Giờ Kinh Sách). Dòng của ngài có được sức mạnh để phục hưng hàng giáo sĩ triều và canh tân lòng yêu mến Phúc âm giữa giáo dân, đó là nhờ sự thánh thiện của các Anh em hèn mọn: “Chúng ta không cần phải là những người khôn ngoan hay thông thái theo xác thịt; nhưng chúng ta phải là những người đơn sơ, khiêm nhường và thanh tịnh.” (sđd). Ngài nhắc lại những giá trị nòng cốt của Tin Mừng: “Với tất cả những người sống trên thế giới này, chúng ta hãy sống bác ái và khiêm nhường”, theo gương Chúa Kitô, “Đấng vốn giàu có trên hết mọi sự, nhưng đã muốn cùng với Mẹ thánh Người, chọn sự nghèo khó trên hết.”
Với đức khiêm nhường và nghèo khó, lòng yêu mến Chúa Kitô, loài người và tạo vật, thánh Phanxicô là một trong những vị thánh nổi danh nhất và được yêu mến nhất trên toàn thế giới.
Endo Lodi