Suy Niệm Hằng Ngày

Thứ Năm tuần 2 mùa Chay

BÀI ĐỌC I: Gr 17, 5-10

“Khốn thay cho kẻ tin tưởng người đời; phúc thay cho người tin tưởng vào Thiên Chúa”.

Trích sách Tiên tri Giêrêmia.

Đây Chúa phán: “Khốn thay cho kẻ tin tưởng người đời, họ nương tựa vào sức mạnh con người, còn tâm hồn họ thì sống xa Chúa. Họ như cây cỏ trong hoang địa, không cảm thấy khi được hạnh phúc; họ ở những nơi khô cháy trong hoang địa, vùng đất mặn không người ở. Phúc thay cho người tin tưởng vào Thiên Chúa, và Chúa sẽ là niềm cậy trông của họ. Họ sẽ như cây trồng nơi bờ suối, cây đó đâm rễ vào nơi ẩm ướt, không sợ gì khi mùa hè đến, lá vẫn xanh tươi, không lo ngại gì khi nắng hạn mà vẫn sinh hoa kết quả luôn. Lòng người nham hiểm khôn dò, nào ai biết được ? Còn Ta, Ta là Chúa, Ta thấu suốt tâm hồn và dò xét tâm can, trả công cho mỗi người tuỳ theo cách sống và hậu quả hành vi của họ”.

Đó là lời Chúa.

ĐÁP CA: Tv 1, 1-2. 3. 4 và 6

Đáp: Phúc thay người đặt niềm tin cậy vào Chúa (Tv 39, 5a).

Xướng:

1)Phúc cho ai không theo mưu toan kẻ gian ác, không đứng trong đường lối những tội nhân, không ngồi chung với những quân nhạo báng, nhưng vui thoả trong lề luật Chúa, và suy ngắm luật Chúa đêm ngày. – Đáp.

2)Họ như cây trồng bên suối nước, trổ sinh hoa trái đúng mùa; lá cây không bao giờ tàn úa. Tất cả công việc họ làm đều thịnh đạt.- Đáp.

3)Kẻ gian ác không được như vậy; họ như vỏ trấu bị gió cuốn đi, vì Chúa canh giữ đường người công chính, và đường kẻ gian ác dẫn tới diệt vong. – Đáp.

Tin mừng: Lc 16,19-31

19 Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng những người biệt phái rằng: “Có một nhà phú hộ kia vận toàn gấm vóc, lụa là, ngày ngày yến tiệc linh đình.

20 Lại có một người hành khất tên là Ladarô, nằm bên cổng nhà ông đó, mình đầy ghẻ chốc, 21 ước được những mụn bánh từ bàn ăn rớt xuống để ăn cho đỡ đói, nhưng không ai thèm cho. Những con chó đến liếm ghẻ chốc của người ấy.

22 Nhưng xảy ra là người hành khất đó chết và được các thiên thần đem lên nơi lòng Abraham. Còn nhà phú hộ kia cũng chết và được đem chôn. 23 Trong hoả ngục, phải chịu cực hình, nhà phú hộ ngước mắt lên thì thấy đằng xa có Abraham và Ladarô trong lòng Ngài, 24 liền cất tiếng kêu la rằng:

“Lạy Cha Abraham, xin thương xót tôi và sai Ladarô nhúng đầu ngón tay vào nước để làm mát lưỡi tôi, vì tôi phải quằn quại trong ngọn lửa này. 25 Abraham nói lại: “Hỡi con, suốt đời con, con được toàn sự lành, còn Ladarô gặp toàn sự khốn khổ.

Vậy bây giờ Ladarô được an ủi ở chốn này, còn con thì chịu khốn khổ. 26 Vả chăng, giữa các ngươi và chúng tôi đây đã có sẵn một vực thẳm, khiến những kẻ muốn tự đây qua đó, không thể qua được, cũng như không thể từ đó qua đây được”.

27 Người đó lại nói: “Đã vậy, tôi nài xin cha sai Ladarô đến nhà cha tôi, 28 vì tôi còn năm người anh em nữa, để ông bảo họ, kẻo họ cũng phải sa vào chốn cực hình này”.

29 Abraham đáp rằng: “Chúng đã có Môsê và các tiên tri, chúng hãy nghe các Ngài”. 30 Người đó thưa: “Không đâu, lạy Cha Abraham! Nhưng nếu có ai trong kẻ chết về với họ, thì ắt họ sẽ hối cải”.

31 Nhưng Abraham bảo người ấy: “Nếu chúng không chịu nghe Môsê và các tiên tri, thì cho dù kẻ chết sống lại đi nữa, chúng cũng chẳng chịu nghe đâu”.

 

1. Suy niệm (TGM Giuse Nguyễn Năng)

Sứ điệp: Tiêu chuẩn để được vào Quê Trời không phải ở chỗ giàu hay nghèo, nhưng hệ tại việc sống bác ái với anh chị em.

Cầu nguyện: Lạy Chúa, con tin Chúa là Cha yêu thương, Chúa chẳng loại bỏ ai ra khỏi nhà Cha. Nhà Cha luôn rộng mở đón mọi thành phần, mọi giới. Nhưng quyết định số phận chung cuộc của đời con tùy thuộc tự do của con. Xin cho con biết đi trên đường yêu thương, yêu Chúa và thương mọi người, để con tới được bến bờ yêu thương là Quê Trời, nơi Chúa là tình yêu ngự trị. Xin đừng để con đi trên đường bất công hận thù, kẻo con phải đi tới bến bờ thù hận mà người ta thường gọi là hỏa ngục. Chúa cho con thấy ông La-da-rô được hưởng nơi lòng Tổ Phụ Áp-ra-ham, nơi vĩnh cửu, không phải vì ông nghèo cho bằng vì ông nghèo mà vẫn không oán hận ai, nghèo mà vẫn giữ được lòng ngay thẳng: chỉ xin chứ không gian tham.

Nhà phú hộ kia bị trầm luân không phải do giàu có. Giàu có đâu phải là tội. Số phận đời đời của ông là kết quả của một đời ích kỷ. Sống trong nhung lụa dư thừa mà không nhìn thấy người anh em thiếu thốn quanh mình, đó là trọng tội của ông.

Lạy Chúa, nếu con gặp cảnh nghèo, xin cho con đừng vì nghèo mà gian tham, cáu kỉnh với mọi người. Xin giữ đôi tay con luôn trung thực, xin giữ môi miệng con đừng nói lời gian dối. Xin cho con luôn vui tươi dù giữa nghịch cảnh trong cuộc sống. Xin cho con luôn quảng đại cả khi con nghèo túng như bà góa thành Xarépta quảng đại với tiên tri Êlia trong Cựu ước.

Và Lạy Chúa, nếu con được đủ ăn đủ mặc, xin cho con đừng ích kỷ mà quên bao anh chị em đang khổ cực quanh con. Xin mở to mắt con, mở rộng tay con, mở toang lòng con, để con biết chia sẻ. Xin đừng để con vì giàu mà tự mãn xa cách, cao ngạo với mọi người. Xin cho con biết tạ ơn, khiêm tốn và quảng đại. Amen.

Ghi nhớ“Con đã được sự lành, còn Ladarô gặp toàn sự khốn khổ”.

2. Suy niệm (Lm. Carôlô Hồ Bạc Xái)

A- Phân tích (Hạt giống…)

1. Bài trích sách Giêrêmia nói đến hai hạng người: hạng tin tưởng cậy dựa vào những giá trị đời này, và hạng đặt niềm cậy trông nơi Thiên Chúa. Giêrêmia nói khốn cho hạng thứ nhất và phục cho hạng thứ hai.

2. Trong bài trích Phúc Âm, người phú hộ thuộc hạng thứ nhất. Khi ông chết thì những chỗ ông cậy dựa cũng tiêu tan luôn cho nên ông rơi vào cảnh rất khốn khổ. Ladarô là đại biểu của hạng thứ hai nên sau khi chết đã được hưởng hạnh phúc trong vòng tay Thiên Chúa (qua hình ảnh tổ phụ Abraham).

Dụ ngôn này còn muốn gởi một lời nhắn nhủ đến hạng thứ nhất: họ nên sớm thấy sai lầm của họ khi đặt niềm cậy trông vào những giá trị trần thế, để kịp thời quay về trông cậy vào Chúa. Đừng chờ đến khi chết, thấy rõ đâu là chỗ dựa vững chắc rồi mới sám hối, vì tới lúc đó, mọi việc đều không thể đảo ngược được.

B- Suy gẫm (… nẩy mầm)

1. Đã biết tiền bạc, của cải và nói chung những giá trị thế gian là không bền, thế nhưng nhiều người vẫn cứ cậy dựa vào chúng. Đó chính là cái ngu dại của con người. Nếu nói theo từ ngữ của ngôn sứ Giêrêmia trong bài đọc 1, đó chính là cái “khốn nạn” của con người.

2. “Abraham nói lại: giữa các ngươi và chúng tôi đây đã có sẵn một vực thẳm”…: Thiên Chúa không tạo dựng thẳm ngăn cách Ngài với con người. Nhưng chính con người tự đào vực thẳm ấy, bằng nhiều cách:

– Bằng ích kỷ không giúp đỡ một người anh em đang cần giúp trong khi chúng ta có thể giúp (như ông nhà giàu đối với Ladarô).

– Bằng thái độ bỏ Chúa đề hoàn toàn cậy dựa vào những giá trị trần gian.

3. Lạy Thiên Chúa của Abraham, con đã hiểu rằng lòng thương xót kẻ khốn khổ sẽ đặt con bên cạnh Ladarô trong lòng Chúa, trái lại sự ích kỷ sẽ đẩy con xuống vực thẳm chung với người phú hộ. Chúa biết con muốn chọn phía nào rồi, nhưng xin giúp con.

4. “Dửng dưng trước đau khổ của người khác là một tội. Đó là điều Chúa Giêsu muốn nêu bật qua hình ảnh người giàu có trong bài Phúc Âm hôm nay”. (Trích “Mỗi ngày một tin vui”)

5. Chúa hứa với một bà là Ngài sẽ đến thăm bà vào ngày đó. Bà rất hãnh diện về điều này. Bà cọ rửa, lau chùi, đánh bóng, quét bụi và xếp đặt mọi thứ sẵn sàng. Bà ngồi và đợi Chúa đến.

Đột nhiên có tiếng gõ cửa. Bà vội chạy ra. Vừa đẩy cửa, bà thấy một người ăn xin đứng đó. Bà liền nói: “Không, hôm nay tôi không giúp anh, vì Chúa luôn ở với anh rồi. Tôi đang nóng lòng đợi Chúa đến, không thể giúp anh điều gì”. Bà đuổi anh và đóng cửa lại.

Mấy phút sau lại có tiếng gõ cửa. Bà mở cửa nhanh hơn trước. Thấy gì ? Vài người già nghèo nàn. “Rất tiếc, tôi đang đợi Chúa đến. Hôm nay tôi không thể giúp đỡ các ông”. Rồi bà đóng sầm cửa lại.

Một lát sau lại có tiếng gõ cửa. Bà mở và lại thấy một người ăn xin rách rưới. Anh xin ăn và nghỉ qua đêm. ”Ồ, hãy để tôi yên. Tôi đang đợi Chúa đến. Tôi không thể tiếp anh”. Người ăn xin ra đi và bà tiếp tục ngồi chờ.

Hàng giờ trôi qua và màn đêm buông xuống, nhưng cũng chẳng thấy dấu hiệu gì của Chúa. Bà băn khoăn không biết Ngài ở đâu.

Cuối cùng, bà đành lên giường nằm chờ. Bà ngủ quên và mơ thấy Chúa đến với bà và nói: ”Hôm nay Ta đã đến với con 3 lần và cả 3 lần con đều đuổi Ta”. (Góp nhặt).

3. Suy niệm (Lm. Giuse Đinh Lập Liễm)

Người giàu có và người nghèo khó (Lc 16,19-31)

  1. Hôm nay Đức Giêsu đưa ra dụ ngôn người phù hộ và Lazarô nghèo khó. Qua dụ ngôn này, Đức Giêsu cho chúng ta biết số phận con người sẽ được hạnh phúc viên mãn hay bị luận phạt muôn đời tùy theo họ biết yêu thương tha nhân hay không. Ngài vạch ra cho chúng ta con đường dẫn tới ơn cứu độ: biết nghe theo lời hướng dẫn của Maisen, các tiên tri, đặc biệt là Lời Chúa để sám hối, hoán cải và yêu thương mọi người, nhất là những anh chị em đau khổ. Thiên đàng không dành cho một mình chúng ta, chúng ta chỉ có thể tiến vào cùng với anh chị em trong tình yêu thương.
  2. Mở đầu dụ ngôn, chúng ta thấy hai con người với hai hoàn cảnh hoàn toàn trái ngược xuất hiện. Một bên đại diện cho phú quí giàu sang, ngày ngày yến tiệc linh đình, còn bên kia là nghèo khổ, bệnh hoạn, dơ dáy bẩn thỉu. Một bên là thế giới của “lụa là gấm vóc, yến tiệc linh đình” và một bên là thế giới bệnh hoạn nghèo túng đến thảm thương, thế giới của “mụn nhọt ghẻ lở đầy mình” và là thế giới của những ước ao rất ư bình dị đáng thương “thèm được những thứ trên bàn ăn rơi xuống ăn cho no”. Cả hai thế giới ấy đều được khép lại với cái cửa là sự chết, nhưng cũng đồng thời mở ra một thế giới mới với hai số phận, hai cảnh đời hoàn toàn trái ngược nhau.
  3. Người phú hộ trong dụ ngôn không làm điều gì gian ác, không lỗi đức công bằng, không ức hiếp ai, không phạm gì đến Lazarô cả, vậy tại sao ông ta lại bị sa vào hoả ngục ? Tội ông ở chỗ nào ? Thực ra, ông không phạm một tội ác nào mà chỉ có tội “hững hờ, dửng dưng” trước đau khổ của người khác. Ông không phạm tội một cách tích cực mà phạm tội một cách tiêu cực, đó là “tội thiếu sót” như chúng ta đọc trong kinh Cáo mình. Ông chỉ biết hưởng thụ, yến tiệc linh đình, ca hát suốt ngày đêm mà không màng gì đến người nghèo khó Lazarô nằm ngay cổng nhà ông, muốn ăn những hạt cơm rơi trên bàn ăn của ông mà cũng không được.
  4. Người ta thường nói: “Thiện ác đáo đầu chung hữu báo”: lành dữ đều có thưởng phạt, cao bay xa chạy cũng không thể thoát được. Cái chết đã phân chia hai người thành hai thế giới đối nghịch. Người phú hộ bị phạt, Lazarô được thưởng. Bài học Chúa dạy ta hôm nay là phải biết quản lý tài sản của Chúa “cho nên” vì chúng ta không phải là chủ mà chỉ là quản lý những gì Chúa đã thương ban. Phải có tinh thần liên đới và bác ái, phải biết chia sẻ với người đau khổ hầu kiếm được nhiều bạn hữu để “họ sẽ đón rước các con vào an nghỉ đời đời” (Lc 16,9).
  5. Chắc chắn cảnh giàu nghèo là điều không thể tránh được. Nhưng trong Tin mừng hôm nay, Đức Giêsu dạy chúng ta cách giải quyết: người giàu luôn sẵn có kẻ nghèo bên cạnh để có dịp thực hành giới răn trọng nhất hầu được phần thưởng Chúa ban. Tiền của dư thừa là một nguy hiểm cho những ai không có lòng mến Chúa, nhưng người có lòng mến Chúa thật thì sẽ biết sử dụng tiền của Chúa ban để làm ích cho mình và cho người khác nữa. Chúng ta dễ hiểu tại sao người giàu bị Chúa phạt khổ cực, còn người nghèo lại được Chúa thương. Bởi vì tuy nghèo khổ, nhưng người nghèo vẫn một lòng tin tưởng phó thác nơi Chúa, trong khi đó người giàu có lại khép kín tâm hồn, không biết liên đới chia sẻ với người khác. Như thế, chúng ta thấy thái độ lãnh đạm dửng dưng trước đau khổ của người khác cũng là một trọng tội (Mỗi ngày một tin vui).
  6. Tác giả tập sách Đường Hy Vọng đã lưu ý những người con tinh thần của mình như sau: “Của cải chôn vùi con, nếu con đội nó lên đầu. Của cải làm bệ chân con nếu con đứng trên nó. Không có của mà tham vẫn chưa phải là nghèo khó. Có của mà không dính bén vẫn có thể có lòng khó nghèo thật sự. Dùng của cải cách quảng đại, trọng của cải cách tế nhị, xa của cải cách anh hùng. Không phải là của con, nhưng là của Chúa trao cho con sử dụng. Để có tinh thần nghèo khó và nhất là sống tinh thần nghèo khó, cần có tràn đầy tình yêu Chúa. Con hãy về bán tất cả những gì con có, bố thí cho người nghèo, rồi đến đây theo Chúa. Chàng thanh niên giàu có không thể đáp lại lời mời gọi sống khó nghèo trên bước đường theo Chúa, nên đã buồn sầu bỏ đi, vì anh ta có nhiều của mà không có nhiều tình yêu Chúa”.
  7. Truyện: Chúa đến thăm bà lão

Chúa hứa với một bà là Ngài sẽ đến thăm bà vào ngày đó. Bà rất hãnh diện về điều này. Bà cọ rửa, lau chùi, đánh bóng, quét bụi và xếp đặt mọi thứ sẵn sàng. Bà ngồi và đợi Chúa đến.

Đột nhiên có tiếng gõ cửa. Bà vội chạy ra. Vừa đẩy cửa, bà thấy một người ăn xin đứng đó. Bà liền nói: “Không, hôm nay tôi không giúp anh, vì Chúa luôn ở với anh rồi. Tôi đang nóng lòng đợi Chúa đến, không thể giúp anh điều gì”. Bà đuổi anh và đóng cửa lại.

Mấy phút sau lại có tiếng gõ cửa. Bà mở cửa nhanh hơn trước. Thấy gì ? Vài người già nghèo nàn. “Rất tiếc, tôi đang đợi Chúa đến. Hôm nay tôi không thể giúp đỡ ông”. Rồi bà đóng sầm cửa lại.

Một lát sau lại có tiếng gõ cửa. Bà mở và lại thấy một người ăn xin rách rưới. Anh xin ăn và ngủ qua đêm. “Ồ, hãy để tôi yên. Tôi đang đợi Chúa đến. Tôi không thể tiếp anh”. Người ăn xin ra đi và bà tiếp tục ngồi chờ.

Hàng giờ trôi qua và màn đêm buông xuống, nhưng cũng chẳng thấy dấu hiệu gì của Chúa. Bà băn khoăn không biết Ngài ở đâu.

Cuối cùng, bà đành lên giường nằm chờ. Bà ngủ quên và mơ thấy Chúa đến với bà và nói: “Hôm nay ta đến với con 3 lần và cả ba lần con đều đuổi Ta” (Góp nhặt).

Nguồn: WGPSG

Bài viết liên quan