Suy Niệm Hằng Ngày

Thứ Hai tuần 10 Thường niên

BÀI ĐỌC I:  1 V 17, 1-6

“Êlia đứng trước tôn nhan Chúa, Thiên Chúa Israel”.

Trích sách Các Vua quyển thứ nhất.

Trong những ngày ấy, Êlia người Thesbê thuộc miền Galaad, tâu vua Acáp rằng: “Có Chúa là Đấng hằng sống, Thiên Chúa dân Israel, mà tôi đứng trước tôn nhan! Trong những năm sắp tới, sẽ không có sương mà cũng không có mưa, nếu tôi không ra lệnh”. Và Chúa đã phán cùng Êlia như sau: “Ngươi hãy bỏ nơi này, đi về hướng đông và ẩn náu tại suối Karit ở phía đông sông Giođan. Nơi đây ngươi sẽ uống nước suối, và Ta đã truyền cho chim quạ nuôi ngươi”. Vậy ông trẩy đi và làm như lời Chúa dạy. Ông đến ẩn náu tại suối Karit ở phía đông sông Giođan. Sáng sớm quạ đem cho ông bánh và thịt; ban chiều quạ cũng lại đem cho ông bánh và thịt, và ông uống nước suối. 

Đó là lời Chúa.

ĐÁP CA: Tv 120, 1-2. 3-4. 5-6. 7-8

Đáp: Ơn phù trợ của tôi do nơi danh Chúa, là Đấng đã tạo thành đất với trời (c. 2).

Xướng:

1) Tôi ngước mắt nhìn lên đỉnh núi cao, ơn phù trợ cho tôi sẽ từ đâu ban tới ? Ơn phù trợ của tôi do nơi danh Chúa, là Đấng đã tạo thành đất với trời. – Đáp.

2) Người chẳng để cho chân ngươi xiêu té, Đấng bảo vệ ngươi, Người chẳng có ngủ say. Kìa Đấng bảo vệ Israel, Người không thiếp giấc, không ngủ say. – Đáp.

3) Chúa sẽ bảo vệ thân ngươi, Chúa là Đấng che chở ngươi ở bên tay hữu. Mặt trời sẽ không hại ngươi lúc ban ngày, và mặt trăng cũng chẳng hại ngươi về ban đêm. – Đáp.

4) Chúa sẽ gìn giữ ngươi khỏi mọi điều tai biến, Người sẽ bảo vệ linh hồn ngươi. Chúa sẽ bảo vệ ngươi khi đi, khi tới, ngay tự bây giờ và cho đến muôn đời. – Đáp.

Tin mừng: Mt 5,1-12

1 Khi ấy, Chúa Giêsu thấy đoàn lũ đông đảo, Người đi lên núi, và lúc Người ngồi xuống, các môn đệ đến gần Người. 2 Bấy giờ Người mở miệng dạy họ rằng:

3 “Phúc cho những ai có tinh thần nghèo khó,
vì Nước Trời là của họ.

4 Phúc cho những ai hiền lành,
vì họ sẽ được Đất Nước làm cơ nghiệp.

5 Phúc cho những ai đau buồn,
vì họ sẽ được ủi an.

6 Phúc cho những ai đói khát điều công chính,
vì họ sẽ được no thoả.

7 Phúc cho những ai hay thương xót người,
vì họ sẽ được xót thương.

8 Phúc cho những ai có lòng trong sạch,
vì họ sẽ được nhìn xem Thiên Chúa.

9 Phúc cho những ai ăn ở thuận hoà,
vì họ sẽ được gọi là con Thiên Chúa.

10 Phúc cho những ai bị bách hại vì lẽ công chính,
vì Nước Trời là của họ.

11 “Phúc cho các con khi người ta ghen ghét, bách hại các con, và bởi ghét Thầy, họ vu khống cho các con mọi điều gian ác. 12 Các con hãy vui mừng hân hoan, vì phần thưởng của các con sẽ trọng đại ở trên trời. Người ta cũng đã từng bắt bớ các tiên tri trước các con như vậy”.

  • Suy niệm (TGM Giuse Nguyễn Năng)

Sứ điệp: Tám mối phúc thật của Chúa Giêsu chính là giải đáp cho vấn nạn làm thế nào để được hạnh phúc thật. Con người sẽ được hạnh phúc thật khi tin vào Chúa Giêsu và đón nhận sứ điệp của Người.

Cầu nguyện: Lạy Chúa Giêsu, cứ theo quan điểm thông thường của người thế gian, tám mối phúc thật mà Chúa đã tuyên bố thật ngược đời, thật khó chấp nhận, bởi loài người vẫn thường nghĩ rằng, để được hạnh phúc, phải thành đạt về tiền bạc, danh vọng và được hưởng lạc thú.

Đã có lúc chính con cũng cảm thấy tám mối phúc thật là những điều ảo tưởng. Hoặc chính con cũng lầm tưởng rằng Chúa ca tụng sự nghèo túng, và nếu sống theo lời Chúa dạy, con sẽ thành một người bạc nhược, tiêu cực và u sầu.

Lạy Chúa, Thánh Kinh cho con hiểu rằng: kẻ nghèo là kẻ coi Thiên Chúa đáng trọng hơn mọi sự ở đời. Họ không cậy dựa vào sự gì mà chỉ cậy dựa vào một mình Thiên Chúa thôi. Trong lòng của họ, Thiên Chúa được đặt chỗ cao nhất.

Vâng, lạy Chúa, xin cho con hiểu được chân lý cao siêu đó. Xin cho con biết noi gương Chúa, cảm nghiệm được cái phúc của kẻ mất mọi sự ở đời, để được chính Chúa là sự giàu sang hạnh phúc đích thực. Xin lấy đi trong trái tim con những ham muốn vật chất, những ích kỷ nhỏ nhen, những hận thù ghen ghét, và lấp đầy trái tim con bằng lòng khiêm nhường nghèo khó, bằng lòng bác ái vị tha và một tình yêu chân thật.

Lạy Chúa, Chúa chính là gia nghiệp và là hạnh phúc của con. Amen.

Ghi nhớ : “Phúc cho những ai có tinh thần nghèo khó”.

  • Suy niệm 1: (Lm. Carôlô Hồ Bạc Xái)

A- Phân tích (Hạt giống…)

Người ta quen gọi đây là bản hiến chương Nước trời. Nước trời là nước hạnh phúc. Muốn vào nước đó phải có 8 đức tính căn bản là:

1/ Tinh thần nghèo khó.
2/ Hiền lành.
3/ Sầu khổ.
4/ Khao khát điều công chính.
5/ xót thương người.
6/ tâm hồn trong sạch.
7/ xây dựng hòa bình.
8/ chịu bách hại vì đức công chính.

B- Suy gẫm (…nẩy mầm)

1. Có thể quy tất cả đức tính ấy vào một đức tính căn bản là “Tinh thần nghèo”. Người có tinh thần nghèo là người: Không màng đến và không cậy dựa vào tiền bạc, danh lợi lạc thú trần gian, ăn thua hơn thiệt đời này, nói cách khác: không màng đến nước trần gian.

Vì căn bản hạnh phúc có tinh thần nghèo, nên có thể nói: hạnh phúc đích thực của Kitô hữu là vứt hết những gì mình có, để được lấp đầy bằng chính Chúa.

2. Hạnh phúc là gì  ?

Xét cho cùng, hạnh phúc là được sống đúng bản chất của mình. Con chim ở trong lồng son không hạnh phúc, nó chỉ được hạnh phúc khi được bay nhảy thoải mái như chim. Con cá chỉ được hạnh phúc khi được bơi lội như cá. Bản chất con người là được Thiên Chúa tạo dựng và được trở về với Thiên Chúa. Bởi đó, Chúa Giêsu dạy hạnh phúc của con người là được ở trong nước Thiên Chúa.

3. Một hôm khi cầu nguyện, một Linh mục xin Chúa cho tra vấn một tên quỷ:

– Nhân danh Chúa, ta hỏi mi: Đâu là nơi hạnh phúc nhất  ?

– Dĩ nhiên là Thiên đàng. Ôi, được nhìn thấy Chúa là tất cả niềm hoan lạc. Nếu có lấy mọi vẻ đẹp của muôn vàn châu báu thế gian và mọi tinh tú trong vũ trụ, rồi đem so sánh với vẻ đẹp của Thiên Chúa, thì tất cả cũng chỉ là một con số không.

– Ngươi đã được hưởng tất cả những thứ đó, tại sao ngươi đánh mất hạnh phúc thiên đàng  ?

– Chỉ vì chúng tôi kiêu ngạo phản loạn. Khổ nỗi là bây giờ đã quá muộn để hối hận. Lúc này dù phải chịu tất cả những cực hình hỏa ngục gom lại cho riêng tôi, tôi cũng sẵn sàng đón nhận, miễn là sau đó tôi được hưởng thiên đàng trong giây lát. Nhưng đã quá muộn rồi!

Thì ra ngay cả quỷ dữ cũng khao khát hạnh phúc. (Chờ đợi Chúa)

4. “Phúc thay cho anh em vì Thầy mà bị người ta sỉ vả, bách hại và vu khống đủ điều xấu xa”. (Mt 5,11)

Ngày 19-6-1988 cả Giáo Hội tại Việt Nam vui sướng vì 117 vị tử vì đạo đã được tuyên hiển thánh. Những nỗi đớn đau tủi nhục vì Chúa Kitô của các Ngài đã được chúc phúc.

Hôm nay, chúng ta cũng không thoát khỏi những khó khăn, đau đớn và tủi nhục trong cuộc chiến cam go loại bỏ tật xấu, dứt khoát với tội lỗi, hay những suy nghĩ tiêu cực nơi chính bản thân. Cuộc chiến ấy đòi hỏi chúng ta phải cam đảm.

Xin các thánh tử vì đạo tại Việt Nam thông truyền cho chúng con dòng máu bất khuất của các Ngài và giúp chúng con biết chiếu tỏa tôn nhan Thiên Chúa nơi chính con người và cuộc sống của chúng con.

  • Suy niệm 2: (Lm. Giuse Đinh Lập Liễm)

Tám mối phúc thật (Mt 5,1-12)

  1. Hôm nay Chúa Giêsu đã vạch ra cho các môn đệ và những người đương thời với Ngài những con đường để đưa đến hạnh phúc. Con đường đó là: tinh thần nghèo khó, hiền lành, chịu đau buồn vì Chúa, khao khát điều công chính và sẵn sàng nhận bị bách hại vì điều công chính đó, hãy thương xót người, có lòng trong sạch, ăn ở thuận hoà. Trung thành với các “mối phúc thật” và gắn vào trong đó lòng mến thì hẳn sẽ đạt được hạnh phúc đích thực là Nước trời.
  2. Hạnh phúc! Một điều mơ ước muôn thuở của con người. Tuy người ta chưa đồng ý với nhau về một định nghĩa của hạnh phúc, nhưng mọi người đều nỗ lực tìm đến hạnh phúc bằng mọi phương tiện và bằng bất cứ giá nào. Giấc mơ lớn nhất của con người là hạnh phúc. Từ xa xưa, triết gia Aristote đã cảm nghiệm được điều này khi ông nói: “Hạnh phúc là một cái mà tất cả mọi người đều tìm kiếm”. Còn triết gia Blaise Pascal bảo rằng: “Ai cũng đi tìm hạnh phúc, kể cả người thắt cổ tự tử”.
  3. Có thể qui tất cả 8 đức tính ấy vào một đức tính căn bản là “Tâm hồn nghèo”. Người có tâm hồn nghèo là người:
  • Mặt tiêu cực: không màng đến và không cậy dựa vào tiền bạc của cải, danh lợi lạc thú trần gian, ăn thua hơn thiệt đời này… (nói cách khác: không màng đến nước trần gian).
  • Mặt tích cực: chỉ ước ao sống tốt theo thánh ý Thiên Chúa và được hưởng những ơn lành Thiên Chúa (nói cách khác: được sống trong Nước trời).

Vì căn bản hạnh phúc là có tâm hồn nghèo, nên có thể nói: hạnh phúc đích thực của Kitô hữu là vứt hết những gì mình có, để được lấp đầy bằng chính Chúa (Lm Carôlô)

  1. Vậy hạnh phúc là gì? Thực ra chưa có một định nghĩa nào về hạnh phúc khả dĩ thúc đẩy mọi người phải công nhận, nhưng xét cho cùng, đối với chúng ta thì hạnh phúc là được sống đúng bản chất của mình. Con chim ở trong lồng son không hạnh phúc, nó chỉ hạnh phúc khi được bay nhảy thoải mái như chim. Con cá chỉ hạnh phúc khi được bơi lội như cá. Bản chất con người là được Thiên Chúa tạo dựng và được trở về với Thiên Chúa. Bởi đó, Chúa Giêsu dạy rằng hạnh phúc của con người là được ở trong Nước Thiên Chúa.
  2. Con người trần thế tìm đủ mọi cách để dành cho được giàu sang, quyền thế, cho dù phải gây thù chuốc hận, cho dù phải gây ra những cuộc chiến tranh tương tàn khốc hại… Đang khi đó Chúa Giêsu lại cho nghèo là một mối phúc. Chắc chắn Ngài không ủng hộ thứ nghèo làm giảm phẩm giá con người. Ngài muốn cho con người có được sự giàu sang vĩnh cửu: được cả Nước trời làm gia nghiệp, chứ không phải thứ giàu sang chỉ đem lại cho con người niềm hạnh phúc chóng vánh ở đời này. Để đạt được thứ giàu sang vĩnh viễn ấy phải biết làm cho mình nghèo đi những thứ của cải tạm bợ và giả trá. Đó là “nghèo”: – nắm giữ chức quyền nhưng không tham quyền cố vị, trái lại phục vụ trong khiêm tốn; – làm ra của cải vật chất nhưng không bị lệ thuộc vào chúng, trái lại biết “hằng ngày dùng đủ” và cảm thông chia sẻ với nhau trong tình anh em. Nghèo như thế, chiến tranh, hận thù mới biến mất, và thế giới này chỉ có tình mến chan hòa. Nghèo như thế mới là hạnh phúc (5 phút Lời Chúa).
  3. Niềm tin của người Kitô hữu thiết yếu hướng về cuộc sống mai hậu: mọi nỗ lực của người Kitô hữu nhằm minh chứng cho mọi người về tính cách siêu việt của cuộc sống và định mệnh của con người. Sống trong thế gian, nhưng không thuộc về thế gian, sống giữa thế gian, nhưng con người phải nhìn về quê hương đích thực là Thiên quốc. Tuy nhiên, niềm tin tưởng về cuộc sống mai hậu ấy không thể làm cho người Kitô hữu xao lãng với những nhiệm vụ trần thế của họ. Họ phải xác tín rằng chính qua những thực tại trần thế, họ mới có thể gặp được những giá trị của Nước trời; chính qua những thực tại trần thế, họ mới đạt được cứu cánh vĩnh cửu của họ. Đây quả là một thách đố lớn lao cho người Kitô hữu ở mọi thời (Mỗi ngày một tin vui).
  4. Truyện: Quỷ dữ cũng khát khao hạnh phúc

Một hôm khi cầu nguyện, một linh mục xin Chúa cho tra vấn một tên quỷ:

  • Nhân danh Chúa, ta hỏi mi: đâu là hạnh phúc nhất?
  • Dĩ nhiên là thiên đàng. Ôi, được nhìn thấy Chúa là tất cả niềm hoan lạc. Nếu có lấy mọi vẻ đẹp của muôn vàn

châu báu thế gian và mọi tinh tú trong vũ trụ, rồi đem so sánh với vẻ đẹp của Chúa, thì tất cả cũng chỉ là con số không.

  • Ngươi đã được hưởng tất cả những thứ đó, tại sao ngươi đánh mất hạnh phúc thiên đàng?
  • Chỉ vì chúng tôi kiêu ngạo phản loạn. Khổ nỗi là bây giờ đã quá muộn để hối hận. Lúc này dù phải chịu tất cả mọi cực hình hoả ngục gom lại cho riêng tôi, tôi cũng sẵn sàng đón nhận, miễn là sau đó tôi được hưởng thiên đàng trong giây lát. Nhưng đã quá muộn rồi!

Thì ra ngay cả quỷ dữ cũng khao khát hạnh phúc (Chờ đợi Chúa).

  • Suy niệm 3: (Lm. Nguyễn Vinh Sơn SCJ)

Câu chuyện

Ở Hoa Kỳ, hằng năm, những hãng xăng dầu thường phát hành miễn phí những tấm bản đồ chỉ đường. Lịch sử của những tấm bản đồ chỉ đường này bắt đầu vào năm 1895, khi tờ báo “Chicago Times Herald” vẽ ra lộ trình của cuộc đua xe hơi từ Chicago tới Waukegan cho các độc giả theo dõi. Từ đó trở đi những người lái xe đã bắt đầu đòi hỏi những bản đồ chỉ đường giữa các thành phố. Những tấm bản đồ vẽ ra những con đường tốt nhất, những chỗ phải đi đường vòng, những điều kiện của xa lộ, những chỗ nghỉ ngơi, đổ xăng và những điểm cần phải chú ý dọc theo bên đường…

Hạnh phúc là điều ai cũng mong tìm và đạt đến trong hành trình của cuộc sống như triết gia Aristốt đã nói xa xưa: “Hạnh phúc là cái mà tất cả mọi người tìm kiếm”. Chúa Giêsu đã chỉ cho chúng ta đường tới hạnh phúc qua tấm bản đồ tám mối phúc thật. Chính sứ mạng của Chúa Giêsu đến thế gian trao cho con người tấm bản đồ để dẫn tới hạnh phúc, một niềm vui nội tại không bị chi phối khi ta sống giữa những hoàn cảnh.

Suy niệm

Chúa Giêsu trong bài giảng trên núi vào đầu sứ vụ của Ngài đã dẫn nhân loại đến với hạnh phúc bằng tám phúc. Mỗi mối phúc mà Chúa Giêsu đề cập, không được con người quan tâm như là những điều may mắn hạnh phúc, trái lại là những khổ đau mà con người luôn tránh. Những hoàn cảnh này Chúa Giêsu tuyên bố: họ hạnh phúc thật.

“Phúc thay ai có tâm hồn nghèo khó, vì nước Trời là của họ”. Người mang tinh thần nghèo khó là ‎ý thức thân phận thiếu hụt của mình nên sẵn sàng mở tâm hồn để Thiên Chúa làm tràn đầy ân sủng. Chính trong thân phận nghèo, họ cảm nhận được sự thiếu thốn và sẵn sàng chia sẻ với anh em cùng khổ.

“Phúc thay ai hiền lành, vì họ sẽ được đất hứa làm gia nghiệp”. Hiền lành và khiêm nhường trong lòng, đó là những gì Chúa Giêsu đã sống và kêu gọi: “Anh em hãy mang lấy ách của tôi, và hãy học với tôi, vì tôi có lòng hiền hậu và khiêm nhường. Tâm hồn anh em sẽ được nghỉ ngơi bồi dưỡng” (Mt 11,29).

 “Phúc thay ai sầu khổ, vì họ sẽ được Thiên Chúa ủi an”. Trong đau khổ con người tham dự vào cuộc thương khó của Đức Kitô, Đấng chia sẻ với những bước đường đau khổ của kiếp người. Tình trạng khổ dưới mắt người đời là vô phúc nhưng được Thiên Chúa chúc phúc và cho tham dự vào cuộc khổ nạn của Thiên Chúa, cho nên chính họ được tham dự vào hạnh phúc vinh quang trong Đức Kitô Phục sinh.

“Phúc thay ai khát khao nên người công chính, vì họ sẽ được Thiên Chúa cho thỏa lòng”. Khao khát nên người công chính là khao khát chính Thiên Chúa và ai trở nên người công chính sẽ được Thiên Chúa bảo vệ: “Linh hồn người công chính ở trong tay Thiên Chúa và chẳng cực hình nào động tới được nữa (Kn 3,1), hơn nữa: “Thiên Chúa yêu người công chính” (Tv 145).

“Phúc thay ai xót thương người, vì họ sẽ được Thiên Chúa xót thương”. Như Chúa Giêsu đã mang trái tim nhân ái xót thương tất cả mọi người, ngay cả những người tội lỗi, Ngài dạy con người lòng xót thương tha thứ trong Kinh Lạy Cha (x. Lc 11,4).

“Phúc thay ai có tâm hồn trong sạch, vì họ sẽ được nhìn thấy Thiên Chúa”. Tâm hồn trong sạch được khắc ghi Luật Chúa (x. Tv 40, 9). Yêu mến Chúa (x. Mt 22,37Mc 12,30Lc 10,27). Được gặp Chúa thổ lộ tâm tình như người yêu với người yêu (x. Hs 2,16-18; 21-22).

“Phúc thay ai xây dựng hòa bình, vì họ sẽ được gọi là con Thiên Chúa”. Người xây dựng hòa bình trên trái đất là đang tham gia thiết lập vương quốc hòa bình mà Thiên Chúa thiết lập Nước Trời bắt đầu nơi trần gian.

“Phúc thay ai bị bách hại vì sống công chính, vì nước Trời là của họ”. Chính trong lúc bị bách hại là cùng chịu khổ nạn và cùng được phục sinh vinh quang với Chúa như thánh Phaolô đã xác quyết: “…vì một khi cùng chịu đau khổ với Người, chúng ta sẽ cùng được hưởng vinh quang với Người” (Rm 8,17).

Hạnh phúc được tính bởi tinh thần với sức mạnh, chúng ta tranh đấu với những vấn đề cuộc sống. Hạnh phúc được sinh ra trong lúc chúng ta đặt trong tim mình những công trình và thực hiện với sự vui mừng và hoan hỉ trong Thiên Chúa bất chấp mọi hoàn cảnh.

Ý lực sống

“Phúc thay người đặt niềm tin cậy vào Chúa” (Tv 40,5).

Nguồn: WGPSG

 

Bài viết liên quan