Cha sở giáo xứ của tôi, trong bài giảng Thánh Lễ Chúa Nhật vừa rồi, nhân nói về vụ Đức Hồng Y Pell bị 1 phần công luận đối xử bất công, có nhận định một tình huống éo le của xã hội hiện đại: rất khoan dung mà cũng rất bất khoan dung. Khoan dung với bạn hay những người cùng phe hoặc được mình bênh vực, nhưng bất khoan dung với thù hay những người mình bất đồng về bất cứ phương diện nào.
Nhận định của cha sở tôi tình cờ trùng hợp với nhận định của Arthur C. Brooks, một học giả về chính sách công và là chủ tịch của The American Enterprise Institute, một thứ thinktank (cơ quan nghiên cứu) về chính sách công. Ông có học vị tiến sĩ và là một giáo sư về chính sách công trong 20 năm qua.
Trong một bài báo đăng trên New York Times ngày 2 tháng Ba, 2019, tựa là “Our Culture of Contempt”, Giáo Sư Brooks cho rằng các dị biệt chính trị đang xé nát Hoa Kỳ, nhận chìm các ý nghĩ to lớn, viễn mơ về chính sách của ông. Các nhà khoa học chính trị nhận ra rằng “quốc gia của chúng ta đang phân cực hơn bao giờ hết kể từ thời Nội Chiến. Một trong sáu người Mỹ ngưng nói chuyện với một thành viên trong gia đình hay một bạn bè thân thiết chỉ vì cuộc bầu cử 2016. Hàng triệu người tổ chức cuộc sống xã hội và việc đọc tin tức của họ dọc theo đường ý thức hệ để tránh những người có các quan điểm trái ngược lại”.
Và ông hỏi: Đâu là vấn đề? Theo ông, bài báo năm 2014 trong Proceedings of National Academy of Sciences (Biên Bản Hàn Lâm Viện Khoa Học Quốc Gia) về “motive attribution asymmetry” (bất cân xứng trong việc gán động cơ), tức giả thuyết cho rằng ý thức hệ của bạn dựa trên tình yêu, trong khi ý thức hệ của địch thủ bạn dựa trên hận thù, có thể cho ta một câu trả lời. “Các nhà nghiên cứu thấy rằng một người Cộng Hòa và một người Dân Chủ trung bình ngày nay đang mắc một mức độ bất cân xứng trong việc gán động cơ có thể so sánh với cùng việc này nơi người Palestine và người Do Thái. Mỗi bên nghĩ mình được thúc đẩy bởi lòng nhân, trong khi bên kia là tên ác và được lên động cơ bởi hận thù, và do đó là kẻ thù mình không thể thương lượng hay thỏa hiệp.
Brooks nhận định rằng: “Người ta thường bảo các vấn đề của chúng ta ở Hoa Kỳ ngày nay là bất lịch thiệp (uncivility) hay bất khoan dung. Điều này không đúng. Bất cân xứng trong việc gán động cơ dẫn tới một điều còn tệ hơn thế: miệt thị (contempt), một thứ nung nấu giận dữ và bất tín đầy tai họa. Và không chỉ miệt thị ý nghĩ của người khác mà là chính người khác. Nói theo triết gia Arthur Schopenhauer, khinh miệt là ‘niềm xác tín nguyên tuyền rằng người khác hoàn toàn vô giá trị’”.
Theo ông, “rất dễ nhận diện các nguồn gốc của việc bất cân xứng trong việc gán động cơ: các chính khách gây chia rẽ, những cái đầu la hét trên truyền hình, những nhà bỉnh bút [columnists] đầy hận thù, những nhà tranh đấu đầy giận dữ tại các khuôn viên đại học và gần như mọi thứ trên các cỗ máy miệt thị của các phương tiện truyền thông xã hội. Cái thứ ‘mặc cảm lăng nhục có tính kỹ nghệ [outrage industrial complex]’ này hoạt động bằng cách chỉ phục vụ cho một bên của ý thức hệ, tạo nên một loại nghiện ngập bằng nuôi dưỡng ý muốn tin rằng ta hoàn toàn đúng, còn phía bên kia hoàn toàn gồm những tên ba que xỏ lá và đần độn. Nó ve vuốt các thiên kiến của ta trong khi quả quyết nhiều giả thuyết tồi tệ nhất về những kẻ bất đồng ý kiến với ta.
“Miệt thị biến thỏa hiệp và tiến bộ chính trị thành bất khả. Nó cũng làm ta bất hạnh như một dân tộc. Theo Hội Tâm Lý Học Hoa Kỳ, cảm quan bị bác bỏ, thường được cảm nhận sau khi bị đối xử cách miệt thị, làm gia tăng sự lo âu xao xuyến, trầm cảm và buồn rầu. Nó cũng phá hoại người miệt thị bằng cách kích thích hai kích thích tố cortisol và adrenaline. Trong cả hai phương diện công cộng và bản thân, miệt thị đều gây cho ta các thiệt hại trầm trọng.
“Trong khi ta ghiền miệt thị, thì đồng thời, ta lại ghét nó, y hệt người ghiền ma túy ghét ma túy đã hủy hoại đời họ. Trong một nghiên cứu quan trọng (Hidden Tribes: A Study of America’s Polarized Landscape) về các thái độ chính trị, cơ sở bất vụ lợi More in Common thấy rằng năm 2018, 93 phần trăm người Mỹ nói họ mệt mỏi thấy chúng ta, như một dân tộc, đang hết sức chia rẽ. Các nhóm đa số chính nói riêng rằng họ tin tầm quan trọng của thỏa hiệp, bác bỏ chủ nghĩa tuyệt đối của những cánh cực đoan trong cả hai đảng, và không bị thúc đẩy bởi lòng trung thành phe phái”.
Ông Brooks đặt câu hỏi thứ hai: “Như thế, mỗi người chúng ta có thể làm gì để giúp cho sự việc trở nên tốt hơn?” Và ông trả lời “Bạn dám bị cám dỗ mà cho cho rằng chúng ta cần tìm cách bớt bất đồng đi, nhưng điều này không đúng. Bất đồng là điều tốt vì cạnh tranh là điều tốt. Cạnh tranh đứng phía sau dân chủ trong chính trị và đứng phía sau thị trường trong kinh tế; chính nó, dĩ nhiên với việc thượng tôn pháp luật và luân lý, mang lại sự ưu tú. Y hệt như trong chính trị và kinh tế, ta cần một thứ ‘cạnh tranh ý tưởng’ lành mạnh, nghĩa là bất đồng. Bất đồng giúp ta canh tân, cải thiện và tìm thấy chân lý”.
Do đó, Ông Brooks đề nghị một số điểm:
“Điều ta cần không phải là bớt bất đồng mà là bất đồng tốt hơn. Và điều này sẽ bắt đầu khi bạn quay lưng khỏi những anh chàng sơn đông mãi võ thứ ma túy văn hoa bóng bẩy: những người quyền thế ở phía bạn đang hưởng lợi nhờ nền văn hóa miệt thị. Dù rất thoả mãn được nghe kẻ thù của bạn là những tên hết thuốc chữa, ngu đần và biến thái, bạn hãy nhớ rằng: khi bạn thấy mình ghét một điều gì đó, một ai đó đang làm tiền hay đang thắng cử hay đang trở nên tăm tiếng và quyền thế hơn. Trừ khi một lãnh tụ thực sự dạy bạn một điều bạn không biết hay mở rộng thế giới quan và luân lý quan của bạn, bạn đang bị lợi dụng đó.
“Sau đó, mỗi người chúng ta có thể cam kết sẽ không bao giờ đối xử với người khác một cách miệt thị, dù mình tin là họ đáng bị như thế. Điều này nghe như có vẻ nại đến lòng cao thượng, nhưng thực ra chỉ là chuyện nại đến chính lợi ích của bạn mà thôi. Miệt thị làm cho việc thuyết phục thành bất khả: dù thế nào, thì không ai bị ghét lại có thể đồng ý với bạn, thành thử phát biểu miệt thị báo hiệu một là tự khoan dung với mình một cách nhỏ mọn hai là một nhân đức rẻ tiền, cả hai đều không giúp ta nhận được người đi theo”.