Giáo Hội Việt Nam

Ủy ban Phụng Tự giải thích về rước Mình Thánh Chúa trong hoàn cảnh hiện nay

rong thời gian đại dịch hiện nay, Giáo hội tại Việt Nam và rất nhiều nơi trên thế giới phải tạm dừng các cử hành cộng đồng và hạn chế tập trung. Ở hoàn cảnh này, các tín hữu phải tham dự trực tuyến các cử hành phụng vụ và không thể rước Mình Thánh Chúa như khi tham dự Thánh lễ chung cùng cộng đoàn như trước đây. Với những câu hỏi và ưu tư về cử hành và nhận lãnh Bí tích Thánh Thể trong hoàn cảnh hiện nay, Ủy ban Phụng tự trực thuộc Hội đồng Giám mục Việt Nam giải thích như sau:

1. Thực hành “rước lễ thiêng liêng” là gì?

Rước lễ thiêng liêng là một thực hành đạo đức của người Kitô hữu đã có từ lâu đời (thế kỷ XII) và trải qua hàng thế kỷ cho đến nay, trong đó, theo mô tả của thánh Tôma Aquinô, họ “ước ao cháy bỏng lãnh nhận Chúa Giêsu trong Bí tích Thánh Thể và trìu mến ôm lấy Người” vào lúc và trong hoàn cảnh không thể hiệp thông Thánh Thể cách Bí tích được (rước lễ/ hiệp lễ Bí tích). Rước lễ thiêng liêng còn được gọi là rước lễ nội tâm, rước lễ trong lòng, rước lễ thần bí hay rước lễ vô hình vì không có dấu chỉ nào rõ rệt và hữu hình (có thể nhìn thấy) như trong hiệp lễ Bí tích.

Thực hành rước lễ thiêng liêng được sử dụng chủ yếu trong hai trường hợp: [i] Chuẩn bị cho việc tiến đến bàn thánh mà lãnh nhận Thánh Thể trong tương lai (Trent, Sess. 13, c. 8); [ii] Không thể rước lễ Bí tích được do những ngăn trở về thể lý (già yếu, đau bệnh), luân lý (tội trọng, mắc vạ tuyệt thông, mắc một hình phạt giáo luật, không giữ chay Thánh Thể) hay hoàn cảnh (chiến tranh, dịch bệnh, bị bách hại).

Không những cho phép các tín hữu rước lễ thiêng liêng khi tham dự Thánh lễ trực tuyến, mà Hội Thánh còn mong muốn cho các tín hữu có lòng ao ước rước lễ thiêng liêng, bất cứ lúc nào trong ngày khi không thể rước lễ thực thụ, với những lời cầu nguyện riêng của mình hay với các lời kinh truyền thống trong Hội Thánh, dẫu rằng hình thức này không thể sánh ví được với hành động đón nhận chính Chúa Giêsu Thánh Thể vào tâm hồn mình cũng như ít toàn hảo theo cách Bí tích hơn là rước lễ Bí tích.

Đối với các Bí tích nói chung và Bí tích Thánh Thể nói riêng, tín hữu nào đã chuẩn bị tâm tình xứng đáng, thì tuy không lãnh Bí tích thực sự họ vẫn nhận được những công hiệu của Bí tích đó do lòng ước ao muốn lãnh nhận và sẽ nhận lãnh khi có cơ hội (Summa Theologica III, q.80, a.11,c.). Đó là lý do ngay từ thời cổ đại, Giáo hội đã công nhận những người tử đạo dù chưa được Rửa tội nhưng cũng đã trở thành Kitô hữu rồi. Mặc dù thân xác họ chưa lãnh nhận nước Rửa tội, nhưng họ đã lãnh Bí tích Rửa tội bằng niềm khao khát. Ngoài ra, mỗi khi thực hiện hành vi rước lễ thiêng liêng, tín hữu sẽ nhận được ơn xá từng phần (x. Enchiridion Indulgentiarum (1999), “Concessiones” 8, §2, 1°). Đối với nhiều vị thánh, các ngài không thỏa mãn ngay cả khi đã lãnh nhận Thánh Thể mỗi ngày trong Thánh lễ. Vì thế, việc rước lễ thiêng liêng trở thành một phần thiết yếu trong cuộc sống của họ vì giúp lôi kéo họ thường xuyên đến gần sát với Chúa hơn.

Liên quan đến thực hành này, xin nhắc lại ở đây lời của thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II trong Thông điệp Ecclesia de Eucharistia (17/04/2003):

Bí tích Thánh Thể được xem như chóp đỉnh của tất cả các Bí tích, vì Bí tích Thánh Thể luôn thể hiện một cách hoàn hảo nhất sự hiệp thông với Thiên Chúa Cha, nhờ sự đồng hình dạng với Chúa Con duy nhất bởi tác động của Chúa Thánh Thần. Với một niềm tin sâu sắc, một trong những tác giả thời danh của truyền thống Byzantin, đã diễn tả chân lý này khi bàn đến Bí tích Thánh Thể: “Như thế mầu nhiệm này thật hoàn hảo, khác với mọi nghi thức khác, và nó dẫn thẳng đến chóp đỉnh của mọi ơn ích, vì đó cũng là cứu cánh tuyệt đỉnh của mọi cố gắng con người. Bởi vì chúng ta gặp chính Thiên Chúa trong mầu nhiệm ấy, và chính Thiên Chúa kết hợp với chúng ta bằng một mối liên kết hoàn hảo nhất.”. Chính vì thế mà vun trồng trong các tâm hồn niềm ao ước Bí tích Thánh Thể triền miên là điều rất thích hợp. Cũng chính vì thế đã khai sinh một cách thức “rước lễ thiêng liêng”, được phổ biến tốt đẹp từ nhiều thế kỷ trong Giáo Hội và rất được các bậc thầy thánh thiện về đời sống thiêng liêng khuyến khích. Thánh Têrêsa Giêsu đã viết: “Khi bạn không thể rước lễ trong Thánh lễ được thì bạn hãy rước lễ thiêng liêng vậy, vì đó là một cách thức mang lại nhiều lợi ích […]; bằng cách đó bạn ghi khắc trong lòng tình yêu sâu xa với Chúa chúng ta” (số 34).

2. Khi hiện diện trong nhà nguyện có lưu giữ Mình Thánh Chúa, có được rước Mình Thánh đang lưu giữ nơi Nhà tạm lúc tham dự Thánh lễ trực tuyến không?

Không được. Lý do là vì có sự khác biệt rõ rệt về cả giá trị lẫn thực tại giữa hành vi tham dự Thánh lễ thực sự và tham dự Thánh lễ trực tuyến:

[1] Tham dự Thánh lễ trực tuyến chỉ là phương thế để kết hợp với Chúa Kitô, là sự thông hiệp Thánh lễ cách thiêng liêng qua phương tiện truyền thông [truyền thanh và truyền hình] vốn được khuyến khích cho những trường hợp vì một lý do nào đó (già yếu, đau bệnh) hay trong một hoàn cảnh nào đó (chiến tranh, dịch bệnh, bị bách hại) mà không thể hiện diện cách thể lý tại nơi cử hành Thánh lễ (nhà thờ/ nhà nguyện), tức là tín hữu không thể đến nhà thờ/ nhà nguyện để tham dự vào cử hành Thánh Thể cùng với cộng đoàn Giáo hội sống động ở đó (GLCG, số 1322). Đây là lý do mà ĐGH Bênêđictô XVI viết rằng: “Về giá trị của việc tham dự Thánh lễ bằng phương tiện truyền thông, những người nghe truyền thanh hay xem truyền hình nên biết rằng, theo những hoàn cảnh bình thường, họ không chu toàn luật buộc tham dự Thánh lễ. Những hình ảnh sống động có thể cho thấy đúng sự kiện, nhưng không thật sự tái diễn sự kiện ấy. Trong khi việc những người cao tuổi và bệnh nhân tham dự Thánh lễ qua truyền thanh và truyền hình là một điều rất đáng khen, không thể nói như vậy đối với những người nghĩ rằng các phương tiện truyền thông miễn cho họ khỏi đến nhà thờ và thông phần với cộng đoàn Thánh Thể giữa lòng Hội Thánh sống động” (Tông huấn Sacramentum Caritatis, số 57). Trả lời cho một câu hỏi tương tự như vấn nạn trên, cha Edward MacNamara cho rằng: “Trong tình trạng cách ly như hiện nay, tham dự Thánh lễ trực tuyến là rất tốt […]. Đó là một thời khắc cùng với vị chủ tế cầu nguyện, suy niệm Lời Chúa, và thực hiện một hành động dâng hiến thiêng liêng và rước lễ thiêng liêng với hy tế Thánh Thể. Tuy nhiên, như thế không phải là tham gia Thánh lễ thật sự, vốn đòi buộc phải có sự hiện diện hữu thể, và như vậy, không phải là thực hành phụng vụ đúng đắn khi cho rước lễ trong một Thánh lễ trực tuyến” (Edward MacNamara, “Distribution of Communion During a TV Mass”, từ Zenit.org [07/04/2020]).

[2] Tham dự Thánh lễ trực tuyến là một thực hành đạo đức chứ không phải là cử hành phụng vụ. Một việc đạo đức thì không bao giờ gắn với hiệp thông Thánh Thể cách Bí tích. Trong khi đó, Giáo hội cho phép và khuyến khích các tín hữu rước Chúa Kitô “hiện diện cách đích thực, chân thực, và theo bản thể trong Bí tích Thánh Thể” khi tham dự thực sự vào cử hành phụng vụ Thánh lễ như một sự tham dự Thánh lễ cách toàn hảo hơn vào Hy tế Thánh Thể để họ có thể tiếp nhận một cách dồi dào hơn hoa trái của Hy lễ Cực Thánh” (x. Mediator Dei, 118; Indulgentiarum Doctrina, 18-19; Hiến chế Phụng Vụ Thánh, 55; GL 918; Qui chế tổng quát Sách Lễ Rôma, Lời mở đầu, số 13). Còn bên ngoài phụng vụ Thánh lễ, trong những hoàn cảnh đặc biệt, tín hữu có thể rước lễ Bí tích trong 2 trường hợp cử hành phụng vụ sau: [i] Cử hành phụng vụ Lời Chúa và cho rước lễ; và [ii] Nghi thức thăm viếng và đưa Mình Thánh bệnh nhân (x. GL 918; Nghi thức Hiệp lễ và Tôn thờ Thánh Thể ngoài Thánh lễ, 16-50; Nghi thức Xức dầu Bệnh nhân và việc Săn sóc họ theo Mục vụ, 46-47).

Như vậy, thánh Tôma Aquinô giải thích (St. Thomas Aquinas, Summa theologica III, Q. 80, a.), nếu như trong Hội Thánh có hai cách rước lễ là rước lễ thực thụ (in re) và rước lễ thiêng liêng [bằng lòng ước ao] (in voto), thì ứng với việc tham dự vào Hy tế Thánh Thể, tín hữu sẽ lãnh nhận Mình [và Máu Thánh] trong chính Thánh lễ họ tham dự nhằm làm nổi bật sự liên kết giữa việc rước lễ với Hy lễ; còn ứng với việc tham dự Thánh lễ trực tuyến, tức thông hiệp Thánh lễ cách thiêng liêng, thì tín hữu chỉ rước lễ thiêng liêng mà thôi, cho dù trong nhà nguyện có lưu giữ Mình Thánh. Do đó, như cha Edward McNamara đã giải thích, rước lễ trong một Thánh lễ trực tuyến không phải là thực hành phụng vụ đúng đắn.

Nếu muốn rước lễ Bí tích thì có thể thực hiện ngay sau khi Thánh lễ [trực tuyến] kết thúc, hoặc vào một thời điểm thích hợp khác, và luôn tuân theo các nghi lễ đã được Giáo hội phê chuẩn liên quan đến thực hành cho rước lễ ngoài Thánh lễ. Giáo hội có hai hình thức tương tự nhưng khác nhau của nghi lễ này: “Nghi lễ cho bệnh nhân rước lễ”, và “Nghi lễ cho rước lễ ngoài Thánh lễ với việc cử hành Lời Chúa”. Trong bối cảnh của một cộng đoàn tu sĩ có Mình Thánh được lưu giữ trong nhà nguyện, nghi lễ thứ hai phải được sử dụng (x. Edward MacNamara).

3. Thừa tác viên có thể đến từng nhà để cho các tín hữu rước Mình Thánh không?

Việc thừa tác viên của Hội Thánh đến từng nhà để cho rước lễ thuộc về thực hành trao Mình Thánh ngoài Thánh lễ. Thực hành này được quy định như sau:

[1] Bộ Giáo Luật (1983):

“Hết sức khuyến khích các tín hữu rước lễ trong chính Thánh Lễ. Tuy nhiên, nếu có người xin với lý do chính đáng, thì có thể cho rước lễ ngoài Thánh Lễ, miễn là giữ các nghi thức phụng vụ”. ( Số 918); “(1) Các Kitô hữu lâm cơn nguy tử, dù vì bất cứ lý do nào, cần được bổ dưỡng bằng việc rước lễ như của ăn đàng; (2) Cho dù ngày ấy họ đã rước lễ rồi, cũng rất nên cho họ rước lễ lần nữa nếu mạng sống của họ bị lâm nguy; (3) Bao lâu cơn nguy tử kéo dài, nên cho họ rước lễ nhiều lần, vào những ngày khác nhau” (Số 921); “Không được khoan giãn việc đem của ăn đàng cho bệnh nhân. Các chủ chăn phải cẩn thận canh chừng để các bệnh nhân được bổ dưỡng khi còn tỉnh trí” (Số 922).

[2] Huấn Thị Rước Lễ và Tôn Thờ Thánh Thể ngoài Thánh Lễ (1973):

Các tín hữu được rước lễ trong Thánh Lễ đang được cử hành, “tuy nhiên, các linh mục không được từ chối cho một tín hữu rước lễ, khi người này vì một lý do hợp pháp xin được rước lễ ngoài Thánh lễ” (số 14); “Có thể cho rước lễ vào bất cứ giờ hay ngày nào. […] Tuy nhiên: a) vào thứ Năm thánh, chỉ có thể cho rước lễ trong Thánh lễ; có thể cho người bệnh rước lễ vào bất cứ giờ nào trong ngày này; b) vào thứ Sáu thánh, chỉ có thể cho rước lễ trong cử hành tưởng niệm cuộc thương khó của Chúa, có thể cho người bệnh mà không thể tham dự vào cử hành phụng vụ được rước lễ vào bất cứ giờ nào trong ngày này; c) vào ngày thứ Bảy Tuần Thánh chỉ đưa Của Ăn đàng cho người hấp hối” (số 16).

[3] Nghi Thức Xức Dầu Bệnh Nhân và việc Săn Sóc Họ theo Mục Vụ (1972):

“Các vị coi sóc linh hồn phải lo sao cho những người đau yếu và những người già lão, mặc dầu không đau yếu nặng và không đến nỗi nguy tử, được năng rước lễ, hơn nữa được rước lễ hàng ngày khi có thể được, nhất là trong mùa Phục sinh; việc trao Mình Thánh Chúa có thể thực hiện vào bất cứ lúc nào. […] Những người giúp đỡ bệnh nhân và người già cả cũng có thể rước lễ cùng với người mà họ chăm sóc trong cùng một nghi lễ phụng vụ.” (số 46)

Từ những tài liệu đã được trích dẫn, chúng ta nhận ra rằng, theo ý muốn của Hội Thánh, việc trao Mình Thánh Chúa bên ngoài Thánh lễ đòi hỏi phải có lý do chính đáng/ lý do hợp pháp và đòi hỏi này phải được tuân giữ một cách nghiêm ngặt. Lý do chính đáng để cho/ được rước lễ bên ngoài Thánh lễ, các chuyên viên Giáo Luật giải thích: đó là những người không thể tham dự cử hành Thánh Thể do đau bệnh, già yếu hoặc do không có linh mục cử hành Hy lễ Tạ ơn (x. John B. Beal, et al.(eds.), New Commentary on the Code of Canon Law (2000), 1112-13).

Như thế, đối với những người đau bệnh, già yếu, hay đang trong cơn nguy tử, thừa tác viên của Hội Thánh đến từng nhà/ bệnh viện để cho họ rước lễ ngoài Thánh lễ là thực hành bình thường. Nhưng đối với những người mạnh khỏe, Hội Thánh khuyên bảo một cách mạnh mẽ (maxime commendatur) rằng các tín hữu hãy rước lễ trong chính Thánh lễ. Họ chỉ có thể rước lễ ngoài Thánh lễ trong hai trường hợp: [i] khi làm công việc chăm sóc bệnh nhân/ người già yếu và tham dự vào nghi thức trao Mình Thánh Chúa cho những người này; [ii] khi không có linh mục đến dâng lễ, chẳng hạn tại những vùng xa xôi hẻo lánh và đặc biệt vào ngày Chúa nhật, họ quy tụ thành cộng đoàn phụng vụ tại một nơi xứng hợp (nhà thờ/ nhà nguyện) để cùng nhau “Cử hành phụng vụ Lời Chúa và cho rước lễ” dưới sự chủ tọa của một thừa tác viên hợp pháp do thánh chức hay do được Bản quyền cho phép.

Vì thế, hoàn cảnh đại dịch (Covid-19) hiện nay không phù hợp cho việc đi đến từng nhà để cho các tín hữu rước Mình Thánh Chúa. Cụ thể, trong hoàn cảnh này:

1. Về kỷ luật Hội Thánh: Việc các linh mục hoặc thừa tác viên rước Mình Thánh Chúa đi từ nhà này sang nhà khác để trao cho tất cả các tín hữu (cả người đau bệnh và già yếu lẫn những người khỏe mạnh nhưng ngăn trở vì cấm cách do nguy cơ lây nhiễm) không phù hợp “ngôn ngữ phụng vụ” đối với nhu cầu mục vụ bệnh nhân, không xứng hợp với hoàn cảnh đòi buộc để “Cử hành phụng vụ Lời Chúa và cho rước lễ”, cũng không đáp ứng lý do chính đáng vì thiếu linh mục cử hành Hy lễ Tạ ơn. Thực hành này có vẻ mang lại tiện ích cho nhu cầu tạm thời nhưng có nguy cơ đánh mất tính thánh thiêng nền tảng của cử hành bí tích.

2. Về yếu tố xã hội: Việc các linh mục hoặc thừa tác viên đi đến từng nhà và đi nhiều nhà có thể cản trở qui định cách ly xã hội để phòng tránh lây nhiễm cộng đồng. Thực hành này có vẻ đáp ứng giãn cách xã hội khi không tập trung đông người nhưng có nguy cơ lây nhiễm cộng đồng, gây hoang mang đối với những cộng đồng dân cư chung quanh.

3. Về nguyên tắc luân lý: Việc các linh mục hoặc thừa tác viên đi đến từng nhà và đi nhiều nhà trong giai đoạn tạm dừng các cử hành cộng đồng/ tập trung tại giáo xứ vì nguy cơ lây nhiễm không đáp ứng nguyên tắc “ad impossibilia nemo tenetur” (nghĩa là không ai bị bó buộc làm điều bất khả). Sáng kiến tổ chức cho các tín hữu rước Mình Thánh Chúa tại nhà có thể dẫn đến tình trạng lây nhiễm cho chính thừa tác viên. Hơn nữa, xét về đức ái, thực hành này có thể không phải là chọn lựa tốt hơn so với việc khích lệ các tín hữu tham dự Thánh lễ trực tuyến và rước lễ thiêng liêng vì chúng ta biết rằng tín hữu nào đã chuẩn bị tâm tình xứng đáng, thì tuy không lãnh Bí tích thực sự (in re) họ vẫn nhận được những công hiệu của Bí tích đó do lòng ước ao muốn lãnh nhận (in voto). Khao khát Chúa Kitô cũng chính là hiệp thông với Ngài. 

Nguồn: Văn phòng HĐGMVN

Bài viết liên quan