Kỷ niệm 5 năm hoạt động (2008-2013), Caritas Việt Nam tổ chức Hội nghị tại TGM Xuân Lộc.
Năm nay, kỷ niệm 10 năm hoạt động (2008-2018), Caritas Việt Nam tổ chức Hội nghị tại TGM Xuân Lộc với chủ đề: “Liên đới để thăng tiến”, từ ngày 23-25.10.2018.
Tham dự Đại Hội có Đức Tổng Giám Mục Marek Zalewski, đại diện không thường trú của Toà Thánh tại Việt Nam; Đức Tổng Giám Mục Giuse Nguyễn Chí Linh, Chủ tịch HĐGMVN; Đức Giám Mục Tôma Vũ Đình Hiệu, Chủ tịch UBBAXH; Đức Giám Mục Giuse Đinh Đức Đạo, Gm Gp Xuân lộc; Đức Giám Mục Alosiô Nguyễn Hùng Vị – Phó Chủ tịch UBBAXH; Đức Giám Mục Anphongso Nguyễn Hữu Long, Chủ tịch UBLBTM; Đức ông Vinh Sơn Đặng Văn Tú; cha Giuse Đào Nguyên Vũ; cha Antôn Nguyễn Ngọc Sơn; các vị đại diện các Dòng tu; các vị ân nhân; các vị từng phục vụ Caritas; các đại biểu của 26 Caritas Giáo phận, Ông Zar V. Gomez, Tổng thư ký Caritas Á Châu; Ông Marc D’Silva, và Bà Elizabeth R. Pfifer, Hội Catholic Relief Services, Bà Wegner-Schneider Christine và Ông Hubert Heindl, đại diện Caritas Đức.
Từ chiều ngày 22/10, ban tổ chức đã đón tiếp ân cần các đại biểu từ các Giáo phận. TGM Xuân Lộc nhiều cơ sở nên thật rộng thoáng và khang trang, các tham dự viên được phục vụ thật ân cần chu đáo.
Qua 3 ngày, các tham dự viên đã lắng nghe nhiều bài tham luận, những chia sẻ về việc hỗ trợ giúp đỡ người nghèo và các hoạt động phong phú xuyên suốt 10 năm qua của Caritas mọi miền đất nước.
1. Ngày thứ nhất
Khởi đầu: kinh sáng và thánh lễ tại Nhà nguyện TGM.
Lúc 8g sáng, các tham dự viên vào hội trường, bắt đầu chương trình hội thảo “Liên đới để thăng tiến”. Cha Vinh sơn Vũ Ngọc Đồng, giám đốc Caritas Việt Nam trình bày đề tài: “Liên đới theo giáo huấn của Giáo hội”.
Sự liên đới làm nổi bật một cách đặc biệt bản tính xã hội nội tại của con người, sự bình đẳng của mọi người về phẩm giá và quyền lợi, cũng như con đường chung cho các cá nhân và các dân tộc tiến tới sự thống nhật với mộ ý thức ngày càng cao.Liên đới một nguyên tăc xã hội và là một đức tín luân lý. Liên đới và sự phát triển chung của nhân loại. Liên đới trong cuộc đời và thông điệp của Đức Giêsu Kitô. Liên đới là đức tính ưu tiên nhắm đến công ích và được tìm thấy nơi những người dấn thân lo cho ích lợi của của người thân cận tới mức, theo nghĩa Tin Mừng, sẵn sàng “liều mất bản thân mình” vì người khác thay vì khai thác người khác, sẵn sàng “phục vụ người khác” thay vì áp bức người khác vì ích lợi riêng.
Sau đó, các tham dự viên chia thành 3 tổ thảo luận theo chủ đề.
Nhằm đáp ứng những hoạt động của Caritas các giáo phận, Caritas Việt Nam thường xuyên tổ chức những khóa đào tạo chuyên môn để trợ giúp những kỹ năng cần thiết cho các thành viên. Tất cả nhằm “Liên đới để thăng tiến và thăng tiến để phục vụ” mỗi ngày một hiệu quả hơn.
Buổi chiều, Anh Giacôbê Hoàng Thanh Linh (MBA), giám đốc công ty tư vấn và phát triển kỹ năng Thành Nhân, trình bày đề tài: “Kỹ năng lãnh đạo”.
Đối với bất kỳ một tổ chức, hay một nhóm nào đó, đều cần có người lãnh đạo. Lãnh đạo là người dẫn đường, dẫn dắt, và hướng dẫn người khác hay một tổ chức nào đó. Lãnh đạo là kỹ năng thúc đẩy người khác hành động theo hướng đạt được những mục tiêu chung đề ra. Lãnh đạo là một nghệ thuật kích thích con tim và khối óc của cấp dưới để đạt được những kết quả mong đợi. Lãnh đạo là truyền cảm hứng và định hướng cho hành động của cấp dưới. Vai trò của lãnh đạo là khơi dậy tiềm năng của nhân viên, tạo sự kết nối giữa những người có liên quan, thúc đẩy sự thay đổi cá nhân và tổ chức, xác định được tầm nhìn… Sau đó, với câu hỏi lãnh đạo làm nên tầm nhìn hay tầm nhìn làm nên lãnh đạo? Câu trả lời không phải lãnh đạo tạo nên tầm nhìn mà chính “tầm nhìn” của người đứng đầu tổ chức tạo nên sự lãnh đạo, đã cho thấy tầm quan trọng của người lãnh đạo là cần có tầm nhìn. Việc áp dụng cửa sổ Johari cho người lãnh đạo là rất cần thiết. Người lãnh đạo là người biết cởi mở chính mình, người thấu hiểu về mình và người khác, người biết đón nhận những phản hồi, và biết lắng nghe sẽ tạo được niềm tin và xây dựng được mối tương quan tốt. Như thế lãnh đạo mới hiệu quả.
Thái độ và phong cách của người lãnh đạo cũng là yếu tố thiết yếu trong việc điều hành. Một người lãnh đạo cần phải có sự chân thành, hiểu và thông cảm với cấp dưới của mình. Người lãnh đạo cần xây dựng được mối tương quan tốt với cấp dưới và không nên có thái độ “cấp trên.” Chất lượng lãnh đạo phần lớn phụ thuộc vào Trí tuệ cảm xú (EQ) của người lãnh đạo. Nếu người lãnh đạo nhận biết được cảm xúc của mình và người khác, hiểu được cảm xúc của mình cũng như của người khác, biết tạo ra cảm xúc, và quản lý cảm xúc của mình và của người khác, thì tạo được sự tthành công trong việc lãnh đạo. Sau cùng là phần trình bày về bốn phong cách lãnh đạo: phong cách lãnh đạo độc đoán, tự do, dân chủ và lãnh đạo theo tình huống. Trong lãnh đạo theo tình huống có bốn kiểu: (1) Hướng dẫn/chỉ đạo (2) Tư vấn/huấn luyện, (3) Động viên, (4) uỷ quyền (hoàn toàn tin tưởng trao quyền). Tuỳ theo khả năng cấp dưới, tuỳ nhân viên mới hay cũ, tuỳ tính cách của mỗi nhân viên mà người lãnh đạo áp dụng phong cách nào cho phù hợp. Ngoài ra người lãnh đạo luôn cần có sự lắng nghe, sẵn sàng nhận phản hồi để có thể điều chỉnh con người của mình và cho việc lãnh đạo tốt hơn.
Tiếp đến, Nữ tu Jacinta Dương Hoàng Anh Thư, Ban Phòng chống buôn bán người, chia sẻ thực trạng xã hội. Trong những năm gần đây, nạn buôn bán người diễn ra rất tinh vi và độc ác. Rất nhiều phụ nữ, trẻ em gái bị lừa đảo ép làm nô lệ tình dục. Các bé trai bị ép làm những công việc nặng nhọc hay bị bán cho các chủ tàu đánh cá… Không ít số người bị bắt cóc để lấy nội tạng. Họ có thể bị chết hay bị di chứng nghiêm trọng vì không được chăm sóc y tế.Chính phủ Việt nam cũng báo động về tình trạng buôn bán người, theo báo chí ghi nhận, hiện nay nạn buôn người xảy ra khắp 64 tỉnh thành của Việt Nam. Vì đây là hình thức mang lại lợi nhuận rất lớn cho bọn buôn người. Phần lớn nạn nhân người Việt Nam ban đầu được giới thiệu việc làm ở nước ngoài, hoặc được môi giới hôn nhân, và sau cùng bị lừa đảo sang nước ngoài. Phần lớn nạn nhân bị buôn bán sang Trung Quốc, Campuchia, Lào và các nước khác. Họ bị ép làm nô lệ tình dục, bị cưỡng bức lao động. Đa phần nạn nhân ban đầu do muốn thay đổi số phận, do thiếu thông tin,và cả tin vào các nhà môi giới. Vì vậy mà họ đã bị sa vào tay bọn buôn người. Trước tình trạng báo động như vậy, Caritas Việt Nam kết hợp với Caritas các Giáo phận nỗ lực truyền thông cho các bạn trẻ tinh thần cảnh giác cao độ, để bảo vệ chính mình cũng như những người thân, tránh rơi vào những cạm bẫy của bọn buôn người. Từng bước thành lập nhóm Tình Nguyện Viên để họ cùng chung tay tuyên truyền, gặp gỡ những bạn trẻ, phụ huynh, để giúp họ hiểu biết thêm và tránh rơi vào nạn buôn người.
Nữ tu Anna Vũ Thị Kim Hồng, phụ trách Ban di dân của Caritas Việt Nam chia sẻ. Góp phần với những người di dân nghèo tại Việt nam, rất nhiều con em di dân không đủ điều kiện vào các trường công lập, hay hoàn cảnh khó khăn không được đến trường. Vì vậy, Caritas Việt Nam đã giúp đỡ và hỗ trợ cho các em được tiếp cận giáo dục, tạo sân chơi bổ ích, bình đẳng với các trẻ em khác. Việc cộng tác với các trường tư để mở lớp phổ cập, hỗ trợ bữa ăn sáng, thành lập thư viện, dự án giáo dục hè, tập huấn cho các giáo viên… là những hoạt động của Caritas Việt Nam. Trong tương lai, Ban Bác Ái Di Dân – Caritas Việt Nam nhắm tới việc: Mở rộng mô hình thư viện, tiếp tục giúp đỡ trẻ di dân có hoàn cảnh khó khăn. Trẻ di dân không những được tiếp cận giáo dục mà còn được tiếp cận về mặt đạo đức, nhân bản, tâm linh, kết nối và mở rộng mạng lưới tại các Giáo phận.
Ngoài ra Caritas Việt Nam còn đào tạo nghề và giới thiệu việc làm cho các bạn trẻ có công ăn việc làm ở Nhật. Đây là nỗ lực của Caritas Việt Nam đang dấn thân cho những người di dân nghèo, sánh như giọt nước trong đại dương. Hơn bao giờ hết, người di dân đặc biệt là các con em di dân, những thanh niên đang độ tuổi cống hiến cho gia đình và xã hội rất cần đến sự nâng đỡ, hỗ trợ về mọi mặt để họ được sống đúng với giá trị nhân phẩm của con người.
Kinh chiều kết thúc một ngày làm việc.
2. Ngày thứ hai
Lúc 7g45, bắt đầu chương trình Khai mạc Hội nghị. Cha Vinh Sơn Vũ Ngọc Đồng, giới thiệu và chào mừng.
Đức Cha Tôma – Chủ tịch Caritas Việt Nam, đọc diễn văn khai mạc Hội Nghị Caritas Việt Nam 2018.
Sau 10 năm thành lập Caritas Việt Nam, một thời gian không dài nhưng cũng đủ để chúng ta nhìn lại hành trình cùng sát cánh bên nhau để phục vu trong yêu thương. Mười năm tự hào về những gì đã làm được cho những người kém may mắn, đã tạo được sự uy tín với các đối tác, với các ân nhân. Tuy nhiên, chúng ta không chỉ dừng lại với những kết quả đã thu lượm bằng hành trang thiết yếu là sự chuyên nghiệp, và trách nhiệm của một nhân viên Caritas, nhưng chúng ta còn cần phải thăng tiến hơn nữa, thăng tiến trong tình liên đới.
“Liên đới để thăng tiến” không chỉ là một nguyên tắc nhưng còn là một nghệ thuật để việc phục vụ của Caritas được tốt hơn, hiệu quả hơn, phù hợp với kế hoạch và tinh thần bác ái xã hội của Giáo hội như Thư Mục vụ 2006 của Hội đồng Giám mục Việt Nam đã mời gọi: “Đời sống bác ái có thể thực hành bằng nhiều cách. Chúng tôi mời gọi anh chị em hãy phát huy tinh thần liên đới và yêu thương phục vụ Tin Mừng Chúa Giêsu, phục vụ sự sống và phẩm giá con người, đặc biệt những người nghèo khổ, nghèo kiến thức, nghèo vật chất, nghèo tình thương, nghèo niềm hy vọng, nghèo hạnh phúc.” (số 6).
Liên đới là chiều kích sâu thẳm của con người sống với nhau trong xã hội. Liên đới bao hàm ý tưởng hiệp nhất, chia sẻ cảnh ngộ, cảm thương những phận đời hẩm hiu và tự cảm thấy một thứ trách nhiệm nào đó trước những nỗi bất hạnh xảy đến cho nhân loại. Theo quan điểm Công Giáo, Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II gọi liên đới là một “nhân đức Kitô giáo”, là một hình thức hiện đại hoá của bác ái Kitô giáo.
Ngài lần lượt triển khai “Liên Đới để Thăng Tiến” dưới ba khía cạnh: (1) Liên đới trong cơ cấu văn phòng Caritas; (2) Liên đới trong mạng lưới Caritas; (3) Liên đới với đối tác và các tổ chức trong và ngoài Giáo hội. Ngài mời gọi các thành viên Caritas tiếp tục dấn thân phục vụ cho những người nghèo khổ đang rất cần vòng tay quảng đại của mọi người, đồng lòng quyết tâm liên đới với nhau để cùng thăng tiến trong yêu thương và phục vụ.
Tiếp theo, Cha Vinh Sơn Đồng đọc điện văn chúc mừng của các tổ chức Quốc Tế. Và ngài báo cáo tóm lược các hoạt động của Caritas Việt Nam cũng như hoạt động của Caritas 26 Giáo phận trong năm 2018 và 10 năm hình thành và phát triển của Caritas Việt Nam qua phim phóng sự.
Lúc 9g30,Thánh lễ Khai Mạc Hội Nghị
Đức TGM Giuse Nguyễn Chí Linh chủ tế và Đức TGM Marek Zalewski giảng lễ.
Trong bài giảng Đức TGM Marek nhấn mạnh hình ảnh “muối” và “ánh sáng” trong Tin Mừng (Mt 5, 13-16) để soi sáng cho các thành viên Caritas sống sứ mạng của mình. Ngài chia sẻ hình ảnh muối và ánh sáng. Bản chất của muối là mặn. Muối không thể tồn tại nếu không mặn. Ánh sáng không phải là ánh sáng nếu không toả sáng và ánh sáng luôn toả sáng cho người khác. Các thành viên Caritas cũng được mời gọi sống sứ mạng của mình là muối và ánh sáng cho người khác. Đức TGM Marek mời gọi các thành viên Caritas sống sứ mạng môn đệ Đức Kitô là yêu thương và giúp đỡ người nghèo. Như lời nhắn nhủ của ĐTC Phanxicô, làm sao cộng đoàn Caritas luôn vươn cánh tay rộng ra khỏi Giáo phận đến với mọi người.
Đến 11giờ, Ban Tôn giáo chính phủ và các vị đại diện chính quyền Tỉnh Đồng nai, Thị xã Long khánh đến tặng hoa và chúc mừng hội nghị.
Đức TGM Marek Zalewski ban huấn từ. Ngài lược qua lịch sử tái thành lập Caritas Việt Nam, một lần nữa ngài nhấn bác ái rằng, thuộc về bản chất của Giáo hội, mỗi thành viên Caritas cần cộng tác vào chương trình phát triển con người, xây dựng tình liên đới với người nghèo, giúp họ đạt tới nhân phẩm con người và có cuộc sống chất lượng hơn.
Buổi chiều
Các bài tham luận:
Đức cha Anphongsô Nguyễn Hữu Long, GM Phụ tá GP Hưng Hóa, Chủ tịch Ủy ban Loan Báo Tin Mừng đã có bài tham luận: “Liên Đới Để Thăng Tiến”.
Cha Giuse Đào Nguyên Vũ, chánh VPHĐGMVN, thư ký UBMVDD đã khơi gợi lên về ý nghĩa của từ Liên Đới và Thăng Tiến và làm sao để sự liên đới giữa UBBAXH và Mục Vụ Di Dân ngày một liên đới với nhau và mỗi ngày được Thăng Tiến. Cha cũng chia sẻ sự trăn trở mục vụ cho những người di dân và ước mong UBMVDD được cộng tác với Caritas trong việc mục vụ cho người di dân.
Đức cha Giuse Đinh Đức Đạo, chủ tịch UBGDCG với bài tham luận, có chủ đề: “Chiều Kích Tâm Linh Của Công Việc Bác Ái ”. Đức Cha nhấn mạnh đến tầm quan trọng của khía cạnh tâm linh trong công tác bác ái. Thứ hai Đức cha trình bày về yếu tố tâm linh trong công tác bác ái. Để có được cái tâm, người được sai đi (làm công việc bác ái) phải nghe được tiếng Chúa nói. Kế đến, người được sai đi phải biết chạnh lòng thương người nghèo như Chúa chạnh lòng thương. Sau một vài gợi ý từ Tin mừng, Đức Cha mong ước người làm bác ái cần chuyển mình ở ba chiều kích: (1) Nhìn việc mình làm: từ việc thực hiện công tác bác ái xã hội sang thi hành một sứ mệnh; (2) Nhìn người làm: từ người thực hiện công tác bác ái xã hội sang sứ giả của Thiên Chúa tình yêu và cứu độ; (3) Nhìn người lãnh nhận: từ một người đói sang hiện thân của Chúa Kitô và cần ơn cứu độ của Người.
Tiếp đến là phần chia sẻ về “Hỗ trợ người nghèo thuộc Caritass 26 Giáo phận” của gia đình ông bà Vinh – Tuyết.
Sau đó là phần chia sẻ thực tiễn: “Hỗ trợ các em khuyết tật” và “Viện Dưỡng Lão Suối Tiên” do Dòng Nữ Tỳ Thánh Thể và Dòng Đa Minh Tam Hiệp đảm trách.
Buổi tối chương trình văn nghệ do Caritas Xuân lộc thực hiện với nhiều tiết mục thật cảm động. Chương trình gồm ba phần: gặp gỡ trong yêu thương; bước chân phục vụ; và nới rộng vòng tay yêu thương. Chương trình gây ấn tượng và cảm động bởi những tiết mục đóng góp do chính các sở bác ái như Mái ấm Khiếm Thị Long Thành, cơ sở khuyết tật Hoa Hồng, Cô Nhi Đồng Tâm do các Dòng MTG Thủ Đức, Đa Minh Tam Hiệp, MTG Quy Nhơn phụ trách. Ngoài ra, chương trình còn có sự đóng góp của các ca sĩ, ca đoàn Giáo xứ Võ dõng, học sinh Trường Cao Đẳng Hòa Bình Xuân Lộc. Những tiết mục văn nghệ để lại trong lòng người xem những cảm xúc ưu tư về những mảnh đời bất hạnh.
3. Ngày thứ 3
Sau kinh sáng,Thánh lễ do Đức cha Aloisiô Nguyễn Hùng Vị chủ tế và giảng lễ.
Lúc 7g45, đại diện 3 Giáo tỉnh chia sẻ về những hoạt động 10 năm Caritas.
Cha Gioan Baotixita Vũ Văn Kiện, Caritas Giáo tỉnh Hà Nội trình bày về quá trình hình thành và phát triển của các Caritas Giáo phận trong Giáo tỉnh. Qua báo cáo tóm lược của các Giáo phận cho thấy nhân viên văn phòng và mạng lưới Caritas Giáo xứ tại các Giáo phận mỗi ngày một phát triển. Tiếp đến là phần chia sẻ về một số hoạt động liên đới giữa các Caritas Giáo phận. Caritas các Giáo phận có những hoạt động như ngày họp mặt, tổ chức các lớp tập huấn nâng cao năng lực cho các nhân viên, tham dự những chương trình do Caritas Giáo phận tổ chức, thiết lập quỹ phòng chống và cứu trợ thiên tai.
Tiếp theo Cha Marcello Đoàn Minh, Caritas Giáo tỉnh Huế. Giáo tỉnh Huế nằm trên địa bàn rộng lớn với khí hậu khắc nghiệt. Nơi đây có rất nhiều sắc tộc, bệnh nhân phong, người nghèo, người khuyết tật… Hàng năm, người dân phải hứng chịu biết bao thảm hoạ do thiên tai gây ra. Trước tình cảnh này, văn phòng Caritas các Giáo phận được lập ra để có thể giúp cho công việc bác ái hiệu quả. Trong mười năm qua, số tình nguyện viên ngày một gia tăng và sau đó trở thành hội viên Caritas. Cha Giám đốc Caritas Nha Trang trình bày về những hoạt động của Caritas giáo phận. Caritas Nha trang liên đới với các Dòng tu, giáo dân và chính quyền để phục vụ người nghèo không phân biệt lương giáo với các hoạt động như: Cứu trợ thiên tai, xây dựng nhà cửa cho những nạn nhân bị thiên tai, hạt gạo tình thương cho các hộ gia đình nghèo, trao tặng xe lăn cho người khuyết tật, mổ mắt, trao tặng học bổng cho các con em có hoàn cảnh khó khăn, tổ chức quyên góp cho người nghèo, cung cấp nước sạch, bảo vệ sự sống, chôn cất thai nhi và giúp cho các bà mẹ mang thai giữ lại con.
Cha Giacôbê Hà Văn Xung, Caritas Giáo tỉnh Sài Gòn, trình bày về việc hình thành và phát triển của Caritas các Giáo phận. Các Caritas tại các Giáo phận, Giáo hạt và Giáo xứ có hội viên và tình nguyện viên ngày một tăng. Với những Giáo xứ chưa có mạng lưới Caritas nhưng vẫn luôn có những hội bác ái lo cho người nghèo. Sau đó, cha chia sẻ về một số hoạt động liên đới của các Caritas trong Giáo tỉnh. Các Caritas Giáo phận có những buổi tập huấn chung để nâng cao năng lực và học hỏi lẫn nhau nhờ đó các Caritas Giáo phận có thể áp dụng cho các hoạt động phục vụ người nghèo của mình. Các Caritas kết hợp cùng nhau giúp cho các hoạt động người nghèo như cung cấp học bổng cho các học sinh, sinh viên nghèo, giúp bệnh nhân nghèo, đào tạo nghề cho thanh thiếu niên, hỗ trợ giúp nhau để làm các thủ tục pháp lý…
Sau các bài chia sẻ trên, Hội nghị đã dành thời gian còn lại trong ngày để thảo luận về việc liên đới giữa các mạng lưới Caritas để thăng tiến. Sau đó là phần chia sẻ, đóng góp ý kiến và đưa ra những quyết định.
Cha Vinhsơn đúc kết nội dung chương trình Hội nghị và ngài đại diện ban tổ chức cảm ơn Quý Đức Cha, Quý Cha và toàn thể Quý Đại biểu về tham dự Hội nghị. Lời cảm ơn đặc biệt được gởi Đức Cha Giuse, Quý Cha, Quý Thầy và toàn thể những người cộng tác đã đón tiếp, phục vụ và tạo mọi điều kiện thuận lợi cho sinh hoạt của các Đại biểu suốt những ngày qua.
Đức cha Tôma bế mạc hội nghị.
Giờ chầu Thánh Thể do Cha Vinh sơn chủ sự với tâm tình tạ ơn Thiên Chúa đã ban muôn ơn lành.
Hội nghị thường niên năm 2018 kết thúc trong tâm tình tri ân Thiên Chúa và cảm ơn nhau, cùng mở ra cho một năm mới của Caritas Việt Nam với nhiều đổi mới và nổ lực hơn trong việc liên đới để thăng tiến nhằm phục vụ yêu thương.
Ngày 2/7/2008, Caritas Việt Nam chính thức trở lại với tư cách pháp nhân đầy đủ sau 32 năm ngưng hoạt động.
Ngày 22-23/10/2008, Caritas Việt Nam tổ chức Lễ Ra Mắt tại TGM Xuân Lộc, và đã soàn thảo công bố quy chế, nội quy hoạt động của Caritas Việt Nam theo tinh thần của Công đồng Vaticanô II, của các văn kiện như: “Tóm lược học thuyết xã hội của Giáo Hội Công Giáo”, Thông điệp “Deus Caritas est” của Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI.
Tháng 3/2011, Caritas Việt Nam gia nhập Caritas Á châu.
Tháng 5/2011, Caritas Việt Nam gia nhập Caritas Quốc tế, là thành viên thứ 164 trong tổng số 165 thành viên.
Sau 10 năm hoạt động, Caritas Việt nam đã xây dựng cơ cấu văn phòng, thiết lập và cũng cố cơ cấu văn phòng Caritas 26 Giáo phận, thiết lập mạng lưới Caritas tại các Giáo xứ, và đã đóng góp rất nhiều lãnh vực bác ái xã hội phục vụ người nghèo trong yêu thương trên mọi miển đất nước.
Caritas Việt Nam kỷ niệm 10 năm thành lập với 3 điểm nhấn. Một điểm dừng: nhìn lại để tạ ơn; từ ngày thành lập đến từng bước phát triển, thấy rõ Chúa luôn đồng hành, các vị mục tử quan tâm nâng đỡ, nhớ lại tất cả mà tạ ơn Chúa. Một điểm nhấn, nhắm vào hiện tại với bao lãnh vực bác ái xã hội cần quan tâm để nổ lực dấn thân phục vụ. Một điểm tái khởi hành, trong tinh thần liên đới để thăng tiến, yêu thương và hiệp nhất, hòa hợp tin cậy và truyền giáo.
10 năm, một thời gian không dài nhưng cũng đủ để suy gẫm về hành trình của những hành động yêu thương. Nhìn lại chặng đường đã qua, Caritas cảm nhận được tình yêu thương và sự đồng hành của Thiên Chúa trong suốt dọc dài thời gian phục vụ.
Chỉ có thời gian mới hiểu được giá trị của tình yêu. Mười năm hôm nay mở đường cho 10 năm ngày mai và cho cả tương lai đang vẫy gọi phía trước.
Kỷ niệm 10 năm hoạt động của Caritas Việt Nam là cơ hội để canh tân lời cam kết “dấn thân cho và với người nghèo” là lời mời gọi nỗ lực kiên trì hơn mỗi ngày để ghi lại những dấu ấn mến thương trong lòng dân tộc.
Lm Giuse Nguyễn Hữu An