Vatican, ngày 20 tháng 8 năm 2018 ( CNA / EWTN News ). – Vào sáng thứ hai Đức Thánh Cha Phanxicô đã kêu gọi mọi thành viên của Giáo Hội Công Giáo hãy cầu nguyện và ăn năn vì tội ác lạm dụng tình dục, và tích cực tham gia vào sự thay đổi cần thiết trong Giáo Hội.
“Cách duy nhất để đối phó với cái ác này, từng gây tăm tối cho nhiều cuộc sống, là coi nó như một trách nhiệm cuả tất cả chúng ta là Dân Thiên Chúa,” Ngài viết.
Trong bức thư gửi cho toàn bộ Giáo hội sau những tiết lộ lan rộng về lạm dụng tình dục trong Giáo hội ở Hoa Kỳ, Đức Giáo Hoàng đã kêu mời “toàn thể dân thánh trung tín của Thiên Chúa hãy thực hiện việc cầu nguyện và ăn chay, theo như Chúa đã truyền dạy.”
“Làm điều này để đánh thức lương tâm của chúng ta và khơi dậy sự đoàn kết và cam kết của chúng ta với một nền văn hóa có sự lưu tâm để luôn luôn nhắc nhở rằng ” không bao giờ nữa “cho mọi hình thức lạm dụng,” Ngài viết. “Mọi người đã chịu phép rửa cần phải tự cảm thấy mình phải tham gia vào sự thay đổi xã hội mà chúng ta rất cần.”
Trong bức thư, ĐTC Phanxicô đã nhắc đến báo cáo gần đây ở Pennsylvania về những chi tiết lạm dụng cuả sáu giáo phận, liên hệ đến hơn 300 linh mục và 1.000 nạn nhân, trong khoảng thời gian khoảng 70 năm.
Thừa nhận nỗi đau khổ của nhiều trẻ vị thành niên bị lạm dụng tình dục, hoặc bị lạm dụng bởi quyền lực hay lương tâm, dưới bàn tay của các giáo sĩ, Ngài nói không có gì là đủ cả, dù cho có những nỗ lực tìm kiếm sự tha thứ hay sửa chữa.
“Nhìn về tương lai, cần phải có những nỗ lực để không chỉ tạo ra một nền văn hóa có thể ngăn chặn những tình huống như vậy xảy ra, mà còn để ngăn chặn những khả năng che đậy và làm ngơ,” Ngài nói.
Ngài nhắc tới lời của Thánh Phaolô “Nếu một thành viên bị đau khổ, tất cả đều chịu đau cùng với họ”… đang mạnh mẽ vang lên từ tận con tim cuả mình.
Đức Giáo Hoàng cũng nhấn mạnh rằng một sự chuyển đổi của Giáo Hội là “không thể có được” nếu không bao gồm “sự tham gia tích cực” của tất cả các tín hữu trong Giáo Hội, và Ngài phê phán sự im lặng hoặc phớt lờ cuả một số người Công Giáo đang tạo ra các nhóm hoặc dự án gọi là ‘thành phần ưu việt’ (elistist).
Đặc biệt, tất cả mọi hình thức của lý thuyết giáo quyền (clericalism, tức là thần thánh hoá giới tăng lữ ) phải bị bác bỏ, Ngài nói, bởi vì ‘thuyết giáo quyền’ đánh giá thấp ân sủng rửa tội và có thể dẫn đến sự lạm dụng của hàng giáo phẩm. Thuyết giáo quyền gây ra “một sự chia cắt trong cơ thể cuả giáo hội, hỗ trợ và duy trì nhiều tệ nạn mà chúng ta đang lên án ngày hôm nay.”
Lên tiếng ủng hộ mạnh mẽ cho tất cả các nạn nhân của việc giáo sĩ lạm dụng tình dục và cho gia đình của họ, Ngài nói mặc dù hầu hết các trường hợp gần đây vừa được đưa ra ánh sáng, “thuộc về quá khứ”, nhưng thời gian càng dài thì chúng ta càng hiểu nỗi đau của các nạn nhân hơn lên.
Ngài nói rằng sự nặng nề và mức độ lạm dụng tình dục trẻ vị thành niên và các lạm dụng khác “phải được cộng đồng nắm bắt… cách toàn diện”, nhưng trong khi sự chuyển đổi đòi hỏi sự thừa nhận sự thật, nó vẫn “không đủ”.
“Sự thay đổi này kêu gọi một sự biến đổi cá nhân và cộng đồng làm sao cho chúng ta thấy những gì như Chúa thấy… tới nơi Chúa muốn chúng ta tới, trải nghiệm sự biến đổi của trái tim trong sự hiện diện của Ngài. Để giúp làm như vậy, thì việc cầu nguyện và sự sám hối là hữu ích, ”Ngài nói.
Việc ăn chay trong khi sám hối sẽ giúp người Công Giáo đến trước mặt Chúa “như những kẻ tội lỗi cầu xin được tha thứ và được ơn biết xấu hổ và cải tạo,” để những hành động “hòa hợp với Tin Mừng” có thể thực hiện được, Ngài giải thích.
Ngài cầu nguyện rằng việc ăn chay và cầu nguyện sẽ mở tai của mọi người để nghe thấy nỗi đau của trẻ em, thanh thiếu niên, và người tàn tật, và nó sẽ làm cho người Công Giáo “khát khao công lý” và thúc đẩy Giáo Hội “đi trong sự thật, ủng hộ tất cả các biện pháp tư pháp cần thiết. ”
“Điều cần thiết là chúng ta, với tư cách là một Giáo hội, có thể thừa nhận và lên án, với nỗi buồn và sự xấu hổ, những tội ác gây ra bởi những người đã dâng mình cho Chuá, tức là giáo sĩ, và tất cả những người được giao nhiệm vụ chăm sóc cho những người dễ bị tổn thương nhất” Ngài tiếp tục.
“Chúng ta hãy cầu xin sự tha thứ cho tội lỗi của chính chúng ta và tội lỗi của những người khác,” Ngài nói. “Nhận thức về tội lỗi giúp chúng ta thừa nhận lỗi lầm, tội ác và những vết thương gây ra trong quá khứ và cho phép chúng ta, trong hiện tại, cởi mở hơn và cam kết một cuộc hành trình chuyển đổi mới.”
Trần Mạnh Trác.
Nguồn: vietcatholic.org