Thông Tin

Những mốc điểm thời gian đáng nhớ về cuộc đời Giám mục của Đức Cha Nicôla Huỳnh Văn Nghi

Ngày 17 tháng Tư năm 1975, Đức Cha Nicôla về nhận Giáo phận Phan thiết.

Buổi chiều hôm ấy, Đức Tổng Giám Mục Phaolô Nguyễn Văn Bình cùng phái đoàn của Tổng Giáo Phận Sài gòn đã đáp máy bay đưa Đức Cha Nicôla về Giáo Phận Phan Thiết đang khi chiến tranh đi vào những ngày cuối cùng. Buổi lễ nhậm chức diễn ra thật đơn giản trong giờ chầu Thánh Thể tại nhà thờ Chính Tòa, với khoảng chừng một trăm giáo dân. Mục tử gặp gỡ đàn chiên trong ngậm ngùi âu lo vì chiến cuộc. Và một ngày sau đó, ngày 19/4/1975, Giáo Phận Phan Thiết cùng với Tỉnh nhà sang trang sử mới. 150506 GMNicolasNghi

40 năm qua, Giáo Phận Phan Thiết đã lớn lên từng ngày trong hồng ân Thiên Chúa và tấm lòng của Người Cha Già kính yêu, Đức Cha Nicôla.

Nay Chúa đã gọi Ngài về với Chúa. Tìm lại trong dữ liệu, dịp Kim Khánh Linh Mục và Ngân Khánh Giám Mục của Ngài, xin gởi đến quý độc giả vài tư liệu.

Thư chúc mừng của Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II

Kính gởi: Hiền đệ Nicolas Huỳnh Văn Nghi Giám mục Giáo phận Phan Thiết

Hiền đệ khả kính,

Từ xa chăm chú hướng nhìn và theo dõi Hiền đệ với lòng quý mến thắm tình anh em, Ta nhiệt liệt chúc mừng Hiền đệ về thói quen trình bày Lời Chúa và giáo huấn cứu độ của Người và nhất là về ngày mừng kỷ niệm 50 năm linh mục sắp cử hành. Vì thế, không chỉ toàn thể cộng đồng Giáo Hội của Hiền đệ sẽ long trọng đón mừng biến cố đáng nhớ này, mà Ta đây cũng muốn được tham dự ngày lễ ấy, ngỏ hầu lòng quý mến của Ta và danh thơm tiếng tốt về hiền đệ được công khai bày tỏ.

Vì chưng, trước đây, do tâm tình và ý muốn của Đức cố Giáo Hoàng Phaolô VI, vô cùng đáng nhớ, Hiền đệ đã được ghi danh vào số những người kế vị các Tông đồ, với hiệu tòa Selsea và đã tiến lên chức thượng tế để quản lý các mầu nhiệm thánh. Kế đó, suốt 5 năm sau, Hiền đệ đã nhận Giáo phận Phan Thiết với chức vụ là Giám quản Tông Tòa “trực thuộc Tòa Thánh”, để những người giáo dân ở đó được hưởng sự lãnh đạo vững chắc của Hiền đệ và được đón nhận cách tràn đầy những ơn trợ giúp thiêng liêng.

Hiền đệ thân mến, Ta cũng biết rõ những năm nổi bật những chứng từ lỗi lạc về đức tin, những chứng từ mà tại Tổng Giáo Phận Thành Phố Hồ Chí Minh, Hiền đệ đã bày tỏ cách rạng ngời trong thời gian làm Giám quản tông Tòa, nơi mà trước kia, khi còn là giám mục phụ tá, những tài đức của Hiền đệ đã được chiếu tỏa. Ta cũng không muốn thinh lặng bỏ qua mà không nhắc đến lòng trung thành của Hiền đệ đối với Ta và đối với Tòa Thánh, hơn nữa, Ta cũng muốn biểu dương lòng trung thành ấy bằng những lời ngợi khen xứng hợp.

Vì vậy, trước ngày kim khánh linh mục hồng phúc của Hiền đệ, Ta muốn lời của Ta, gói ghém trong bức tông thư này, được Chúa chấp nhận. Ta khẩn xin Chúa Giêsu mục tử nâng đỡ Hiền đệ với lòng trìu mến. Xin Đức Trinh Nữ Maria diễm phúc phù hộ Hiền đệ, dưới sự che chở cao cả của Người. Đồng thời, cúi xin Đấng Cứu Thế thưởng công bội hậu cho Hiền đệ, qua ơn phép lành Tòa Thánh của Ta, trước hết được ban cho Hiền đệ trong tình huynh đệ, và tiếp theo phải được rộng ban cho tất cả mọi tín hữu.

Từ Tòa Thánh tại Vatican, ngày 26 tháng 5 năm 2003
V Giáo Hoàng Gioan Phaolo II

Thư chúc mừng của Đức Hồng Y Crescenzio Sepe,
Tổng Trưởng Bộ Truyền Giảng Tin Mừng cho các dân tộc

Roma, ngày 17 thàng 6 năm 2003
Prot. số 2289/03
Kính thưa Đức Cha,

Nhân dịp kỷ niệm lần thứ 50 ngày thụ phong Linh mục của Đức Cha, tôi xin được nói là tôi rất gần gũi với Đức Cha cách thiêng liêng, để tạ ơn Chúa với Đức Cha về hồng ân chức linh mục mà Đức Cha đã lãnh nhận từ tay Chúa Giêsu Kitô năm 1953.

Lòng biết ơn mà Đức Cha dâng lên Chúa cũng là lòng biết ơn của tôi về những năm dài Đức Cha nhiệt tâm phục vụ Chúa và Giáo Hội của Người, về chứng từ của đời sống linh mục và Giám mục hoàn toàn dâng hiến cho Tin mừng Chúa Kitô của Đức Cha. Tôi đặc biệt tạ ơn Chúa cùng với Đức Cha về lòng trung thành anh dũng và sự liên kết vững vàng của Đức Cha với Đấng kế vị Thánh Phêrô, mà Đức Cha đã minh chứng trong thời gian đảm nhiệm chức Giám quản tông toà Giáo Phận Phan Thiết (1975-1979) và Giám quản Tông Toà ở Giáo phận Thành phố Hồ Chí Minh (1993-1998). Cùng với Đức Cha, cầu Chúa ban cho thừa tác vụ linh mục và Giám Mục của Đức Cha trổ sinh nhiều hoa trái, lợi ích cho Giáo Hội và cho các linh hồn, và để cuộc đời mục tử của Đức Cha sẽ là một khích lệ cho các linh mục trẻ trên Đất Nước của Đức Cha.

Trong giờ phút hiệp thông linh thiêng này, tôi cũng xin được hướng về Đức Giám Mục Phó Phaolô Nguyễn Thanh Hoan, các linh mục, các tu sĩ nam nữ, các chủng sinh, các giáo lý viên, các tông đồ giáo dân, cộng đoàn Dân Chúa trong Giáo Phận và tất cả những anh chị em đang tham dự thánh lễ Kim Khánh linh mục của Đức Cha, những lời chào mừng và cầu chúc nhiệt thành, hầu tất cả tiếp tục là những nhân chứng quảng đại của Tình yêu mà Chúa Cha dành cho mọi người.

Trong khi kêu cầu Chúa tuôn đổ muôn hồng ân của Người trên Đức Cha, tôi xin kính gởi đến Đức Cha những lời chúc mừng chân thành, cùng những tâm tình kính yêu và thân thiết của tôi trong Chúa Giêsu Kitô.

Ad multos annos!

Hồng Y Crescenzio Sepe
Bộ Trưởng Bộ Truyền Giảng Tin mừng cho các dân tộc

Thư chúc mừng của Đức Cha Phaolô Nguyễn Văn Hoà,
Chủ Tịch Hội Đồng Giám Mục Việt Nam

Kính gởi: Đức Cha Nicolas Huỳnh Văn Nghi
Giám Mục Giáo Phận Phan Thiết

Kính thưa Đức Cha,

Nhân kỷ niệm 50 năm ngày thụ phong linh mục của Đức Cha, con xin thay mặt Hội Đồng Giám Mục Việt Nam và nhân danh cá nhân xin gởi đến Đức Cha lời cầu chúc bình an và Thánh Thiện.

Vì công việc mục vụ của Giáo Phận nên con không thể đến để cùng dâng Thánh lễ tạ ơn với Đức Cha vào ngày 29-6-2003, nhưng con xin cùng hiệp lời và nguyện xin Thiên Chúa qua lời bầu cử của Đức Mẹ Lavang, Thánh bổn mạng của Đức Cha ban cho Đức Cha được nhiều sức khoẻ, đạo đức, lòng nhiệt thành để chu toàn trách vụ Thiên Chúa trao phó.

Trong Đức Kitô mục tử nhân lành.

Nha trang, ngày 24-6-2003

+ Phaolô Nguyễn Văn Hoà
Giám Mục Giáo Phận Nha Trang
Chủ tịch Hội Đồng Giám Mục Việt Nam

Lời chúc mừng của Đức Cha Phó Giáo Phận
nhân ngày kim khánh linh mục của Đức Cha Nicolas

Kính lạy Đức Cha,

Hôm nay muôn con tim, muôn cõi lòng của anh chị em tín hữu thuộc hai Giáo phận Tp. Hồ Chí Minh và Phan Thiết đang hướng về Đức Cha với biết bao ngưỡng mộ và trìu mến nhân ngày Kim khánh linh mục và 29 năm làm Giám Mục của Đức Cha.

Tất cả con cái Đức Cha thuộc hai Giáo phận đều muốn về đây quây quần chung quanh Đức Cha nhân ngày kỷ niệm trọng đại nầy để cùng với Đức Cha tạ ơn Chúa đã quan phòng gìn giữ Đức Cha hồn an xác mạnh trên quãng đường dài cả nửa thế kỷ phục vụ Thiên Chúa và dân Ngài.

Trong cuộc hành trình 50 năm linh mục và 29 năm Giám mục, Đức Cha đã để lại cho hai giáo phận biết bao thành tích tuyệt vời, giữa những thăng trầm lịch sử, giữa những thay đổi, những biến chuyển, những khó khăn tưởng chừng không vượt qua được.

Công lao Đức Cha thật là lớn, nhưng thời giờ eo hẹp và lòng khiêm tốn của Đức Cha không cho phép chúng con nói hết những sáng tạo, những đóng góp của Đức Cha cho hai giáo phận về phương diện mục vụ cũng như xã hội, về vật chất cũng như tinh thần, kể từ ngày Đức Cha được Chúa gọi lên bàn thờ để hiến dâng cả cuộc đời phụng sự Ngài: 29/6/1953,

– Làm giáo sư Chủng Viện Sài Gòn.
– Làm chánh xứ Gò Vấp rồi Tân Định.
– Làm Giám Mục Phụ tá Tổng Giáo Phận Sài gòn.
– Làm Giám Quản Tông Toà, rồi làm Giám Mục chính Toà Phan Thiết
– Với 5 năm làm Giám quản Tông Toà từ xa cho giáo phận TPHCM (1993-1998), Đức Cha đã tỏ ra là một người mục tử nhiệt tình say mê phục vụ, say mê dìu dắt đàn chiên Chúa giao phó.

Hai mươi mốt năm trời làm linh mục ở Sài gòn với tài đức sẵn có, nhất là với bản chất hiền hòa, nhân ái như đức tính chủ đạo trên đường phục vụ, Đức Cha đã tạo nên một niềm khâm phục, ngưỡng mộ và tín nhiệm cho mọi người. Vì thế, Đức Cha quả là xứng đáng để Giáo Hội nâng lên trọng trách làm Giám mục Phụ tá Giáo phận Sài Gòn.

Rồi chưa đầy một năm sau, Đức Cha lại nhận nhiệm vụ giữa tình thế vô cùng khó khăn phức tạp. Làm Giám quản Tông tòa và tiếp theo là Giám mục Chính tòa tiên khởi giáo phận Phan Thiết mới thành lập.

17 tháng 4 năm 1975, Đức Cha đã ra nhận nhiệm vụ giữa lúc khói lửa chiến tranh ngùn ngụt. Đức Cha phải nhìn giáo phận như một công trình không có ngày mai.

Nhưng niềm tin của Đức Cha, Giám hiệu của Đức Cha: “Thiên Chúa là Tình Yêu”, Tình yêu muôn đời vạn thuở của Thiên Chúa, chính là niềm tin, niềm hy vọng, là nơi Đức Cha nương tựa để luôn luôn nhìn về phía trước, dù có phải dấn bước giữa đêm tối mịt mù.

Hai mươi tám năm làm Giám mục Giáo phận, Đức Cha đã kiên trì tin tưởng trong mọi tình huống, đem hết sáng kiến và tài đức ra ứng phó trước mọi hoàn cảnh, mỗi bước hành động của Đức Cha là một hy vọng sáng lên giữa lòng giáo phận. Vâng, giáo phận thân yêu của Đức Cha đang lớn dần, liên tục triển nở. Có thể nói Giáo phận 1975 như mảnh áo tơi tả, nhưng nay 2003, đã mặc y phục huy hoàng rồi.

Con số giáo dân mới đầu chỉ trên 68 ngàn, nay đã tăng tới trên 145 ngàn người rải rác trong 5 giáo hạt, 49 giáo xứ, 37 giáo họ.

Các cơ sở vật chất được kiến tạo không ngừng, từ đó đến nay đã có 45 nhà thờ và nhà nguyện được tu sửa hoặc xây mới, mới nhà mới cả giáo điểm. Kèm theo nơi cầu nguyện còn có bao nhiêu nhà xứ, phòng giáo lý, nhà văn hóa,. v.v. cũng đã mọc lên. Hầu như giáo xứ nào cũng thay da đổi thịt mà công lao đóng góp của Đức Cha là chính.

Về phía nhân sự phục vụ giáo phận, ban đầu có 58 linh mục, trong đó nay đã có 13 vị về Nhà Chúa. Bù đắp lại Đức Cha đã làm tăng số linh mục phục vụ lên tới 71 vị. Bên cạnh đó, trên 100 Đại Chủng Sinh và tu sinh, sẵn sàng kế thừa tác vụ của cha anh – cộng với gần 250 tu sĩ nam nữ chung vai sát cánh với hàng linh mục để phục vụ và mở mang Giáo Hội.

Về phương diện mục vụ, Đức Cha đã dần dần kiện toàn cơ cấu hội đồng mục vụ từ cấp giáo xứ đến giáo phận. Đức Cha cũng đã phục hồi và củng cố liên tục sinh hoạt của các giới: các gia trưởng, Bà mẹ Công Giáo, thiếu nhi Thánh Thể, nhất là Đức Cha luôn quan tâm đến giới trẻ để tránh cho họ khỏi rơi vào những cạm bẫy của thời đại. Đức Cha thường khuyến khích các em học tập bằng cách cấp học bổng, tổ chức lớp tình thương, các lớp cải hồi câm điếc. Đức Cha cũng không quên mở mang hội nhập văn hóa, khai thác năng khiếu, tổ chức cho các em các giải thưởng văn nghệ nhỏ: truyện ngắn, viết thư cho Chúa Hài Đồng,. v.v.

Lá thư mục vụ của Đức Cha gửi thường xuyên cho toàn giáo phận là món ăn tinh thần quý giá cho giáo sĩ và giáo dân bồi dưỡng niềm tin, cổ vũ sự hiệp thông, cổ vũ công cuộc loan báo Tin Mừng trong toàn Giáo phận.

Các cộng đoàn tu sĩ nam nữ cũng được Đức Cha giúp đỡ tinh thần và vật chất, tổ chức sinh hoạt Liên tu sĩ hằng tháng để các cộng đoàn, các dòng xây dựng sự hiệp nhất và giúp nhau trong sứ mệnh làm chứng nhân của Tin Mừng.

Về phương diện bác ái xã hội, với kinh nghiệm trên bốn mươi năm làm việc, tham dự nhiều cuộc hội họp giao lưu quốc tế, Đức Cha đã đầu tư vào biết bao công trình xóa đói giảm nghèo, xây dựng môi trường, phát triển và cứu trợ khẩn cấp trên cả các giáo phận Việt Nam. Riêng tại giáo phận nhà, Đức Cha đã đầu tư từ những dự án nhỏ hỗ trợ chăn nuôi, phân giống cây trồng đến các giếng nước, đường sá, cầu cống, đập nước ở nông thôn, xây dựng nhà tình thương, phương tiện cho người tàn tật… những hoạt động xã hội như thế không bao giờ ngừng trong giáo phận.

Kính lạy Đức Cha, giờ đây sau 50 năm linh mục và 28 năm giám mục phục vụ giáo phận nhà, Đức Cha cũng thỏa lòng với công sức, trí tuệ, với con tim đầy nhiệt huyết đã cống hiến cho Giáo Hội và những thành quả vô cùng tốt đẹp đã đạt được.

Chúng con, toàn thể giáo sĩ, tu sĩ nam nữ, chủng sinh và giáo dân của Giáo phận xin vui mừng với Đức Cha, hiệp thông với Đức Cha trong thánh lễ tạ ơn trọng đại nầy. Chúng con hãnh diện được Chúa ban cho giáo phận một vị chủ chăn nhân từ thánh thiện, vị chủ chăn can đảm, khôn ngoan, vị hoa tiêu dày kinh nghiệm đã điều khiển con thuyền giáo phận an toàn vượt qua bao sóng gió.

Chúng con vô cùng ngưỡng mộ, kính mến và cầu chúc Đức Cha sống lâu muôn tuổi, sống mãi với giáo phận như người cha chung trẻ mãi không già.

Chúng con xin hết lòng trân trọng.

Bài chia sẻ: KIM KHÁNH LINH MỤC (1953 – 29/6 – 2003)

“Chúa Cha đã yêu mến Thầy thế nào, Thầy cũng yêu mến các con như vậy. Các con hãy ở lại trong tình thương của Thầy” (Ga 15,9).

Anh chị em thân mến,

Hôm nay, nhờ ơn Chúa thương, tôi được diễm phúc mừng ngày Kim Khánh linh mục giữa anh chị em. Trong thánh lễ này, tôi đặc biệt nhớ đến các linh mục cao niên và cũng nhớ đến những cụ ông cụ bà đã mừng hay sắp mừng kim khánh hôn phối: vì ơn gọi linh mục cũng như ơn gọi hôn nhân, cả hai đều xuất phát từ Thiên Chúa và hướng về Thiên Chúa. Chúa phán: “Hãy là Thánh, vì Ta là Thánh, Ta Yahvé, Thiên Chúa của các ngươi” (Lv 19,2). Nên thánh là ơn gọi chung của mọi tín hữu.

Trở lại với Lời Chúa được trích dẫn ở trên.

Chúa Cha đã yêu mến Thầy thế nào.

Chúa Cha đã yêu mến Chúa Giêsu từ thuở đời đời. Người là Ngôi Hai Thiên Chúa, con một của Chúa Cha. Thánh Gioan Tông đồ viết: “Chúa Cha đã yêu thương Chúa Con trước khi thế gian được tạo thành” (Ga 17,24).

Người đã được sai xuống thể; Chúa Cha đã ghi dấu xác nhận Người (Ga 6,19) và đã xức dầu tấn phong Người, để Người đi loan báo Tin Mừng (x. Lc 4,18). “Đây là Con Ta yêu dấu, hãy vâng nghe Lời Người” (Mc 9,7). Chúa Cha đã long trọng nói cho thế gian biết tình yêu này (x. Mc 1,11; 9,7).

Chúa Cha cũng đã ban cho Chúa Con mọi quyền năng và đặc sủng: quyền tha tội (x. Mt 9,6), quyền xét xử (x. Ga 3,7), quyền trừ quỷ và chữa lành các bệnh tật, quyền làm cho kẻ chết sống lại và ban sự sống cho những ai tùy ý Người (x. Ga 5,21). Chính Người đã mạc khải cho các tông đồ biết là “Thầy đã được trao toàn quyền trên trời và dưới đất” (Mt 28,18), và bằng chứng tình yêu lớn nhất, đó là ơn Chúa Cha cho Người sống lại từ cõi chết (Gl 1,1)

Thầy cũng yêu mến các con như vậy.

Chúa Giêsu đã yêu thương các môn đệ như Chúa Cha yêu thương Người, theo mẫu và với tình yêu của Chúia Cha. Vì yêu thương, Người đã chọn các môn đệ để họ sống với Người, làm bằng hữu của Người và để Người sai họ đi giảng đạo. Người đã ban cho họ quyền trừ quỷ và chữa lành các tật bệnh. Người cũng đã cho phép họ được tha tội, Người dành thời gian để dạy dỗ và huấn luyện họ giảng đạo, Người đã gìn giữ và bênh vực họ trước lời phê phán và kết án của nhóm Biệt phái và Thông luật. Ngừơi còn ủy nhiệm cho họ việc nối tiếp sự vụ truyền giáo của Người: “Như Cha đã sai Thầy, Thầy cũng sai các con” (Ga 20,21).

Năm mươi năm trước đây, ngày 29-6-1953, vì yêu thương, Chúa cũng đã chọn tôi làm linh mục của Người: không vì tài năng hay công trạng của tôi, mà vì lòng tốt và ý muốn của Người (x. Ga 15,16). Trở ngược dòng thời gian, tháng 8 năm 1939, tôi được vào Tiểu chủng viện. Đi tu là từ bỏ mình một phần nào. Khi còn bé, tôi thích giỡn, thích chơi và cũng thích làm những việc lặt vặt giúp cha mẹ. Vì thế, rất nhiều người bỡ ngỡ khi nghe tin tôi đi tu. Một người cậu của tôi nói với mẹ tôi: “nó đi tu à. Tôi đánh cá nó không ở được hơn 3 tháng!”. Nhưng rồi một năm đã trôi qua, rồi 2 năm. Chúa đã kêu gọi ai Ngài không bao giờ rút lời. Nhưng không may, thời gian tôi học ở chủng viện lại là thời gian chiến tranh. Các chính quyền kế tiếp nhau sụp đổ, việc học hành nhiều lần bị gián đoạn. Mãi đến năm 1947, tôi mới được trở lại học. Năm 1950, tôi được đề cử đi du học bên Pháp. Ba năm sau, được thụ phong linh mục, rồi trở về quê hương, được bổ nhiệm làm giáo sư, quản lý ở chủng viện. Năm 1961, được cắt cử làm chánh xứ Gò Vấp; 4 năm sau, làm chánh xứ Tân Định. Ngày 11-8-1974, tôi được tấn phong làm Giám Mục phụ tá giúp Đức Tổng Giám Mục Sài Gòn. Tám tháng sau, vì chiến tranh, khiến Đức Cha được bổ nhiệm coi sóc Giáo Phận Phan Thiết không đến nhận nhiệm sở được, Toà Thánh tạm bổ nhiệm tôi ra Phan Thiết làm Giám Quản Tông Toà đến ngày 8-12-1978, rồi sau đó làm Giám Mục chính toà đến ngày nay. Trong thời gian này – kể cả năm năm kiêm chức Giám Quản Tông Toà Giáo Phận Tp. Hồ Chí Minh (1993-1998) – Chúa đã chọn tôi, đã trao tác vụ, đã gìn giữ, bênh vực, nâng đỡ và hỗ trợ tôi thi hành nhiệm vụ đến ngày nay.

“Chúa Cha đã yêu mến Thầy thế nào, Thầy cũng yêu mến con (các con) như vậy”.

Các con hãy ở lại trong tình yêu của Thầy.

Để giúp chúng ta hưởng những hoa quả của tình yêu Thiên Chúa: là bác ái, hoan lạc, bình an, thư thái, hoà hợp, hiệp nhất, v.v…, Chúa Giêsu đã dạy: “Các con hãy ở lại trong tình yêu của Thầy” (Ga 15,9). Đây là khí cụ, là bí quyết và là con đường để khắc phục những thử thách, khó khăn, để bảo vệ sự thư thái, an bình; để duy trì sự vui mừng, khí thế và niềm tin mọi nơi và mọi lúc. Thánh Phaolô viết: “Không gì có thể tách chúng ta ra khỏi tình yêu Chúa Kitô. Phải chăng là sự gian truân, khôn khổ, đói rách, hiểm nguy, bắt bớ, gươm giáo” (Rm 8,15). Đặt câu hỏi, rồi thánh nhân đáp: “Chúng ta đã toàn thắng nhờ Đấng đã yêu mến chúng ta” (Rm 8,35).

Hãy ở lại trong tình yêu của Chúa Kitô. Hãy ở lại, hãy ngồi đó, đừng nhúc nhích, di dời. Đừng tìm tình yêu ở nơi khác hay ở nơi người khác, nhất là những người giàu tiền giàu của, giàu quyền lực, giàu nhan sắc, v.v… Hãy bám chặt vào tình yêu Chúa Kitô, đừng lãng quên, đừng lơ là. Mỗi buổi sáng, hãy cảm nghiệm tình thương của Chúa, và suốt ngày hãy sống như đang ở trong tình thương của Người.

“Hãy ở lại trong tình thương của Thầy”, cũng có nghĩa là tránh né tất cả những gì làm cản trở, làm xa rời, làm yếu đi tình yêu ấy như tội lỗi, những tính hư tật xấu, những tệ nạn, tệ đoan, tính ích kỷ, sự kiêu căng, lòng tham lam tiền bạc, danh vọng, quyền thế: vì ánh sáng không chung sống được với tội lỗi.

Ở lại trong tình yêu Chúa, còn là tạo mọi điều kiện thuận lợi để tình yêu của Người được đến với chúng ta, xâm nhập vào trí óc và tâm hồn chúng ta, đồng hoá tư tưởng và tâm tình của chúng ta với tư tưởng và tâm tình của Người. Thánh Phaolô viết: “Hãy có những tâm tình như chính Chúa Kitô Giêsu” (Pl 2,5), rồi ngài kể: sự khiêm tốn, sự từ bỏ, sự quên mình, sự vâng lời và vâng lời cho đến chết và chết trên thập giá.

Và trên tất cả mọi sự, điều phải nói đó là: sự vâng phục thánh ý của Thiên Chúa. Chúa Giêsu đã phán: “Nếu anh em giữ các điều răn của Thầy anh em sẽ ở lại trong tình thương của Thầy như Thầy đã giữ các điều răn của Cha Thầy và ở lại trong tình yêu thương của Người” (Ga 15,10). Sống thánh thiện, chu toàn nhiệm vụ hằng ngày, yêu thương nhau… đó là ở lại trong tình yêu của Chúa.

Sau hết, ở lại trong tình yêu của Thầy cũng chính là ở lại trong tình thương của nhau, là yêu thương, là hiệp nhất với nhau, vì như những nhành nho nhờ kết hợp với thân cây mà được sự hiệp nhất, cấu thành một cây nho, cùng hưởng một nhựa sống. Hãy củng cố tình yêu và sự hiệp nhất trong Giáo Phận. Hiệp nhất với Giám Mục, vì không có Giáo Phận nếu không có Giám Mục. Hiệp nhất giữa các anh em linh mục, giữa các tu sĩ trong hội dòng, giữa giáo dân trong giáo xứ, cũng như trong gia đình và giữa các gia đình, ở đâu cũng cần tình thương và sự hiệp nhất.

Kết luận: Hãy cùng nhau ghi sâu vào ký ức và đời sống. Tôi quyết tâm, chúng ta quyết tâm “ở lại trong tình yêu của Chúa Kitô và trong tình yêu thương nhau”. Amen.

Thư mục vụ số 16 ngày 01.8.1999 của Đức Cha Nicolas, dịp Ngân Khánh Giám Mục.

Kính gởi Quý Cha, quý tu sĩ nam nữ, chủng sinh và toàn thể anh chị em giáo dân Giáo Phận Phan Thiết
Anh Chị em thân mến

Ngày 11.8.1999 tới đây là ngày kỷ niệm Ngân Khánh Giám Mục của tôi. Nhờ ơn Chúa, tôi đã được chứng kiến ngày sinh, những giai đoạn chuyển mình vươn lên của Giáo Phận Phan Thiết, một Giáo Phận sinh sau đẻ muộn và ra đời giữa cảnh chiến tranh và khó khăn của Đất Nước. Phan Thiết của chúng ta là Giáo Phận thứ 25 của Giáo Hội Chúa ở Việt Nam. Tôi đã từng nói Phan Thiết là đứa con út trong đoàn con các Giáo Phận

Nhắc lại ngày sinh nhật này của Giáo phận, tôi muốn được chia sẻ một vài cảm nghĩ với anh chị em.

TẤT CẢ ĐỀU LÀ ƠN

Cảm nghĩ đầu tiên của tôi là tất cả đều là Ân huệ của Chúa, mọi sự đều do Chúa ban cho. Thánh Phaolô đã viết: “Bạn có gì mà bạn đã không nhận lãnh” (1Cr 4,7). Việc thiết lập và lớn lên của Giáo Phận, số giáo dân từ 68.110 người tăng lên 130.000; số linh mục, chủng sinh, dự tu và nam nữ tu sĩ cũng gia tăng. Ngoài ra, còn phải nói đến số thánh đường, nhà xứ, phòng giáo lý, tu viện và các cộng đồng nữ tu được tái thiết hay xây mới. Công tác xã hội và truyền giáo cũng đạt được những kết quả khả quan. Tất cả những thành công đó, chúng ta đều đã lãnh nhận. Chúa ban cho chúng ta được góp phần vào sự trưởng thành và lớn mạnh này. Chúng ta tạ ơn Chúa và quyết tâm làm việc. Giám mục, linh mục, tu sĩ, chủng sinh và giáo dân chúng ta hãy cố gắng nhiều hơn nữa. Đừng ai trong Giáo Hội, ngồi không mà không làm việc gì. Hãy đoàn kết và hợp tác với nhau, vì làm chung, làm nhiều người, mọi người đều làm, kết quả mới dồi dào và bền vững. Ngoài ra, như đã gián tiếp nói là, chúng ta cần cầu nguyện. Vì không có Chúa, chúng ta không làm được gì (x. Ga 15,5).. hãy siêng năng cầu nguyện và chầu Thánh Thể Chúa.

HIỆP NHẤT NÊN MỘT

Một trong những mối bận tâm lớn của tôi, trong 24 năm qua là cổ động và làm hết sức mình để mọi người đểu trân trọng và bảo vệ sự hiệp nhất. Hiệp nhất giữa anh em linh mục với nhau, giữa các ngài với giám mục, nhất là giữa linh mục với giáo dân trong các giáo xứ. Giáo Hội cần sự hiệp nhất để đối phó với những thách đố của thời đại, Dân Chúa cần hiệp nhất để xây dựng và phát triển Đất Nước và Giáo Hội. Chúa Giêsu đã cầu xin: “Xin cho họ được hoàn toàn nên một, để thế gian nhận biết là chính Cha đã sai con và đã yêu thương họ như đã yêu thương Con” (Ga 17,23).Trong việc bảo vệ và cổ võ sự hiệp nhất, các linh mục vẫn giữ một vai trò then chốt. Các ngài là mối dây liên kết các tín hữu với nhau, và với Đức Giám Mục. Các ngài cũng là gương mẫu của đàn chiên về sự hiệp nhất.

SỰ THÁNH THIỆN LÀ MỤC ĐÍCH

Qua 25 năm phục vụ dân Chúa với tư cách là giám mục, cũng như suốt 46 năm làm linh mục, tôi nhận thấy đối với tất cả chúng ta, linh mục, tu sĩ và giáo dân “chỉ có một điều cần mà thôi”, đó là SỰ THÁNH THIỆN. Một giáo dân thánh thiện sẽ nâng cả thế giới lên, một tu sĩ thánh – nam cũng như nữ – sẽ làm rạng danh Chúa và Giáo Hội. Nhưng bặc biệt là các linh mục, vì “trong công cuộc canh tân Giáo Hội, hàng linh mục giữ một vai trò tối quan trọng” (Vaticano, LM. Số 1). Kinh nghiệm đã cho thấy một giáo xứ biết nỗ lực nên thánh thường là một giáo xứ hiệp nhất và bình an, hạnh phúc và nhiệt tình truyền giáo. Anh Chị em hãy phấn đâu cổ vũ và giúp nhau đạt đến mục tiêu ấy.

HÃY TRUYỀN GIẢNG TIN MỪNG

Cảm nghĩ và ước nguyện chót của tôi là anh chị em hãy mạnh mẽ đưa đức tin chia sẻ với đồng bào chưa biết Chúa. “Như Cha đã sai Thây, Thầy cũng sai các con” (Ga 20,21); “Các con hãy đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ” (Mt 28,19); “Hãy đi khắp tứ phương thiên hạ loan Tin Mừng cho mọi loài thọ tạo” (Mc 16,15).

Truyền giáo là bổn phận của mọi tín hữu, mọi giáo xứ, giáo phận và và Giáo Hội. Chúng ta hãy dùng đời sống gương mẫu của bản thân, của gia đình và giáo xứ chúng ta làm công cụ truyền giáo. Hãy dạn dĩ truyền bá và cổ vũ những giá trị Tin Mừng như: Công bình, sự thật, tình thương, tự do, hòa bình, nhân phẩm và nhân quyền, luân lý, văn minh và văn hóa. Hãy dành nhiều phương tiện vật chất và nhân sự, nhiều thời giờ và tài năng hơn cho công cuộc truyền giáo.

Xin chúc anh chị em nhiều ơn Chúa và sức khỏe và xin cầu nguyện cho giáo phận và cho tôi.

Nicolas Huỳnh văn Nghi

Lm Giuse Nguyễn Hữu An, sưu tầm 5/6/2015

(nguồn: Vietcatholic.org)

You may also like