Giáo Hội Toàn Cầu VIDEO

Video: Giáo Hội Năm Châu 15/10/2018: Thanh niên Ba Lan cầu nguyện cho Thượng Hội Đồng Giám Mục

1. 40,000 thanh niên ở Vacsava cầu nguyện cùng nhau cho Thượng Hội Đồng Giám Mục về Thanh Niên

Khoảng 40,000 thanh niên đã tụ họp hôm thứ Bảy tại sân vận động quốc gia ở Vacsava (Warsaw) để cầu nguyện cho Thượng Hội Đồng Giám Mục về Thanh Niên đang diễn ra tại Rôma trong tháng này.

Cuộc gặp gỡ kéo dài 12 giờ vào ngày 6 tháng 10 bao gồm cầu nguyện, hội nghị, và các chứng từ, cũng như các buổi hòa nhạc và các buổi trình diễn nghệ thuật. Một thông cáo từ Hội đồng Giám mục Ba Lan đã cho biết như trên.

Thượng Hội Đồng Giám Mục về Thanh Niên từ 3 đến 28 tháng 10 tập trung vào những người trẻ, đức tin, và sự phân định ơn gọi. Ba vị Giám Mục Ba Lan tham dự Thượng Hội Đồng Giám Mục là Đức Tổng Giám Mục Stanisław Gądecki, Tổng Giám Mục Poznań, Chủ Tịch Hội Đồng Giám Mục Ba Lan; Đức Cha Marek Solarczyk, Giám Mục Phụ Tá Warszawa-Prague, Chủ tịch Ủy Ban Thanh niên Hội đồng Giám mục Ba Lan; và Đức Cha Grzegorz Ryś, Tổng Giám Mục Łódź, Chủ tịch Ủy Ban Tân Phúc Âm Hoá Hội đồng Giám mục Ba Lan.

Các Giám Mục Ba Lan tham dự Thượng Hội Đồng Giám Mục đã tham gia thảo luận các chủ đề như những mối quan hệ giữa các thế hệ, các phương tiện truyền thông xã hội, thể thao và chăm sóc mục vụ cho giới trẻ.

Các nhà tổ chức cho biết cuộc gặp gỡ các thanh niên tại sân vận động quốc gia là cuộc họp lớn nhất của những người trẻ tuổi được tổ chức trong thời gian Thượng Hội Đồng Giám Mục về Thanh Niên.

“Chúng tôi muốn hiệp thông về tinh thần với Thượng Hội Đồng Giám Mục và cầu nguyện cho sự thành công của biến cố này,” Cha Rafał Jarosiewicz, trong ban tổ chức sự kiện này nói.

“Buổi lễ đặc biệt hướng tới những người đã lạc mất Thiên Chúa ở đâu đó trên con đường cuộc sống, cũng như những người biết Ngài nhưng cần phải được củng cố và muốn tiến lên phía trước.”

Đức Hồng Y Kazimierz Nycz của Vacsava cảm ơn những người trẻ sau Thánh lễ tại cuộc gặp gỡ này vì sự hiệp thông của họ đối với Thượng Hội Đồng Giám Mục về Thanh Niên và Đức Giáo Hoàng Phanxicô.

“Đây là một Thượng Hội Đồng về các con và cho chúng con! Các con là niềm hy vọng của Giáo Hội. Các con là niềm hy vọng của thế giới,” Đức Hồng Y Nycz nói.

Ngoài các cuộc gặp gỡ cầu nguyện, một nhóm thanh niên được chỉ định tiếp tục theo dõi và cầu nguyện cho ý chỉ của Thượng Hội Đồng Giám Mục về Thanh Niên tại đền thờ Jasna Góra ở Częstochowa. Đền thờ này là nơi có hình ảnh Đức Mẹ Czestochowa, còn được gọi là “Đức Mẹ Đen”, được người Ba Lan tôn kính và là một địa điểm hành hương cho người Công Giáo khắp châu Âu.

Thông cáo báo chí của Hội Đồng Giám Mục Ba Lan cho biết hơn 122,000 thanh niên khắp Ba Lan đã cầu nguyện cho Thượng Hội Đồng Giám Mục về Thanh Niên trong các cuộc gặp gỡ cầu nguyện và các sự kiện khác dành riêng cho người trẻ.

2. Phủ tổng thống Nam Hàn xác nhận Kim Chính Ân mời Đức Thánh Cha thăm Bắc Hàn và đã gặp chủ tịch Hội Đồng Giám Mục Hàn quốc

Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in sẽ thăm chính thức Tòa Thánh vào ngày 17 và 18 tháng 10. Trong dịp này, tổng thống sẽ gửi một thông điệp từ lãnh đạo Bắc Hàn Kim Chính Ân (Kim Jong-un) tới Đức Giáo Hoàng Phanxicô: “Tôi sẽ nhiệt liệt chào đón Đức Giáo Hoàng nếu ngài thăm Bình Nhưỡng”.

Kim Eui-kyeom, người phát ngôn của Blue House, phủ tổng thống Hàn Quốc cho biết: “Tổng thống Moon sẽ thăm chính thức Tòa Thánh vào ngày 17 và 18 tháng 10”. Ông giải thích về chuyến viếng thăm như sau: “Tổng thống muốn tái cầu xin sự chúc lành và ủng hộ của Tòa Thánh đối với tiến trình hòa bình và sự ổn định trên bán đảo Triều Tiên; cũng như muốn thảo luận về những phương cách cải thiện sự hợp tác giữa Tòa Thánh và Nam Hàn trong cuộc gặp gỡ với Đức Giáo Hoàng Phanxicô”.

Ông nói thêm: “Ông Kim đã nói với tổng thống Moon: ‘Tôi sẽ nhiệt liệt chào đón Đức Giáo Hoàng nếu ngài đến thăm Bình Nhưỡng’ . Và tổng thống Moon sẽ chuyển thông điệp này đến Đức Giáo Hoàng Phanxicô”.

Phát ngôn viên Kim Eui-kyeom cũng đã đưa ra tin tức về một cuộc họp diễn ra giữa Kim Chính Ân và Đức Cha Hyginus Kim Hee-Joong, Tổng giám mục Gwangju và là chủ tịch Hội đồng Giám mục Hàn Quốc.

“Tôi muốn bổ sung thêm”, người phát ngôn tiếp tục nói – “ông Kim đã gặp Chủ tịch Hội đồng Giám mục Nam Hàn, là Đức Tổng Giám Mục Hee-Joong, trên Núi Paektu. Đức Tổng Giám Mục nói với ông Kim rằng Bắc Triều Tiên và Hàn Quốc đang nỗ lực hướng tới hòa bình trên bán đảo Triều Tiên. Tôi sẽ chuyển tin tức này đến Tòa Thánh. Khi nghe những lời này từ Đức Tổng Giám Mục, ông Kim trả lời: ‘Xin Đức Cha vui lòng làm như thế’”.

3. Bắc Hàn đã từng mời Đức Giáo Hoàng đến thăm

Trong quá khứ, Bắc Hàn cũng đã từng mời Đức Giáo Hoàng sang thăm nước này. Trong bài Prominent Defector on N.Korea’s Relationship with Religion, tờ The Chosunilbo cho biết như sau”

Một cuốn hồi ký của Thae Yong-ho, nhân vật số 2 tại Đại sứ quán Bắc Triều Tiên ở London và bây giờ là một nhà tranh đấu chống chế độ, đã bán được 50,000 bản chỉ trong 10 ngày.

Cuốn sách phơi bày những khía cạnh của chế độ mà Thae chứng kiến tận mắt, rất phong phú với những sự kiện bất ngờ về một chế độ kín như bưng mà người ta chỉ có thể đoán mò qua các giai thoại, tin đồn và những hình thái suy luận có lý.

Một khía cạnh thú vị là mối quan hệ của Bắc Triều Tiên với tôn giáo. Trong số những đề tài được Thae thuật lại, là câu chuyện Bắc Triều Tiên đã xây dựng một nhà thờ giả ở Bình Nhưỡng.

Năm 1991, cùng với sự sụp đổ của khối cộng sản tại Đông Âu, Bắc Triều Tiên rơi vào tình trạng kiệt quệ kinh tế đến mức nạn đói xảy ra ở nhiều nơi. Trong một cố gắng thoát khỏi sự cô lập quốc tế, Bắc Triều Tiên muốn mời Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II sang thăm nước này. Vị Giáo Hoàng người Ba Lan đã từng thăm Nam Hàn đến 2 lần vào tháng 5, 1984 và tháng 10, 1989.

Khi Vatican yêu cầu Bắc Triều Tiên trưng ra bằng chứng về sự hiện hữu của người Công Giáo, chế độ cộng sản này xây dựng cấp tốc một nhà thờ giả gọi là nhà thờ “chánh tòa Bình Nhưỡng”. Các hàng ghế trong nhà thờ đầy chật những người cộng sản cực đoan. Ảnh dưới đây là một cảnh trong nhà thờ giả và giáo dân toàn bộ đều là là cộng sản giả dạng tín hữu.

Thae thuật lại rằng theo thời gian, một số người đóng giả để quay phim đã thực sự bắt đầu tìm hiểu Kitô giáo.

Thae cho biết: “Bắc Triều Tiên rất quyết liệt với tôn giáo. Ở các nước cộng sản châu Âu, nhà nước thắt chặt quyền tự do tôn giáo, nhưng họ không phá hủy các nhà thờ. Thậm chí có những nơi thờ phượng vẫn còn được hoạt động ít nhiều. Nhưng tại Bắc Triều Tiên, cộng sản đã phá hủy tất cả các nơi thờ phượng và đổ thừa cho máy bay ném bom của Mỹ. Các nhà lãnh đạo từ Kim Nhật Thành trở xuống đều muốn người ta đừng tôn thờ thần nào khác ngoài những vị thần là Kim Nhật Thành và con cháu của hắn. Hiến pháp bảo đảm quyền tự do tôn giáo, nhưng Đảng Công nhân nói rằng chỉ có giáo lý của các lãnh tụ nhà họ Kim mới là những lời hướng dẫn thực sự.”

Chính vì thế, khi muốn chứng minh với Tòa Thánh sự hiện hữu của người Công Giáo, họ phải cấp tốc làm nhà thờ giả.

Tuy nhiên, có lẽ các thủ thuật này không qua mặt được vị Giáo Hoàng Ba Lan là người đã từng phải sống trong một chế độ cộng sản. Một chuyến viếng thăm của Đức Giáo Hoàng đã không xảy ra.

Các quan sát viên quốc tế cho rằng cái khó khăn lớn nhất của Kim Chính Ân hiện nay là tình trạng kinh tế kiệt quệ vì bị cô lập, và nỗi lo sợ bị Trung Quốc lật đổ nhằm có một ảnh hưởng sâu đậm hơn tại Bắc Triều Tiên. Chính vì thế, trong năm 2017, Kim Chính Ân lời qua tiếng lại với tổng thống Mỹ Donald Trump, kể cả với những đe dọa chiến tranh hạt nhân. Tất cả các động thái này đều nhằm kích thích mong muốn thương thảo của đối phương, và tối hậu là thoát ra được tình trạng cô lập như hiện nay.

4. Sự kiện có quá nhiều người bị vứt bỏ ngày nay là mô hình của các xã hội

Hai mươi lăm nghị phụ, hầu hết là các Hồng Y và giám mục, đã lên tiếng sáng 4 tháng 10. Bên cạnh đó cũng có một phụ nữ trẻ từ Texas, là Nữ Tu Briana Santiago, 27 tuổi. Chị là người trẻ đầu tiên nói chuyện tại thượng hội đồng; trước đó, chị đã tham gia cuộc gặp gỡ Tiền Thượng Hội Đồng vào tháng 3 năm ngoái.

Ông Paolo Ruffini, bộ trưởng mới của bộ truyền thông Vatican, đã liệt kê một số chủ đề chính được nêu lên trong phiên họp toàn thể sáng 4 tháng 10. Một là vấn đề về những người trẻ “bị vứt bỏ”: “Sự kiện có quá nhiều người bị vứt bỏ ngày nay là mô hình của các xã hội trong đó họ sống, và sự cần thiết phải thay đổi mô hình này.”

Ông Ruffini nói rằng những bài phát biểu mạnh mẽ nhất là của các nghị phụ Thượng Hội Đồng từ các quốc gia gốc của các di dân, ra đi do tình trạng chiến tranh hay nghèo đói. Bài gây cảm xúc mạnh mẽ nhất trong số này là của một giám mục từ châu Á. Cha Rosica cho biết thêm ngài hy vọng các con số về di dân sẽ được công bố cho báo chí, cả một số bài phát biểu nữa.

Ông Ruffini cho biết các chủ đề khác bao gồm “cảm xúc tính và tình dục tính”, “ơn gọi”, “gia đình như nơi để thông truyền đức tin” và “người trẻ sống tính tôn giáo của họ thế nào, không theo nghĩa loại trừ mà theo nghĩa một tôn giáo cởi mở với đối thoại”. Họ cũng nói về” lời tiên tri của người trẻ hướng tới tương lai và khả năng của họ nhìn về tương lai và việc giáo hội cần biết cách lắng nghe”.

Một người trẻ Việt Nam, Giuse Cao Hữu Minh Trí, trong tư cách dự thính viên của Thượng Hội Đồng, cũng đã nói chuyện tại cuộc họp báo và nhấn mạnh sự cần thiết phải có niềm đam mê trong cuộc sống. Nhưng anh nói một số người “không thể tìm thấy một niềm đam mê nào” – họ thậm chí không thể tìm được việc làm, trong khi nhiều người khác “tìm thấy niềm đam mê sai lầm”. Anh nói rằng ông thấy Thượng Hội Đồng rất gợi hứng và cảm thấy nó “có thể gợi hứng cho người trẻ, đặc biệt nhờ giáo huấn xã hội của giáo hội với việc nó tập chú vào phẩm giá con người, ích chung, liên đới và phụ đới”.

5. Nói với người trẻ, chứ không nói về họ

Theo ký giả Isabella Piro của Vatican News, trong ngày thứ Ba của Thượng Hội Đồng về Người Trẻ, 20 nghị phụ Thượng Hội Đồng đã tham luận. Thầy Alois, bề trên Cộng Đồng Taizé, một khách mời đặc biệt của Thượng Hội Đồng, cũng đã lên tiếng góp ý cùng với 8 dự thính viên trẻ.

“Ngày nay, nhiều người nói về người trẻ, nhưng ít người nói với họ”. Lời lẽ này của Đức Phaolô VI đã vang vọng trong phiên họp toàn thể lần thứ tư của Thượng Hội Đồng Giám Mục diễn ra sáng mùng 5 tháng 10 .

Chủ đề lắng nghe là một phần quan trọng của phiên họp buổi sáng. Thượng Hội Đồng đã nghe nói về sự cần thiết phải lắng nghe người trẻ trong thế giới kỹ thuật số, nơi mà sự dư thừa thông tin tương ứng với một sự thiếu mơ ước, có nguy cơ tạo ra những trẻ em “quá mập về thông tin”. Nhưng cũng có nhu cầu nhìn vào khuôn mặt tích cực của tuổi trẻ, những người mang các nguồn tài nguyên nhân bản và tâm linh vĩ đại, như tình bạn, tình liên đới, thiện nguyện, tính chân thực khi làm chứng, đòi hòi nhất quán ngỏ với xã hội dân sự, kêu gọi cho có một giáo hội vui tươi và có tinh thần Tin Mừng hơn.

Các nghị phụ được nghe: người trẻ muốn có một người trưởng thành biết lắng nghe họ, dành thì giờ cho họ, chào đón họ bằng sự tương cảm và tôn trọng, đồng hành với họ trong việc biện phân của họ – thậm chí liên quan đến cả ơn gọi của họ nữa — và không phán xét họ. Ngày nay, nhu cầu này thậm chí còn lớn hơn nữa, do thái độ của một số người lớn đối với người trẻ, có thể khiến các bạn trẻ bị mất phương hướng, không có một điểm tham chiếu ổn định.

6. Tầm quan trọng của phụng vụ và các bí tích

Các diễn giả tại Thượng Hội Đồng Giám Mục về Thanh Niên cũng nói về tầm quan trọng của việc làm sống lại đời sống thiêng liêng của Giáo Hội, đặc biệt liên quan đến Thánh Lễ, việc cầu nguyện hằng ngày và các Bí Tích. Đây có thể là một cách để thu hút người trẻ và biến họ thành một phần tích cực trong đời sống của Giáo Hội, khuyến khích họ đóng một vai trò tích cực. Do đó, trong các cử hành phụng vụ, cần chú ý đến việc sử dụng âm nhạc tạo cảm hứng nhiều hơn, cũng như giáo lý và các bài giảng. Cũng có phát biểu cho rằng học thuộc lòng các kinh nguyện và các công thức, là điều không đủ; đúng hơn, việc thuyết giảng phải vui tươi và truyền cảm hứng, vì người trẻ cần hiểu bằng đầu của họ, và tin bằng trái tim của họ. Chỉ bằng cách này, họ mới có thể trở thành các tông đồ đầu tiên cho các đồng trang đồng lứa của họ. Là một tác nhân của sự thay đổi, một người xây dựng hòa bình và hợp nhất trên thế giới, tuổi trẻ phải được coi là môi trường thần học để Giáo Hội nhận ra chính mình.

Đồng thời, các Mục tử không được tự giới hạn mình vào việc ngồi chờ người trẻ trong các giáo xứ: thách thức thực sự là trở thành một Giáo Hội “đi ra ngoài”, vươn tay ra với người trẻ, dù họ ở đâu. Nhiều bạn trẻ dường như có rất nhiều tình bạn ảo, nhưng rất ít bạn bè thực. Họ mắc chứng “cô độc trong dư thừa”, mà Giáo Hội có thể đưa ra một giải đáp có thực chất. Trong phạm vi đào tạo, tầm quan trọng của giáo huấn xã hội của Giáo Hội, một la bàn có giá trị có thể hướng dẫn người trẻ trong các lựa chọn của họ, đã được nhắc nhở; cũng như vai trò của các trường Công Giáo, hiểu như các trung tâm giáo dục xuất sắc, mặc dù có lẽ không có khả năng kết nhập hoàn toàn người trẻ vào đời sống giáo hội.

7. Liên minh Gia đình-Giáo hội

Lời kêu gọi cho có sự liên minh giữa Giáo hội và gia đình là một chủ đề có tính trung tâm khác trong ngày. Là các nhà giáo dục đầu tiên của trẻ em, đặc biệt trong việc đồng hành với chúng cho tới tuổi trưởng thành, đơn vị căn bản gia đình, dựa trên cuộc hôn nhân Kitô giáo, hiện nay cần được đánh giá cao một lần nữa.Thực thế, một cách nào đó, gia đình giống như chủng viện đầu tiên cho những người này biện phân ơn gọi. Vì lý do này, điều xem ra cần thiết là phải suy nghĩ về khuôn dung người cha, một trụ cột để thông truyền đức tin và làm thành thục căn tính của trẻ em. Như đã được chỉ ra tại đại sảnh Thượng Hội Đồng, đây là một vai trò cần được đánh giá một cách hài hòa, chứ không đua tranh, với vai trò của các bà mẹ.

Ngoài ra còn có lời kêu gọi chào đón người tị nạn và di dân, những người thường là người trẻ và phẩm giá thường bị vi phạm. Các vị giáo phẩm nhận thấy một hạn từ quan trọng trong lĩnh vực này là liên đới, để những người tỵ nạn trẻ thực sự cảm thấy được chào đón và hòa nhập. Các diễn giả cũng nhấn mạnh sự cần thiết phải làm việc với nhau để người ta không bị buộc phải di cư, nhưng có khả năng ở lại đất nước gốc của họ.

Sau các góp ý của nhiều giám mục, các thành viên của Thượng Hội Đồng đã có cơ hội được nghe Thầy Alois, Bề trên cộng đồng Taizé, một vị khách đặc biệt tại cuộc họp. Thầy nói về tầm quan trọng của một “thừa tác vụ lắng nghe,” có lẽ có thể giao phó cho tín hữu giáo dân. Người sáng lập ra cộng đồng Taizé, Thầy Roger quá cố, từng nói, “khi lắng nghe, Giáo hội trở thành điều mình vốn là: tức sự hiệp thông của tình yêu”.

8. Bị vứt bỏ và không gốc rễ

Một trong những ưu tư khác được nêu trong Thượng Hội Đồng Giám Mục về Thanh Niên là tình trạng nhiều thanh niên bị vứt bỏ và không gốc rễ.

Là người trẻ ngày nay gần như bảo đảm được ghi danh vào hàng ngũ người bị vứt bỏ: không gốc rễ và “nati liquidi” nghĩa là sinh ra trong trạng thái lỏng. Người trẻ thời ta không chắc chắn và mong manh, thường trở thành dụng cụ cho chính trị, bị tước đoạt tương lai. Mặt khác, họ vẫn mơ ước một thế giới bao gồm họ và giúp họ trở thành những người chủ đạo của lịch sử, những người sáng tạo trong lĩnh vực phục vụ chứ không phải quyền lực. Các dự thính viên cũng kêu gọi cho có sự cứng rắn và minh bạch trong cuộc đấu tranh chống lại việc lạm dụng của những người trong Giáo hội, để Giáo hội có thể trở nên đáng tin cậy hơn. Cuối cùng, họ cho biết sự đánh giá cao hơn về vai trò của phụ nữ trong đời sống giáo hội là điều cần thiết, để phụ nữ có thể cảm thấy được khuyến khích phát triển trong sự tự do tin vào Chúa Giêsu.

VietCatholic Network

You may also like