BÀI ĐỌC I: Gr 18, 18-20
“Hãy đến, và chúng ta hành hạ nó”.
Trích sách Tiên tri Giêrêmia.
Thiên hạ nói rằng: “Các ngươi hãy đến và chúng ta tìm cách chống lại Giêrêmia: vì tư tế không thiếu lề luật, người khôn ngoan không thiếu lời chỉ bảo, tiên tri không thiếu lời giảng dạy! Hãy đến, chúng ta hãy dùng lời nói mà tố cáo nó và đừng để ý đến các lời nó dạy”.
Lạy Chúa, xin lưu tâm đến con, và nghe tiếng quân thù của con! Làm lành mà phải gặp dữ sao, vì họ đào lỗ chôn con ? Xin Chúa hãy nhớ lại con đã đứng trước nhan thánh Chúa để biện hộ cho họ, Chúa đã nguôi giận họ.
Đó là lời Chúa.
ĐÁP CA: Tv 30, 5-6. 14. 15-16
Đáp: Lạy Chúa, xin cứu sống con theo lượng từ bi của Chúa (c. 17b).
Xướng:
1) Chúa dẫn con xa lưới dò chúng ngầm trương ra để hại con, vì Ngài là chỗ con nương náu. Con phó thác tâm hồn trong tay Chúa; lạy Chúa, lạy Thiên Chúa trung thành, xin cứu chữa con. – Đáp.
2) Con đã nghe thấy lũ đông bàn tán, nỗi sợ sệt gieo nặng khắp đôi nơi; cùng một lúc, chúng tụ họp phản đối con; chúng đã âm mưu sát hại mạng con. – Đáp.
3) Phần con, lạy Chúa, con tin cậy ở Ngài, con kêu lên: Ngài là Thiên Chúa của con! Vận mạng con ở trong tay Ngài, xin cứu gỡ con khỏi tay quân thù và những người bách hại. – Đáp.
Khi ấy, Chúa Giêsu đi lên Giêrusalem, đem riêng mười hai môn đệ đi theo. Dọc đường, Người nói với họ: “Này chúng ta lên Giêrusalem và Con Người sẽ bị nộp cho các vị thượng tế và luật sĩ.
Người ta sẽ lên án tử cho Người, sẽ nộp Người cho dân ngoại để chúng nhạo báng, đánh đòn, rồi treo Người lên thập giá, nhưng đến ngày thứ ba, Người sẽ sống lại”.
Bấy giờ bà mẹ các con ông Giêbêđê cùng với hai con đến gặp Người. Bà sấp mình xuống lạy Người, có ý xin Người điều chi đó. Người hỏi: “Bà muốn gì ?”.
Bà ta thưa lại: “Xin Ngài hãy truyền cho hai con tôi đây được ngồi một đứa bên hữu, một đứa bên tả Ngài, trong nước Ngài”.
Chúa Giêsu đáp lại: “Các ngươi không biết điều các ngươi xin. Các ngươi có thể uống chén mà ít nữa đây Ta sắp uống chăng ?”. Họ nói với Người: “Thưa được”.
Người bảo họ: “Vậy các ngươi sẽ uống chén của Ta, còn việc ngồi bên hữu hay bên tả, thì không thuộc quyền Ta ban, nhưng Cha Ta đã chuẩn bị cho ai, thì người ấy mới được”.
Nghe vậy, mười người kia tỏ ra bất bình với hai anh em: Chúa Giêsu gọi họ lại mà bảo: “Các con biết thủ lãnh của các dân tộc thì thống trị họ và những người làm lớn thì hành quyền trên họ. Giữa các con thì không được thế.
Trong các con, ai muốn làm lớn, thì hãy phục vụ các con, và ai muốn cầm đầu trong các con, thì hãy làm tôi tớ các con.
Cũng như Con Người đến không phải để được người ta phục vụ, nhưng để phục vụ và phó mạng sống làm giá chuộc cho nhiều người”.
1. Suy niệm (TGM Giuse Nguyễn Năng)
Sứ điệp: Chúa Giêsu tự nguyện trở nên đầy tớ phục vụ và hiến mạng sống làm giá chuộc nhân loại. Chúa mời gọi ta noi gương Chúa sống khiêm tốn, phục vụ, và hiệp thông với lễ hy sinh của Chúa trên Thánh giá.
Cầu nguyện: Lạy Chúa Giêsu, thế giới không mấy lúc được bình an. Chiến tranh nơi này chưa kết thúc, đã xảy ra chiến tranh nơi khác: vì có những dân tộc muốn thống trị toàn thế giới, vì có những cá nhân muốn áp đặt ý mình trên mọi người. Bao nhiêu người giành giật địa vị, tranh chấp quyền lực. Bao nhiêu người tìm mọi cách ngoi lên chiếm lấy một địa vị xã hội để khỏi bị chèn ép. Bản thân con cũng khó hạ mình xuống để chịu cho người khác hơn con. Không phải chỉ có các con ông Dê-bê-đê xin chỗ nhất, cũng chẳng phải chỉ có mười môn đệ kia tức tối, mà tất cả chúng con đều như vậy.
Lạy Chúa, để làm một cuộc cách mạng, Chúa đã bắt đầu từ bản thân Chúa. Chúa để lại cho chúng con gương mẫu khiêm tốn tuyệt vời. Cả cuộc đời, Chúa đã chẳng sống cho mình, nhưng hoàn toàn quên mình để phục vụ chúng con, và hy sinh mạng sống trên Thánh giá để trở nên hy lễ cứu độ chúng con. Thánh giá Chúa muôn đời vẫn còn đó như ngọn hải đăng giữa biển đời đầy bão táp biến động.
Lạy Chúa, xin giúp con nhìn lên Chúa và bắt chước Chúa. Xin Chúa cho các nhà lãnh đạo các quốc gia biết hy sinh tận tụy phục vụ dân tộc cách vô vụ lợi. Xin cho chúng con là bậc cha mẹ đứng đầu các gia đình biết phục vụ con cái trong tinh thần quên mình, hiền hòa, cảm thông, không gắt gỏng, khó tính hoặc cứng cỏi. Xin Chúa cho các vị lãnh đạo trong Hội Thánh biết sống tinh thần hiền lành và khiêm nhường như Chúa. Và xin cho chúng con không ngần ngại hầu hạ nhau như Chúa đã từng hầu hạ chúng con. Amen.
Ghi nhớ: “Họ đã lên án tử cho Người”.
2. Suy niệm (Lm. Giuse Đinh Lập Liễm)
Tinh thần phục vụ, (Mt 20,17-28)
- Gần tới lễ Vượt Qua, Đức Giêsu lên Giêrusalem để mừng lễ và đây là lần sau hết của đời Ngài. Trên đường đi, Chúa giáo huấn các ông, mặc dầu các ông không hiểu. Để giáo dục các ông, Ngài làm hai việc: một là loan báo cho các ông biết Ngài sẽ bị nộp vào tay kẻ thù để hiến thân chuộc tội cho loài người; hai là dạy họ bài học phục vụ: “Ai muốn làm đầu thì hãy làm đầy tớ…” và “Con Người đến không phải để được phục vụ, mà để phục vụ và phó mạng sống làm giá chuộc cho nhiều người”. Đức Giêsu cho chúng ta một mẫu gương là khiêm tốn phục vụ và hy sinh vì người khác.
- “Nào chúng ta lên Giêrusalem…”
Tâm lý của các môn đệ: mặc dầu đã đi theo Chúa gần ba năm, nhưng các môn đệ cũng chưa lĩnh hội giáo lý của Ngài được bao nhiêu. Ngay sau lần thứ ba Đức Giêsu loan báo cho các môn đệ sự thương khó của Ngài: “Nào chúng ta lên Giêrusalem… Con người sẽ bị nộp cho các thượng tế. Họ sẽ lên án tử Người. Họ sẽ nhạo báng Người, sẽ khạc nhổ vào Người, sẽ đánh đòn và giết Người” (10,32-34), các ông cũng không quan tâm lời loan báo ấy, có lẽ chẳng hiểu gì; hơn nữa đầu óc các ông còn đang mơ tưởng đến vương quốc Đức Giêsu sắp lập. Như vậy có nghĩa là vào lúc Đức Giêsu “chọn chỗ chót” thì các ông lại cố “đua nhau” chiếm chỗ tốt hơn: họ vẫn còn mơ mộng về Đấng Cứu Thế vinh quang của dân tộc. Đấng Cứu Thế đối với họ đó là Đấng chiến thắng hiển hách, sẽ dùng quyền lực của mình điều khiển mọi sự.
- “Con người đến không phải để được phục vụ…”
Câu Phúc âm này nói lên tất cả cuộc sống của Đức Giêsu: Ngài đã nhập thể làm người để phục vụ và phục vụ cho đến chết. Chẳng những Ngài đã hy sinh phục vụ, mà còn mời gọi những kẻ tin theo Ngài cũng noi gương sống phục vụ như Ngài.
Trong Tin mừng, đây là lần thứ ba Đức Giêsu nói đến con đường thập giá mà Ngài sẽ trải qua. Nhưng cứ mỗi lần Ngài loan báo về cuộc khổ nạn của Ngài, các tông đồ đều phản ứng ngược lại: trong lần loan báo đầu tiên, Phêrô đã ngăn cản Ngài; lần thứ hai các ông tranh luận với nhau xem ai là người lớn nhất; và lần này thì Giacôbê và Gioan xin được chức tước cao nhất làm cớ cho những người khác trong nhóm Mười Hai phân bì ghen tị.
- Cho đi để được lại…
Cho đi để được lại, đó là tính toán quá thường tình của con người. Người ta làm ơn làm phúc để được đền đáp, người ta hy sinh phục vụ để tên tuổi của mình được nhắc đến. Tiền tài, quyền bính, danh vọng là ẩn số luôn ẩn núp sau những công việc mà người ta gọi là phục vụ.
Các tông đồ đã bỏ mọi sự mà theo Chúa, đã được Chúa dạy dỗ bằng lời nói và gương sáng của Ngài, thế mà các ông vẫn còn ích kỷ, vụ lợi, tham vọng; và điều đó cho thấy các ông đã từ bỏ với tính toán: cho đi để được cho lại, phục vụ để được phục vụ. Đó là tâm trạng chung của con người. Nhưng Đức Giêsu đã nêu gương phục vụ cho chúng ta, Ngài đã hoàn toàn phục vụ cách vô vị lợi. Ngài đã mang lại cho hai chữ “phục vụ” ý nghĩa đích thực của nó, đó là sống cho và sống vì người khác, sẵn sàng hy sinh quên mình vì lợi ích của người khác.
- Chọn con đường phục vụ nào ?
Con người chúng ta trong mọi hoàn cảnh, cứ bị dẫn đến những ngã ba đường: nghĩa là trước mắt ta luôn có hai ngả mà ta phải chọn một. Hai ngả đó thường dẫn đến hai chiều khác nhau: một hướng vị kỷ và một hướng vị tha.
– Hướng vị kỷ có một sức mạnh tự nhiên lôi cuốn ta vào, nó khiến ta chỉ nghĩ đến bản thân mình, hạnh phúc hay đau khổ của mình, quyền lợi hay trách nhiệm của mình. Nói chung, nó thu hút ta vào chính bản thân ta. Hầu hết mọi người, trong hầu hết mọi trường hợp, đều bị lôi cuốn vào ngả này.
– Còn hướng vị tha rất ít khi lôi cuốn ta, nhưng lương tâm ta lại thúc đẩy ta, đôi khi còn ép buộc ta bước vào. Nó đòi hỏi ta phải quên bản thân, quên những gì liên quan tới bản thân để nghĩ đến người khác, đến đám đông bên ngoài ta, đến hạnh phúc hay đau khổ của họ.
Dù đi vào hướng nào, thì sau khi đi một đoạn đường nữa, ta sẽ lại đến một ngã ba khác, cũng với hai hướng vị kỷ và vị tha trước mặt. Mỗi lần gặp ngã ba đó là mỗi lần ta phải lựa chọn hướng đi cho mình.
- Truyện: Một sự hy sinh tuyệt vời
Có hai nhà doanh nghiệp du lịch vòng quanh thế giới. Họ xem được nhiều danh lam thắng cảnh, biết được nhiều lối sống của nhiều dân tộc, thấy được bao điều mới lạ. Nhưng họ nói tại Triều Tiên đã có một hình ảnh đánh động họ nhất, làm họ ghi nhớ mãi.
Một buổi sáng nọ, họ đi dạo trên đường làng, họ thấy cảnh một ông già đang kéo cày thay trâu, đi sau cầy là một cậu bé. Họ đứng lại xem, bộ mặt ông già không có gì là buồn khổ cả. Họ xúc động, lấy máy ảnh chụp cảnh ấy. Sau đó họ đến thăm một nhà thờ và chìa bức ảnh trên cho cha sở xem. Sau khi nhìn bức ảnh cha nói:
– Vâng, đối với các ông đây là một chuyện lạ. Nhưng tôi biết rõ cha con ông ấy. Họ rất nghèo, và khi nhà thờ này khởi công xây dựng, họ muốn đóng góp vào việc xây cất. Nhưng họ không có tiền, không có lúa để bán, và mùa đông lại sắp tới họ bèn bán con bò duy nhất để lấy tiền giúp nhà thờ. Bây giờ hai cha con phải thay bò kéo cày làm đất.
Hai người khách nhìn nhau một lát rồi một người nói:
– Thật là một sự hy sinh ngoài trí tưởng tượng! Sao cha cho phép họ làm thế ?
Cha đáp:
Họ xem đó là chuyện bình thường. Tôi đã can ngăn, nhưng họ xem việc hy sinh con bò là dâng một lễ vật cho Chúa.
Nguồn: WGPSG