Suy Niệm Hằng Ngày

Chúa nhật Lễ Chúa Giêsu chịu phép Rửa năm C

Bài Ðọc I: Is 42, 1-4. 6-7

“Này là tôi tớ Ta, Ta hài lòng về người”.

Trích sách Tiên tri Isaia.

Ðây là lời Chúa phán: “Này là tôi tớ Ta mà Ta nâng đỡ, là người Ta chọn, Ta hài lòng về người. Ta ban Thần trí Ta trên người. Người sẽ xét xử chư dân. Người sẽ không lớn tiếng, không thiên vị ai; không ai nghe tiếng người ở công trường. Người không bẻ gẫy cây lau bị giập, không dập tắt tim đèn còn khói. Người trung thành đem lại lẽ công bình. Người sẽ không buồn phiền, không nao núng, chỉ lo đặt công lý trên địa cầu, vì trăm đảo mong đợi lề luật người.

Ta là Chúa, Ta đã gọi con trong công lý, đã cầm lấy tay con, đã gìn giữ con, đã đặt con thành giao ước của dân, và nên ánh sáng của chư dân, để con mở mắt cho người mù, đưa ra khỏi tù những người bị xiềng xích, đưa ra khỏi ngục những người ngồi trong tối tăm”.
Ðó là lời Chúa.

Ðáp Ca: Tv 28, 1a và 2. 3ac-4. 3b và 9b-10

Ðáp: Chúa sẽ chúc phúc cho dân Người trong cảnh thái bình (c. 11b).

Xướng: Các con cái Thiên Chúa hãy dâng kính Chúa, hãy dâng kính Chúa vinh quang xứng với danh Người; hãy mang lễ phục thánh để thờ lạy Chúa.

Xướng: Tiếng Chúa vang dội trên mặt nước, Chúa ngự trên muôn ngàn sóng nước. Tiếng Chúa phán ra trong uy quyền, tiếng Chúa phán ra trong oai vệ.

Xướng: Thiên Chúa oai nghiêm làm cho sấm sét nổ ran, và trong thánh đài của Chúa, mọi người kêu lên: Vinh quang! Chúa ngự trị trong cơn hồng thuỷ, và Chúa làm vua ngự trị tới muôn đời.

Bài Ðọc II: Cv 10, 34-38

“Chúa dùng Thánh Thần mà xức dầu tấn phong cho Người”.

Trích sách Tông đồ Công vụ.

Trong những ngày ấy, Phêrô mở miệng nói rằng: “Quả thật, tôi nghiệm biết rằng Thiên Chúa không thiên tư tây vị, nhưng ở bất cứ xứ nào, ai kính sợ Người và thực hành sự công chính, đều được Người đón nhận. Thiên Chúa đã sai Lời Người đến cùng con cái Israel, loan tin bình an, nhờ Chúa Giêsu Kitô là Chúa muôn loài. Như anh em biết, điều đã xảy ra trong toàn cõi Giuđa, khởi đầu từ Galilêa, sau khi Gioan đã rao giảng phép rửa: ấy là Chúa Giêsu thành Nadarét. Thiên Chúa đã dùng Thánh Thần và quyền năng mà xức dầu tấn phong cho Người. Người đi qua mọi nơi, ban bố ơn lành và chữa mọi người bị quỷ ám, bởi vì Thiên Chúa ở với Người”.

Ðó là lời Chúa.

Tin mừng:  Lc 3, 15-16. 21-22

15 Khi ấy, trong lúc dân chúng đang mong đợi, và mọi người tự hỏi trong lòng rằng: “Gioan có phải là Đấng Kitô không?”,

16 Gioan lên tiếng bảo mọi người rằng: “Phần tôi, tôi rửa anh em trong nước, nhưng Đấng cao trọng hơn tôi đang đến, và tôi không xứng đáng cởi dây giày cho Người, chính Người sẽ rửa anh em trong Chúa Thánh Thần và trong lửa!”.

21 Vậy khi tất cả dân chúng đã chịu phép rửa, và chính lúc Chúa Giêsu cũng đã chịu phép rửa xong, Người đang cầu nguyện, thì trời mở ra, 22 và Thánh Thần Chúa ngự xuống trên Người dưới hình chim bồ câu, và có tiếng từ trời phán: “Con là Con yêu dấu của Cha, Con đẹp lòng Cha”.

1. Suy niệm (TGM Giuse Nguyễn Năng)

Sứ điệp: Chúa Giêsu chịu phép rửa của Thánh Gioan Tiền Hô không phải vì Ngài có tội, nhưng vì muốn nêu gương sống khiêm hạ liên đới với tội lỗi loài người. Ngài cũng tỏ cho ta về mầu nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi, và Ngài thánh hóa nước để thiết lập Bí tích Rửa tội.

Cầu nguyện: Lạy Chúa Giêsu, người ta hàng hàng lớp lớp kéo đến với Thánh Gioan Tiền Hô để bày tỏ lòng sám hối. Con thấy thật dễ hiểu, vì người ta tội lỗi. Nhưng chính Chúa cũng đến lãnh phép rửa ở đó. Sao thế, lạy Chúa ? Nhờ Giáo Hội hướng dẫn giải thích, con rất xúc động. Chúa là Đấng thánh thiện và cao cả vô cùng, thế mà còn hạ mình mang lấy tội lỗi chúng con. Còn con thì hằng muốn cho mình nổi danh. Con đầy tội lỗi, thế mà lắm lúc ngại ngùng đi xưng tội. Con thích người ta đề cao con. Con thích người ta để con làm những việc quan trọng hoặc chức vụ lớn lao. Con dễ mất lòng khi không toại ý mong muốn.

Chúa đến lãnh nhận phép rửa để làm gương cho con một lối sống. Con là con Chúa Cha, là em Chúa. Con xin học nơi Chúa. Con muốn sống khiêm hạ như Chúa, nhưng con thấy nơi mình có những tâm tình tự kiêu tự mãn. Xin Chúa giúp con. Con xin hiến dâng toàn thể con người con, nhất là những yếu đuối để Chúa sửa đổi và thánh hóa con. Con muốn thuộc trọn về Chúa.

Lạy Chúa Giêsu, khi Chúa chịu phép rửa tại sông Giođan, Ba Ngôi Thiên Chúa đã hiện diện và tỏ cho nhân loại biết mầu nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi. Xin Chúa Ba Ngôi luôn hiện diện trong tâm hồn con, để con được cảm nhận tình thương của Chúa Cha, đón nhận ơn cứu độ của Chúa Con và được thánh hóa nhờ Chúa Thánh Thần. Xin giúp con biết sống bí tích Rửa Tội bằng cách luôn giữ tâm hồn mình trong sáng. Amen.

Ghi nhớ“Khi Chúa Giêsu đã chịu phép rửa và đang cầu nguyện thì trời mở ra”.

2. Suy niệm (Lm. Carôlô Hồ Bạc Xái)

I. Phân tích Lời Chúa
1. Bài đọc I (Is 42,1-4.6-7): 
Ngôn sứ Isaia được Thiên Chúa soi sáng đặc biệt nên đã hiểu Đấng Messia tương lai là một Người Tôi Tớ. Ông đã mô tả Người Tôi Tớ trong 4 bài thơ. Đoạn được phụng vụ trích đọc hôm nay nằm trong bài thơ thứ I:

  • Đó là người được Thiên Chúa tuyển chọn và Thiên Chúa rất hài lòng.
  • Người đó rất hiền lành và dịu dàng: “không lớn tiếng, không nở bẻ gãy cây lau bị dập, không dập tắt tim đèn còn khói”.
  • Sứ mạng của Người Tôi Tớ là: a/ Tái lập công bình; b/ nên ánh sáng cho muôn dân; c/ giải thoát những người khốn khổ.

2. Đáp ca (Tv 28):
Bài thơ này ca tụng Thiên Chúa uy phong. Sự uy phong của Thiên Chúa thể hiện qua việc Ngài thống trị các sức mạnh của thiên nhiên: Ngài ngự trên những ngọn thuỷ triều, tiếng Ngài vang rền trên sóng nước.
Chính Thiên Chúa uy phong ấy sẽ tấn phong Chúa Giêsu làm Đấng Messia của Ngài trong biến cố phép rửa.

3. Bài đọc II (Cv 10,34-38):
Dân Do Thái có quan niệm hẹp hòi cho rằng Thiên Chúa là Chúa riêng của họ, và ơn cứu rỗi của Thiên Chúa được dành riêng cho họ. Vì thế, khi thánh Phêrô rửa tội cho ông Cornêliô một người thuộc dân ngoại, một số người Do Thái đã thắc mắc.
Thánh Phêrô biện minh rằng ông đã làm như thế cũng chỉ là theo đúng sứ mạng của Chúa Giêsu:
Trong biến cố Chúa Giêsu chịu phép rửa ở sông Giođan, Ngài đã được Thiên Chúa tấn phong làm Đấng Messia: “Chúa đã dùng Thánh Thần và quyền năng mà xức dầu tấn phong cho Ngài”.
Sứ mạng Messia của Chúa Giêsu là mang Tin Mừng cho tất cả mọi người và mọi dân tộc, vì thế nên “Ngài đi qua mọi nơi, ban bố ơn lành và chữa mọi người”. Phêrô còn nói: “Thiên Chúa không tây vị ai. Nhưng ở bất cứ xứ nào ai kính sợ Người và thi hành sự công chính đều được Người đón nhận”.

4. Phúc Âm (Lc 3,15-16.21-22):
Bài Tin Mừng này cho ta biết về người làm phép rửa và người được làm phép rửa:
1. Người làm phép rửa là Gioan Tẩy giả: lời giảng và hoạt động của ông đã khiến ông nổi tiếng, đến nỗi dân chúng nghĩ rằng ông chính là Đấng Messia. Gioan đã khiêm tốn thanh minh ông không phải là thế, và còn giới thiệu cho họ biết Đấng Messia thực sắp đến sau ông và cao trọng hơn ông nhiều.
2. Người lãnh nhận phép rửa là Chúa Giêsu. Chính Thiên Chúa (chim câu, tiếng từ trời) giới thiệu Ngài:

  • Ngài là Con của Thiên Chúa (“Con là con của Cha”)
  • Là Đấng Messia mà Tv 2 và ngôn sứ Isaia đã tiên báo (Kiểu nói “Con là con của Cha” là tước hiệu Isaia dùng để nói về Đấng Messia; kiểu nói “Hôm nay Ta sinh ra con” là của Tv 2 cũng nói về Đấng Messia).

II. Suy gẫm
1. Mỗi người đều có sứ mạng
Hai tiếng “sứ mạng” nghe có vẻ nghiêm trọng quá. Nhưng thực ra mọi người, mọi sinh vật, mọi thụ tạo – nói chung là mọi “hữu thể” – đều có sứ mạng:
Sứ mạng của mặt trời là sưởi ấm các sinh vật trên mặt đất
Sứ mạng của cây lúa là nuôi sống con người 
Thậm chí những con vi sinh nhỏ bé đến nỗi mắt thường không thấy được cũng có sứ mạng làm phân huỷ những chất thải.
Chúa Giêsu đã sinh ra trong trần gian với sứ mạng làm Đấng Messia mang ơn cứu độ đến cho mọi người. Ngài đã chu toàn sứ mạng ấy một cách tuyệt hảo.
Mỗi người chúng ta cũng có sứ mạng. Vậy mỗi người hãy tự hỏi “Sứ mạng của tôi là gì đối với gia đình, đối với xã hội, đối với Giáo Hội, đối với anh chị em không cùng tín ngưỡng?”
Tôi được sinh ra trên đời là vì sứ mạng. Nếu tôi không chu toàn sứ mạng, hay tệ hơn nữa, nếu tôi không lưu tâm gì đến sứ mạng, thì sự hiện hữu của tôi là vô ích, chỉ là ăn hại. Chúa Giêsu đã nói “Nếu muối mà nhạt thì chỉ còn ném ra ngoài cho người ta chà đạp dưới chân”.

2. “Con yêu dấu”
Chúa Giêsu là Con Thiên Chúa. Qua phép rửa, chúng ta cũng trở thành con Thiên Chúa. Về phần Chúa Giêsu, Ngài đã được khen là “Con yêu dấu của Cha”.
Thế nào là một người “con yêu dấu”?
là biết ý của cha mình: Chúa Giêsu luôn cầu nguyện để biết ý của Chúa Cha.
và luôn làm theo ý cha mình: Chúa Giêsu nói “Lương thực của Ta là làm theo ý của Cha Ta”. Trong vườn Cây Dầu, sau khi đơn thành tỏ cho Chúa Cha biết Ngài rất sợ chén đắng của cuộc khổ nạn, Chúa Giêsu nói tiếp ngay “Nhưng xin đừng theo ý con, mà hãy theo ý Cha”.
Nếu chúng ta muốn trở thành con yêu dấu của Thiên Chúa thì chúng ta cũng hãy bắt chước Chúa Giêsu: luôn cầu nguyện, khi đã thấy được ý Chúa thì sẵn sàng bỏ ý riêng để làm theo ý Chúa.

3. “Nếu…”
Nếu tôi là dân Do Thái lúc đó, có thể tôi cũng đi từ Galilê bên Chúa Giêsu suốt bốn năm ngày đường, tới sông Giođan để chịu phép rửa, mà không ngờ rằng Người là Đấng mà Gioan đang rao giảng. Khi tới nơi, chắc chắn tôi sẽ chen lấn Người để tôi được tới gần Gioan hơn. Tôi trố mắt nhìn và lắng tai. Gioan kêu gọi tôi sám hối. Tôi cảm động và rán lội tới sát Gioan. Tôi đẩy Người ra để xin Gioan rửa tôi trước, vì tôi nóng lòng mong đợi điều Gioan đang nói “Hãy dọn đường cho Đấng Cứu Thế đến”. Rửa xong, tôi an tâm ra về mà không ngờ Người là Đấng Cứu Thế đồng hành với tôi, đứng sát bên tôi, đã bị tôi gạt Người ra ngoài.
Thực tế hàng ngày đã xảy ra trăm ngàn lần tôi cư xử như thế đối với những người bên cạnh tôi. Tôi không ngờ rằng họ là chi thể Đấng Cứu Thế. Tôi bao nhiêu lần xô lấn những người bên cạnh tôi để tôi được hơn, được trước họ mà chẳng nhớ gì lời Chúa dạy: “Con phải kính nhường và yêu mến người bên cạnh con”. Thành thử ra tôi cũng không nhận ra Đấng Cứu Thế đang ở với tôi.
Nếu tôi được làm địa vị của Gioan tiền hô, thì khi vừa thấy Đấng Cứu Thế, tôi sẽ tự đắc hô to: Đấy, tôi nói có sai đâu. Ngài đến đây nè… Rồi tôi kêu gọi mọi người ủng hộ Ngài, hoan hô Ngài, đón rước Ngài, xin Ngài phất cờ giải phóng dân tộc, làm cho nước ta độc lập tự do giàu mạnh, đem quân xâm chiếm các nước, trở thành bá chủ hoàn cầu. Tôi rất phàn nàn và lấy làm tiếc vì không thể ngờ được rằng Gioan không làm như tôi mong muốn. Trái lại ông đã cúi mình xuống nhỏ nhẹ thưa với Ngài rằng “Tôi không đáng cởi quai dép cho Ngài. Tôi chỉ rửa anh em trong nước, còn chính Ngài mới rửa chúng tôi trong Thánh Thần. Vậy xin Ngài rửa cho tôi đi để tôi được ơn cứu độ”. Thật là con người đầy khiêm tốn, đầy tin tưởng, để rồi Gioan đã phó thác trót mạng sống mình cho Đấng Cứu Thế: dù phải chặt đầu, ông vẫn luôn quyết tâm chu toàn nghĩa vụ Thiên Chúa trao.
Còn Chúa Giêsu, Người rất từ tốn và ẩn mình tuyệt diệu hơn nữa. Người đã thưa lại Gioan: “Chúng ta cần phải chu toàn nghĩa vụ thánh như thế”. Người đồng hóa mình với dân chúng, chịu những kẻ cậy sức mạnh xô đẩy, chèn ép để thông cảm với mọi nỗi xót xa của cuộc đời những kẻ thấp mũi bé miệng, neo đơn, cô thế cô thân. Người đã cúi mình trước Gioan làm phép rửa cho Người để cho những tội nhân biết cúi mình xuống trước tòa giải tội. Người đã dìm mình xuống nước để cứu vớt những kẻ chết trong dòng đời, cho họ được sống lại làm con chí ái với Người trong gia đình thiên quốc. Người chôn mình trong bản tính hư nát của loài người để cho con người được trường sinh vinh phúc.
Lạy Chúa Giêsu xin cho chúng con biết kính nhường nhau. Đó chẳng phải là kính mến Chúa sao? Xin cho chúng con biết phó thác thân phận làm người, làm kitô hữu cho Đấng Cứu Thế. Chắc chắn chúng con sẽ được Người thanh tẩy và kết nạp chúng con vào nhà Cha chí ái trên trời. (Linh mục Vũ Khắc Nghiêm, “Xây nhà trên đá” Năm A)

4. Tình yêu cứu thế
Một vị quan lớn mở tiệc mời nhiều người đến dự. Tất cả các người được mời đều ăn mặc sang trọng và dùng xe đi đến. Trong số ấy có một người khách già. Rủi thay, vì già yếu nên ông cụ này khi xuống xe đã trượt chân té vào vũng bùn. Khách đến dự tiệc thấy vậy phá lên cười.
Xấu hổ và cảm thấy mình không xứng đáng, ông quyết định quay về. Gia nhân nài nỉ cách mấy ông cũng không chịu ở lại dự tiệc. Khi đó vị quan chủ tiệc bước ra sân, đi tới chỗ vũng nước đó, rồi cũng cố tình té ngã vào vũng nước. Thế là áo quần của ông quan cũng dơ dáy y như cụ già kia. Mọi người chung quanh chẳng ai dám cười nhạo nữa. Sau đó, vị quan lớn cầm tay ông cụ đưa vào phòng tiệc. Ông cụ chẳng còn lý do nào để chối từ.
Chỉ có hành động cố tình té ngã của vị quan lớn kia, mới có thể đưa ông cụ vào bàn tiệc.
Con Thiên Chúa trên tầng trời cao thẳm, lại hạ mình xuống làm kiếp phàm nhân.
Đấng thánh thiện vô cùng, lại khiêm nhu đứng xếp hàng bên những tội nhân.
Đấng xoá tội trần gian, lại hoà mình trong đoàn người tội lỗi.
Đấng thanh sạch vô biên, lại chịu dìm mình trong dòng sông “sám hối”.
Đấng sẽ làm phép rửa trong Thánh Thần, lại xin chịu phép rửa của Gioan.
Chính hành vi rất mực khiêm hạ của Đấng Cứu Thế đã cho thấy tình yêu sâu nặng của Thiên Chúa dành cho con người.
Chính thái độ tự huỷ tột cùng của Đấng Cứu Thế đã cho thấy tình yêu dấn thân của Thiên Chúa đối với con người cát bụi chúng ta.
Vâng, chính Thiên Chúa đã có sáng kiến tuyệt vời là tình nguyện hoá thân làm kiếp phàm nhân:

  • Để chia sẻ thân phận đói nghèo, khổ đau, bệnh hoạn của con người.
  • Để nếm cảm nỗi ray rứt khắc khoải của tội nhân.
  • Để thấu hiểu niềm khao khát đổi mới trong lòng người tội lỗi.

Vâng, chính Con Thiên Chúa đã thực hiện những phép lạ thật ngoạn mục ngay trước mắt con người,
Người đã muốn nên anh em với chúng ta để chia sẻ những gì Người đã nhận từ Cha: “Mọi sự của Cha là của Con”.
Người đã muốn chung phận con người để chia sẻ phận Con Thiên Chúa: “Phàm là con cái thì chung huyết nhục, nên Người cũng chung phần huyết nhục với chúng ta” (Dt 2,14).
Người đã muốn chung phần khổ đau, để có thể cứu giúp những ai đau khổ: “Vì bản thân Người đã trải qua thử thách và đau khổ, nên Người có thể cứu giúp những ai bị thử thách”(Dt 2,18).
Chiêm ngắm Đấng Cứu Thế cúi mình chịu phép rửa, chúng ta hiểu được thế nào là Tình Yêu: Một Tình Yêu vui lòng tự huỷ để cùng đồng hành với anh em cho đến cùng, một Tình Yêu sẵn sàng chia sẻ trọn vẹn cho anh em, một Tình Yêu chấp nhận cúi xuống để nâng anh em chỗi dậy cùng bước về nhà Cha.
Chiêm ngắm Đấng Cứu Thế cầu nguyện với Cha nơi dòng sông Giođan, chúng ta hiểu được thế nào là Hiệp Thông: Chính trong giây phút Hiệp Thông sâu đậm này mà Người cảm nhận được đầy tràn Thánh Thần và nghe được tiếng Cha âu yếm: “Con là Con của Cha. Hôm nay, Cha đã sinh ra Con” (Lc 3,22).
Ngày nay, chúng ta đã chịu phép Rửa của Đức Kitô trong Thánh Thần, chúng ta được mời gọi Hiệp Thông thân mật với Ba Ngôi Chí Thánh, chúng ta cũng được mời gọi lên đường phục vụ anh em, nhất là những anh em đang cần một Tình Yêu chia sẻ, đỡ nâng và trao ban trọn vẹn: Tình Yêu Cứu Thế!
Lạy Chúa, trong con mắt Chúa chúng con là tất cả. Xin cho chúng con luôn nhìn anh em bằng cái nhìn của Chúa, và yêu thương anh em chúng con bằng tình yêu trọn vẹn của Người. Amen. (TP)

5. Chuyện minh họa
Ở một nước kia có luật cấm đạo. Hai vợ chồng kia bị bắt đưa ra tòa vì tội là Kitô hữu. Người chồng tên là Moran. Để cứu vợ chồng này khỏi tội, luật sư đã hùng hồn đọc bài biện hộ mà đại ý như sau:
Hai thân chủ của tôi bị kết tội là Kitô hữu. Tôi xin chứng minh rằng sự thật không phải là thế. Họ có một cuộc sống đàng hoàng, siêng năng làm việc, không hề gian tham trộm cắp, không làm thiệt hại ai điều gì, không xích mích gì với hàng xóm… Như thế họ là những con người tốt, những công dân tốt. Không có gì sai trái. Ngày Chúa nhật họ đi dự lễ, ở nhà họ có bàn thờ và thường đọc kinh trước bàn thờ, họ đeo ảnh Thánh giá… Chính vì những biểu hiện bề ngoài này mà họ bị kết tội là Kitô hữu. Nhưng những biểu hiện bề ngoài ấy không đủ để kết luận họ thực sự là Kitô hữu.
Chính Thánh Kinh của Kitô giáo đưa tiêu chuẩn để xác định ai là kitô hữu thật: “Cứ xem quả thì biết cây” (Mt 7,15); Mà hoa quả chứng minh ai là kitô hữu là những việc bác ái yêu thương, như một câu Thánh Kinh khác: “Người ta cứ dấu này mà nhận biết chúng con là môn đệ Thầy, là chúng con thương yêu nhau” (Ga 13,35). Nếu căn cứ vào những tiêu chuẩn này để xét, thì tôi dám khẳng định rằng thân chủ của tôi chắc chắn không phải là Kitô hữu: mọi người đều không thấy họ có chút quan tâm nào đến những người nghèo, những người khổ sở, những người già yếu…; mỗi khi có cuộc lạc quyên để giúp thiên tai, hoạn nạn, họ cũng đóng góp nhưng chỉ đóng góp cho có với người khác chứ thực sự ít hơn mọi người khác.
Vì những bằng chứng trên, tôi xin quý tòa hãy hủy bỏ tội danh Kitô hữu của thân chủ tôi.
Toà tạm ngừng để nghị án. Sau đó Tòa kết luận: Tội danh Kitô hữu không được thành lập. Hai vợ chồng Moran được tự do! (FM)

6. Bài giảng được gán cho Thánh Hippolite (+ 236)
Nếu Chúa chìu theo lời ngăn cản của Gioan mà không chịu phép rửa thì chúng ta đã bị mất mát biết bao điều quan trọng.
Trước đó các tầng trời bị đóng chặt, chúng ta không ai có thể đến được quê hương trên trời. Sau khi xuống thấp tận đáy, chúng ta không còn có thể trở về trên cao. Nhưng Chúa Giêsu đã chịu phép rửa. Không phải một mình Ngài chịu phép rửa, mà Ngài còn canh tân con người cũ và ban lại cho nó thân phận làm dưỡng tử của Thiên Chúa. Bởi thế lúc đó “trời mở ra”. Các thực tại hữu hình được giao hòa với những thực tại vô hình; các phẩm trật trên trời hớn hở vui mừng, dưới đất thì bệnh tật được chữa lành…

7. Suy nghĩ về phép rửa
Phép rửa không chỉ được ban một lần khi chúng ta được mang đến giếng Rửa Tội trong Nhà thờ.

  • Chúng ta được rửa bởi tất cả mọi biến cố xảy ra trong đời:
  • Chúng ta được rửa bởi những cực nhọc, khó khăn: đó là những dòng nước biến động thanh luyện chúng ta khỏi những gì là gian trá và vô dụng.
  • Chúng ta được rửa bởi những khổ đau, buồn rầu: đó là những dòng nước u ám nhưng có khả năng giúp ta lớn lên trong đức khiêm tốn và cảm thông.
  • Chúng ta được rửa bởi niềm vui: đó là dòng nước róc rách khiến ta cảm nghiệm được vị ngọt của cuộc đời.
  • Chúng ta được rửa bởi tình yêu: đó là dòng nước ấm áp làm cho đời ta tươi nở như hoa dưới ánh nắng mặt trời.

Phép rửa là một hạt giống, cần phải nẩy mầm trong suốt cả đời sống.

3. Suy niệm (Lm. Giuse Đinh Lập Liễm)

KITÔ HỮU ĐÍCH THỰC

A. DẪN NHẬP

Trước khi bước vào đời sống công khai đi rao giảng Tin mừng cứu độ, Chúa Giêsu đến xin ông Gioan Tẩy giả làm phép rửa cho mình tại sông Giođan. Ngài hoà nhập với dòng người đến nhận phép rửa, không phải để xin ơn tha tội, vì Ngài là Đấng trong sạch vô cùng, nhưng Ngài nêu gương khiêm hạ cho mọi người; đồng thời thánh hoá nước để thanh tẩy trong phép Rửa tội mà Ngài sẽ thiết lập.

Sau khi được kéo ra khỏi nước và đang khi cầu nguyện, Chúa Giêsu thấy “trời mở ra và Thánh Thần hiện hình giống như chim bồ câu ngự xuống trên Người. Lại có tiếng từ trời phán rằng: ‘Con là Con của Cha, ngày hôm nay Cha đã sinh ra Con’” (Lc 3,21-22). Đấy là lời Chúa Cha tuyên phong Đức Giêsu là Đấng Messia, để ra đi rao giảng Tin mừng cứu độ.

Chúa Giêsu đã thiết lập Bí tích Rửa tội để tha tội cho chúng ta. Mọi người đã được chịu phép Rửa tội đều được gọi là Kitô hữu, một danh hiệu vô cùng cao quí. Vì thế, mỗi Kitô hữu phải sống cho xứng với hồng ân được mang danh Chúa Kitô, được sát nhập vào Chúa Kitô. Mọi người phải lo chu toàn sứ vụ của mình đối với gia đình, đối với xã hội, đối với Giáo hội và đối với mọi người, để đời sống của chúng ta phải được ca ngợi là chứng nhân trung thành của Chúa, có một đời sống “nội thánh ngoại vương”.

B. TÌM HIỂU LỜI CHÚA

+ Bài đọc 1: Is 42,1-4.6-7

Khi ấy dân Do thái bị thử thách nặng nề, phải đi đày ở Babylon. Để khích lệ họ, tiên tri Isaia loan báo: họ vinh dự được Thiên Chúa chọn làm đầy tớ lý tưởng của Ngài, có trách nhiệm giới thiệu Thiên Chúa cho dân ngoại.

Đây là bài thứ nhất trong 4 bài ca về Người Tôi Tớ trong sách đệ nhị Isaia. Vì được Thánh Thần ngự trên mình, Người Tôi Tớ của Thiên Chúa là Đấng mạnh mẽ và sẽ chiến thắng mọi kẻ thù. Nhưng Ngài không thích dùng bạo lực, trái lại, Ngài yêu thương cứu vớt những kẻ tội lỗi yếu đuối, “không lớn tiếng”, “không bẻ gẫy cây lau bị dập, không dập tắt tim đèn còn leo lét”.

Tất cả những nét Isaia mô tả Người Tôi Tớ đều được thực hiện nơi Đức Giêsu.  Chính Đức Giêsu sẽ đảm nhận vai trò Người Tôi Tớ. Vai trò này, Ngài sẽ hoàn thành khi biến tôn giáo của đức tin thành một sự ưng thuận thắm tình con thảo mà mọi người đều có thể nói lên, dù người ấy thuộc bất cứ nền văn hoá hay quốc gia nào. Theo gương Đức Kitô, các Kitô hữu cũng phải thực hiện nhiệm vụ trên.

+ Bài đọc 2: Cv 10,34-38

Đây là phần đầu bài giảng của thánh Phêrô ở Cêsarêa cho ông Corneliô, viên sĩ quan Rôma và gia đình của ông, để giúp họ hoán cải và chịu phép rửa. Đây là một việc làm có tính cách cách mạng, vì từ trước đến nay các Tông đồ chưa nghĩ đến việc cho người ngoại gia nhập Giáo hội.

Trong bài nói chuyện với người Do thái, thánh Phêrô cho biết sở dĩ Ngài dám làm như vậy vì “Thiên Chúa không thiên tư tây vị ai, hễ ai thực hành sự công chính, đều được Ngài đón nhận”. Chính Đức Giêsu Nazareth đã được Thiên Chúa dùng Thánh Thần và quyền năng xức dầu tấn phong Ngài và Ngài đã đi khắp nơi để ban phát ơn lành.

+ Bài Tin mừng: Lc 3,15-16.21-22

Cả 3 bài Tin mừng của lễ Chúa Giêsu chịu phép rửa có rất nhiều điểm giống nhau. Chúng ta có thể chia bài Tin mừng thành 2 phần:

* Phần một: Ông Gioan thanh minh là mình không phải là Đấng Kitô như người ta tưởng. Có Đấng sẽ đến sau ông và cao trọng hơn ông. Hiện nay ông chỉ rửa họ bằng nước, còn Đấng đến sau sẽ làm phép rửa trong Chúa Thánh Thần.

* Phần hai: Đức Giêsu nhận phép rửa của ông Gioan và trong nghi lễ này Đức Giêsu được tấn phong làm Đấng Messia, Đấng Cứu thế. Đó chính là ý nghĩa việc Thánh Thần hiện xuống, “các tầng trời mở ra”, cách diễn tả lấy lại của Isaia 63,11-14.19, khi công bố tấn phong một vị giải phóng mới. Có tiếng nói từ trời vang trên Đức Giêsu, tiếng nói ấy cũng thuộc về nghi thức phong vương một vị vua mới: “Con là Con của Cha, ngày hôm nay Cha đã sinh ra Con”.

C. THỰC HÀNH LỜI CHÚA: Kitô hữu đích thực

I. CHÚA GIÊSU CHỊU PHÉP RỬA

Phép rửa tại sông Giođan

Chúng ta đang ở bên bờ sông Giođan, nơi ông Gioan Tẩy giả rao giảng, kêu gọi mọi người sám hối, nhận phép rửa để được ơn tha thứ. Thế nhưng, chúng ta thấy rằng điều quan trọng không phải chỉ nhằm ở việc ông Gioan rao giảng, mọi người tuốn đến lãnh nhận phép rửa… mà đó còn xảy ra một sự kiện hết sức trọng đại: Chúa Giêsu cùng với bao nhiêu người khác đi vào dòng sông Giođan, để lãnh nhận phép rửa từ tay ông Gioan.

Sự kiện Chúa Giêsu chịu phép rửa không chỉ là bước khởi đầu cho sứ vụ rao giảng Tin mừng mà Chúa sẽ thực hiện sau này; biến cố chịu phép rửa cũng không chỉ là việc Chúa Giêsu được Gioan Tẩy giả giới thiệu, mà đó còn là một sự kiện xuất phát từ chính Thiên Chúa được minh chứng bằng những việc lạ lùng: như việc trời mở ra và việc Thánh Thần dưới hình chim bồ câu ngự trên Người cùng với lời tuyên phong của Chúa Cha.

Đời sống công khai của Chúa Giêsu bắt đầu bằng việc Người chịu phép rửa (Lc 3,21). Mặc dầu phép rửa mà Chúa lãnh nhận không phải là bí tích rửa tội, nghĩa là không để được tha tội, vì Người không có tội, phép rửa đó cũng đánh dấu quyết liệt trong đời sống của Người. Phép rửa đánh dấu cái sứ mệnh công khai của Người trong việc rao giảng và chữa lành. Người chịu phép rửa để thánh hóa nước để trở thành chất thể trong bí tích rửa tội do Người thiết lập.

Chúa Giêsu được tấn phong

Phụng vụ Lời Chúa hôm nay gợi lên ý tưởng một cuộc lễ phong vương. Ngày xưa khi một vị hoàng vương được tôn lên làm vua thì họ phải trải qua một cuộc phong vương gồm ba sự việc:

          – Phải tắm rửa sạch sẽ.

          – Phải được xức dầu.

          – Phải được tôn phong làm vua.

Hôm nay khi sắp ra giảng đạo để thi hành sứ mệnh Thiên Sai, Chúa Giêsu cũng được tấn phong làm vua qua ba nghi lễ như sau:

+ Trước tiên Người chịu phép rửa của Gioan dưới sông Giođan như một dấu ăn năn sám hối, mặc dầu Người là con chiên trong sạch.

+ Sau đó, “Thiên Chúa đã dùng Thánh Thần và quyền năng mà xức dầu tấn phong Người” (Cv 10,38b; Is 61,1), để trở nên Đấng Thiên Sai: “Đi tới đâu là Người thi ân giáng phúc tới đó, và chữa lành mọi kẻ bị ma quỉ kiềm chế” (Cv 10,38c).

+ Cuối cùng, Người đã được Chúa Cha công nhận là Vua Cứu Thế và Con Thiên Chúa, như Tin mừng Luca viết: “Khi Người cầu nguyện thì trời mở ra, và Thánh Thần ngự xuống trên Người dưới hình dáng chim bồ câu. Lại có tiếng từ trời phán rằng: ‘Con là Con của Cha, ngày hôm nay Cha đã sinh ra Con’” (Lc 3,22).

Dấu chỉ Bí tích Rửa tội

Câu hỏi tại sao Chúa Giêsu lại chịu phép rửa? Các thánh sử đưa ra nhiều khía cạnh như Mátthêu (3,14-15), Luca (3,21) hay Gioan (1,31-34). Các thánh giáo phụ còn đưa ra nhiều lý do khác, ví dụ Chúa chạm đến nước để thánh hóa nước và làm cho nước được thần lực tẩy xoá tội lỗi trong Bí tích Rửa tội…

Chúa Giêsu xin đến rửa, không phải là cho mình, mà là cho người khác, vì người khác. Người chịu phép rửa là có ý nói lên: từ nay, Người chung số phận với người tội lỗi và đó là tất cả ý nghĩa đời Người, và cuộc đời này chỉ hoàn tất với Phép Rửa cuối cùng, của sự chết (Lc 12,50), vì chết là cùng chung số phận của con người tội lỗi, con người bị sa ngã và là số phận bi đát nhất, tệ hại nhất.

Chúa Giêsu đến với ông Gioan để lãnh nhận phép rửa, nhưng chính ông Gioan đã khẳng định ông chỉ làm phép rửa bằng nước, còn Chúa Giêsu là Đấng làm phép rửa trong Thánh Thần. Chúa Giêsu đã khai mở bí tích Rửa tội cho những kẻ theo Người bằng việc đích thân Người xin lãnh phép rửa từ Gioan. Chúa Giêsu muốn chúng ta có sự tiếp nối giữa Giao ước cũ và Giao ước mới, tiếp nối giữa lời rao giảng của vị tiên tri cuối cùng cao đẹp hơn tất cả các vị trước với lời rao giảng của chính Người để thiết lập Nước Thiên Chúa. Tuy nhiên, lễ rửa này Người đã biến đổi để có thể thực sự khai mào cho Bí tích Rửa tội.

II. HIỆU QUẢ CỦA BÍ TÍCH RỬA TỘI

Khi Chúa Giêsu để cho Gioan dìm mình trong nước không phải là để thanh tẩy Người, vì Người không vương tội lỗi, Người muốn nói lên một ý nghĩa khác, đó là loan báo cái chết và sự phục sinh của Người: dìm mình xuống nước là biểu hiệu cái chết, trồi lên khỏi nước là loan báo sự sống lại.

Khi chúng ta nhận lãnh bí tích Rửa tội, Chúa Giêsu cũng muốn chúng ta tham dự vào sự chết và sống lại của Người. Chúng ta vào đời khi được sinh ra, và vào đạo Thiên Chúa khi được rửa tội. Trong phép rửa tội chúng ta được thanh tẩy mọi tội lỗi, tội tổ tông và tội riêng. Do đó, nó biến chúng ta thành “một tạo vật mới” (2Cr 5,17), một nghĩa tử của Thiên Chúa (Gl 4,5-7), được thông phần vào sự sống thần linh (2Pr 1,4), trở nên chi thể của Chúa Kitô (Rm 8,17) và được gọi là đền thờ của Chúa Thánh Thần (1Cr 6,15).

Đó chính là ơn siêu nhiên, “ơn thánh hóa”, “ơn sủng của sự công chính hóa” mang lại các nhân đức đối thần và luân lý, cùng các hồng ân của Chúa Thánh Thần. Tóm lại, “toàn bộ cơ thể của sự sống siêu nhiên của người Kitô hữu bắt nguồn nơi bí tích Rửa tội” (Giáo lý Công giáo, số 1266).

Ngày được chịu phép rửa tội là một ngày trọng đại, ngày đáng ghi nhớ của chúng ta. Đức Giáo hoàng Piô XI đã nói với hàng ngàn thanh niên nhân ngày kỷ niệm rửa tội của Ngài: “Ngày chịu phép rửa tội là ngày cao quí nhất của đời Cha. Cũng như ngày các con chịu phép rửa tội là ngày cao quí nhất của đời các con”.

Chúng ta đã được chịu phép rửa tội, một hồng ân cao quí Chúa đã ban cho chúng ta. Chúng ta cũng nên có một vài cảm nghĩ về phép Rửa tội.

Phép rửa không chỉ được ban một lần khi chúng ta được mang đến giếng Rửa tội trong nhà thờ.

Chúng ta được rửa bởi tất cả các biến cố xảy ra trong đời:

– Chúng ta được rửa bởi những cực nhọc, khó khăn: đó là những dòng nước biến động thanh luyện chúng ta khỏi những gì gian trá và vô dụng.

– Chúng ta được rửa bởi những đau khổ, buồn rầu: đó là những dòng nước u ám, nhưng chỉ có khả năng giúp ta lớn lên trong đức khiêm tốn và cảm thông.

– Chúng ta được rửa bởi niềm vui: đó là dòng nước róc rách khiến ta cảm nghiệm được vị ngọt của cuộc đời.

– Chúng ta được rửa bởi tình yêu: đó là dòng nước ấm áp làm cho đời ta tươi nở như hoa dưới ánh nắng mặt trời.

Phép rửa là một hạt giống, cần phải nảy mầm trong suốt cả đời sống (Lm. Carôlô, Sợi chỉ đỏ, năm C,tr 119).

III. KITÔ HỮU, NGƯỜI LÀ AI?

Tất cả những người chịu phép rửa tội đều được gọi là Kitô hữu, một danh hiệu cao quí mà chính thánh Phaolô đã gọi lần đầu tiên ở Antiochia: “Barnabê và Saulê đến thành Antiochia. Hai người gặp dân chúng trong nguyện đường và dạy dỗ nhiều người. Chính ở Antiochia lần đầu tiên, những tín hữu được gọi là Kitô hữu” (Cv 11,26).

Nhờ phép rửa tội, chúng ta được mang tước hiệu là Kitô hữu. Kitô hữu là người có Đức Kitô, được mang danh Chúa Kitô. Kitô hữu là một Kitô khác (Alter Christus). Mỗi Kitô hữu là một nối dài của chính Đức Kitô. Đó là tước hiệu cao cả của chúng ta. Tước hiệu ấy không chỉ sáng ngời trong những dịp lễ lạc, hội hè mà phải luôn chiếu toả từng giây phút của cuộc sống.

TruyệnKitô là gì?

Sau đệ nhị thế chiến, tại một vùng mỏ than bên Anh, người ta hỏi tụi con nít:

– Kitô là gì?

Chúng trả lời:

– Là một tiếng chửi thề.

Điều tra ra mới biết người lớn ở vùng này dùng từ Kitô để chửi thề.

Ở Việt Nam, trước giải phóng, có một hãng bột giặt lấy tên Kitô mà đặt cho một loại sản phẩm của họ, cũng như một hãng mì ăn liền lấy tên Phật Tổ để đặt tên cho mì chay họ sản xuất

Vậy mà người Công giáo lẫn Phật giáo chẳng thấy ai phản đối. Trong khi đó, ở Pháp, hồi cuối thập niên 50, hãng phô-mai sản xuất loại “con bò cười”, trước tiên gọi nó là “con bò cầu nguyện” (La vache qui prie), đã bị các Kitô hữu kiện, vì đã nhạo báng tôn giáo (Thiện Cẩm, Trái chín đầu mùa, tr 13).

Kitô hữu phải là người mặc lấy Chúa Kitô, trở nên đồng hình đồng dạng với Ngài, như thánh Phaolô đã khuyên nhủ tín hữu Rôma: “Anh em hãy mặc lấy Chúa Kitô, và đừng chiều theo tính xác thịt mà thỏa mãn các dục vọng” (Rm 13,14). Mặc lấy Chúa Kitô là trở nên chính Chúa Kitô để có thể nói: “Tôi sống, nhưng không phải là tôi sống, mà chính Chúa Kitô sống trong tôi” (Gl 2,20).

Một người đàn bà quan sát người ta phân phát quần áo cũ cho người lang thang ngoài đường phố. Thình lình một ý tưởng đến với bà: Nếu mang áo quần của người khác, giầy dép của người khác, thì mình sẽ như thế nào? Và từ đó bà khám phá ra ý nghĩa của Kitô giáo. Kitô hữu là người mang giày của người khác: giầy của Chúa Kitô. Họ đi đến nơi mà Chúa Giêsu muốn đến và làm những gì Ngài muốn thực hiện. Và đó cũng là ý nghĩa của việc muốn trở thành Chúa Giêsu trong thế giới ngày nay.

Khi mang giày của Chúa Giêsu, tôi cảm thấy dễ chịu đến mức độ nào? Và đôi giày làm tôi khó chịu ở chỗ nào? Mỗi đặc tính đều có một động lực bên trong. Xin hãy để cho Chúa Kitô là động lực đó. Mỗi hành động đều có một ý nghĩa chính. Xin hãy để cho Đức Kitô là ý nghĩa chính đó (Henry Drummond).

Định nghĩa trên nghe cũng hay hay. Dùng những từ như: việc mặc lấy, mang lấy giầy của Chúa Kitô, để diễn tả phần nào thực thể người Kitô là ai, việc dùng từ như vậy, không diễn đạt hết thực thể của người Kitô. Người Kitô không phải chỉ là một kẻ mang giày của Chúa mà phải là chính Chúa Kitô, Ngài như thế nào, chúng ta phải như thể ấy.

Khi nói về Kitô hữu, sử gia Tertullianô viết:

Những người tin theo Chúa được mệnh danh là Kitô hữu. Kitô hữu (Christianus) nghĩa là thuộc về Chúa Kitô, nên họ đã và phải có một tâm tình như Chúa Kitô. Họ không sợ chết. Họ không sợ hình khổ. Họ không sợ bách hại, bởi vì họ đã đi cùng một đường với Chúa.

Câu: ‘Kẻ muốn theo Ta thì phải từ bỏ mình đi, vác thập giá mình mà theo’ đã thấm nhập vào tâm hồn họ, nên mỗi khi phải đau khổ, cũng như bị bách hại, cũng như bị cấm cách, câu nói ấy lại đến với họ như chính Đấng hiện hình. Hèn gì mà trên tín trường họ coi gươm giáo như hoa hồng, coi lý hình như bạn hữu. Họ chỉ sợ một Thiên Chúa – Đấng sẽ phán xét họ, nếu họ đi chệch đường”.

IV. SỨ VỤ NGƯỜI KITÔ HỮU

Ngày Chúa Giêsu chịu phép rửa là ngày Ngài được tôn phong để đi rao giảng Tin mừng cứu độ. Đức Giêsu chính là Con Thiên Chúa làm người, là Đấng Thiên Sai, mà dân tộc Israel hàng ngàn năm mong đợi.

Đức Giêsu đã sinh ra trong trần gian với sứ mạng làm Đấng Messia mang ơn cứu độ đến cho mọi người. Ngài đã chu toàn sứ mạng ấy một cách tuyệt hảo. Mỗi người chúng ta cũng có một sứ mạng. Vậy mỗi người hãy tự hỏi: “Sứ mạng của tôi là gì đối với gia đình, đối với xã hội, đối với Giáo hội và đối với những anh em không cùng tín ngưỡng?”

Chiêm ngắm Đức Giêsu chịu phép rửa không thể không nhắc nhở chúng ta nhớ đến sứ vụ của người Kitô hữu. Nhờ Bí tích Rửa tội chúng ta được nhận làm con Thiên Chúa, được hưởng gia tài vĩnh cửu của Thiên Chúa và nhất là cùng được sai đi đến với mọi người. Không việc làm gì cụ thể khác hơn là chúng ta học theo mẫu gương của Đức Giêsu và thực thi sứ mạng rao giảng Tin mừng, để nối tiếp công việc của Ngài.

Là con cái Thiên Chúa quả là một hạnh phúc lớn lao mà Thiên Chúa ban cho mỗi người. Nhưng chúng ta phải làm gì để Chúa Cha được hài lòng? Nếu Bí tích Rửa tội được cử hành cần đến nước, thì cuộc sống người Kitô hữu cũng cần được gội rửa trong nước để trở nên thanh sạch và bắt đầu cuộc sống mới, trở nên con người mới thuộc hoàn toàn về Thiên Chúa. Muốn được như vậy mọi suy nghĩ, lời nói, và hành động của chúng ta phải phù hợp với thánh ý của Thiên Chúa, hơn là ý riêng của mình, và hãy để cho Chúa Thánh Thần dẫn dắt như Đức Giêsu.

TruyệnNội ngoại đồng nhất

Có hai người bộ hành đi đường xa mệt nhọc, đêm đến phải vào ngủ trong một cái miếu nổi tiếng là có ma quái. Một người là Kitô hữu tin tưởng vào sự che chở của Chúa nên không chút sợ hãi. Trái lại, người bộ hành không phải Kitô hữu cảm thấy lo sợ, nên đã đề nghị với người bạn cho mình mượn Thánh giá đeo cổ.

Quả thực, đêm đó yêu tinh xuất hiện, nó lần mò đến từng người, sờ vào cổ người Kitô để sát hại. Con yêu tinh mới thốt lên: “Người này có trong mà không có ngoài”, nghĩa là người này là Kitô đích thực, dù không đeo một dấu hiệu nào.

Sang người bộ hành kia, con yêu tinh chạm đến Thánh giá trên cổ người ấy mà nói: “Người này có ngoài mà không có trong”, nghĩa là người này tuy mang Thánh giá, nhưng không phải là Kitô hữu đích thực.

Chúng ta là những Kitô hữu. Chúng ta thi hành các bổn phận đạo đức, chúng ta mang trên mình nhiều hình ảnh của Chúa và Đức Mẹ, nhưng liệu tâm hồn chúng ta có đích thực là tâm hồn Kitô hữu không? Hay có lẽ chúng ta chỉ có cái bên ngoài hào nhoáng của thời trang, mà bên trong lại trống rỗng (Mỗi ngày một tin vui, tr 119).

Chúng ta thường gọi vua Đavít là thánh vương. Người Á đông cũng gọi các vua đạo đức thánh thiện là “thánh vương” như vua Văn, vua Vũ thời xưa. Người ta lấy câu nói của Vương Dương Minh làm châm ngôn cuộc sống của các vị ấy: “Nội thánh, ngoại vương”, bên trong là vị thánh, bên ngoài là một ông vua.

Người Kitô hữu được tham dự vào chức tư tế vương giả của Đức Kitô, và cung cách vương giả của Đức Kitô chính là lòng quảng đại, biểu hiệu một tâm hồn luôn liên kết với Thiên Chúa Tình yêu.

Ước gì mọi tư tưởng, mọi hành động của chúng ta đều là một thể hiện của niềm tin sâu xa của đời sống đạo đích thực, chân thành và không giả dối.

4. Suy niệm (Lm. Antôn Nguyễn Cao Siêu, S.J.)

CON YÊU DẤU CỦA CHA

“Còn cậu Giêsu thì tăng trưởng về khôn ngoan, về vóc dáng,

và về ân nghĩa trước Thiên Chúa và người ta” (Lc 2,52).

Trong câu trên, thánh Luca gói trọn cuộc sống của Đức Giêsu

từ năm mười hai đến năm hơn ba mươi tuổi.

Chúng ta không biết nhiều về khoảng thời gian này.

Chỉ biết khi Gioan Tẩy giả mời gọi dân đến chịu phép rửa,

để bày tỏ lòng sám hối, hầu được ơn tha tội,

thì ta thấy Đức Giêsu có mặt trong đám đông tội nhân.

Cần ngắm nhìn Đức Giêsu lúc hơn ba mươi tuổi.

Mạnh khỏe, chững chạc, có chiều sâu thiêng liêng.

Từ cậu bé Giêsu đến Anh Giêsu là một con đường dài.

Giêsu mười hai tuổi đã biết Đền thờ là Nhà của Cha mình.

Cậu biết gọi Thiên Chúa là Cha của con.

và đã cảm thấy có một thúc đẩy phải ở lại Nhà Cha.

Đến khi ngoài ba mươi, hẳn Anh Giêsu đã trở nên thân thiết

và gắn bó với Cha sâu hơn biết chừng nào.

Người ngoài có thể nhận ra một điều khác thường nơi Anh.

Anh Giêsu không lập gia đình như những thanh niên khác,

dù anh là người bình thường, dễ mến, thích trẻ con.

Anh vẫn làm việc chăm chỉ với người cha,

nhưng có vẻ Anh đang chờ một điều gì đó.

Nơi Anh ẩn chứa một mầu nhiệm chưa được vén mở.

Anh Giêsu có thói quen cầu nguyện từ bé.

Sau khi nhận được phép rửa của Gioan thì Anh cầu nguyện.

Chính vào giây phút đó, thế giới linh thánh mở ra,

và Anh trải qua một cảm nghiệm đặc biệt phi thường.

Thánh Thần từ trên ngự xuống và ở lại trên Anh.

Kinh nghiệm này như một dấu ấn sâu đậm và mạnh mẽ.

Anh bỗng thấy mình đầy quyền năng của Thánh Thần,

được Thiên Chúa xức dầu để trở nên Đấng Mêsia (Cv 10,38),

và được sai đi để hoàn thành một sứ mạng (Lc 4,18).

Quyền năng của Thánh Thần sẽ không bao giờ rời bỏ Anh.

Với quyền năng đó, Anh sẽ thắng quỷ trong hoang địa,

và sẽ đi giảng dạy khắp miền Galilê (Lc 4,1-2.14).

Cũng chính vào giây phút Đức Giêsu cầu nguyện

với Thiên Chúa là Người Cha thân thương của mình,

thì Cha đáp lại bằng những lời ngọt ngào trìu mến:

“Con là Con yêu dấu của Cha, Cha hài lòng về Con.”

Cha hài lòng vì Con đã chịu làm người để đem ơn cứu độ.

Cha hài lòng vì Con đã sống âm thầm trong ba mươi năm

như một người thợ bình thường ở làng quê Nadarét.

Và Cha hài lòng vì giờ đây Con đang đứng ở dòng sông này,

cùng với các tội nhân, đồng hành và chia sẻ thân phận của họ.

Tiếng nói của Cha từ trời là một nâng đỡ lớn cho Con.

Đức Giêsu biết mình đi đúng đường, chọn đúng ý của Cha.

Ngài đã sống vâng phục Cha như Người Con yêu dấu.

Lễ Chúa chịu phép rửa nhắc ta nhớ lại Bí tích Thánh Tẩy.

Bí tích này vĩnh viễn đóng một ấn tích trên ta,

và đưa ta vào tương quan với từng Ngôi vị Thiên Chúa.

Khi chịu phép Thánh Tẩy, Chúa Cha cũng nói với ta:

“Con là con yêu dấu của Cha.”

Chúa Con cũng nói: “Con là bạn và là anh em của Ta.”

Thánh Thần nói: “Thân xác con là Đền thờ, nơi Ta cư ngụ.”

Phép Thánh Tẩy làm ta trở thành môn đệ Chúa Giêsu,

nên cũng trao cho ta sứ mạng làm muôn dân thành môn đệ.

Dù ngọn nến ta nhận lúc chịu phép Rửa có khi trở nên leo lét,

dù chiếc áo trắng có đôi chỗ lấm lem,

nhưng chẳng bao giờ ấn tích của bí tích Thánh Tẩy bị xóa bỏ.

Chúng ta luôn có cơ hội làm mới lại tương quan với Ba Ngôi,

tiếp tục lên đường, tiếp tục dạy đạo và ban phép rửa,

để cả thế giới này thành môn đệ Chúa Giêsu (Mt 28,19-20).

LỜI NGUYỆN

Lạy Chúa Giêsu, là Con Một của Thiên Chúa Cha,

Khi cầu nguyện, Chúa đã gọi Thiên Chúa là Abba.

Tạ ơn Chúa đã cho phép chúng con

cũng được gọi Thiên Chúa là Cha, là Abba.

Tạ ơn Chúa đã dạy chúng cầu nguyện như Chúa,

bắt đầu bằng tiếng gọi Abba thân thương.

Tiếng gọi Abba trên môi Chúa

diễn tả tương quan gần gũi thân thiết,

tương quan độc nhất vô nhị của Chúa đối với Cha.

Và Chúa đã cho chúng con được chia sẻ tương quan ấy:

“Chẳng ai biết Cha ngoài Con, và những ai được Con tỏ lộ.”

Cám ơn Chúa đã dẫn chúng con vào thế giới của Cha.

Chỉ mình Chúa làm được điều đó,

vì chỉ mình Chúa là Đấng thấy Cha và biết Cha,

vì luôn ở trong cung lòng Cha.

Lạy Chúa Giêsu,

Đã bao lần Chúa gọi Cha trong đời.

Chúa gọi Abba trong Vườn Dầu và trên thập giá.

Chúa vẫn gọi Thiên Chúa là Abba

cả trong những giây phút thấy Cha vắng bóng.

Nhờ Chúa và trong Thánh Thần,

chúng con được phúc làm nghĩa tử của Cha.

Xin cho chúng con vững tin vào Cha,

người lo cho chúng con cơm ăn áo mặc hàng ngày,

và bảo vệ chúng con khỏi kẻ thù mưu mô cám dỗ.

Xin cho chúng con sống như con thật của Cha,

trở nên hoàn thiện như Cha nhờ yêu thương,

để một ngày nào đó

cả thế giới nhìn nhận Cha là Cha của mọi người. Amen.

Nguồn: WGPSG

Bài viết liên quan