Video: Suy Niệm với Đức Thánh Cha Phanxicô 23/10/2018: Phép lạ Mình Thánh Chúa rỉ máu khi bị lấy trao cho phù thủy
1. Hãy cảnh giác với những “con quỷ lịch sự tao nhã”
Khi ma quỷ không thể phá hủy trực tiếp chúng ta bằng những tính hư nết xấu, chiến tranh và bất công, nó quay sang tấn công chúng ta với những mánh lới, dụ dỗ dần dần mọi người vào tinh thần thế gian, và làm cho người ta cảm thấy không có gì là sai trái cả.
Đức Thánh Cha đã nói như trên trong bài giảng thánh lễ sáng thứ Sáu 12 tháng 10 tại nhà nguyện Santa Marta khi chia sẻ những suy nghĩ của ngài về bài Tin Mừng trong ngày, trong đó thuật lại câu chuyện Chúa Giêsu đuổi một con quỷ đã trở về cùng với những con quỷ độc ác hơn để chiếm lại ngôi nhà cũ của mình.
Ma quỷ, một khi chiếm được tâm hồn của một ai đó, nó sẽ ở đó, như là nhà của mình và không muốn rời đi, nhưng nó cố gắng hủy diệt người ấy, và làm hại ngay cả về phương diện thể lý.
Đức Thánh Cha giải thích rằng cuộc chiến giữa thiện và ác trong nhân loại chúng ta là cuộc chiến thật sự giữa Thiên Chúa và con rắn cổ đại, giữa Chúa Giêsu và ma quỷ.
Ngài cảnh báo rằng mục đích và công việc của ma quỷ là “phá hủy kỳ công của Thiên Chúa”. Đức Thánh Cha nói thêm rằng khi ma quỷ không thể phá hủy trực tiếp “mặt đối mặt” vì Thiên Chúa là một lực lượng lớn hơn bảo vệ con người, thì lúc đó, ma quỷ xảo quyệt và “thông minh hơn một con cáo”, sẽ tìm những cách thế khác để lấy lại quyền sở hữu của nó trên người ấy.
Tập trung vào bài Tin Mừng trong đó thuật lại câu chuyện con quỷ trở về sau khi bị loại ra, Đức Thánh Cha nhấn mạnh đến chi tiết khi bị đuổi đi, ma quỷ tìm chốn nghỉ ngơi. Tìm không ra, nó nói: “Ta sẽ trở về nhà ta, nơi ta đã bỏ ra đi.” Khi đến nơi, nó thấy nhà cửa được quét tước, dọn dẹp hẳn hoi. Nó liền đi kéo thêm bảy thần khác dữ hơn nó, và chúng vào ở đó. Rốt cuộc tình trạng của người ấy lại còn tệ hơn trước.
Ngài cảnh giác rằng ma quỷ làm cho chúng ta cảm thấy yên tâm rằng chúng ta là những Kitô hữu, những người Công Giáo tham dự Thánh Lễ đầy đủ và cầu nguyện siêng năng. Thực ra, chúng ta có những khiếm khuyết, và tội lỗi, nhưng ma quỷ làm cho chúng ta yên trí mọi thứ dường như đều tốt đẹp. Hành động như một người lịch sự, con quỷ cố tìm ra một điểm yếu của chúng ta và gõ cửa. Nó nói, “Xin lỗi? Tôi có thể vào được không?” và rung chuông. Đức Thánh Cha nói rằng những con quỷ này còn tệ hơn những con quỷ ban đầu, bởi vì anh chị em không nhận ra chúng đang cư ngụ ngay trong nhà mình. Chúng là tinh thần thế gian, tinh thần của thế giới này.
Đức Thánh Cha nhận xét rằng ma quỷ có thể phá hủy trực tiếp chúng ta qua những tính hư nết xấu, chiến tranh hay bất công nhưng chúng cũng có thể phá hủy chúng ta một cách lịch sự và rất ngoại giao theo cách Chúa Giêsu đã mô tả. Làm việc một cách âm thầm, nó kết bạn với anh chị em và thuyết phục anh chị em trên con đường dẫn đến nhiều điều tầm thường, khiến anh chị em trở nên “thân mật” với thế gian.
Vì thế, Đức Thánh Cha thúc giục các Kitô hữu hãy tỉnh thức đừng để rơi vào “sự tầm thường tâm linh này,” đừng để mình rơi vào tinh thần thế gian, là điều “làm băng hoại chúng ta từ bên trong”. Đức Thánh Cha nói rằng ngài sợ những con quỷ này hơn là những con quỷ ban đầu.
Ngài nói thêm rằng khi ai đó yêu cầu trừ tà cho một người đã bị quỷ ám, ngài không lo lắng cho bằng khi một người khoẻ mạnh lại mở toang cửa cho những con quỷ lịch sự đang thuyết phục người ấy từ bên trong rằng chúng là bạn bè, bằng hữu.
Đức Thánh Cha nói ngài thường tự hỏi chính mình một người sống với một tội lỗi tỏ tường và một người sống trong tinh thần thế gian, tình trạng của ai là bi đát hơn?
Theo Đức Thánh Cha, tinh thần thế gian bao gồm việc mang theo trong chúng ta những con quỷ lịch sự. Ngài nhắc nhớ lời cầu nguyện của Chúa Giêsu trong Bữa Tiệc Ly: “xin bảo vệ họ khỏi tinh thần thế gian”, khi Chúa cảnh giác các môn đệ của Ngài phải “cảnh giác và thận trọng”.
Để kết luận, Đức Thánh Cha Phanxicô thúc giục các Kitô hữu phải cảnh giác và thận trọng với những con quỷ lịch sự này, những kẻ vào nhà chúng ta như những khách được mời dự tiệc cưới. “Sự cảnh giác của các Kitô hữu”, theo Đức Giáo Hoàng, là sứ điệp của Chúa Giêsu. Ngài đang chất vấn chúng ta về những gì đang xảy ra trong lòng – tại sao tôi lại tầm thường như thế; tại sao tôi thờ ơ; có bao nhiêu con quỷ “lịch sự” đang sống trong nhà tôi mà không cần trả tiền thuê nhà?
2. Câu Chuyện Mình Thánh Chúa rướm máu khi bị lấy trao cho phù thủy
Santarém là một thành phố tại Bồ Đào Nha cách thủ đô Lisbon 80km về phía Tây Bắc. Từ thời tiền sử, vùng Santarém đã có người ở, đầu tiên là người Lusitani và sau đó là người Hy Lạp, người La Mã, rồi đến người Visigoth, người Moor và sau cùng là người Bồ Đào Nha theo Kitô Giáo như ta thấy ngày nay.
Theo thống kê vào năm 2017, dân số tại Santarém là 63,700 sinh sống trên diện tích 552 km². Bên cạnh Fatima, Santarém là một trong những địa danh du lịch nổi tiếng của Bồ Đào Nha vì ở đây có một ngôi nhà thờ nổi tiếng tên là Nhà Thờ Phép Lạ Thánh Thể.
Vào thế kỷ thứ 13, một người phụ nữ Công Giáo trong vùng, trong cơn tuyệt vọng vì biết chồng mình đang dan díu với một người đàn bà khác, đã quyết định nhờ đến sự giúp đỡ của một bà phù thủy để lôi kéo người chồng trở về với mình.
Bà phù thủy nói với cô rằng bà ấy sẽ giúp cô nếu cô mang đến cho bà ta một chiếc bánh thánh đã được thánh hiến.
Cô đến nhà thờ Thánh Stêphanô và rước Mình Thánh Chúa trên lưỡi mình vì thời ấy các tín hữu không được cho rước lễ trên tay. Cô lấy Mình Thánh Chúa ra khỏi miệng mình và đặt vào chiếc khăn tay rồi vội vã ra khỏi nhà thờ để đến nhà bà phù thủy.
Nhưng chưa kịp bước ra ngoài, Mình Thánh Chúa gói trong chiếc khăn bắt đầu rướm máu, thấm ướt chiếc khăn tay của cô.
Thấy sự lạ, cô sợ quá nên thay vì đến nhà bà phù thủy, cô quay về nhà và đặt Mình Thánh Chúa đẫm máu vào trong một cái rương. Đêm đó, một ánh sáng kỳ lạ phát ra từ chiếc rương này.
Cô ăn năn về những gì cô đã làm và sáng hôm sau cô chạy đến nhà thờ thú nhận cùng cha sở. Cha sở vội vàng đến nhà cô và cung nghinh Mình Thánh Chúa trở lại nhà thờ.
Sau một cuộc điều tra kỹ lưỡng, tổng giáo phận Lisbon nhìn nhận đây là một phép lạ, và đổi tên nhà thờ thành Nhà thờ Phép Lạ Thánh Thể. Chiếc Mình Thánh Chúa đẫm máu vẫn được trưng bày cho đến ngày nay.
3. Ba dạng thức của Đức Khó Nghèo
Trong bài giảng thánh lễ sáng thứ Năm 17 tháng 10 tại nhà nguyện Santa Marta, Đức Thánh Cha Phanxicô đã trình bày ba phương thế sống khó nghèo trong đời sống người Kitô hữu và than thở rằng ngay cả trong thời đại hôm nay vẫn có quá nhiều các Kitô hữu bị bách hại vì Tin Mừng.
Theo Đức Thánh Cha, có ba dạng thức của đức khó nghèo mà người môn đệ Chúa được mời gọi. Thứ nhất là từ bỏ sự giàu sang, với một con tim tách biệt khỏi tiền của; thứ hai là vì Tin Mừng hãy chấp nhận những bách hại, dù lớn hay nhỏ, ngay cả những lời vu khống; và thứ ba là sự khó nghèo của nỗi cô đơn, cảm nhận rõ nhất vào cuối đời.
Suy tư của Đức Thánh Cha đã được bắt đầu với lời nguyện mở đầu thánh lễ, trong đó nhấn mạnh rằng thông qua Thánh Luca, Chúa muốn mạc khải lòng ưu ái của Ngài đối với cho người nghèo. Bài Tin Mừng (Lc 10: 1-9) sau đó nói về việc Chúa sai 72 môn đệ đi rao giảng trong sự nghèo khó – “không mang theo túi tiền, bao bị, giày dép” – bởi Chúa Giêsu muốn rằng con đường của người môn đệ là con đường nghèo khó. Người môn đệ dính bén với tiền của, hay với sự giàu sang, không phải là người môn đệ đích thực.
Toàn bộ bài giảng của Đức Thánh Cha Phanxicô được đánh dấu bằng “ba giai đoạn” của đức khó nghèo trong đời sống của các môn đệ, hay ba cách sống đức thanh bần. Đầu tiên là đừng dính bén đến tiền của và sự giàu sang và đó là “điều kiện để bắt đầu con đường môn đệ”. Điều này bao gồm một “con tim thanh bần” đến mức “nếu công việc tông đồ đòi hỏi những cấu trúc hay tổ chức dường như là dấu chỉ cho của cải thế gian, hãy sử dụng chúng cho tốt – nhưng đừng dính bén đến chúng”. Người thanh niên trẻ giàu có trong Tin Mừng, trên thực tế, đã làm Chúa Giêsu mủi lòng nhưng sau đó anh đã không thể đi theo Chúa bởi vì anh có một “con tim gắn chặt với sự giàu có”. “Nếu anh chị em muốn theo Chúa, hãy chọn con đường nghèo khổ và nếu anh chị em giàu có bởi vì Chúa ban cho anh chị em như thế, để phục vụ người khác, anh chị em cần phải tách biệt với chúng. Người môn đệ không được sợ khó nghèo, ngược lại: người ấy phải nghèo khó”, Đức Thánh Cha Phanxicô nhấn mạnh.
Hình thức nghèo thứ hai là sự bách hại. Đó là điều được nhắc đến luôn trong bài Phúc Âm trong ngày. Trên thực tế, Chúa đã sai các môn đệ của Ngài đi “như những con cừu giữa bầy sói”. Và ngay cả ngày hôm nay vẫn có nhiều Kitô hữu bị đàn áp và vu khống vì Tin Mừng:
Hôm qua, trong hội trường của Thượng Hội Đồng, một giám mục đến từ một trong những quốc gia đang chịu bách hại đã kể lại việc một thanh niên Công Giáo bị một nhóm thanh niên thù hận với Giáo Hội bắt đi. Anh ấy bị đánh và bị ném xuống một hồ nước. Chúng ném bùn tới tấp vào anh cho đến khi bùn ngập lên tới cổ anh. Lúc đó chúng hỏi: Cho mày nói lần cuối cùng: mày có từ bỏ ông Giêsu Kitô không? – Không à. Chúng ném ngay một hòn đá xuống và giết chết anh. Tất cả chúng ta đều nghe chuyện đó. Và chuyện này không phải diễn ra ở các thế kỷ đầu tiên đâu, nó mới diễn ra cách đây hai tháng thôi! Đó là một ví dụ. Biết bao Kitô hữu ngày nay đang bị bách hại về thể lý.Người ta gào lên: “Ối! nó nói phạm thượng đấy, đưa nó lên giá treo cổ đi.”
Đức Thánh Cha Phanxicô sau đó cũng đã nhắc nhớ đến những hình thức bách hại khác như vu khống, tung tin đồn, và các tín hữu Kitô chịu đựng hình thức “khó nghèo” này trong im lặng. Đức Thánh Cha thừa nhận rằng đôi khi cần thiết là chúng ta phải tự biện hộ để không gây ra những tai tiếng. .. Tuy nhiên, những cuộc bách hại nhỏ trong khu phố, trong giáo xứ. .. là những chuyện nhỏ nhen, nhưng chúng là bằng chứng về sự khó nghèo. Đó là hình thức khó nghèo thứ hai mà Chúa yêu cầu chúng ta. Đầu tiên là đừng dính bén đến giàu sang, đừng để con tim gắn chặt với của cải; thứ hai, là chấp nhận sự bách hại một cách khiêm nhường. Chịu đựng sự bách hại là một dạng thức sống đức khó nghèo.
Sau đó, còn có một hình thức thứ ba của khó nghèo: đó là cô độc, là bị bỏ rơi. Một ví dụ về điều này có thể thấy trong bài đọc thứ Nhất, trích từ thư thứ hai gửi cho Timôthêô, trong đó “đại Tông Đồ Phaolô”, “người không sợ bất cứ điều gì”, nói rằng trong lần biện hộ đầu tiên của ngài tại tòa án, đã không có ai hỗ trợ cho ngài: “tất cả mọi người đều bỏ rơi tôi”. Nhưng ngài nói thêm rằng Chúa gần gũi ngài và ban cho ngài sức mạnh. Từ đó, Đức Thánh Cha Phanxicô đã tập chú trên sự cô đơn và bị bỏ rơi của người môn đệ Chúa: Một cậu bé hay một cô gái 17 hoặc 20 tuổi, nhiệt tình bỏ lại sự giàu sang để theo Chúa Giêsu, rồi sau đó “với sức mạnh và lòng trung tín” tha thứ cho những lời “vu khống, những cuộc bách hại hàng ngày, những ghen tuông, những bách hại lớn nhỏ”, và rồi cuối cùng Chúa vẫn có thể yêu cầu nơi họ “sự cô đơn cuối cùng”.
Tôi nghĩ về người vĩ đại nhất trong nhân loại, và định nghĩa này xuất phát từ chính miệng của Chúa Giêsu: là Thánh Gioan Baotixita; ngài là người đàn ông vĩ đại nhất được sinh ra từ cung lòng một người phụ nữ. Ngài là bậc thầy vĩ đại: mọi người tuốn đến gặp ngài để chịu phép rửa. Nhưng câu chuyện đã kết thúc như thế nào? Một mình cô đơn trong nhà tù. Ta chỉ cần nghĩ đến nhà tù, và nhà tù vào thời điểm đó như thế nào nhỉ, nó có giống như ngày nay không, hãy nghĩ về những điều đó. .. Một mình cô đơn, bị lãng quên, bị sát hại vì sự yếu đuối của một vị vua, sự căm hận của một người đàn bà ngoại tình và ý nghĩ nhất thời của một cô gái: đó là cách người đàn ông vĩ đại nhất trong lịch sử đã kết thúc cuộc đời mình. Và không cần phải đi xa như thế, bao nhiêu lần trong các viện dưỡng lão, ta có thể bắt gặp các linh mục và các nữ tu, những người đã trải qua một cuộc đời rao giảng, nay cảm thấy cô độc, chỉ với Chúa, không còn ai khác nhớ đến họ.
Một hình thức của nghèo khó mà Chúa Giêsu đã hứa cho chính thánh Phêrô: “Khi anh còn trẻ, anh đi đến nơi anh muốn; nhưng khi đã già, người ta sẽ đưa anh đến nơi anh chẳng muốn.” Vì thế, trước tiên, người môn đệ là người nghèo theo nghĩa không dính bén với của cải. Và người ấy là người nghèo vì bền gan vững chí trước những bách hại lớn nhỏ, và thứ ba, người ấy nghèo bởi sống trong tình trạng bị bỏ rơi cho đến cuối đời. Thực vậy, chính con đường của Chúa Giêsu cũng đã kết thúc trong lời cầu nguyện cùng Chúa Cha: “Cha ơi, Cha ơi, sao Cha bỏ con?”
Để kết luận, Đức Thánh Cha đã khuyến khích cộng đoàn cầu nguyện cho các môn đệ, “những linh mục, nữ tu, giám mục, giáo hoàng, giáo dân” để họ có thể biết cách bước đi trên con đường khó nghèo mà Thiên Chúa đòi hỏi nơi họ.
4. Vươn ra với tha nhân, chúng ta đạt đến gia tài đã được hứa ban
Men của những người Pharisêu thì dẫn đến diệt vong vì chung cuộc nó chỉ dẫn đến sự quy chiếu vào chính mình. Ngược lại, men của Chúa Thánh Thần dẫn dắt các Kitô hữu đến việc vươn ra với những người khác trong niềm hy vọng “tìm được gia nghiệp” mà Chúa đã hứa ban. Đức Thánh Cha đã đưa ra lập trường trên trong bài giảng thánh lễ sáng thứ Sáu 19 tháng 10 tại nhà nguyện Santa Marta.
Đức Thánh Cha Phanxicô đã trình bày những suy tư của ngài về Bài Đọc Một và về bài Tin Mừng trong ngày và từ đó ngài đối chiếu “men” của người Pharisêu với men của Chúa Thánh Thần là điều dẫn ta đến “gia nghiệp” nước trời Chúa đã để lại cho mọi người.
Đức Thánh Cha Phanxicô đã mô tả men của người Pharisêu như là thứ men đạo đức giả, làm tăng trưởng trong ta ước muốn tự quy chiếu vào mình, coi mình là trung tâm. Men này áp dụng cho những người chỉ nghĩ đến dáng vẻ bề ngoài. Nếu họ gặp ai đó đang gặp khó khăn dọc đường, họ quay đi. “Chúa Giêsu khẳng định thứ men ấy là nguy hiểm” bởi vì nó không có tương lai.
Thứ men khác, có tác dụng ngược lại, là men của Chúa Thánh Thần. Hướng đến Bài đọc Một trích từ Thư gửi cho các tín hữu thành Êphêsô, Đức Thánh Cha giải thích rằng men của Chúa Thánh Thần được trao cho những người đã được “đóng ấn bởi Thánh Linh Thiên Chúa”. Ngài nhấn mạnh rằng Thánh Thần Chúa là bảo chứng cho gia nghiệp của các Kitô hữu trong khi họ đang mong chờ “ơn cứu chuộc hoàn toàn”. Chính Chúa Giêsu muốn các Kitô hữu “tiến bước liên tục với men của Chúa Thánh Thần” về phía chân trời. Với lời hứa được hưởng gia tài thiên quốc, các tín hữu vươn ra với những người gặp khó khăn, những ai đau khổ, những ai sa ngã, trong niềm hy vọng “tìm kiếm gia tài” nước trời.
Với sự hướng dẫn của Chúa Thánh Thần, các Kitô hữu có thể đối mặt với những khó khăn gặp phải trong cuộc hành trình, “bất kể tất cả tội lỗi của họ, họ luôn luôn có hy vọng”. Trong khi đó, “những kẻ đạo đức giả đã quên mất ý nghĩa của niềm vui”. Và ngài kết luận rằng “những ai có men của Chúa Thánh Thần thì luôn có niềm vui trong lòng, ngay cả khi họ phải đối mặt với những vấn nạn và những khó khăn”.
5. Đừng là những kẻ đạo đức giả
Ơn cứu độ là ân sủng của Thiên Chúa, Đấng ban cho chúng ta thần khí tự do. Đức Thánh Cha đã nói như trên trong bài giảng thánh lễ sáng thứ Ba 16 tháng 10 tại nhà nguyện Santa Marta Ðức Thánh Cha. Ngài cảnh giác các tín hữu đừng trở thành những kẻ giả hình, với con tim đóng kín trước ân sủng Chúa.
Trong bài Tin Mừng trong ngày, Chúa Giêsu được mời đến dùng bữa với một người Pharisêu. Ngài ngồi vào bàn mà không thực hiện nghi thức rửa tay theo luật định. Điều này làm cho những người biệt phái và các thày thông luật cảm thấy chướng mắt.
Đức Thánh Cha nhận xét rằng có sự biệt rất xa giữa một bên là lòng thương mến mà dân chúng dành cho Chúa Giêsu, vì Ngài chạm vào con tim của họ và cũng vì một chút lợi ích của họ nữa; và một bên là sự ghét bỏ của các kinh sư, những người biệt phái và các thày thông luật, là những người luôn tìm cách bắt lỗi Chúa Giêsu. Họ muốn chứng tỏ ta đây là những người “trong sạch.”
Họ thực sự là mẫu gương của những nghi thức, thủ tục. Nhưng họ lại thiếu sức sống. Vì thế, có thể nói, họ là những người cứng nhắc. Và Chúa Giêsu biết rõ tâm hồn họ. Họ cảm thấy chướng mắt vì những điều Chúa Giêsu làm khi Người tha tội, và chữa lành vào ngày Sabath. Họ xé áo mà nói: “Ôi! lộng ngôn, chướng tai quá! Người này không phải là người của Thiên Chúa, vì lẽ ra ông ta không nên làm những điều như thế.” Dân chúng không phải là điều quan trọng với họ. Những điều đáng kể duy nhất đối với họ là luật lệ, các quy tắc và luật chữ đỏ.
Chúa Giêsu đã chấp nhận lời mời dùng bữa với người Pharisêu, vì Ngài tự do, và người Pharisêu ấy đã tìm đến với Ngài. Người Pharisêu cảm thấy kinh ngạc trước cách hành xử của Chúa Giêsu vì Ngài vượt lên trên các luật lệ. Chúa Giêsu bảo họ: các ông rửa sạch chén đĩa bên ngoài, nhưng bên trong các ông đầy những thứ tham lam, thèm muốn và xấu xa.
Ðó là những lời không hay chút nào, đúng thế không? Chúa Giêsu nói rõ ràng, không giả hình. Ngài nói thẳng thắn. Và Ngài nói với họ: “tại sao các ông nhìn bên ngoài? Hãy nhìn những điều bên trong đi.” Một lần khác Ngài cũng nói với họ: “các ông là những mồ mả tô vôi.” Có phải đó là một lời khen tốt đẹp không? Họ đẹp, họ tốt từ bên ngoài, tất cả đều tuyệt vời, nhưng bên trong đầy những thứ đồi bại, sa đoạ, tham lam, xấu xa. Chúa Giêsu phân biệt cái biểu hiện bên ngoài với thực tế bên trong. Những quý ông này là những “tiến sĩ bề ngoài”: họ luôn hoàn hảo, nhưng bên trong có những thứ gì?
Trong những đoạn Tin Mừng khác, Chúa Giêsu lên án những người như thế, như trong dụ ngôn người Samaritano nhân hậu, hay khi Ngài nói về thói phô trương trong việc ăn chay và bố thí. Những người như thế chỉ thích hình thức bên ngoài. Chúa Giêsu đặc tả những người như thế với từ: “giả hình.” Những người này có một con tim tham lam, có khả năng giết người. “Và khả năng trả tiền để tạo ra những tin xấu, những tin tức nhằm bôi nhọ người khác.”
Nói cách khác, những người Pharisêu và tiến sĩ luật là những người cứng nhắc, không muốn tiến bước. Thật là một vấn đề nghiêm trọng nếu ta cố tỏ ra là một Kitô hữu tốt lành, thánh thiện, nếu ta cố tô vẽ, trang điểm vẻ bề ngoài để che đậy một linh hồn đầy những tính hư nết xấu. Đó là tinh thần thế gian, không phải điều Chúa muốn nơi chúng ta.
Và Chúa Giêsu gọi những người như thế là “đồ ngốc”. Ngài khuyên họ hãy mở rộng con tim của mình cho tình yêu để ân sủng đi vào. Bởi vì ơn cứu độ là “một ân sủng nhưng không, một món quà miễn phí của Thiên Chúa.
Để kết luận, Đức Thánh Cha khuyên các tín hữu hãy cẩn thận với những kẻ giả hình bất kể họ là giáo dân, linh mục, hay giám mục. Ở những người như thế không có thần khí của Thiên Chúa. Nơi họ thiếu vắng tinh thần tự do. Và chúng ta phải cẩn thận với cả chính mình, bởi điều này sẽ giúp chúng ta suy nghĩ, phản tỉnh về cuộc sống của chúng ta. Liệu tôi có đang chỉ chú tâm vào những điều bên ngoài không? Liệu tôi có thực sự hoán cải con tim mình hay không? Tôi có mở rộng con tim cho lời cầu nguyện, cho thần khí tự do, cho việc tự do bố thí, cho việc tự do thực thi lòng thương xót hay không?
6. Nghĩa vụ cầu nguyện cho các linh hồn
Tháng 11, Giáo Hội dùng cả tháng để cầu nguyện cho các linh hồn, được bắt đầu bằng Lễ Các Đẳng Linh Hồn vào ngày 2 tháng 11. Nhiều nơi trên thế giới vẫn gọi tháng 11 là tháng cầu cho các đẳng linh hồn.
Đức Tin của Giáo Hội Công Giáo dạy rằng, con người sau khi chết sẽ xảy ra ba tình trạng; lên Thiên Đàng, xuống Hoả Ngục hay vào Luyện Ngục.
Khi một người sống theo luân lý Công Giáo, luôn kính sợ Thiên Chúa và sống theo giới răn của Ngài. Thiên Đàng là phần thưởng Thiên Chúa dành cho họ vì công trạng và sự mong ước khi họ còn sống. Thiên Đàng là hạnh phúc bất diệt, là sự sống đời đời và là sự hiệp thông trọn hảo với Thiên Chúa, các Thiên Thần, và các Thánh.
Khi còn sống những ai đã từ chối ân sủng của Thiên Chúa, những ai biết tỏ tường điều tốt xấu nhưng vẫn phạm tội chống lại Thiên Chúa và tha nhân để chọn điều xấu thì hỏa ngục là nơi dành cho họ.
Sách Giáo Lý Công Giáo định nghĩa Luyện Ngục là nơi dành cho “những người chết trong ân sủng và tình thân nghĩa với Thiên Chúa, nhưng chưa được thanh luyện hoàn toàn, thì tuy họ chắc chắn sẽ được cứu độ muôn đời, họ còn phải chịu thanh luyện sau khi chết, để đạt được sự thánh thiện cần thiết hầu tiến vào hưởng niềm vui thiên đàng” (số 1030).
Có một điều là những linh hồn nơi luyện hình không thể cầu nguyện cho chính họ, và họ phải cậy nhờ hoàn toàn vào lòng thương xót và lời cầu nguyện của những người đang còn sống.
Ngay từ thuở đầu, Giáo Hội luôn cầu nguyện cho những người qua đời, đặc biệt trong Thánh Lễ và các phụng vụ chung. Tất cả các Kinh Nguyện Thánh Thể đều có phần cầu nguyện cho các linh hồn. Chẳng hạn, Kinh Nguyện Thánh Thể ghi rằng: “Xin Chúa cũng nhớ đến anh chị em chúng con đang an nghỉ trong niềm hy vọng sống lại, và mọi người, đặc biệt các bậc tổ tiên, ông bà, cha mẹ và thân bằng quyến thuộc chúng con đã ly trần trong tình thương của Chúa. Xin cho hết thảy được vào hưởng ánh sáng Tôn Nhan Chúa.”
Cha Piô năm dấu thánh kể câu chuyện sau cho thấy sự cần kíp phải cầu nguyện cho các đẳng linh hồn.
Một buổi tối lúc cầu nguyện một mình nơi nhà nguyện bỗng tôi trông thấy một thầy trẻ tuổi đứng nơi bàn thờ chính. Thầy có vẻ như đang lau chùi các chân nến và sửa lại các bình hoa. Lúc ấy là giờ ăn tối. Tôi đinh ninh người lo bàn thánh chính là thầy Leone nên tôi tiến lại gần và nói:
– Thầy Leone à, đang giờ ăn tối, thầy xuống phòng ăn đi, chứ đâu phải giờ lau bụi và sửa soạn bàn thánh!
Nhưng một giọng nói – không phải của thầy Leone – trả lời:
– Con không phải thầy Leone!
Tôi hỏi lại:
– Vậy thầy là ai?
Tiếng nói trả lời:
– Con là tu sĩ cùng dòng với Cha và từng là tập sinh sống ở Tu Viện này. Đức vâng lời dạy con phải luôn luôn giữ gìn bàn thánh thật sạch và thật ngăn nắp. Đáng tiếc, con thường bê trễ trong bổn phận và thiếu lòng tôn kính đối Chúa Giêsu Thánh Thể trong Nhà Tạm. Chính vì tội thiếu tôn thờ cách trầm trọng này mà cho đến nay con vẫn còn bị hình phạt trong Lửa Luyện Hình. Nhưng giờ đây Thiên Chúa Từ Nhân, trong lòng thương xót vô biên của Ngài, cho phép con hiện về với Cha. Chính Cha là người có thể thu ngắn thời gian con phải chịu giam cầm trong Lửa Luyện Ngục. Xin Cha vui lòng giúp con.
Tôi nghĩ mình quả thật quảng đại đối với Linh Hồn đang đau khổ nơi Lửa Luyện Tội khi nhanh nhẹn hứa rằng: “Anh sẽ chỉ còn ở trong Lửa Luyện Tội cho đến sáng mai lúc dâng Thánh Lễ”. Nào ngờ Linh Hồn này thét lên: “Thật là tàn nhẫn!”. Thét xong câu đó Linh Hồn biến đi. Tiếng than khóc kinh khiếp của Linh Hồn như lưỡi gươm đâm xuyên trái tim tôi. Tôi thật đau đớn và mãi mãi như nghe tiếng thét vang vọng bên tai. Tôi, nhờ sự ủy quyền đặc biệt của Thiên Chúa, có thể giúp Linh Hồn đi thẳng về Trời, trái lại, tôi đã kết án giam giữ Linh Hồn ở lại trong Lửa Luyện Ngục thêm một đêm nữa cho tới sáng mai!