Thông Tin

Tin thêm về Cây Thánh Giá Cộng Sản, ĐTC cho đó là một tác phẩm phản đối

Trong dịp trao đổi quà tặng tại dinh Tổng Thống ở La Paz tối thứ Tư, vị Tổng thống thiên tả cuả Bolivia, Evo Morales, đã bất ngờ trao cho Đức Giáo Hoàng Phanxicô một “cây thánh giá cộng sản”, có hình Chúa Kitô chịu đóng đinh trên một cái búa dựng trên một ngọn đồi có hình lưỡi liềm.

Bolivia2015071000Đó là một tác phẩm diễn tả một tình cảm trung thực và tuyệt vời, theo như lời đính chính cuả Chính Quyền Bolivia.

Đó là một món quà ‘vô vị’ sử dụng với một ý đồ chính trị, theo LM James Bretzke, một nhà thần học tại Boston College ở Massachusetts.

Đó là một biểu tượng của sự mong muốn có đối thoại, theo Cha Lombardi, phát ngôn viên cuả Vatican, trong một nổ lực tìm cách ‘hạ nhiệt’ những việc tranh cãi.

“Tôi đánh giá nó là một tác phẩm để phản đối, mà trong một số trường hợp có thể là xúc phạm, ” Đức Giáo Hoàng nói như thế trong một cuộc họp báo trên chuyến bay từ Paraguay về Roma vào ngày 12 tháng 7.

Nhưng xét tới bối cảnh cuả tác phẩm, ĐGH nói thêm rằng Ngài thông cảm cái ý tưởng đằng sau cây thánh giá, và “đối với tôi nó không phải là một hành vi xúc phạm.”

Ngài nhắc lại một cuộc triển lãm ở Buenos Aires vài năm trước đây, trong đó một cố nghệ sĩ người Argentina, mà Ngài mô tả là “một nhà điêu khắc tốt, có óc sáng tạo”, đã thực hiện một tác phẩm tương tự miêu tả một Đức Kitô chịu đóng đinh trên một chiếc máy bay.

“Đó là nghệ thuật để phản đối, như tôi nhớ lại, mô tả một Đức Kitô chịu đóng đinh trên một chiếc máy bay ném bom đang rơi xuống, (phải không?) Đó vẫn là (nghệ thuật) Kitô giáo, nhưng còn là một lời chỉ trích nói rằng Kitô giáo đang liên minh với chủ nghĩa đế quốc, được biểu lộ bằng chiếc máy bay ném bom. ”

Nhắc lại ‘cây thánh giá cộng sản’ với hình Chuá chịu đóng đinh trên buá và lưỡi liềm là một bản sao cuả một sáng tác do cố LM Luis Espinal Camps, dòng Tên, đã bị giết năm 1980 dưới chế độ độc tài ở Bolivia.

Phản ứng của Đức Giáo Hoàng khi nhận cây thánh giá đã là một nguồn đồn đãi và tranh luận của làng báo.

Đức Giáo Hoàng nói rằng Ngài đã không biết rằng LM Espinal, ngoài công việc làm báo, cũng là một nhà điêu khắc và một nhà thơ.

Đức Giáo Hoàng lưu ý rằng LM Espinal lúc đó nổi danh trong Dòng là một người đề xuất cách giải thích về Thần Học Giải Phóng theo ý nghĩa của chủ nghĩa Mác Xít, mà tại thời điểm đó đang được phổ biến rộng rãi ở Nam Mỹ.

Áp dụng phương pháp “diễn giải” (“hermeneutic“) – là phương pháp suy diễn từ các sự kiện nhưng cũng chú ý tới những lời đối thoại cuả nhân vật – Đức Giáo Hoàng đã đưa ra một phân tích về thời đại ấy, nói rằng LM Espinal “là một người đam mê không chỉ phương pháp phân tích kiểu Mác Xít mà thôi, mà còn đam mê việc áp dụng chủ nghĩa Mác Xit vào nền Thần Học.”

Cách áp dụng chủ nghiã Mác Xit như thế đã bị Dòng Tên chỉ trích ngay trong những năm 1980, và sau đó vào năm 1984 thì Bộ Giáo lý Đức tin cũng chống đối trong tờ tường trình đầu tiên về Thần học Giải phóng. Bộ Giáo lý Đức tin chống nền Thần Học này, vì phương pháp giải phóng theo nghĩa Mác Xít có nghĩa là cách mạng vũ trang đổ máu.

Từ một quan điểm như thế mà LM Espinal đã tạo ra một tác phẩm như thế, Ngài nói, thêm rằng ngay cả thơ cuả cố LM cũng “thuộc loại phản đối này.”

“Nhưng, đó là cuộc sống của anh ta, đó là cách suy nghĩ của Anh. Anh là một con người đặc biệt, rất lỗi lạc theo cách cuả con người, và đã chiến đấu với một thành ý, phải không? ”

Sau khi phân tích như thế, Đức Giáo Hoàng nói thêm:” Tôi thông cảm trường hợp cuả tác phẩm. Đối với tôi thì không có xúc phạm.”

Đức Giáo Hoàng cho biết Ngài mang Cây Thánh Giá theo mình về nhà.

Trần mạnh Trác

(nguồn: vietcatholic.org)

You may also like