Suy Niệm Hằng Ngày

Thứ Năm tuần thánh

BÀI ĐỌC I: Xh 12, 1-8. 11-14

“Những chỉ thị về bữa Tiệc Vượt qua”.

Trích sách Xuất Hành.

Trong những ngày ấy, Chúa phán cùng Môsê và Aaron ở đất Ai-cập rằng: Tháng này các ngươi phải kể là tháng đầu năm, tháng thứ nhất. Hãy nói với toàn thể cộng đồng con cái Israel rằng: “Mùng mười tháng này, ai nấy phải bắt một chiên con, mỗi gia đình, mỗi nhà một con. Nếu nhà ít người, không ăn hết một con chiên, thì phải mời người láng giềng đến nhà cho đủ số người để ăn một con chiên. Chiên đó không được có tật gì, phải là chiên đực, được một năm. Có bắt dê con cũng phải làm như thế. Vậy phải để dành cho đến ngày mười bốn tháng này, rồi vào lúc chập tối, toàn thể cộng đồng con cái Israel sẽ giết nó, lấy máu bôi lên khung cửa những nhà có ăn thịt chiên. Đêm ấy sẽ ăn thịt nướng với bánh không men và rau đắng. Phải ăn như thế này: Phải thắt lưng, chân đi dép, tay cầm gậy và ăn vội vã: vì đó là ngày Vượt Qua của Chúa. Đêm ấy Ta sẽ đi qua xứ Ai-cập, sẽ giết các con đầu lòng trong xứ Ai-cập, từ loài người cho đến súc vật, và Ta sẽ trừng phạt chư thần xứ Ai-cập: vì Ta là Chúa. Máu bôi trên nhà các ngươi ở, sẽ là dấu hiệu; và khi thấy máu, Ta sẽ đi qua mà tha cho các ngươi, và các ngươi sẽ không bị tai ương tác hại khi Ta giáng hoạ trên xứ Ai-cập. Các ngươi hãy ghi nhớ ngày ấy, làm lễ tưởng niệm, và phải mừng ngày đó trọng thể kính Thiên Chúa. Các ngươi sẽ lập lễ này để mừng vĩnh viễn muôn đời”.

Đó là lời Chúa.

ĐÁP CA: Tv 115, 12-13. 15-16bc. 17-18

Đáp: Chén chúc tụng là sự thông hiệp Máu Chúa Kitô (x. 1 Cr 10, 16).

Xướng: 1) Tôi lấy gì dâng lại cho Chúa để đền đáp những điều Ngài ban tặng cho tôi ? Tôi sẽ lãnh chén cứu độ, và tôi sẽ kêu cầu danh Chúa. – Đáp.

2) Trước mặt Chúa, thật là quý hoá cái chết của những bậc thánh nhân Ngài. Con là tôi tớ Ngài, con trai của nữ tỳ Ngài, Ngài đã bẽ gãy xiềng xích cho con. – Đáp.

3) Con sẽ hiến dâng Chúa lời ca ngợi làm sinh lễ, và con sẽ kêu cầu danh Chúa. Con sẽ giữ trọn lời khấn xin cùng Chúa, trước mặt toàn thể dân Ngài. – Đáp.

BÀI ĐỌC II: 1 Cr 11, 23-26

“Mỗi khi anh em ăn và uống, anh em loan truyền việc Chúa chịu chết”.

Trích thư thứ nhất của Thánh Phaolô Tông đồ gửi tín hữu Cô-rintô.

Anh em thân mến, phần tôi, tôi đã lãnh nhận nơi Chúa điều mà tôi đã truyền lại cho anh em, là Chúa Giêsu trong đêm bị nộp, Người cầm lấy bánh và tạ ơn, bẻ ra và phán: “Các con hãy lãnh nhận mà ăn, này là Mình Ta, sẽ bị nộp vì các con: Các con hãy làm việc này mà nhớ đến Ta. Cùng một thể thức ấy, sau bữa ăn tối, Người cầm lấy chén, và phán: “Chén này là Tân ước trong Máu Ta; mỗi khi các con uống, các con hãy làm việc này mà nhớ đến Ta”. Vì mỗi khi anh em ăn bánh và uống chén này, anh em loan truyền việc Chúa chịu chết, cho tới khi Chúa lại đến”.

Đó là lời Chúa.

Tin mừng: Ga 13,1-15

1 Trước ngày Lễ Vượt Qua, Chúa Giêsu biết đã đến giờ Mình phải bỏ thế gian mà về cùng Chúa Cha, Người vốn yêu thương những kẻ thuộc về mình còn đang ở thế gian, thì đã yêu thương họ đến cùng. 2 Sau bữa ăn tối, ma quỷ gieo vào lòng Giuđa Iscariô, con Simon, ý định nộp Người.

3 Người biết rằng Chúa Cha đã trao phó mọi sự trong tay mình, và vì Người bởi Thiên Chúa mà đến và sẽ trở về cùng Thiên Chúa. 4 Người chỗi dậy, cởi áo, lấy khăn thắt lưng, 5 rồi đổ nước vào chậu; Người liền rửa chân cho các môn đệ và lấy khăn thắt lưng mà lau.

6 Vậy Người đến chỗ Simon Phêrô, ông này thưa Người rằng: “Lạy Thầy, Thầy định rửa chân cho con ư ?” 7 Chúa Giêsu đáp: “Việc Thầy làm bây giờ con chưa hiểu, nhưng sau sẽ hiểu”. 8 Phêrô thưa lại: “Không đời nào Thầy sẽ rửa chân cho con”.

Chúa Giêsu bảo: “Nếu Thầy không rửa chân cho con, con sẽ không được dự phần với Thầy”. 9 Phêrô liền thưa: “Vậy xin Thầy hãy rửa không những chân con, mà cả tay và đầu nữa”. 10 Chúa Giêsu nói: “Kẻ mới tắm rồi chỉ cần rửa chân, vì cả mình đã sạch. Tuy các con đã sạch, nhưng không phải hết thảy đâu”.

11 Vì Người biết ai sẽ nộp Người nên mới nói: “Không phải tất cả các con đều sạch đâu”.

12 Sau khi đã rửa chân cho các ông, Người mặc áo lại, và khi đã trở về chỗ cũ, Người nói: “Các con có hiểu biết việc Thầy vừa làm cho các con chăng ? 13 Các con gọi Ta là Thầy và là Chúa thì phải lắm, vì đúng thật Thầy như vậy. 14 Vậy nếu Ta là Chúa và là Thầy mà còn rửa chân cho các con, thì các con cũng phải rửa chân cho nhau.

15 Vì Thầy đã làm gương cho các con để các con cũng bắt chước mà làm như Thầy đã làm cho các con”.

1. Suy niệm (TGM Giuse Nguyễn Năng)

Sứ điệp: Chúa đã ban quà cho nhân loại bằng chính Mình Thánh Chúa. Biết ơn Chúa, chúng ta phải trân trọng hưởng dùng và sống bác ái như Chúa đã làm gương.

Cầu nguyện: Lạy Chúa Giêsu, nếu ai đó nói con không có đức tin, con sẽ cự lại ngay. Thật ra con có đức tin đó nhưng còn yếu kém lắm. Yếu kém nên con chưa nhận ra phép lạ Chúa hằng quảng đại thực hiện trên các bàn thờ trong mỗi thánh lễ: biến bánh rượu thành Mình Máu Thánh Chúa. Chẳng ai nói một lời mà biến hóa cái này thành cái khác. Thế mà nhờ quyền năng Chúa, vị linh mục phán một lời thì bánh rượu trở nên Mình Thánh Chúa.

Con chưa đủ tin nên con chưa cảm thấy hứng khởi khi tham dự thánh lễ, không cảm thấy khao khát được rước Mình Thánh Chúa, và nhất là không sốt sắng cám ơn Chúa khi Chúa đang ngự trong lòng con qua bí tích Thánh Thể.

Con hăm hở làm việc cật lực cả ngày để kiếm tiền nuôi thân xác. Thế nhưng con thường có cảm giác mất giờ khi đi tham dự thánh lễ. Thời giờ con dành để tôn thờ Chúa và mưu ích cho linh hồn có đáng gì đâu so với thời giờ con lo cho thân xác. Vậy mà con hay so đo tính toán. Rõ ràng con còn yếu kém lòng tin. Lạy Chúa, xin ban thêm đức tin cho con. Xin Chúa nâng đỡ tính xác thịt vốn yếu hèn của con. Xin cho con được cảm thấy sự an ủi của Chúa, được hưởng nếm sự bình an khi con có Chúa ở với con nhờ bí tích Thánh Thể.

Xin cho con biết cám ơn Chúa hằng ngày bằng cả ngày sống của con. Nhờ được kết hiệp với Chúa và được hưởng trọn tình yêu của Chúa, xin cho con biết sống hiệp nhất với tha nhân và chia sẻ tình yêu của con chan hòa đến cho mọi người. Amen.

Ghi nhớ: “Ngài yêu thương họ đến cùng”.

2. Suy niệm (Lm. Carôlô Hồ Bạc Xái)

A. Phân tích (Hạt giống…)

Chỉ một mình Thánh Gioan ghi lại cảnh Chúa Giêsu rửa chân cho các môn đệ. Nhưng Gioan không chỉ tường thuật, mà còn chen vào những chi tiết rất có ý nghĩa:

– “Ngài yêu thương họ đến cùng”: đây là hành động biểu lộ tình thương.

– “Việc Thầy làm bây giờ con chưa hiểu, nhưng sau sẽ hiểu”: việc này làm có nhiều ý nghĩa sâu sắc.

– “Nếu Thầy không rửa chân cho con, con sẽ không được dự phần với Thầy”: việc làm này còn có “phần” trong màu nhiệm Vượt Qua của Chúa Giêsu.

– “Nếu Ta là Thầy và là Chúa mà còn rửa chân cho các con, thì…”: đây là cung cách của người làm lớn.

– “Các con cũng phải rửa chân cho nhau”: việc làm này hàm chứa một lệnh truyền.

B. Suy niệm (…nẩy mầm)

1. Ta đã cảm nhận tình thương của Chúa Giêsu. “Ngài vốn yêu thương những kẻ thuộc về mình…thì đã yêu thương đến cùng”. Cũng giống như một người mẹ sắp đi xa, còn làm gì được cho con cái thì tận dụng thời gian còn lại để làm, như quét căn phòng, vá chiếc áo, để sẵn thuốc uống bên cạnh giường con…và lặp đi lặp lại những lời dặn dò…

2. “Tuy chúng con đã sạch, nhưng không phải hết thảy đâu”: ngay trong hàng ngũ các tông đồ mà còn có kẻ không sạch. Huống chi trong tập thể của chúng ta. Thái độ đối với người không sạch ấy phải thế nào ? Chúa Giêsu không dạy lên án, khai trừ; nhưng dạy phải rửa. Dòng nước tẩy rửa thì nhẹ nhàng, ên ái chứ không gay gắt, nặng nề…

3. Khi tay chân giơ, ta làm gì ? Tôi không chặt bỏ, nhưng rửa cho sạch. Bởi vì phần dơ đó là chi thể của ta. Cũng thế, ta sẽ không “chặt bỏ” nhưng nhẹ nhàng “rửa sạch” một người sai lỗi trong tập thể của ta nếu ta biết coi họ là tay chân, là chi thể cả ta.

4. Cha Doncoeur, khi giải thích một bức họa nhỏ trong tập thánh vịnh của Chantilly, đã diễn tã rất đúng ý nghĩa của hoạt cảnh này: “Hai tay (của Đức Kitô) đã khéo léo hành sự là lau chân Phêrô với chiếc khăn ở thắt lưng. Ngài đứng hơi nghiêng xuống như một người đầy tớ, vai trò Ngài muốn đóng lấy lúc bấy giờ. Điều quan trọng không phải là rửa chân, nhưng là phục vụ các môn đệ và phá đổ nơi họ cái tâm thức huênh hoang tự phụ vẫn chưa nhường bước chịu thua. Chúng ta hiểu tại sao mắt của họ như nói lên một nỗi bối rối, bởi lẽ trong họ một tấm kịch đang diễn ra” (Le Christ dans l’art francais, I, Paris,Plon, 1939, trang 104). Chúng ta sẽ không thể hiểu được cuộc khổ nạn trong Tin Mừng của Gioan nếu không hình dung ra tấm kịch này và nếu không nhớ tới sự đảo lộn đang diễn ra trong tâm hồn của Gioan cũng như Phêrô, gây nên bởi câu nói của Đức Giêsu: “Nếu Thầy không rửa chân con, thì con không có phần nào với Thầy”. Trong hoạt cảnh Đức Giêsu đã hạ giáng, đã bước xuống chỗ thấp nhất này, tất cả đều trái ngược với ý nghĩ mà xưa nay các ông có về Đấng Messia. Đến nỗi các ông thấy như bị thách đố. Cách đây không lâu, Gioan đã chẳng mưu tính với anh mình là Giacôbê để vận động cho hai người được cái vinh dự là ngồi bên Đức Giêsu trong ngày Ngài được quang vinh hay sao ? Thế mà bây giờ Đấng là “Chúa và Thầy” của các ông đang ăn mặc như một nô lệ và đang phục vụ dưới chân các ông! Tệ hơn nữa, Ngài còn lấy đó làm quy luật cho các môn đệ: “Thầy đã nêu gương cho anh em, để theo như Thầy đã làm như thế nào thì anh em cũng làm y như vậy” (13,15). Có lẽ cũng như Phêrô, “sau này” Gioan mới hiểu được điều đó (13,7). Như một bài học đã được ghi khắc bằng những nét giống như lửa vào trong tâm hồn tự cao tự đại này: “Thiên Chúa là tình yêu” (1 Ga4,8). Để giải cứu con người, Thiên Chúa đã hạ mình đến mức đó. Từ đây tất cả mọi sự đều thay đổi ý nghĩa: tự hạ trở thành “nâng cao”. Bước xuống chỗ thấp nhất là leo lên chỗ cao nhất. Tự huỷ của một tên nô lệ chính là sự siêu tôn Con Người (“Tìm hiểu Tin Mừng theo Thánh Gioan. Trang177-178).

3. Suy niệm (Lm. Giuse Đinh Lập Liễm)

YÊU LÀ TRAO BAN

Thánh Gioan nói: “Thiên Chúa là Tình yêu” (1Ga 4, 10), Ngài là nguồn gốc tình yêu nên Ngài ban cho ta có tình yêu để yêu Ngài và yêu nhau. Chính vì thế Ngài nhắc lại lời Chúa Giêsu: “Đây là giới răn của Thầy: các con hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương các con” (Ga 15, 12).

Không ai có thể định nghĩa được tình yêu mà chỉ để cho con tim cảm nghiệm được nó. Hoặc có theo định nghĩa thần học thì yêu là “diffusivum sui boni”: thông ban sự tốt lành của mình cho người khác; do đó, ta sẽ dễ hiểu được lời của thánh Gioan tông đồ: “Căn cứ vào điều này, chúng ta biết tình yêu là gì: đó là Đức Kitô phó mạng vì chúng ta” (1Ga 3, 16)

  1. TÌNH YÊU CỦA THIÊN CHÚA

          Thánh Gioan tông đồ khẳng định rằng Thiên Chúa là tình yêu nên mọi tình yêu phải bắt nguồn từ Ngài và cũng phải qui hướng về Ngài như một nguồn suối duy nhất. Nếu tình yêu của chúng ta bắt nguồn từ Ngài thì chúng ta cũng phải yêu Ngài. Chính vì thế Ngài nói: “Hãy yêu mến Thiên Chúa hết lòng, hết linh hồn, hết sức ngươi và hãy yêu anh em như chính mình” (Mt 28, 37. 39). Ngoài ra, Chúa Giêsu còn nhắc nhở tình yêu này cách rõ ràng và mạnh mẽ hơn: “Các con hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương các con” (Ga 13, 24; 15, 12).

Trong tuần thánh này và hôm nay chúng ta hãy suy niệm về tình yêu của Thiên Chúa đối với loài người trong công cuộc cứu chuộc này. Tình yêu ấy đã được thánh Gioan tông đồ ghi lại trong Tin Mừng: “Thiên Chúa yêu thương thế gian đến nỗi đã ban Con Một để ai tin vào Con của Người thì khỏi phải chết, nhưng được sống muôn đời. Quả vậy, Thiên Chúa sai Con của Người xuống trần gian không phải để lên án thế gian, nhưng là để thế gian, nhờ Con của Người mà được cứu độ” (Ga 3, 16-17).

  1. TÌNH YÊU CỦA ĐỨC KITÔ

          Nếu đọc đoạn thư của thánh Phaolô tông đồ gửi cho tín hữu Philipphê, chúng ta mới thấy Đức Giêsu yêu thương chúng ta đến mức nào: “Đức Giêsu vốn dĩ là Thiên Chúa mà không nhất quyết giữ lấy địa vị ngang hàng với Thiên Chúa mà lại trút bỏ vinh quang của Thiên Chúa, lại còn mặc lấy thân nô lệ, trở nên giống người phàm như chúng ta. Hơn nữa, Ngài còn hạ mình vâng lời cho đến nỗi bằng lòng chịu chết và còn muốn nhận lấy cái chết ô nhục trên thập giá” (Pl 2, 6-11).

          Ta thử hỏi: vì lý do nào mà Chúa đã xuống thế làm người chịu chết chuộc tội cho chúng ta? Có lẽ không có câu trả lời nào khác mà chỉ có thể nói vì yêu thương chúng ta: “Không có tình yêu nào lớn lao cho bằng mối tình của kẻ chết vì người mình yêu” (Ga 15, 13).

          Ngoài ra, như người ta thường nói: “yêu nhau thì muốn kết hợp với nhau”. Đức Giêsu vì yêu chúng ta, không những Ngài đã hy sinh chết trên thập giá mà còn muốn ở cùng ta mọi ngày cho đến tận thế, cho nên Ngài đã thiết lập bí tích Thánh Thể.

  1. THÁNH THỂ, BÍ TÍCH CỦA TÌNH YÊU

          Thánh Phaolô tông đồ trong thư gửi cho tín hữu Côrintô nói: “Chúa Giêsu trong đêm bị nộp, Người cầm lấy bánh và tạ ơn, bẻ ra và phán: “Các con hãy lãnh nhận mà ăn, này là mình Thầy sẽ bị nộp vì các con: các con hãy làm việc này mà nhớ đến Thầy” (1Cr 11, 23). Chúa Giêsu đã biến Mình Máu Ngài làm của ăn nuôi sống linh hồn chúng ta. Ngài chỉ có thể ở cùng chúng ta mọi ngày cho đến tận thế trong bí tích Thánh Thể. Chúa Giêsu hiện diện trong phép Thánh Thể không phải là sự hiện diện tượng trưng nhưng là sự hiện diện thực sự với mình máu, với cả nhân tính và thần tính của Ngài.

          Động cơ nào đã thúc đẩy Đức Giêsu hành động như vậy? Đó là tình yêu! Đức Giêsu đã yêu chúng ta hết mức, Ngài đã tự vắt cạn kiệt con người của Ngài để phục vụ người khác, không còn gì để mà cho nữa mà chỉ còn cách là biến chính thịt máu mình làm của ăn nuôi linh hồn chúng ta. Đặc tính của tình yêu là muốn cho đi:

Yêu nhau cởi áo cho nhau,

Về nhà dối mẹ qua cầu gió bay (ca dao)

          Cho đi là một sự mất mát, mất mát là một hy sinh, mà hy sinh là đau khổ, nhưng đau khổ vì tình yêu lại là một sự sung sướng vì đem lại niềm vui cho người mình yêu. Có một sự tương quan biện chứng giữa đau khổ và tình yêu, giữa mất và còn: hễ mất cái này thì còn cái kia. Điều kiện ắt có là hễ muốn còn cái này thì phải mất cái kia như hạt lúa phải thối đi, để cho những bông lúa vàng nuôi sống con người. Con vật phải chết đi mới đem lại lương thực cho con người. Sự sống của con vật cũng như của thảo mộc phải mất đi để bảo đảm sự sống của con người.

          Hy sinh cho người yêu những gì càng thiết yếu cho mình bao nhiêu thì quà tặng đó càng có giá trị. Thánh Têrêsa Calcutta nói: “Khi ta trao tặng một món quà, mà nếu là một mất mát hy sinh lớn đối với chúng ta, thì đó mới thật là món quà”. Đức Giêsu không những đã trao ban mọi vinh quang trên trời, lại còn trao ban cả con người của Ngài thì món quà đó quí giá dường nào (x. Mt 26, 26-28).

 Truyện: Giới Tử Thôi cắt thịt đùi mình

          Trên bước đường lưu vong, trốn ra nước ngoài, Công tử Trùng Nhĩ và bọn bề tôi trải qua rất nhiều cam go, lầm than, đói khổ.

          Không tiền bạc, hết lương thực, bọn người này phải đi ăn xin.

          Một hôm đói quá, đói đến lả người, cả bọn cơ hồ không còn đi được nữa.

          Trùng Nhĩ phải kiếm gốc cây có bóng mát gối đầu vào đùi Hồ Mao mà nằm.

          Bộn bề tôi bảo nhau đi bứt rau sam về luộc ăn.

          Trùng Nhĩ nuốt không trôi!

          Bỗng Giới Tử Thôi mang một bát thịt nóng hổi đến dâng.

          Trùng Nhĩ ăn ngon lành! Ăn xong, khoẻ khoắn liền hỏi Giới Tử Thôi:

          – Nhà ngươi lấy đâu được thịt ngon như thế?

          Giới tử Thôi chỉ vào đùi mình, thưa:

          – Ấy là thịt đùi của tôi đó. Tôi nghe rằng: người hiếu tử bỏ thân thờ cha, người trung thần bỏ thân để thờ vua. Nay Công tử đói không có gì ăn nên tôi phải cắt thịt đùi dâng Công tử.

          Trùng Nhĩ ứa nước mắt, nói:

          – Ân này, biết bao giờ ta đáp được.

(Thanh Lan Võ ngọc Thành, Nhân vật Đông châu, 1968, tr 324- 325).

  1. THÁNH THỂ, BÀI HỌC CHO TA

Suy niệm về việc Chúa Giêsu lập Bí tích Thánh Thể để làm của ăn nuôi linh hồn chúng ta và muốn ở với chúng ta hằng ngày cho đến tận thế trong phép Thánh Thể, chúng ta có thể rút ra được những bài học cụ thể để áp dụng vào đời sống hằng ngày.

  1. Yêu là trao ban

          Một trong các đặc tính của tình yêu là trao ban, là cho đi. Yêu thì không muốn giữ cho mình mà muốn chia sẻ cho người khác. Chính trong việc cho đi mà người ta tìm được hạnh phúc trong tình yêu:

“Không khi nào người ta yêu như người ta đã được yêu, vì vậy muốn đạt được hạnh phúc trong tình ái,

chúng ta phải cho tất cả mà không đòi hỏi gì cả” (Paul Bourget).

          Nếu tu viện trưởng Saint-Pierre quả quyết rằng: “Yếu tính của mọi tôn giáo, nền tảng của mọi chân lý, vương miện của mọi nhân đức căn cứ trên sự CHO và tha thứ” thì thánh nữ Têrêsa Hài đồng Giêsu đã thực hiện trong tình yêu đối với Chúa Giêsu trong mấy vần thơ do thánh nữ sáng tác:

Sống yêu đương chính là cho tất cả,

Trên đời này không đòi hỏi công lao.

Không tính toán, không kể cho là bao,

Vì đã yêu có khi nào suy tính (Têrêsa Hài đồng)

  1. Trao ban là hy sinh

          Tục ngữ Tây phương nói: “Partir c’est mourir un peu”: ra đi là chết trong lòng một ít. Lìa xa nhau là một sự hy sinh, hy sinh làm ta đau khổ, và đau khổ được coi như là chết trong lòng một ít. Vậy cho đi là cái gì đó phải lìa xa ta làm cho ta phải hy sinh, hay nói cách khác là chết trong lòng một ít. Tình yêu chân thật đòi hỏi phải hy sinh, mà hy sinh càng lớn thì tình yêu càng cao như Pierre l’Ermite nói: “Nếu biết tình yêu có chân thật hay không, hãy bỏ tình yêu vào máy ép, nếu nó tiết ra chất nước hy sinh vô vị lợi, đó là tình yêu thật”.

  1. Trao ban là phục vụ

          Trao ban là cho đi, cho đi cái mình có và cái đó không còn thuộc về mình nữa mà thuộc về người khác. Như vậy, cho đi là chỉ nhằm phục vụ, phục vụ là nhằm mưu cầu hạnh phúc cho người khác.

          Chúng ta hãy nhìn lên ngọn nến lung linh trên bàn thờ. Cây nến phải hao mòn đi để trao ban ánh sáng và sức nóng cho con người. Nếu cây nến không chịu hao mòn đi thì không có ánh sáng mà không có ánh sáng thì không phục vụ cho con người được. Lúc đó cây nến chỉ còn là đồ trang hoàng chứ không cung cấp ánh sáng cho con người được.

  1. Trao ban và cô đơn

          Yêu nhau thì người ta muốn gần nhau, muốn kết hợp với nhau để không bị cô đơn, nhiều khi phải bỏ tất cả để đi theo nhau. Theo nhau không phải chỉ chấp nhận một chủ thuyết, một chủ trương hay một khuynh hướng mà là muốn nối kết với nhau trong cuộc sống, bước theo nhau, coi người kia như lẽ sống của mình tựa như:

“Thuyền theo lái, gái theo chồng” (Tục ngữ):

Yêu nhau chữ vị là vì,

Chữ dục là muốn chữ tùy là theo (Ca dao)

          Saint-Exupéry nói: “Cho, tức là bắc một nhịp cầu trên sự cô đơn”. Tự bản thân, con người sống cô độc, khép kín vào bản ngã mình, giới hạn vào những kiến thức, rối ren trong những khó khăn của mình. Nếu xa cách tha nhân, hoặc không có ai tới nâng đỡ, thì lại càng cô đơn thêm.

          Cho, tức là bắc cầu, là mở đường giao thông. Cho cái gì? Không nhất thiết phải cho tiền bạc, của cải vật chất bởi vì ai cũng có cái gì để cho. Chúng ta có thể cho “đôi mắt” khi thấy một cụ già đang bối rối muốn băng qua đường, ta biết giúp đỡ cụ. Chúng ta có thể cho một lời nói để khích lệ hay chia buồn, một lời cám ơn, một lời khen ngợi. Chúng ta có thể cho nhau một nụ cười thông cảm, một cử chỉ thân thiện. . . Thử lập một danh sách xem tôi đã cho những gì và đã nhận được những gì nơi người khác.

          Chúa Giêsu đã trao ban cho ta chính con người của Ngài trong phép Thánh Thể, Ngài không bao giờ cô đơn vì Ngài luôn luôn biết cho đi, cho đi một cách quảng đại, cho đi không có giới hạn, cho đi mãi mãi. Nhưng chúng ta không đáp lại sự cho đi của Ngài, chúng ta thờ ơ trước sự trao ban vô vị lợi của Ngài, làm cho Ngài phải cô đơn. Để tránh sự cô đơn của chúng ta đối với Chúa và với tha nhân, ta hãy biết cho đi bằng cách phục vụ Chúa trong tha nhân, càng cho đi thì càng gần Chúa, càng sống thân mật với Ngài vì “Cho đi thì có phúc hơn là nhận” và nếu yêu mà chỉ nhận thì tình yêu sẽ chết.

Nguồn: WGPSG

Bài viết liên quan