Sáng thứ Ba 13 tháng 10, 2 người đàn ông Palestine lên một chiếc xe buýt ở Jerusalem và bắt đầu bắn và đâm loạn xạ vào các hành khách. Trong khi đó, một tên tấn công khác tông xe vào một trạm xe buýt trước khi rút dao chém bừa bãi vào những người xung quanh. Ba người Israel và một kẻ tấn công đã thiệt mạng.
Đây là ngày đẫm máu nhất trong một tháng bạo lực vừa qua kể từ ngày Năm Mới của người Do Thái. Người Hồi giáo Palestine đã tức giận vì càng ngày càng có đông người Do Thái thăm viếng Núi Đền (Temple Mount) nơi có nhà thờ Hồi giáo al-Aqsa ở Jerusalem. Bạo động diễn ra hàng ngày với ít nhất 27 người Palestine và 7 người Do Thái đã bị giết. Hôm thứ Ba 13 tháng 10, các nhóm quá khích Palestine kêu gọi tổ chức “Ngày cuồng nộ cuả người Palestine”. Các quan sát viên e ngại tình hình kéo dài có thể phát triển thành cuộc Intifada lần thứ ba.
Núi Đền trong khu Cổ Thành Jerusalem là nơi thánh đối với cả 3 tôn giáo độc thần: người Do thái coi đây là nơi Abraham sát tế con là Isaac và là địa điểm Đền thờ vua Salomon đã xây cất; người Hồi giáo coi đây là nơi thánh thứ 3 của đạo này, sau La Mecca và Medina bên Arập Sauđi, còn đối với các Kitô hữu, đây là nơi Chúa Giêsu đã tiên báo về sự phá hủy Đền thờ Jerusalem.
Trên núi Đền có một sân rộng hình thang dài gần 500 mét và rộng khoảng 300 mét, chiếm 1 phần 6 diện tích của Cổ Thành Jerusalem. Trên sân rộng này có 2 Đền Thờ lớn của Hồi giáo được kiến thiết: Thứ nhất là Đền thờ Mái Vòm đá tảng là đền Hồi giáo cổ kính nhất tại Thánh Địa, lần đầu tiên được xây hồi năm 640 và 47 năm sau đó được thay thế bằng Đền thờ như hiện nay, có hình bát giác, 8 phía đều được trang điểm bằng ngọc quí, và phần dưới bằng cẩm thạch đa sắc. Vật liệu xây cất Đền thờ này lấy từ các thánh đường và đền đài trước đó thời Bizantine và Roma. Thứ hai là Đền thờ Al-Aqsa được kiến thiết hồi thế kỷ thứ 8 và đã trải qua nhiều lần tái thiết.
Theo thoả ước Nguyên Trạng, do Hoàng Ðế Thổ Nhĩ Kỳ Osamn Ðệ Tam đưa ra vào năm 1853, khu vực Núi Đền thuộc quyền tài phán của Jordan. Kể từ khi Israel bắt đầu chiếm đóng vùng phiá Đông Jerusalem và khu Cổ Thành Jerusalem vào năm 1967, người Do Thái đã được phép đến thăm vùng này – nhưng không được cầu nguyện. Khu vực này được điều hành bởi các cơ quan chức năng Hồi giáo dưới sự giám hộ của Jordan.
Trong thời gian gần đây, nhiều nhóm Do Thái Giáo đã tụ tập ngày càng nhiều tại khu vực này khiến người Hồi Giáo lo sợ Do Thái đang âm thầm muốn chiếm khu vực này.
Đặng Tự Do
(vietcatholic.org)