BÀI ĐỌC I: Cv 8, 1-8
“Đến đâu, họ cũng rao giảng lời Thiên Chúa”.
Trích sách Tông đồ Công vụ.
Ngày ấy, Hội Thánh ở Giêrusalem bị bách hại dữ tợn. Ngoài các tông đồ, mọi người đều phân tán đi các miền Giuđêa và Samaria. Còn những người đạo đức lo chôn cất Têphanô; họ than khóc ông rất nhiều. Lúc đó Saolô tàn phá Hội Thánh; ông vào nhà này sang nhà nọ, bắt đàn ông lẫn đàn bà và tống ngục họ.
Những người bị phân tán, đã đi khắp nơi rao giảng lời Thiên Chúa. Phần Philipphê thì đi xuống một thành thuộc xứ Samaria rao giảng Đức Kitô cho họ. Dân chúng chú ý đến những lời Philipphê rao giảng, vì họ cùng nghe biết và xem thấy các phép lạ ngài làm, quỷ ô uế đã ám nhiều người trong họ, lúc đó kêu lớn tiếng và xuất ra. Nhiều người bất toại và què quặt được chữa lành. Bởi đó, cả thành được vui mừng khôn tả.
Đó là lời Chúa.
ĐÁP CA: Tv 65, 1-3a. 4-5. 6-7a
Đáp: Toàn thể đất nước, hãy reo mừng Thiên Chúa (c. 1).
Hoặc đọc: Alleluia.
Xướng: 1) Toàn thể đất nước, hãy reo mừng Thiên Chúa, hãy ca ngợi vinh quang danh Ngài, hãy kính dâng Ngài lời khen ngợi hiển vinh. Hãy thưa cùng Thiên Chúa: kinh ngạc thay sự nghiệp Chúa. -Đáp.
2) Toàn thể đất nước thờ lạy và ca khen Ngài, ca khen danh thánh của Ngài. Hãy tới và nhìn coi sự nghiệp của Thiên Chúa, Ngài thi thố những chuyện kinh ngạc giữa con cái người ta! – Đáp.
3) Người biến bể khơi thành nơi khô cạn, người ta đã đi bộ tiến qua sông, bởi đó ta hãy hân hoan trong Chúa. Với quyền năng, Ngài thống trị tới muôn đời. – Đáp.
Tin Mừng: Ga 6,35-40
35 Khi ấy, Chúa Giêsu phán với đám đông rằng: “Chính Ta là bánh ban sự sống. Ai đến với Ta, sẽ không hề đói; ai tin vào Ta, sẽ không hề khát bao giờ. 36 Nhưng Ta đã bảo các ngươi rằng: Các ngươi đã thấy Ta, nhưng các ngươi không chịu tin. 37 Những ai Cha đã ban cho Ta sẽ đến với Ta. Và ai đến với Ta, Ta sẽ không xua đuổi ra ngoài. 38 Bởi vì Ta từ trời xuống không phải để làm theo ý Ta, nhưng để làm theo ý Đấng đã sai Ta. 39 Vậy ý của Cha, Đấng đã sai Ta, là hễ sự gì Người đã ban cho Ta, Ta chẳng để mất, nhưng ngày sau hết, Ta sẽ cho nó sống lại. 40 Quả vậy, ý của Cha Ta là hễ ai thấy Con và tin vào Người thì có sự sống đời đời”.
Suy niệm 1 (Lm. Carôlô Hồ Bạc Xái)
A- Phân tích (Hạt giống…)
Nhắc lại bài Phúc Âm hôm qua: nghe Chúa Giêsu nói tới một thứ lương thực quý trọng hơn cả Manna ngày xưa nữa, dân Do Thái tưởng đó là thứ thức ăn đặc biệt no lâu nên xin Chúa ban cho họ thứ thức ăn đó mãi.
Trong bài Phúc Âm hôm nay, Chúa Giêsu nói với họ rằng “Chính Ta là bánh ban sự sống”.
Chúa Giêsu trở thành Bánh Sự Sống cho loài người thế nào ?
Khi người ta đến với Ngài: “Ai đến với Ta, sẽ không hề đói”.
Khi người ta tin vào Ngài: “Ai tin vào Ta, sẽ không hề khát bao giờ”.
Thực ra theo luật của cú pháp sóng đôi, “Đến với” và “Tin vào” không phải là hai việc khác nhau mà chỉ là hai cách diễn tả cùng một sự việc: Tin vào Chúa Giêsu, thể hiện ở thái độ đến với Ngài. Kết quả của công việc đó là không hề đói không hề khát.
B- Suy gẫm (…nẩy mầm)
1. Đức tin vào Chúa Giêsu phải thể hiện vào việc đến với Ngài. Một ngày tôi dành bao nhiêu thời gian để “đến với” Chúa.
2. Chúng ta “đến với” Chúa bằng nhiều cách: tưởng nhớ, cầu nguyện, suy gẫm, và nhất là tham dự Thánh Lễ. Hãy xét mình xem khi chúng ta làm những việc trên, lòng chúng ta có thực sự “đến với” Chúa không ?
3. Khi tâm hồn tôi cảm thấy đói khát, tôi đã “đến với” ai, với cái gì ? Có “đến với” Chúa không ?
4. Buổi sáng bà lão ra ngoài. Buổi chiều bà trở về, bà không tìm thấy chìa khóa.
Không biết làm thế nào ?! Bà chạy sang hàng xóm, mượn chìa khóa của họ mở thử, chẳng có cái nào hợp.
Cuối cùng một người góp ý: cứ mở then cài ra xem sao! Bà mở then và cánh cửa mở toang. Thì ra khi đi ra bà không khóa cửa.
Câu chuyện trên mô tả phần nào thái độ của chúng ta trước Chúa. Ta đứng ngoài, lòng đầy băn khoăn lo sợ. Ta nghĩ phải làm việc này việc nọ mới đáng đến với Chúa. Trong khi đó, cánh cửa nhà Chúa luôn mở rộng và ưu ái đón ta vào. (Góp nhặt)
5. “Vậy ý của Cha, Đấng đã sai Ta, là hễ sự gì Người đã ban cho Ta, Ta chẳng để mất”.
…Chúa Giêsu và Hội Thánh bấy giờ xuất hiện với tôi như một cái gì khô cứng, sự khô cứng của những khái niệm thần học, những bổn phận “phải” làm hơn là một tình yêu thiết tha tung cánh… Rồi chẳng biết từ đâu, Triết lý phương Đông và Phật Giáo len lỏi vào tâm hồn tôi, phất phơ nhẹ nhàng nhưng sao có sức giật tung những gì tôi mòn mỏi. Tôi nằng nặc đòi nhà Dòng một năm phép, cho ra độc cư trên núi, sống với nắng, gió, mưa, đói, khát, và sự sợ hãi nữa. Nhưng mỗi lần tôi nhất tâm thất niệm thì vấn đề về Chúa Giêsu lại vang lên, đeo bám tôi mãi… Một năm phép đã hết, thân tàn ma dại, tôi thua cuộc, trở về nhà Dòng một cách trắng tay. Nhưng Chúa Giêsu vẫn cứ đeo bám tôi mãi. Đang trong một năm nổi loạn, thất bại và hư hỏng cùng cực đó, tôi được gọi làm linh mục. Hoang mang và sợ hãi, tâm hồn rối bời, tan nát, tôi vào ngồi thẫn thờ trong nhà nguyện như sự đay nghiến, một sự nức nở và đền tội…
Một đêm trước khi làm linh mục vài hôm, tôi thử tiến lên đứng sát Nhà Tạm Thánh Thể. Có cái gì đó khác hơn là cảm giác, hơn cả sự rung động, mà là sự bao phủ lấy toàn bộ cuộc đời và con người tôi. Ngay giây phút đó, tôi “hiểu” rằng cho dù có là hòn đá hòn sỏi, dù tôi đã lấm bùn bê bết, dù tôi đã thân tàn ma dại, dù tôi đã hỏng hết cả cuộc đời, thì Chúa Giêsu vẫn gọi và chọn tôi, làm tâm hồn tôi bừng sáng huy hoàng. Và tôi gọi Ngài là Chúa, Cứu Chúa của đời tôi…
Lạy Chúa, chứng từ này giúp con nghiệm ra rằng, dù phận hèn yếu đuối đến đâu, con vẫn được Ngài yêu thương vì Ngài là Đấng khoan dung bền vững muôn đời. (Epphata)
Suy niệm 2 (Lm. Nguyễn Vinh Sơn SCJ)
Câu chuyện
Vào những ngày cuối tháng 6 năm 1848. Cuộc nội chiến xảy ra ác liệt trên những đường phố của kinh thành Paris. Tiếng la hét om sòm vang lên khắp nơi. Nằm trên giường bệnh, nhà văn Chateaubriand nghe rõ mồm một. Ông cầm lấy cây thánh giá và cầu nguyện: “Lạy Chúa Giêsu Kitô, chỉ có Chúa mới cứu vãn được xã hội hiện tại này”.
Rồi dán chặt đôi mắt một cách trìu mến vào tượng Chúa Giêsu chịu chết trên cây thánh giá, nhà văn thốt ra những lời cuối cùng đầy xúc động: “Đây chính là Chúa của con. Đây chính là Vua của con!”.
Suy niệm
Ðức Giêsu đến không làm theo ý mình, nhưng là để chu toàn ý Cha: “Ý của Cha Ta là hễ ai thấy Con và tin vào Người thì có sự sống đời đời”. Ai tin vào Đức Giêsu thì sẽ không còn phải chết trong tội nữa, nhưng được Người ban sự sống đời đời, như thánh Phaolô với kinh nghiệm người được đức tin chiếm hữu, đã quả quyết: “Cũng như vì một người duy nhất đã sa ngã (là Adam), mà mọi người bị Thiên Chúa kết án, thì nhờ một người duy nhất (là Đức Giêsu), đã thực hiện lẽ công chính, mọi người cũng được Thiên Chúa làm cho nên công chính, nghĩa là được sống” (Rm 5,18).
Tin vào Chúa Kitô thì được sống. Rải rác khắp trang Tin Mừng, nói về sức mạnh của đức tin vào Con Người – Đức Kitô: Người phụ nữ bị băng huyết cả chục năm với đức tin được chữa khỏi, như ông trưởng hội đường Do Thái với đức tin của ông đã khiến Chúa làm cho con gái ông đã chết được sống lại (x. Mt 9,18-26; Mc 5,1-43; Lc 8,40.55). Người phụ nữ dân ngoại Canaan có người con bệnh gần chết, dù Chúa thử thách bà, nhưng tâm hồn bà vẫn tin mạnh mẽ vào Ngài, và con bà được chữa lành. (x. Mt 15,21-28; Mc 7,24-30), người bị bệnh phong cùi với lòng tin cũng được khỏi (Mt 8,1-4; Mc 1,40-45 ; Lc 5,12-13; 17,11-19)… Người mù thành Giêricô với tất cả niềm tin kêu cầu Chúa và anh được sáng (Mt 20,29 -34; Mc 10,46-52; Lc 18,35-44)…
Người tin Chúa Kitô, là người để Chúa Cha lôi kéo và giáo hóa, nhưng trong thực tế, chúng ta sống tin thật sự, hay chúng ta để các thực tại quyền lực trần gian chiếm hữu. Tuy môi miệng tôi tuyên xưng “tin” Đức Kitô, nhưng con tim và khối óc lại hướng theo tiền bạc, danh lợi, vì nó mà tôi có thể bất chấp tất cả, ghen ghét, hãm hại, chà đạp anh em bạn hữu để được những cái bánh to, lợi lộc trần thế. Tâm tư của tôi của bạn như thánh Phaolô đã từng ví von: Chúa của họ thờ là cái bụng tức là mọi sự quyến rũ thấp kém của thế gian (x. Pl 3,19). Vì thế người sống niềm tin theo lời khuyên dạy của thánh Phaolô: “Anh em hãy loại ra khỏi anh em tính gay gắt, tức giận, nóng nảy, khoác lác, chửi rủa, cùng mọi thứ độc ác… Anh em hãy ăn ở hiền hậu, thương xót và tha thứ cho nhau” (Ep 4,31-32).
Sống đức tin sâu sắc, như thánh tông đồ Giacôbê xác tín: “Đức tin không có việc làm là đức tin chết” (Gc 2,17). Thật thế, người tin nhận Chúa Giêsu là Cứu Chúa của mình, chắc chắn cuộc đời của họ, mọi lời nói việc làm, được xây dựng và đặt nền tảng trên đức tin.
Ý lực sống
Ai có đức tin thì làm được mọi việc… “Dù đức tin chỉ bằng hạt cải…” (x. Lc 17,5-6).
Nguồn: WGPSG