Năm trong số các vị trên được chính các nghị phụ Thượng Hội Đồng bầu lên và gồm Đức Hồng Y Peter Tuckson, Bộ Trưởng Bộ Cổ Vũ Phát Triển Nhân Bản Toàn Diện (Châu Phi), Đức Hồng Y Tổng Giám Mục Mexico City, Carlos Aguiar Retes (Châu Mỹ), Đức Tổng Giám Mục Melbourne, Peter Comensoli (Châu Đại Dương), Đức Hồng Y Tổng Giám Mục Bombay, Oswald Gracias (Châu Á) và Đức Tổng Giám Mục Chieti-Vasto, Bruno Forte (Châu Âu).
Đức Giáo Hoàng cũng đề cử 3 vị giáo phẩm vào Ủy Ban này. Đó là Tổng Giám Mục Giáo Đô của Giáo Hội Công Giáo Hy Lạp của Ukraine, Sviatoslav Shevchuk, Linh mục Ba Tây, cha Alexandre Awi Mello, Tổng Thư Ký Bộ Giáo Dân, Gia Đình và Sự Sống và cha Eduardo Redondo, lo mục vụ ơn gọi cho Giáo Hội Cuba.
Công việc của bộ phận trên là soạn thảo văn kiện để các Nghị Phụ Thượng Hội Đồng thảo luận và bỏ phiếu lần cuối cùng. Việc này được điều hướng bởi Đức Hồng Y Tổng Giám Mục Brasilia, Sérgio da Rocha, Tổng Phúc Trình Viên của Thượng Hội Đồng, Đức Hồng Y Lorenzo Baldisseri, Tổng Thư Ký Thượng Hội Đồng, và hai thư ký đặc biệt, linh mục Dòng Tên Giacomo Costa và linh mục Dòng Salêdiêng Rossano Sala.
Nhiệm vụ đầu tiên của các vị là lấy tư liệu từ các nhóm thảo luận nhỏ, vốn gọi là “circoli minori”, trong đó, có các tư liệu thảo luận về tai tiếng lạm dụng.
Nhóm tiếng Anh “A” viết rằng: “Vấn đề lạm dụng tình dục trẻ em trong Giáo Hội không thể được đọc lướt qua một cách hời hợt trong một vài câu ngắn ngủi… Niềm tin bị tan vỡ, chấn thương và đau khổ suốt đời của các nạn nhân; các thất bại thảm khốc về phía quản trị; sự tiếp tục giữ im lặng và phủ nhận bởi một số người đối với các tội ác khủng khiếp và những tội lỗi này – các vấn đề này đang được lớn tiếng yêu cầu Thượng Hội Đồng công khai nêu lên”.
Nhóm tiếng Anh “D” giải thích rằng “chúng tôi đã dành rất nhiều thì giờ để thảo luận về cuộc khủng hoảng lạm dụng tình dục trong Giáo hội, đặc biệt là về các hậu quả của nó đối với việc truyền giảng Tin Mừng cho giới trẻ.” Phúc trình viết tiếp: “như đã rõ đối với mọi người, tai tiếng này đã làm suy yếu việc làm của Giáo Hội một cách thực tiễn, chính vì nó đã làm tổn hại đến khả tín tính của chúng ta”.
Các vấn đề khác được nêu ra trong các nhóm nhỏ bao gồm tầm quan trọng của việc có một “thừa tác vụ lắng nghe”, cung cấp trợ giúp cho các di dân trẻ và tác động của văn hóa kỹ thuật số đối với sứ mệnh của Giáo Hội.
Nhóm tiếng Đức
Ngày 9 tháng 10, nhóm tiếng Đức của cái gọi là “circuli minori” đã công bố bản tóm lược các chủ đề được thảo luận và tranh luận tại Thượng Hội Đồng về Tuổi Trẻ từ trước đến nay.
Một trong những điều chính mà nhóm nhận thấy ngay lập tức là mặc dù các tình huống cực kỳ khác nhau của các người trẻ trên toàn thế giới, một số chủ đề và vấn đề như các thách thức về tính dục, chủ đề lạm dụng, khó khăn trong việc truyền đạt đức tin, việc kỹ thuật số hóa, vấn đề phụng vụ và bài giảng phải hấp dẫn, chạy trốn và di dân và vấn đề công bằng đối với phụ nữ trong Giáo Hội – đang đối đầu với người trẻ ở khắp mọi nơi.
Nhóm quan sát thấy rằng trong triều Giáo hoàng của Đức Giáo Hoàng Phanxicô hai khái niệm liên tục tái xuất hiện – đó là niềm vui và biện phân. “Chúng tôi nhận ra và muốn nhấn mạnh cả hai đều quý giá và đồng thời thách thức như thế nào để chúng ta tương tác với những người trẻ khác”.
Trong nhiều dịp khi thảo luận phần đầu của Tài Liệu Làm Việc, nhóm tiếng Đức cảm thấy một tiết đặc biệt cần được lồng vào để thảo luận về những căng thẳng mà người trẻ ngày nay đang phải tiếp giáp nhiều cách – “căng thẳng ở trường, căng thẳng do Giáo hội gây ra, mong đợi của cha mẹ chúng tôi, bởi các nhóm đồng trang đồng lứa hoặc sự căng thẳng phát sinh khi một người trẻ thừa nhận rằng mình là một người Công Giáo ”.
Nhóm cũng muốn nhấn mạnh rằng có nhiều lý do khác tại sao những người trẻ xa rời khỏi Giáo hội và đức tin ngoài việc bất tín nhiệm nói chung đối với các định chế, vốn là lý do được thảo luận tại Thượng Hội đồng. Theo ý kiến của nhóm tiếng Đức, có ba yếu tố chính khác. Thứ nhất, sự không tương ứng biểu kiến giữa thế giới quan khoa học hiện đại và các quan điểm được Giáo Hội Công Giáo chủ trương; thứ hai, các vấn đề này – trực tiếp hay gián tiếp – liên quan đến tính dục và liên hệ phái tính, như việc đánh giá ly dị và tái hôn, độc thân, phong chứ phụ nữ và các tai tiếng lạm dụng, và thứ ba là sự kết nối biểu kiến hoặc thường được xác nhận giữa tôn giáo một bên và bên kia là chiến tranh và bạo lực. “Chúng tôi cũng thường thấy rằng giáo xứ không phải là nơi dành cho người trẻ và coi đây là một thách đố để tìm ra các địa điểm và hình thức cộng đồng khác và mới ở bên ngoài các giáo xứ. Những người trẻ có quyền được xem xét các định chế một cách có phê phán và thông thường, các chỉ trích của họ đúng”.
Nhóm A nói tiếng Anh
Nhóm A nói tiếng Anh viết rằng dưới ánh sáng tai tiếng lạm dụng tình dục trẻ em, Giáo hội phải xây dựng lại các mối liên hệ với người trẻ bằng một cảm thức khiêm nhường đổi mới. Nhóm nói: như “một giáo hội khiêm nhường hơn”, và “vì sự mỏng dòn của chúng ta”, “chúng ta có thể thì thầm với sự mỏng dòn của họ: Thiên Chúa yêu thương bạn bất kể ai khác khiến bạn thất vọng. Hãy tín thác vào Thiên Chúa”. Các ngài tự hỏi: còn bằng cách nào khác, Giáo hội có thể đề cập tới vấn đề các linh mục sợ phải phục vụ giới trẻ, và còn bằng cách nào khác các ngài có thể thuyết phục người trẻ rằng đức tin và sự biện phân ơn gọi của họ là điều quan trọng?
Ở nhiều chỗ khác, các Nghị Phụ viết rằng đáp án của Thượng hội đồng phải có tính Kitô học nhiều hơn trong quan điểm của nó: cần phải làm người trẻ hiểu rõ rằng Giáo hội đã tìm cách cùng đi với họ trong yêu thương, giống như Chúa Giêsu đã đồng hành với các môn đệ của Người trên đường Emmaus. Các ngài viết “Mối liên hệ rõ ràng là chìa khóa để gặp gỡ người trẻ”. Các ngài kêu gọi phải lồng các trích dẫn mà các người trẻ từng đóng góp trong cuộc gặp gỡ tiền Thượng Hội Đồng vào tài liệu cuối cùng để giúp nó trở thành ” sống động”, và các suy tư về thế giới kỹ thuật số được nhập lại với nhau để tạo thành một đáp ứng đơn nhất – gồm cả việc bàn đến “sự thu hút thúc ép của ‘nền văn hóa màn hình’ bao gồm phim chiếu, các tiểu phẩm (mini-series) và trò chơi video ”.
Nhóm B nói tiếng Anh
Phản ánh tầm quan trọng của gia đình trong tư cách “người chăm dưỡng chính của đời sống thiêng liêng”, nhóm nói tiếng Anh thứ hai nhìn nhận rằng “có nhiều hình thức gia đình khác với gia đình hạt nhân hoặc gia đình mở rộng”. Nhóm thắc mắc liệu cấp lãnh đạo trong Giáo Hội có buộc các mục tử công bố chân lý của Tin Mừng “bằng cách phủ nhận rằng đây là các gia đình” hay không, hoặc liệu cấp lãnh đạo muốn hiểu phải đồng hành với người trẻ “trong thực tại của chính họ”, lưu ý rằng trong Tin Mừng Gioan, Chúa Giêsu chấp nhận người đàn bà bị bắt quả tang ngoại tình “và đề ra một điều khác”. Các ngài viết: “Liệu chúng ta có thể vừa chấp nhận và thậm chí tôn trọng đơn vị gia đình mà một người trẻ thấy họ đang sống ở trong vừa chia sẻ lý tưởng Tin Mừng với họ hay không?”
Nhóm đã bàn đến vấn đề giúp người trẻ tham dự vào chính Thượng Hội Đồng. Các ngài đề nghị xuất bản các bản cập nhật ngắn, linh hoạt, hàng tuần bao gồm video và hình ảnh. Các ngài cũng kêu gọi Thượng Hội Đồng công bố một thông điệp “gợi hứng, truyền giáo” cho giới trẻ trên thế giới, nói thẳng thắn và trung thực, “chúng tôi muốn lắng nghe các bạn, chúng tôi xin lỗi vì các thất bại của chúng tôi, chúng tôi yêu các bạn và tin tưởng các bạn, chúng tôi muốn đi với các bạn lòng đầy hy vọng”.
Lo ngại người trẻ tuổi có thể không đọc tông huấn do Đức Giáo Hoàng ban hành, các ngài đề nghị xuất bản một “tập hướng dẫn nghiên cứu” ngắn hơn để đi kèm: tập này có thể kết thúc bằng mã vạch QR (QR = câu trả lời ngắn), khi được quét, sẽ mở ra một phòng trò truyện (chatting room) nơi người trẻ có thể gặp nhau để thảo luận các vấn đề được Thượng Hội Đồng nêu ra.
Nhóm C nói tiếng Anh
Nhóm nói tiếng Anh thứ ba cũng bắt đầu với một tập chú mạnh mẽ vào thừa tác vụ gia đình, lưu ý tác vụ này “là một lãnh vực đầy thách thức để chúng ta dấn thân vào”. Thí dụ, các ngài viết, “cha mẹ muốn kiếm tiền để hỗ trợ con cái của họ. Nếu chúng ta bảo họ ở nhà nhiều hơn, lời của chúng ta không được họ đón nhận bao nhiêu”. Các ngài cho rằng chính Giáo hội phải là một gia đình, và nhận xét rằng ở các nước phát triển, Giáo Hội có khuynh hướng bị rút gọn thành một “Thánh lễ trong vòng một giờ vào ngày cuối tuần”. Giáo hội có rất nhiều điều để học hỏi từ các cộng đồng di dân, các cộng đồng mà theo các ngài “cảm thấy cần phải đến với nhau và hỗ trợ lẫn nhau”, và nhóm cũng ca ngợi cách một số cộng đồng – như Đường Tân Dự Tòng (Neocatechumenal Way)- đã tiến xa đến độ chia sẻ cả hàng hóa vật chất.
Nhìn nhận điều tốt trong một số hình thức của các phương tiện truyền thông mới – “những phương tiện này có giúp gặp được những người mới và tạo ra những kết nối mới không?” – Nhóm C nói rằng “việc thế tục hóa không phải là điều chúng ta nên phản đối”. Nhóm nhận xét rằng người trẻ thường mô tả mình là người tâm linh chứ không phải người tôn giáo, nhưng Chúa Thánh Thần “không phải chỉ hiện diện trong Giáo Hội mà cả trong xã hội nữa”.
Các ngài viết “Chúng ta cần phải bảo đảm rằng chúng ta hiểu rõ: những người trẻ không đồng ý với Giáo Hội về tính dục vẫn là chi thể của Giáo Hội “. Các ngài kết luận: Giáo hội cần lắng nghe để mời người ta kết nối: “liệu chúng ta có thể có một thừa tác vụ lắng nghe hay không?”
Nhóm D nói tiếng Anh
Trong một lời chỉ trích mạnh mẽ đối với việc quá tập chú vào phương Tây trong Tài Liệu Làm Việc của Thượng Hội Đồng, Nhóm D cho biết tài liệu đã bỏ qua tình trạng của các Kitô hữu trẻ đang phải đối diện với sự bách hại thực sự vì đức tin của họ và “hoàn toàn theo nghĩa đen, đang chiến đấu cho mạng sống của họ”. Cảnh báo rằng “chính sách thực dân ý thức hệ” của phương Tây đặc biệt gây hại cho giới trẻ, các ngài nói rằng tài liệu làm việc hiện thời không xét đến “những cuộc đấu tranh của những người ở nhiều nước thuộc thế giới thứ ba, nơi sự trợ giúp về kinh tế và y tế của các quốc gia giàu có hơn thường bị cột vào việc phải tùng phục các giá trị luân lý của phương Tây liên quan đến tính dục và hôn nhân”.
Dù thừa nhận rằng “các phương tiện truyền thông xã hội sản xuất ra cả ánh sáng lẫn bóng tối trong đời sống người trẻ”, các thành viên của Nhóm D cảnh báo “việc di dân kỹ thuật số” (digital migration) hay lạc “xa các giá trị gia đình, văn hóa và tôn giáo để đi vào thế giới riêng tư và tự sáng chế ra mình. Nhiều di dân cảm thấy bị bứng gốc khỏi ngôi nhà tâm linh của họ thế nào, thì nhiều người trẻ ở phương Tây cũng có thể trải nghiệm cùng một loại bứng gốc như thế, dù họ vẫn ở tại chỗ về phương diện thể lý.
Các ngài nhận diện một sự căng thẳng giữa các vai trò lắng nghe và giảng dạy của Giáo hội: các ngài viết “nhiều người trẻ ngày nay, giữa một nền văn hóa hậu hiện đại, nổi bật về thuyết duy tương đối và thờ ơ, mong được sự rõ ràng và đáng tin trong tín lý của Giáo hội”.
Ở chỗ khác, nhóm kêu gọi phải khai triển thêm tiết nói về việc lạm dụng tình dục trẻ em; các ngài viết thêm “chúng ta nên minh xác rằng việc cam kết cải cách, trong cả hai vấn đề tính dục và tài chính, có tác dụng ở mọi bình diện trong đời sống của Giáo Hội”.
Nhóm A nói tiếng Pháp
Khi trưng dẫn tầm quan trọng của gia đình trong việc đào tạo người trẻ, Nhóm A nói tiếng Pháp kêu gọi Giáo hội tái khẳng định tầm quan trọng của gia đình như là sự phối hợp ổn định của một người đàn ông và một người đàn bà, cởi mở đón nhận hồng phúc sự sống. Nhóm ca ngợi các gia đình mà họ nói đã phục vụ Giáo Hội cách tuyệt vời bằng cách cho thấy mô hình lý tưởng này là mô hình “khả hữu”.
Trong khi lưu ý rằng Giáo hội có một vai trò phải đóng trong việc đào tạo người trẻ sử dụng các phương tiện truyền thông mới để rao giảng Tin Mừng, Nhóm cũng cảnh báo việc “gián đoạn kỹ thuật số” (une rupture numérique) giữa những người trẻ có kết nối cao ở các thành phố và những người trẻ đang lớn lên ở các khu vực nông thôn.
Trong phần dành riêng nói về số phận các di dân trẻ, nhóm đã nêu số phận của các cộng đồng Kitô hữu ở Trung Đông “những cộng đồng đang thắc mắc về tương lai của họ khi họ thấy các người trẻ của họ ra đi”, thường là “bị quyến rũ” bởi ảo ảnh phương Tây mà không xét gì tới các hậu quả của việc tách rời khỏi lãnh thổ, gia đình và văn hóa của họ. Đồng thời, nhóm cũng cảnh báo về hiện tượng “bài ngoại” đang dâng cao ở châu Âu, và nói rằng Đức Giáo Hoàng Phanxicô vốn mời gọi người Công Giáo “lắng nghe những gì Thiên Chúa nói với họ qua các di dân”.
Khi lưu ý rằng các Kitô hữu trẻ thường bị “chướng tai gai mắt” bởi sự thiếu hiệp nhất Kitô giáo thực sự, nhóm cho hay “những người Công Giáo trẻ đang bắc các cầu nối với những truyền thống tôn giáo khác trong nhiều sáng kiến, cũng như với các tín ngưỡng khác.”
Nhóm B nói tiếng Pháp
Nhóm nói tiếng Pháp thứ hai ân hận điều họ coi là người trẻ bỏ rơi Giáo Hội; nhóm cho rằng người trẻ “thực tế đã đào ngũ khỏi các cộng đồng Kitô hữu”. Nhóm nói rằng: Giáo hội có nhiệm vụ lắng nghe và đeo đuổi họ, giống như Đấng Chăn Chiên Lành. Nhóm kêu gọi Giáo Hội khai triển các phương tiện truyền giảng Tin Mừng mới và những cách thức mới để sống thực đức tin Kitô giáo; được hỗ trợ bởi việc đào tạo các mục tử tốt hơn – cả ở chủng viện – về việc phải đồng hành với người trẻ ra sao. Nhóm nói rằng điều này sẽ giúp đào tạo và dạy dỗ giáo lý cho người trẻ để họ có khả năng làm nhân chứng cho Chúa Kitô trong thế giới.
Nhóm cũng nêu bật các nhu cầu đặc thù của các di dân trẻ, và khuyến khích các giáo hội gặp nhau trên bình diện giáo xứ và giáo phận để giải quyết các vấn đề phát sinh từ việc này.
Nhóm thừa nhận rằng Giáo hội phải cởi mở hơn với người trẻ quanh các vấn đề về tính dục. Nhóm nói rằng “Giáo hội được kêu gọi cập nhật (actualiser) giáo huấn của mình về các chủ đề này, ý thức rằng mình là một đầy tớ cho lòng thương xót của Thiên Chúa”.
Nhóm C nói tiếng Pháp
Nhóm tiếng Pháp thứ ba lưu ý rằng những người trẻ thường phải vật lộn trong việc đồng nhất với đức tin của cha mẹ, nhưng nói thêm rằng họ cũng thường là “các chứng tá hân hoan của đức tin Kitô giáo” khi được Giáo hội hỗ trợ để làm thế. Nhóm cho rằng di dân là một lĩnh vực quan trọng được người trẻ quan tâm; họ lưu ý đến sự cam kết của Giáo Hội đối với công lý và chính trị.
Nhóm A nói tiếng Tây Ban Nha
Nhóm A tiếng Tây Ban Nha nói rằng Thượng hội đồng phải nói chuyện với những người trẻ coi giáo hội như “dửng dưng, thiếu khả năng và bất động”, và cho họ thấy Giáo Hội không phải là nhà độc tài của luật pháp. Các ngài tự hỏi tại sao có quá nhiều người trẻ tách xa khỏi Giáo hội? “phải chăng vì họ không có tiếng nói nào? Họ không được nghe? Phải chăng Giáo Hội là một cấu trúc pháp lý lạnh lẽo?” Các ngài tiếp tục lo lắng “Chúa Giêsu Kitô đang trình bày gì với chúng ta? Một sự thánh thiện lỏng lẻo, ướt át, tầm thường? ”
Nhóm A nói tiếng Tây Ban Nha cảnh báo rằng các phương tiện truyền thông kỹ thuật số và xã hội không phải là không có các cuộc thảo luận về tôn giáo và linh đạo, nhưng Giáo Hội Công Giáo đã bị bỏ lại phía sau.
Nhóm cho rằng Giáo hội cần phải lắng nghe nhu cầu của người trẻ “theo phong cách của Chúa Giêsu”; và sau đó giúp họ biến đổi cấu trúc xã hội và giáo hội. Tuy nhiên, nhóm cảnh báo chống lại sự mất dạng của “các hình thức âm nhạc cổ xưa” của phụng vụ.
Nhóm B tiếng Tây Ban Nha
Nhóm nói tiếng Tây Ban Nha thứ hai lo lắng rằng ngôn ngữ của Thượng Hội Đồng làm như thể người trẻ hiện hữu ở bên ngoài Giáo Hội. Các ngài cho rằng tài liệu cuối cùng phải có phẩm chất Tin Mừng, ngỏ với giới trẻ của thế giới, chứ không chỉ các người trẻ Công Giáo. Nói về việc hoàn cầu hóa như một cơ hội chứ không phải một đe dọa, các nghị phụ Thượng Hội Đồng nói rằng một trong các vai trò của họ là hòa giải hiện đại và cổ truyền, để trình bày “một sự hòa hợp”. Các ngài nói rằng không phải mọi thứ hiện đại đều tốt, và không phải mọi thứ quá khứ đều xấu. Nhóm cảnh báo về ảnh hưởng suy giảm của ông bà trong việc truyền thụ đức tin, đặc biệt là ở Tây Âu và Mỹ.
Nhóm A nói tiếng Ý
Nhóm A nói tiếng Ý viết rằng Chúa Giêsu, khi đồng hành với các môn đệ trên đường Emmaus, ít lưu tâm tới hướng họ đi nhưng lưu tâm nhiều hơn tới việc cùng đi với họ. Các ngài kêu gọi Giáo Hội phải truyền giảng Tin Mừng với cùng một “tình âu yếm và năng lực” được Chúa Giêsu tỏ bầy với các môn đệ của Người, lưu ý rằng Chúa Giêsu sẵn sàng “bước vào đêm đen” khi Người chấp nhận lời mời ở lại với họ tại Emmaus.
Các Nghị Phụ nhấn mạnh rằng người trẻ là “hiện tại” của Giáo Hội, chứ không phải chỉ là tương lai của nó, và thúc giục Thượng Hội Đồng thận trọng đừng tạo ra khoảng cách giả tạo giữa người trẻ và phần còn lại của Giáo Hội.
Nhóm cảnh báo về một bầu khí cá nhân chủ nghĩa trầm trọng, cả bên trong lẫn bên ngoài Giáo hội. Đối với bên trong, các ngài cảnh báo rằng điều này có thể dẫn đến việc ơn cứu rỗi bị coi như một cuộc theo đuổi theo kiểu “tự lấy mình làm trung tâm” thứ “phúc lợi tâm lý học”, xa lìa khỏi cộng đồng và chiều kích bí tích của nó.
Nhóm B nói tiếng Ý
Nhóm nói tiếng Ý thứ hai nói rằng các cuộc khủng hoảng giữa người trẻ phản ánh các cuộc khủng hoảng trong thế giới người lớn và nhận ra một thính cảm tự nhiên của người trẻ đối với việc truyền giảng Tin Mừng và giáo lý, khi được đào tạo đúng cách.
Nhóm kêu gọi các mục tử nói chuyện với người trẻ về cuộc sống xúc cảm và tính dục của họ “một cách rõ ràng, sâu sắc về nhân tính và tương cảm”. Các Nghị Phụ cũng nhấn mạnh tới các nhu cầu đặc thù của di dân, và nhấn mạnh các trường Công Giáo phải là những nơi phát huy “bầu khí sống chung có tính liên văn hóa và liên tôn giáo trong xã hội”, đặc biệt khi có sự lớn mạnh của “các hình thức mới của chủ nghĩa cực đoan và bất khoan dung”.
Nhóm C nói tiếng Ý
Nhóm nói tiếng Ý thứ ba viết rằng Thượng Hội Đồng đã nhận ra nhu cầu trong Giáo hội và xã hội phải có “sự tái cân bằng trong liên hệ đàn ông đàn bà”. Nhóm kêu gọi Giáo Hội tiếp tục cơỉ mở đối với “sự tương tác hữu hiệu” và “chia sẻ trách nhiệm nhiều hơn trong việc xây dựng Nước Trời”.
Với sự tập chú đặc biệt vào việc thờ phượng, Nhóm kêu gọi một nền phụng vụ sống không chỉ ở bên ngoài mà còn hướng tới “các thực tại bên trong”. Nhóm kêu gọi phải phục hồi các bài giảng dựa vào Kinh Thánh “như một cơ hội để đụng tới trái tim của con người”.
Nhóm nói tiếng Bồ Đào Nha
Giáo hội phải gặp những người trẻ tuổi nơi họ đang hiện hữu, nhóm nói tiếng Bồ Đào Nha nhấn mạnh như thế. Nhóm xác định các đại học và cách riêng, thế giới kỹ thuật số, như những không gian thích hợp để truyền giảng Tin Mừng. Khi nhận xét rằng mặt tích cực của các phương tiện truyền thông mới “ít được nhấn mạnh” trong Tài Liệu Làm Việc, Nhóm này viết “Giáo hội cần phải có mặt trong môi trường này qua chính người trẻ”. Các Nghị Phụ đặc biệt kêu gọi các giáo xứ cung cấp không gian vật lý cho người trẻ để họ gặp nhau. Nhận thấy Giáo hội “gặp khó khăn trong việc thông truyền chính xác quan điểm nhân học Kitô giáo về cơ thể và tính dục”, nhóm nói rằng thực hành tốt bao gồm việc đào tạo và đối thoại với những người trẻ trong lĩnh vực này.
Các ngài kết luận “Chúng tôi rất biết ơn khi, lần đầu tiên, tiếng Bồ Đào Nha – một ngôn ngữ được khoảng 350 triệu người sử dụng – đã được đưa vào làm ngôn ngữ chính thức của Thượng Hội Đồng. Và chúng tôi yêu cầu từ nay, phong tục tốt đẹp này được tiếp tục”.