BÀI ĐỌC I: Cv 20, 17-27
“Tôi đi cho hết quãng đường đời và hoàn tất nhiệm vụ rao giảng lời Chúa”.
Trích sách Tông đồ Công vụ.
Trong những ngày ấy, từ Milê, Phaolô sai người đi Êphêxô mời các trưởng giáo đoàn đến. Khi họ đến với ngài và hội họp, ngài nói với họ: “Các ông biết ngay tự ngày đầu khi tôi vào đất Tiểu Á, tôi đã cư xử thế nào với các ông trong suốt thời gian đó, tôi hết lòng khiêm nhường phụng sự Chúa, phải khóc lóc và thử thách do người Do-thái âm mưu hại tôi. Các ông biết tôi không từ chối làm một điều gì hữu ích cho các ông, tôi đã rao giảng và dạy dỗ các ông nơi công cộng và tại tư gia, minh chứng cho người Do-thái và dân ngoại biết phải hối cải trở về với Thiên Chúa, phải tin Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta. Và giờ đây được Thánh Thần bắt buộc đi Giêrusalem mà không biết ở đó có những gì xảy đến cho tôi, chỉ biết là từ thành này qua thành khác, Thánh Thần báo trước cho tôi rằng: xiềng xích và gian lao đang chờ tôi ở Giêrusalem. Nhưng tôi không sợ chi cả, không kể mạng sống tôi làm quý, miễn là tôi đi cho hết quãng đường đời và hoàn tất nhiệm vụ rao giảng lời Chúa mà tôi đã lãnh nhận nơi Chúa Giêsu là làm chứng về Tin Mừng ơn Thiên Chúa. Và giờ đây, tôi biết rằng hết thảy các ông là những người được tôi ghé qua rao giảng nước Thiên Chúa, các ông sẽ chẳng còn thấy mặt tôi nữa. Vì thế hôm nay tôi quả quyết với các ông rằng: tôi trong sạch không dính máu người nào cả. Vì chưng, tôi không trốn tránh, khi phải rao giảng cho các ông mọi ý định của Thiên Chúa”.
Đó là lời Chúa.
ĐÁP CA: Tv 67, 10-11. 20-21
Đáp: Chư quốc trần ai, hãy ca khen Thiên Chúa (c. 33a).
Hoặc đọc: Alleluia.
Xướng: 1) Ôi Thiên Chúa, Ngài làm mưa ân huệ xuống cho dân Ngài, và khi họ mệt mỏi, Ngài đã bổ dưỡng cho. Ôi Thiên Chúa, đoàn chiên Ngài định cư trong xứ sở, mà do lòng nhân hậu, Ngài chuẩn bị cho kẻ cơ bần. – Đáp.
2) Chúc tụng Chúa ngày nọ qua ngày kia. Thiên Chúa là Đấng cứu độ, Ngài vác đỡ gánh nặng chúng ta. Thiên Chúa chúng ta là Thiên Chúa cứu độ, Chúa là Thiên Chúa ban ơn giải thoát khỏi tay tử thần. – Đáp.
Tin Mừng: Ga 17,1-11a
1 Khi ấy, Đức Giê-su ngước mắt lên trời và cầu nguyện: “Lạy Cha, giờ đã đến! Xin Cha tôn vinh Con Cha để Con Cha tôn vinh Cha. 2 Thật vậy, Cha đã ban cho Người quyền trên mọi phàm nhân là để Người ban sự sống đời đời cho tất cả những ai Cha đã ban cho Người. 3 Mà sự sống đời đời đó là họ nhận biết Cha, Thiên Chúa duy nhất và chân thật, và nhận biết Đấng Cha đã sai đến, là Giê-su Ki-tô.
4 Phần con, con đã tôn vinh Cha ở dưới đất, khi hoàn tất công trình Cha đã giao cho con làm. 5 Vậy, lạy Cha, giờ đây, xin Cha tôn vinh con bên Cha: xin ban cho con vinh quang mà con vẫn được hưởng bên Cha trước khi có thế gian. 6 Những kẻ Cha đã chọn từ giữa thế gian mà ban cho con, con đã cho họ biết danh Cha. Họ thuộc về Cha, Cha đã ban họ cho con, và họ đã tuân giữ lời Cha. 7 Giờ đây, họ biết rằng tất cả những gì Cha ban cho con đều do bởi Cha, 8 vì con đã ban cho họ lời mà Cha đã ban cho con; họ đã nhận những lời ấy, họ biết thật rằng con đã từ Cha mà đến, và họ đã tin là Cha đã sai con.
9 Con cầu nguyện cho họ. Con không cầu nguyện cho thế gian, nhưng cho những kẻ Cha đã ban cho con, bởi vì họ thuộc về Cha. 10 Tất cả những gì của con đều là của Cha, tất cả những gì của Cha đều là của con; và con được tôn vinh nơi họ. 11a Con không còn ở trong thế gian nữa, nhưng họ, họ ở trong thế gian; phần con, con đến cùng Cha.
Suy niệm (Đức Tổng Giám mục Giuse Nguyễn Năng)
Sứ điệp: Chúa Giêsu là Tư Tế cầu nguyện với Chúa Cha. Trước giờ khổ nạn, Chúa cầu nguyện cho mình được hoàn tất sứ mạng mặc khải Chúa Cha để tôn vinh Danh Cha. Chúa cũng cầu nguyện cho các môn đệ noi gương Người vững tin vào Danh Cha.
Cầu nguyện: Lạy Chúa Giêsu, con ngắm nhìn Chúa bước vào cuộc khổ nạn, lòng đầy can đảm, yêu thương, bình an. Cả cuộc sống trần gian của Chúa chỉ có một mục đích duy nhất là tôn vinh Chúa Cha, mặc khải Chúa Cha cho chúng con. Hy sinh nào Chúa cũng đón lấy, gian khổ nào Chúa cũng chịu được, nhục nhã nào Chúa cũng chấp nhận, miễn là tôn vinh Chúa Cha và cứu độ chúng con. Chính vì thế, giờ đây, trước giờ phút đau thương của cuộc khổ nạn, Chúa hoàn toàn quên mình và sẵn sàng tự nguyện đón lấy tất cả để biểu lộ tình yêu Chúa Cha dành cho chúng con. Con cúi mình cảm tạ và thờ lạy Chúa.
Lạy Chúa, trong giờ phút trọng đại này, Chúa đã nhớ đến chúng con. Một đàng chúng con đang sống giữa thế gian, nhưng đàng khác nhờ tin vào Chúa và đón nhận Lời Chúa, chúng con đã thuộc về Chúa Cha. Trước sự giằng co ấy, chúng con phải phấn đấu rất nhiều để giữ lòng trung thành với Chúa. Nhưng nhiều lúc chúng con bất trung, phản bội, đã quên lãng hoặc bôi nhọ phẩm giá cao cả của người môn đệ Chúa. Xin Chúa tiếp tục cầu nguyện xin Chúa Cha gìn giữ chúng con trong Danh Cha. Xin cho chúng con noi gương Chúa, luôn trung thành với tình yêu Chúa Cha, để dù phải đau khổ hy sinh, chúng con vẫn can đảm sống trọn vẹn cho vinh quang Chúa Cha và cho phần rỗi chúng con. Đặc biệt, chúng con xin Chúa trợ giúp những anh chị em đang gặp khó khăn trong đời sống đức tin, xin Chúa gìn giữ họ trong tình yêu Cha. Amen.
Ghi nhớ : “Lạy Cha, xin hãy làm vinh hiển Con Cha”.
Suy niệm 1: (Lm. Carôlô Hồ Bạc Xái)
A- Phân tích (Hạt giống…)
Bài giáo lý thứ 15: Lời cầu nguyện của Chúa Giêsu trước lúc ra đi.
– Chúa Giêsu cầu cho chính mình: “lạy Cha, xin hãy tôn vinh con”
– Cầu cho những kẻ Chúa Cha giao cho Ngài: “Con cầu xin cho chúng… bởi vì chúng là của Cha… Con không còn ở thế gian nữa, nhưng chúng vẫn còn ở thế gian”
B- Suy gẫm (…nẩy mầm)
1. “Con không còn ở trong thế gian nữa, nhưng họ vẫn còn ở trong thế gian”: Khi nói câu này, hình như Chúa Giêsu tội nghiệp cho chúng ta. Có thể quảng diễn ý Chúa Giêsu một cách đơn sơ như thế này: Lạy Cha, phần con thì đã khoẻ rồi vì đã thoát khỏi thế gian, nhưng những môn đệ của con thì thật tội nghiệp vì còn phải ở lại thế gian, cái thế gian đã méo mó chứ không còn tốt đẹp như hồi Cha mới dựng nên, cái thế gian đầy dãy sự xấu sự ác sự khổ, cái thế gian có muôn vàn cạm bẫy, cái thế gian chẳng có giá trị nào vĩnh cửu… Thật là tội nghiệp cho chúng. Vậy xin Cha hãy gìn giữ chúng.
Chúa Giêsu biết rõ ở trong thế gian là thế nào và thoát khỏi thế gian là thế nào nên Ngài mới cầu nguyên như vậy. Còn chúng ta, chúng ta chỉ biết có thế gian này cho nên chúng ta quyến luyến nó, chúng ta sợ phải mất nó, khi nghĩ đến ngày chúng ta lìa xa thế gian thì chúng ta sợ hãi lo âu.
2. “Năm sự mừng, thứ hai Chúa Giêsu lên trời. Ta hãy xin cho được lòng ái mộ những sự trên trời”. Đúng vậy, chúng ta hãy xin Chúa cho chúng ta hiểu thực chất của những giá trị thế gian, để ngày càng ái mộ những sự trên trời hơn.
3. Sau khi trình bày với Chúa Cha về hoàn cảnh tội nghiệp của chúng ta còn phải ở lại thế gian, Chúa Giêsu thưa tiếp: “Xin cho chúng hiệp nhất nên một”. Khi người ta ở trong một tình thế nguy hiểm thì người ta phải đoàn kết lại với nhau. Chúa Giêsu biết chúng ta phải gặp nhiều thứ nguy hiểm ở thế gian nên Ngài xin Chúa Cha giúp chúng ta đoàn kết hiệp nhất. Chúng ta đang phải đối phó nhiều thứ nguy hiểm lắm: nguy hiểm do ma quỷ quấy phá, nguy hiểm do những kẻ thù của Giáo Hội, nguy hiểm do những cám dỗ và cạm bẫy của người đời. Khi chúng ta không đoàn kết hiệp nhất với nhau thì chẳng những chúng ta không giúp gì được cho nhau để thoát khỏi những nguy hiểm ấy, trái lại chúng ta còn làm khổ thêm cho nhau, làm yếu sức nhau, làm cho nhau dễ sa ngã hơn nữa. Những sự bất hòa, chia rẻ, thiếu bác ái đã làm cho biết bao người phải chán nản không còn hăng say chu toàn nhiệm vụ, không còn nhiệt tình đi theo lý tưởng, không còn đủ sức đón nhận hy sinh…
4. “Lạy Cha chí Thánh, xin gìn giữ các môn đệ trong Danh Cha mà Cha đã ban cho con, để họ nên một như chúng ta”
Trong cộc sống hàng ngày, cám dỗ bủa vây tứ phía, nhưng mấy khi tôi chạy đến cùng Cha ?
Lạy Cha, xin cho chúng con luôn biết chạy đến với Cha mọi lúc trong cuộc sống. (Epphata)
Suy niệm 2 (Lm. Nguyễn Vinh Sơn SCJ)
Câu chuyện
Tôi là một linh mục, dâng thánh lễ mỗi ngày. Trong lời nguyện cầu, tôi mang tất cả tâm tình của anh em phó thác cho Thiên Chúa. Tôi tạ ơn Ngài đã ban mọi ơn lành trong cuộc sống của con người, mà tôi là đại diện dâng lời tri ân. Tôi phó thác mọi cái khổ của người anh em tôi, những khắc khoải lo âu mà họ và tôi đang phải chiến đấu bôn ba mà chưa thấy mặt trời giữa đêm tối của cuộc sống của chính tâm hồn…
Trong cuộc sống, tôi yếu đuối, trong thánh lễ tôi dâng chính tôi và dâng mọi nỗi yếu hèn của kiếp nhân sinh xin Chúa chữa lành, thánh hóa. Tôi cảm thấy mình như là cầu nối giữa Thiên Chúa và tha nhân. Tôi đại diện nhân loại để hiến tế, để khẩn cầu… Trong chức vụ linh mục thừa tác, tôi được Thiên Chúa ủy quyền để ban phát cho anh em mình của bánh thần lương và giải thích lời Ngài…
Suy niệm
Tin Mừng Gioan 17,1-11 là những lời đầu tiên trong lời cầu nguyện của Đức Kitô với vai trò linh mục thượng phẩm. Đó là tâm tình của người Thầy đối với trò, của mục tử luôn thao thức lo lắng cho đoàn chiên, dù chính Ngài đang phải sống trong đêm tối: Đứng trước cuộc tử nạn sắp tới mà tâm hồn đầy xao động và bối rối, nhưng Ngài vẫn nghĩ đến các đồ đệ của mình, những người liên kết với mình sẽ cô đơn khi vắng bóng Thầy.
Đức Kitô đầu tiên cầu nguyện cho bước đường sắp tới trở nên vinh danh Ngài và qua Ngài vinh danh Chúa Cha: “Xin Cha tôn vinh Con Cha để Con Cha tôn vinh Cha” (Ga 17,1). Vinh danh Ngài qua con đường thập giá, thập giá phá tan bóng tối, phá tan sự chết, thập giá mở cửa Thiên Quốc cho nhân loại. Khi bước đi với thập giá vào cái chết. Ngài sẽ được vinh danh khải hoàn phục sinh. Vinh danh vụt sáng chói lói như bông hồng đỏ thắm trổ sinh giữa bụi gai, bông hồng của Thiên Chúa cho nhân loại. Chính lúc đó vinh danh Chúa Cha cũng được tỏa sáng giữa thế gian: Tình yêu vĩ đại một vị Thiên Chúa dâng hiến con mình cho nhân gian được sống, cho vũ trụ được gội rửa: “Thiên Chúa yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một, để ai tin vào Con của Người thì khỏi phải chết, nhưng được sống muôn đời” (Ga 3,16).
Ngài cầu nguyện cho các môn đệ và những người gắn bó với Ngài qua niềm tin, vì họ sẽ bơ vơ, không Ngài – không nơi nương tựa giữa thế gian mịt mù sắp tới. Ngài xin Cha thánh hiến họ để họ nhận biết được Cha, biết Ngài được Cha sai. Động từ “biết” trong Kinh Thánh giải thích một cách sâu sắc là sự hiệp thông toàn diện thần trí tâm hồn giữa con người với nhau và giữa nhân loại với chính Thiên Chúa. Nhận biết chính Ngài – Đấng Cứu Thế được sai và biết chính Cha. Nhờ mối liên hệ sâu sắc và linh thiêng này mà cuộc sống và tình yêu được nảy sinh. Tình yêu với Thiên Chúa là điểm tựa và là sức mạnh. Tình yêu hiệp thông nảy nở giữa kiếp nhân sinh. Như vậy, cái biết này là sức mạnh đưa con người hiên ngang sống giữa thế gian bao thăng trầm đặc biệt những giờ phút mịt mù sắp tới khi vắng Ngài.
Tâm tình trong lời cầu nguyện của Chúa Giêsu đã nói lên vị thế trung gian, giữa trời và đất, giữa Thiên Chúa với con người, như thánh Cyrille d’Alexandrie đã cảm nhận từ lời cầu xin này: “Đức Kitô cầu nguyện trong tư cách là con người, trong tư cách là người hòa giải, là Đấng trung gian giữa Thiên Chúa và con người, Ngài tự là câu nối vĩ đại và thánh thiện. Ngài tự hiện chính mình cho chúng ta, bởi lời cầu nguyện, Ngài kéo Cha xuống bên chúng ta; Ngài vừa là của linh mục và vừa là lễ vật hiến tế, Ngài chính là con chiên xóa bỏ tội trần gian và chính Ngài dâng hiến mình lễ vật không tì ố”. Vì thế, vai trò trung gian này là mô phạm cho các vị linh mục thừa tác của mọi thời đại xuyên lịch sử, được mời gọi để tiếp tục sứ mạng của Ngài ở trần gian trong lời cầu của linh mục thừa tác hàng ngày, vẫn luôn khẩn cầu tha thiết đến Chúa Cha cho chúng ta.
Đường trần gian vẫn cứ còn mịt mù, có thấp thoáng của bóng đen bao phủ như các tông đồ cảm thấy đêm tối trước lúc Thầy ly biệt. Đã bao nhiêu lần chúng ta lo âu, cô đơn vì không tìm được sự đồng cảm trong cuộc sống, như tâm trạng của Tagore: “…. Bầu trời rên rỉ như một người đang thất vọng. Đêm nay tôi không ngủ. Chốc chốc lại mở cửa nhìn ra ngoài bóng tối, anh ơi!” (R.Tagore Lời Dâng – Gitanja 22). Đức Kitô vẫn bên cạnh và nguyện cầu cho chúng ta: Được thánh hiến trong sự thật, được Chúa Cha bảo vệ, để biết Ngài và cùng Ngài biết Chân lý. Chúng ta được thắp sáng lên bằng lời cầu thượng tế cho chúng ta vững bước trong Chân lý.
Ý lực sống
“Xin cho tôi sức mạnh dẻo dai để nâng tâm hồn vươn lên khỏi ti tiện hằng ngày. Và cho tôi sức mạnh tràn trề để âu yếm dâng mình theo ý người muốn” (R.Tagore, Lời Dâng – Gitanja 36).
Nguồn: WGPSG