Phụng Vụ Chư Thánh Suy Niệm Hằng Ngày

Ngày 24/11: Thánh Anrê Dũng Lạc và các bạn tử đạo

BÀI ĐỌC I: Kn 3, 1-9

“Chúa chấp nhận các ngài như của lễ toàn thiêu”.

Trích sách Khôn Ngoan.

Linh hồn những người công chính ở trong tay Chúa, và đau khổ sự chết không làm gì được các ngài. Đối với con mắt của người không hiểu biết, thì hình như các ngài đã chết và việc các ngài từ biệt chúng ta, là như đi vào cõi tiêu diệt. Nhưng thật ra các ngài sống trong bình an. Và trước mặt người đời, dầu các ngài có chịu khổ hình, lòng trông cậy của các ngài cũng không chết. Sau một giây lát chịu khổ nhục, các ngài sẽ được vinh dự lớn lao; vì Chúa đã thử thách các ngài như thử vàng trong lửa, và chấp nhận các ngài như của lễ toàn thiêu.

Khi đến giờ Chúa ghé mắt nhìn các ngài, các người công chính sẽ sáng chói và chiếu toả ra như ánh lửa chiếu qua bụi lau. Các ngài sẽ xét sử các dân tộc, sẽ thống trị các quốc gia, và Thiên Chúa sẽ ngự trị trong các ngài muôn đời. Các ngài đã tin tưởng ở Chúa, thì sẽ hiểu biết chân lý, và trung thành với Chúa trong tình yêu, vì ơn Chúa và bình an sẽ dành cho những người Chúa chọn.

Đó là Lời Chúa.

ĐÁP CA: Tv 125, 1-2ab. 2cd-3. 4-5. 6

A+B=Chúa đã đối xử đại lượng với chúng tôi, nên chúng tôi mừng rỡ hân hoan (c. 3).

A=Khi Chúa đem những người Sion bị bắt trở về, chúng tôi dường như Người đang mơ, bấy giờ miệng chúng tôi vui cười, lưỡi chúng tôi thốt lên những tiếng hân hoan.

B=Bấy giờ dân thiên hạ nói với nhau rằng: “Chúa đã đối xử với họ cách đại lượng”. Chúa đã đối xử đại lượng với chúng tôi, nên chúng tôi mừng rỡ hân hoan.

A=Lạy Chúa, xin hãy đổi số phận của con, như những dòng suối ở miền nam. Ai gieo trong lệ sầu, sẽ gặt trong hân hoan.

B=Thiên hạ vừa đi vừa khóc, tay mang thóc đi gieo; họ trở về hân hoan, vai mang những bó lúa.

A+B=Chúa đã đối xử đại lượng với chúng tôi, nên chúng tôi mừng rỡ hân hoan (c. 3).

BÀI ĐỌC II: 1 Cr 1, 17-25

“Vì tiếng nói của Thập Giá là sức mạnh của Thiên Chúa ban cho chúng ta”.

Trích thư thứ nhất của Thánh Phaolô Tông đồ gửi tín hữu Côrintô.

Anh em thân mến, Đức Kitô không sai tôi đi rửa tội, mà là rao giảng Tin Mừng, không phải bằng lời nói khôn khéo, kẻo Thập giá của Đức Kitô ra hư không.

Vì chưng lời rao giảng về Thập giá là sự điên rồ đối với những kẻ hư mất; nhưng đối với những người được cứu độ là chúng ta, thì điều đó là sức mạnh của Thiên Chúa. Vì như đã chép rằng: “Ta sẽ phá huỷ sự khôn ngoan của những kẻ khôn ngoan, sẽ chê bỏ sự thông thái của những người thông sáng. Người khôn ngoan ở đâu ? Người trí thức ở đâu ? Người lý sự đời này ở đâu ?” Nào Thiên Chúa chẳng làm cho sự khôn ngoan của đời này hoá ra điên rồ đó sao ? Vì thế gian tự phụ là khôn, không theo sự khôn ngoan của Thiên Chúa mà nhận biết Thiên Chúa, thì Thiên Chúa đã muốn dùng sự điên rồ của lời rao giảng để cứu độ những kẻ tin. Vì chưng, các người Do-thái đòi hỏi những dấu lạ, những người Hy-lạp tìm kiếm sự khôn ngoan, còn chúng tôi, chúng tôi rao giảng Chúa Kitô chịu đóng đinh trên thập giá, một cớ vấp phạm cho người Do-thái, một sự điên rồ đối với các người ngoại giáo. Nhưng đối với những người được gọi, dầu là Do-thái hay Hy-lạp, thì Ngài là Chúa Kitô, quyền năng của Thiên Chúa, và sự khôn ngoan của Thiên Chúa, vì sự điên dại của Thiên Chúa thì vượt hẳn sự khôn ngoan của loài người, và sự yếu đuối của Thiên Chúa thì vượt hẳn sức mạnh của loài người.

Đó là lời Chúa.

Tin mừng: Lc 9,23-26

23 Rồi Đức Giê-su nói với mọi người: “Ai muốn theo tôi, phải từ bỏ chính mình, vác thập giá mình hằng ngày mà theo.

24 Quả vậy, ai muốn cứu mạng sống mình, thì sẽ mất; còn ai liều mất mạng sống mình vì tôi, thì sẽ cứu được mạng sống ấy.

25 Vì người nào được cả thế giới mà phải đánh mất chính mình hay là thiệt thân, thì nào có lợi gì?

26 Ai xấu hổ vì tôi và những lời của tôi, thì Con Người cũng sẽ xấu hổ vì kẻ ấy, khi Người ngự đến trong vinh quang của mình, của Chúa Cha và các thánh thiên thần.

1. Suy niệm (TGM Giuse Nguyễn Năng)

Sứ điệp: Thiên Chúa luôn luôn hiện diện trong cuộc đời các Kitô hữu. Đặc biệt trong những lúc gặp thử thách, người tín hữu luôn có Thánh Thần hỗ trợ.

Cầu nguyện: Lạy Chúa Giêsu, lời tiên báo về những cuộc bắt bớ vẫn còn ứng nghiệm qua các thời đại. Sống ở bất cứ thời đại nào, người tín hữu luôn liên lụy với Thập giá của Chúa, cùng chung số phận với Chúa là Đấng treo trên thập giá. Ngày nay con cũng đang được Chúa mời gọi sống cuộc đời tử đạo.

Lạy Chúa, muốn sống “tử đạo”, con cần can đảm chọn lựa: chọn lựa giữa một mất một còn, giữa trung thành và phản bội, giữa sự sống và sự chết, giữa Thiên Chúa và người đời. Con cần chọn lựa dứt khoát để làm chứng cho Chúa. Con cần làm chứng cho niềm tin và lòng mến bằng những sự hy sinh từ bỏ mình, bằng những khổ đau phải chịu, bằng đời sống gian nan vất vả… Con tin chắc con sẽ thực hiện được điều ấy, vì Chúa luôn hiện diện trong cuộc đời con. Chúa sẽ soi sáng cho con phải nói điều gì. Chúa sẽ hướng dẫn con cần làm việc chi.

Lạy Chúa, tên tuổi 117 thánh Tử Đạo Việt Nam đã được ghi vào lịch sử Giáo Hội. Nhưng còn một số đông vô kể, cả chính con, là những tín hữu không tên tuổi đang dấn thân trong cuộc sống chọn lựa. Xin Chúa ban thêm cho con sức mạnh và lòng can đảm cương quyết, để con dám sống bằng những cử chỉ anh hùng, dám tỏ thái độ dứt khoát khi chọn lựa đứng về phía Chúa. Vì khi con sống điều Chúa dạy, khi con dám thực hiện lề luật Chúa, tức là con đang tử đạo hằng ngày, và đang trở thành chứng nhân cho Chúa giữa thế giới hôm nay. Xin Chúa giúp con. Amen.

Ghi nhớ: “Ai mất mạng sống mình vì Ta, sẽ được sống”.

2. Suy niệm (Lm. Carôlô Hồ Bạc Xái)

Lễ các Thánh tử đạo Việt Nam (được gọi là lễ Thánh Anrê Trần Dũng Lạc và các bạn tử đạo) ấn định trong niên lịch phục vụ vào ngày 24 tháng 11 mỗi năm, và Hội Đồng Giám mục quyết định dời lễ kính vào ngày Chúa Nhật liền trước hoặc liền sau ngày 24 tháng 11, để giáo dân có dịp tham dự dễ dàng.

Thực ra việc kính Thánh Anrê Dũng Lạc và các bạn tử đạo bao gồm việc kính tất cả 117 vị tử đạo đã được Giáo Hội phong lên bậc hiển Thánh. 117 vị Thánh này có 96 Thánh Việt Nam (37 Linh mục, 14 thầy giảng, một chủng sinh và 44 giáo dân), 11 Thánh người tây Ban Nha (6 Giám mục và 5 Linh mục), 10 Thánh người Pháp (2 Giám mục và 8 Linh mục).

Thánh Anrê Dũng Lạc tử đạo ngày 21 tháng 12 năm 1839, hai vị Thánh tử đạo đầu tiên là Linh mục Tế và Linh mục Đậu tử đạo ngày 22 tháng 1 năm 1745, và vị Thánh tử đạo sau cùng là giáo dân Phêrô Đa tử đạo ngày 17 tháng 6 năm 1862. Như vậy khi nói các bạn tử đạo với Thánh Anrê Dũng Lạc ta phải hiểu là các Thánh tử đạo kể từ năm 1745 tới năm 1862 (trong khoảng thời gian 117 năm).

Tất cả các vị Thánh này, chỉ vì kiên trung giữ vững đức Tin, quyết tâm không bỏ Chúa, không bỏ Giáo Hội, nên đã trải qua nhiều đau khổ, cơ cực, như bị tra tấn, bị đòn vọt đánh nát thịt da, bị kìm nung đỏ cặp vào chân tay, bị đói khát, bị mình trần phơi nắng nhiều ngày, bị gông cùm xiềng xích trong tù ngục nhiều tháng trời.v.v. và sau cùng hoặc bị chém đầu (án trảm), hoặc bị thiêu đốt (án thiêu sinh), hoặc bị xiết cổ đến chết (án giảo), hoặc bị cắt các chi thể rồi mới chém đầu (án lăng trì), hoặc bị cắt xẻ da thịt ra hằng trăm miếng (án bá đao). Cũng có vị, vì bị tra tấn quá dã man, bị đói khát, ngày đêm nhốt trong cũi chật hẹp, lại phải đeo xiềng xích, cùm chân tay, nên đã trút hơi thở cuối cùng, trước khi bị đem ra pháp trường.

Thánh Linh mục Du bị trói vào một cây cọc. Có 3 lý hình, một cầm kìm, một cầm dao, còn một người lo đếm cho đủ 100 lát cắt. Trước đó, lính đã nhét đá vào miệng ngài và cột chặt, để không có thể kêu la hay bỏ chạy được. Sau một hồi trống, lý hình cắt lớp da trên trán Cha Du lệt xuống che mắt, rồi cắt từng mảng hai bên ngực, sau lưng, tay chân. Quá đau đớn Cha Du giãy giụa quàn quại, ngước mắt lên trời cao, rồi gục đầu xuống nhắm mắt lìa trần. Tiếp theo quân lính cắt đầu của vị tử đạo, bổ thân mình làm 4 và ném xuống biển. Còn thủ cấp Cha được đem đi bêu tại nhiều nơi, rồi đưa trả về kinh đô, bị bỏ vào cối giã nát và cho rắc xuống biển.

Thánh Giám mục Xuyên, chân tay bị trói vào bốn cọc. Năm lý hình cầm 5 cái rìu, sẵn sàng nghe lện quan án sát. Vừa nghe lện, hai lý hình chặt hai chân, hai lý hình chặt hai tay, đến lượt lý hình thứ năm chặt đầu. Rồi họ mổ bụng ngài cắt lấy ruột gan.

Hai Cha Điểm và Khoa bị trói chân tay vào cột, lý hình tròng dây vào cổ. Nghe hiệu lệnh, lý hình cầm hai đầu dây xiết mạnh cho đến khi hai vị nghẹt thở và lịm dần.

Sáng ngày 5-6-1862, trước sự chứng kiến của rất đông người, hai giáo dân: Thánh Toại và Thánh Huyên bước vào cũi tre để bị thiêu sinh. Những người hiện diện đều xúc động khi nghe rõ các ông cất tiếng nguyện cầu thật lớn, trong khi ngọn lửa hồng phừng phực bốc cao, thiêu đốt hai ông.

Sau ba tháng tù tại Bình Định ông Anrê Nguyễn Kim Thông nhận được án phát lưu vào Vĩnh Long. Đường từ Bình Định vào Nam xa xôi, ông Thông cùng với bốn chứng nhân khác. Vì tuổi già sức yếu, lại phải mang gông siềng, ông bước đi một cách rất khó khăn, mệt nhọc. Mỗi ngày chỉ đi được bảy tám dặm, dưới ánh nắng gay gắt. Tối đến, đoàn tù nhân được tạm giam trong các đòn quan, hay nhà tù địa phương. Được vài ba ngày, lính thấy ông Thông đuối sức quá, sợ không thể đi tới nơi, thì thương tình tháo gông xiềng cho ông.

Đến Chợ Quán, thấy tình trạng sức khỏe của ông quá tàn tạ, Cha Được đã đến ban phép xức dầu cho ông. Sau đó ông lại phải mang gông xiềng tiếp. Khi ông đặt chân lên đất lưu đày, ông chỉ kịp đọc kinh an năn tội, vài kinh kính mừng, rồi tắt thở. Hôm đó là ngày 15 tháng 5 năm 1855.

Bà Thánh Inê Đê (Lê Thị Thành), sau khi đã bị tra tấn và chịu đòn, coi trong người không có chỗ nào không bị thương tích, áo quần đầy máu me, bà đã trút hơi thở cuối cùng trong ngục. Lời sau cùng của bà là:

“Giêsu Maria Giuse, con phó thác hồn con và thân xác con trong tay Chúa, xin ban cho con trọn niềm tin ở Chúa.”

Hôm đó là ngày 12-7-1841, sau 3 tháng bị giam cầm về đức Tin.

Riêng những vị xử trảm, cũng có những gương sáng lạng về việc các ngài coi thường sự đau đớn lúc bị chém đầu. Coi như các ngài ước ao được chém nhiều lần để biểu lộ lòng yêu mến Chúa.

Trước khi bị chém Thánh Giám mục An nói với viên quan chỉ hay:

“Tôi gửi quan 30 quan tiền để xin một ân huệ: Đừng chém tôi một nhát nhưng 3 nhát. Nhát thứ nhất tôi tạ ơn Thiên Chúa đã tạo dựng nên tôi, và dẫn tôi đến Việt Nam giảng đạo. Nhát thứ hai để nhớ ơn cha mẹ sinh thành ra tôi. Nhát thứ ba như lời di chúc cho các bổn đạo của tôi, để họ bền chí chết vì đức Tin, theo gương vị chủ chăn. Và như thế họ đáng hưởng hạnh phúc cùng các Thánh trên trời.

Năm ông Đaminh Nhi, ông Đaminh Mạo, ông Đaminh Nguyên, ông Anrê Tường, ông Vinhsơn Tưởng, bị xử chém đầu, thì trừ ông Đaminh Nhi, bốn vị ông Đaminh Mạo cùng cá ông Đaminh Nguyên, Anrê Tường, Vinhsơn Tưởng, đều yêu cầu lý hình, thay vì chém một nhát, thì xin được chém 3 nhát để tỏ lòng tôn kính Chúa Ba Ngôi.

Riêng Thánh Hồ Đình Hy bị chém đầu, nhưng trước khi đem đi xử, giữa kinh thành Huế, trong ba ngày 15,18 và 21 tháng 5 năm 1857, thân mình ngài đầy thương tích, quần áo tả tơi, dính đầy máu, đi đứng lảo đảo như muốn té nhào, bị điệu qua các đường phố, những khu chợ và quanh thành nội. Lính mở đường đi trước rao tên tử tội, mỗi khi tới ngã ba đường, phố, chợ và công trường, người tử tội bị đánh 30 trượng, lính vác loa rêu rao;

“Thằng theo tà đạo, đức ngỗ nghịch, bất hiếu với cha mẹ, cưỡng lại luật pháp triều đình. Vì thế bị kết án tử hình. Bọn Gia Tô tin rằng chết vì đạo sẽ lên Thiên đàng. Điều đó có đúng hay sai, không cần biết. Gia Tô của nó ở đâu ? tại sao thấy nó khổ mà không đến cứu ?”

Sau một năm tù giam, Anrê Trọng vẫn cương quyết tuyên xưng đức Tin, các quan quyết định ngày xử là thứ bảy ngày 28-11-1835. Sáng hôm đó, anh gặp lại người anh họ. Người anh họ hỏi Thánh nhân có muốn ăn gì không ? Anrê Trọng trả lời: “Em muốn giữ chay để dọn mình tử đạo”, rồi nói tiếp: “Xin anh giúp đỡ mẹ em, chúng ta là anh em, mẹ em cũng sẽ yêu thương anh. Xin nhắn lời với mẹ em: Đừng lo gì cho em, cầu chúc bà mãi mãi thánh thiện và sẽ hài lòng vì con trai mình luôn trung thành với Chúa, cho đến chết.”

Nhưng người anh họ chưa kịp về nhắn tin, bà mẹ Anrê Trọng đã đến đón con và theo con đến tận đầu chợ An Hòa, nơi Anrê sẽ phải xử. Gặp con, bà chỉ nói một câu: “Bấy lâu nay xa nhà, thời gian ở tù con có nợ nần gì ai không ? Nếu có thì cho mẹ biết, mẹ sẽ trả thay con.”

Khi được con cho biết không vướng mắc gì với ai, bà tiếp tục đi sát bên con, bình tĩnh nói với con những lời đầy khích lệ. Đến nơi xử, khi quân lính tháo gông xiềng, Thánh Trọng đón lấy, đưa cho anh lính cạnh bên và căn dặn:

“Xin nhờ anh đưa giùm cái này cho mẹ tôi, để bà làm kỷ niệm.”

Mẹ anh đứng gần bên nghe rõ, nhưng bà chưa lấy kỷ vật đó là đủ, bà còn muốn đón nhận chính thủ cấp của con mình nữa. Bà can đảm, bước ra xin viên quan chỉ huy trao thủ cấp con bà, cho bà.

Bọc trong vạt áo rồi ghìm chặt vào lòng, bà vừa hôn vừa lập đi lập lại:

“Ôi con yêu quí của mẹ, con nhớ cầu nguyện cho mẹ.”

Rồi bà đem về an táng trong nhà.

Cầu nguyện: Lạy Chúa! Xin giúp con biết sinh lợi những nén bạc Chúa trao, biết trung thành với bổn phận hằng ngày. (Hosanna)

3. Suy niệm (Lm. Giuse Đinh Lập Liễm)

CÁC THÁNH TỬ ĐẠO TẠI VIỆT NAM (Lc 9,23-26)

  1. Xưa nay có lẽ chúng ta đã quen đi với cách thức phân biệt các thánh tử đạo với các thánh giáo phụ, hiển tu, đồng trinh vv… Nhưng chúng ta quên rằng: thánh nào cũng là thánh, và thánh nhân Kitô giáo nào cũng trước tiên phải là chứng nhân của Tin mừng, hay nói cách khác, chứng nhân của Chúa Kitô, chỉ khác nhau cách thức làm chứng mà thôi.

Sự thực là buổi sơ khai của Giáo hội Công giáo trước tiên những tín hữu chết vì đạo được tôn vinh là thánh và Giáo hội dùng một từ Hy lạp là Martus, Marturos (rồi La tinh Martyr, Martyris và từ Pháp là Martyr) để chỉ những tín hữu được tôn vinh này. Martus, Martyr có nghĩa là người chứng, người làm chứng. Vì vậy, đối với Giáo hội công giáo, thì từ Martys này nguyên thuỷ được áp dụng cho tất cả các thánh, do đó mà sổ các thánh được gọi là Martyrologie.

Vậy thì vị tử đạo, trước tiên phải là chứng nhân của Chúa Kitô, như mọi chứng nhân khác, trên bình diện đời sống. Cái chết “vì đạo” của người tử đạo chỉ là một cách thức làm chứng mà thôi, chứ không phải làm thay đổi bản chất người chứng của Chúa Kitô. (Lm. Thiện Cẩm, Cg và Dt, Giáng sinh 1997, tr 310-311).

  1. Theo công đồng Vatican II

Trong hiến chế Lumen Gentium, Công đồng chỉ dùng chữ Tử đạo 6 lần và theo một ý nghĩa riêng biệt, với chiều kích rộng lớn phổ quát, tuy vẫn qui chiếu vào ý niệm tử đạo có từ trước. Theo Công đồng, tử đạo là được đồng hoá với Thầy mình, sẵn sàng chết để cứu độ trần gian, và cũng như Thầy, đổ máu đào ra để làm chứng cho việc đó. Hội thánh coi tử đạo là ơn cao cả, là bằng chứng tột đỉnh về đức tin. Chẳng mấy ai được phúc này, nhưng ai ai cũng phải sẵn sàng tuyên xưng Đức Kitô trước mặt thế gian, và theo Người trên con đường thập giá, giữa những cơn bắt bớ thường xảy ra cho Hội thánh (LG. số 42).

Một số nhà thần học ngày nay cũng có những suy nghĩ và gợi ý như cha Karl Rahner sj. trong cuốn Excursus sur le martyr: “Tử đạo đơn thuần là cái chết của người Kitô hữu. Tử đạo là một phần cốt yếu của Hội thánh. Thật ra, Hội thánh không nguyên làm chứng cho Đức Kitô bị đóng đinh, mà còn làm chứng cho Lời mình sống thành hiện thực nữa. Hội thánh sống cái chết của Chúa Kitô trong hết mọi người, mang thập giá của Đức Kitô ở giữa bóng tối của thế gian và mang dấu thánh của Đức Kitô, những dấu ấn bí ẩn trong đời thường mỗi ngày. Hội thánh phải là dấu hiệu thiêng thánh về thực tại thầm kín này, trong thế giới ngày nay. Hội thánh ở trong tình trạng tử đạo. Ở đây, Hội thánh tự tạo cho mình một hình thức rõ ràng nhất, trong sáng nhất, một mạc khải tồn tại cho đến cùng”.

Nhà thần học Urs Von Balthasar cũng nói giống như vậy, khi nhấn mạnh rằng: tình trạng bách hại là tình trạng thông thường của Hội thánh trong thế gian và tử đạo là trạng thái bình thường của lời chứng Kitô giáo.

Étienne Barbarin cũng theo một dòng tư tưởng, khi trình bày việc tử đạo là cách thế thực hiện hoàn hảo nhất lời chứng, vì cái chết tuy được chuẩn bị bằng cả đời sống, nhưng đã bắt đầu và thực hiện trong mỗi lựa chọn hằng ngày.

  1. Tư tưởng chung thời nay

Nếu như các nhà thần học nói: “Hội thánh luôn ở trong tình trạng tử đạo”. Ta phải hiểu như thế nào ? Phải chăng Hội thánh lúc nào cũng phải chịu bắt bớ, bị đoạ đầy ? Chắc không phải thế. Cần phải hiểu chữ “Tử đạo” theo nghĩa rộng hơn. Ta đặt câu hỏi: bậc đồng trinh và đời đan tu có thể thay thế cho tử đạo không ?

Ngay từ xưa người ta đã tìm những cách thế biểu hiện việc tử đạo. Những cách thế này xoay quanh những việc đời có thể diễn tả sự hy sinh chính mình, và đức tin hoàn hảo, do đấy có thể được coi như một sự sửa soạn chịu tử đạo hay có liên quan đến tử đạo. Vì thế bậc đồng trinh và đời đan tu vẫn được coi là những con đường gần nhất với tử đạo. Các trinh nữ và các đan nữ xuất hiện vào thời cấm đạo hồi xưa, dưới mắt mọi người, vẫn là những vị kế thừa các anh hùng tử đạo.Từ đó nảy sinh ra ba mẫu tử đạo:

Tử đạo đỏ: là đổ máu ra chịu chết vì Chúa.

Tử đạo trắng: sống đời hãm mình trinh tiết.

* Tử đạo xanh: chịu đọa đày, để làm chứng cho đạo ở một nơi không phải là quê hương xứ sở mình.

Chính thánh nữ Têrêsa Hài đồng đã nói thẳng thắn rằng: “Tôi cảm thấy tôi có ơn gọi làm chiến binh, tông đồ, tiến sĩ và tử đạo. Tử đạo là giấc mơ trong tuổi trẻ của tôi. Và giấc mơ ấy đã trở thành mãnh liệt, khi tôi ở trong bốn bức tường của Nhà kín. Nhưng tôi cảm thấy rằng giấc mơ đó là một sự điên rồ và vì thế tôi đã hiểu tình yêu quy tụ mọi ơn gọi của tôi. Vâng, cuối cùng tôi đã khám phá ra ơn gọi của tôi: ơn gọi của tôi là yêu mến” (Tự thuật).

Mọi người đều quý trọng sự sống, dù chỉ là cuộc sống vắn vỏi phù du. Các tử đạo không những coi cái chết “nhẹ tựa lông hồng”, mà còn lấy cái chết như ngưỡng cửa phải bước qua, để tiến vào cõi sống vĩnh hằng. Các ngài cho ta cái cảm giác như là các ngài “chạm vào cõi vô hình”. Các ngài đã thể hiện và chứng minh câu nói của Chúa: “Ai bám vào sự sống đời này, sẽ mất cuộc sống mai sau…” (x. Mc 8,35). Và như thánh Phaolô nói: “Bị coi là sắp chết, nhưng kỳ thực vẫn sống; coi như bị trừng phạt, nhưng kỳ thực không bị giết chết; coi như phải ưu phiền, nhưng kỳ thực luôn vui vẻ” (2 Cr 6,9-10).

4. Suy niệm (Lm. Nguyễn Vinh Sơn SCJ)

Câu chuyện

Tháng 11 là đang giữa mùa thu, nếu bạn ở châu Âu hay ở miền Bắc Việt Nam, bạn sẽ cảm nghiệm được thu khi nhìn lá vàng rơi xuống khắp đường phố theo chiều gió. Lá vàng thu rơi xuống để rồi cây cối trơ trụi trong băng giá của tuyết lạnh khi đông sang (ở châu Âu). Lá vàng thu rơi giữa tháng 11, tháng cầu hồn tung bay theo chiều gió như nói về thân phận mong manh của kiếp người…

 Nhìn lá vàng thu rơi xuống, tôi tự nhiên nghĩ về thân phận mình, thân phận của bạn và thân phận chung của kiếp nhân sinh: Sẽ có một ngày, có thể xa, có thể gần, thân xác chúng ta cũng sẽ chết và được chôn vào lòng đất. Vì đó là quy luật vạn vật trên trần gian này: Không gì có thể vĩnh cửu như sách Giảng viên có nói: “Mọi chuyện đều có lúc, Mọi việc đều có thời. Một thời để sinh ra và một thời để chết đi” (Gv 3,1-2).

Suy niệm

Đền thờ Giêrusalem sừng sững, kiên cố, luôn tượng trưng cho sự bất khuất và sự sống của cả dân tộc Do Thái: Đền thờ còn, dân còn. Đền thờ mất, dân tan tác khắp nơi. Dưới gót chân chinh phạt của quân đội La Mã vào năm 70, đền thờ đã trở thành bình địa: “Không còn hòn đá nào trên hòn đá nào” (Lc 21,6). Sự phá hủy mà 40 năm trước biến cố ấy, Chúa Giêsu đã báo trước nhiều lần về sự bị phá hủy của đền thờ mà một trong những lần tiên báo đó, Tin Mừng Luca 21,5-19 đã ghi nhận lại.

Hình ảnh đền thờ Giêrusalem bị thiêu hủy, gợi cho chúng ta về kiếp người phù du nói riêng và thế gian sẽ tới hồi chung kết nói chung. Chúng ta đang sống trong một thế giới vô thường, tạm bợ, mọi sự đều thay đổi, mọi sự đều qua đi (x. 1Cr 7,31b; 1Ga 2,17). Kiếp nhân sinh trên trần gian là kiếp phù du tựa như hoa sớm nở chiều tàn mà một bài hát phỏng theo Thánh vịnh đã nhấn mạnh: “Đời sống con người chóng qua như cỏ, như bông hoa nở trong cánh đồng, một cơn gió thoảng đủ làm nó biến đi, nơi nó mọc cũng không còn mang vết tích” (x. Tv 103,15-16).

Sự sụp đổ của thành Giêrusalem mà Chúa Giêsu tiên báo trở nên hiện thực, đây cũng là hình bóng ngày tận thế của nhân gian nói chung, của con người nói riêng khi bước vào cõi chết. Rồi đây, sẽ chẳng còn thứ gì tồn tại. Thời gian sẽ hủy diệt tất cả: sự sống, sắc đẹp, sức lực, sung sướng… của cuộc đời này đều mỏng giòn và ngắn ngủi. Mọi sự đều tiến về cái chết, dù nhanh hay chậm và riêng biệt với cái chết của bản thân, hay chung với ngày cuối cùng của thế trần.

Xem ra đời phù du làm cho con người thật thất vọng khi sống trên cõi đời này. Ra đi với hai bàn tay trắng, sẽ đưa đẩy tôi và bạn sống với ý nghĩ: Thu vén cho thật nhiều và hưởng thụ bất tận, vì đời người vắn vỏi, chết rồi có mang được gì đi đâu…

Tuy đời con người là phù du, nhưng sự phù du đó có thể biến hóa thành cõi hằng sống nếu con người theo đường Chúa Kitô chỉ dạy. Bởi chính lời Chúa Giêsu đang vang vọng bên kiếp sống phù du của con người: “Ai tin vào Thầy, thì dù đã chết, cũng sẽ được sống” (Ga 11,25). Cho nên, thánh Gioan đã khẳng định: “Thế gian đang qua đi cùng với những dục vọng của nó. Chỉ những ai thi hành ý muốn của Thiên Chúa mới tồn tại mãi mãi” (1Ga 2,17). Chỉ nơi Thiên Chúa mới là vĩnh cửu, mới tồn tại lâu dài.

Chính vì thế, dù sống trong kiếp phù du hiện tại tôi và bạn mặc lấy tâm tình của thánh Phaolô: “Chúng ta có sống là sống cho Chúa”, và khi ra đi “có chết cũng là chết cho Chúa”. Cho nên, tôi luôn an bình và xác tín: “Vậy, dù sống, dù chết, chúng ta vẫn thuộc về Chúa” (Rm 14,8).

Ý lực sống

“Đêm sắp tàn, ngày gần đến. Vậy chúng ta hãy loại bỏ những việc làm đen tối, và cầm lấy vũ khí của sự sáng để chiến đấu. Chúng ta hãy ăn ở cho đứng đắn như người đang sống giữa ban ngày” (Rm 13,12).

Nguồn: WGPSG

Bài viết liên quan