Giáo Hội Toàn Cầu

Hướng về Công nghị tấn phong 13 Hồng Y mới ngày 28/11

Cách đây đúng 1 tuần, trước sự bất ngờ của hầu hết mọi người, trong buổi đọc kinh Truyền Tin trưa Chúa Nhật 25/10, ĐTC Phanxicô loan báo ngài sẽ triệu tập Công nghị lần thứ 7 vào thứ Bảy 28/11 tới đây, áp Chúa nhật thứ I mùa Vọng, để bổ nhiệm thêm 13 Hồng Y mới, và ngài đọc danh sách 13 tiến chức được chọn.

Trong số 13 Hồng mới, có 6 vị người Italia, 7 vị còn lại người Mỹ, Malta, Ruanda, Philippines, Chile, Brunei và Mêhicô. Vị trẻ nhất trong số các tiến chức là cha Gambetti, 55 tuổi, Bề trên tu viện Phanxicô Viện Tu ở Assisi và vị cao tuổi nhất là cha Cantalamessa, 86 tuổi, dòng Capuchino, giảng thuyết viên tại Phủ Giáo Hoàng.

Những điều ngạc nhiên

Giống như 6 lần trước đây, việc bổ nhiệm lần này cũng có một số điều gây ngạc nhiên, đó là hầu hết các tiến chức đều như ”người từ trên trời rơi xuống”, không hề nghĩ mình sẽ được Đức Thánh Cha chọn làm Hồng Y, đặc biệt là Đức Cha Cornelius Sim, Đại diện Tông tòa Brunei, 69 tuổi, địa phận tông tòa của ngài chỉ có 3 linh mục, phục vụ 21 ngàn giáo dân, hầu hết là các công nhân di dân người Philippines, trong một nước có gần 460 ngàn dân cư hầu hết là người Hồi giáo. Có lẽ nhiều vị ở Tòa Thánh cũng không biết đến quốc gia này, bằng cớ người viết danh sách các tiến chức Hồng Y đã ghi tên Đức Cha Sim là giám mục giáo phận tông tòa ”Brunei, Kuala Lumpur” (là thủ đô của Malaysia!)

Phương thức mới của Đức Thánh Cha Phanxicô

Dưới thời các vị Giáo Hoàng tiền nhiệm trước đây, những vị được chọn thường được Đức Hồng Y Quốc vụ khanh Tòa Thánh điện thoại báo trước 24 tiếng đồng hồ, như trường hợp Đức Hồng Y Phạm Minh Mẫn, nhưng với Đức Thánh Cha đương kim, hầu hết các vị được chọn hoàn toàn không biết trước, như trường hợp Đức Hồng Y Phêrô Nguyễn Văn Nhơn.

Lần này, phần lớn các Hồng Y tân cử cũng như vậy: có vị nghe tin trong lúc đang ở nhà mặc áo ở nhà thờ, có vị khi hay tin thì nghĩ đó là tin ”đùa giỡn”, như trường hợp cha Gambetti dòng Phanxicô Viện Tu. Hoặc Đức Cha Marcello Semeraro, Tân tổng trưởng Bộ Phong thánh, cho biết ngài xem Tivi buổi đọc kinh Truyền Tin của Đức Thánh Cha mới biết mình được chọn làm Hồng Y!

6 Hồng Y người Ý

Điều ngạc nhiên thứ hai lần này, đó là có 6 Hồng Y người Ý, trong khi 7 vị còn lại thuộc 7 quốc tịch khác nhau. Và Đức Thánh Cha vẫn ”bỏ quên” các vị Tổng giám mục của các giáo phận lớn nhất vốn là tòa Hồng Y như: Milano, giáo phận lớn nhất Âu Châu với 5 triệu giáo dân, Torino, Venezia, Palermo, là những tổng giáo phận vốn do 1 Hồng Y cai quản. Nhưng Đức Thánh Cha Phanxicô không nhất thiết theo thói quen duy trì các giáo phận Hồng Y, tuy rằng ngài vẫn áp dụng thói quen này trong những trường hợp ngài muốn, như trường hợp Đức Cha Wilton Gregory, Tổng giám mục thủ đô Washington, Hoa Kỳ, 73 tuổi, sẽ là vị Hồng Y da đen dầu tiên của Mỹ, và Đức Cha Celestino Aós Braco, 75 tuổi, dòng Capuchino, Tổng giám mục Santiago de Chile.

Hồng y giáo triều

Ngoài ra, giữ những nhiệm vụ quan trọng trong giáo triều không nhất thiết sẽ được bổ làm Hồng Y, nhưng lần này, Đức Thánh Cha đã chọn 2 vị là Đức Cha Mario Grech, 63 tuổi (1957), người Malta, tân Tổng thư ký Thượng Hội đồng giám mục và Đức Cha Marcello Semeraro, 73 tuổi (1947), ngưới Italia, mới được chọn làm Tổng trưởng Bộ Phong Thánh vài ngày trước đây. Hoặc trong công nghị năm ngoái, ngài đã chọn cha Michael Czerny dòng Tên Canada gốc Tiệp, làm Hồng Y, tuy vẫn ở nguyên chức vụ Phó Tổng Thư ký phân bộ di dân và tị nạn thuộc Bộ Phát triển nhân bản toàn diện.

Tìm hiểu ý hướng của Đức Thánh Cha

Ngoài những khía cạnh trên đây, như những công nghị trước đây, giới báo chí tôn giáo còn tìm cách chú giải ý hướng hoặc chủ ý của Đức Thánh Cha khi chọn vị này vị kia làm Hồng Y.

”Để lại dấu vết cho tương lai”

Nhận xét đầu tiên được nhiều người nói đến, đó là với công nghị ngày 28-11 sắp tới, số Hồng Y cử tri do Đức Thánh Cha Phanxicô bổ nhiệm sẽ chiếm đa số và có thể vị Giáo Hoàng tương lai cũng sẽ phản ánh những đặc tính mà Đức Thánh Cha đương kim mong muốn được thấy nơi người kế nhiệm của ngài.

Thực vậy, trong số 128 Hồng Y dưới 80 tuổi tính từ ngày 28-11 tới đây, có 73 vị do Đức đương kim Giáo Hoàng bổ nhiệm, chiếm 57%. Trong số 55 Hồng Y cử tri còn lại, có 16 vị do Đức Thánh Cha Gioan Phaolô 2 bổ nhiệm, 39 vị còn lại do Đức Biển Đức 16. Các Hồng Y do Đức Thánh Cha Phanxicô chọn phản ánh hướng đi mà ngài muốn Giáo Hội đi theo, đó là đối thoại với thế giới, một Giáo Hội của các vùng ngoại ô, cắt bỏ những ràng buộc với kinh nghiệm mà theo quan điểm của Đức Thánh Cha Phanxicô đó là một sự thất bại. Vì thế, những bổ nhiệm trong 7 công nghị Hồng Y là một sự thay đổi não trạng chứ không phải chỉ là sự thay đổi địa lý mà thôi.

Những thay đổi địa lý chưa đáng kể

Quả thực, qua 7 lần bổ nhiệm các Hồng Y mới do Đức Thánh Cha Phanxicô, những thay đổi về địa lý tuy có, nhưng không nhiều lắm. Với Công nghị sắp tới, số Đức Hồng Y người Ý vẫn chiếm 48 vị, trong đó có 22 Hồng Y cử tri, và 26 vị trên 80 tuổi. Nói chung các Hồng Y cử tri người Âu vẫn đứng đầu với 54 vị, tăng thêm 4 vị so với trước đây. Từ Bắc Mỹ có 16 Hồng y dưới 80 tuổi, trong đó có 3 vị người Mêhicô. Tổng số các Hồng Y cử tri thuộc ”Nam bán cầu” là 58 vị, trong đó có 21 vị từ Mỹ châu la tinh và 17 vị từ Á, Phi. Châu Đại dương có 5 vị.

Ảnh hưởng của linh đạo Phanxicô

Cũng có ký giả nhận xét rằng ý hướng của Đức Thánh Cha Phanxicô để lại một di sản cụ thể thật là rõ khi ngài chọn Cha Mauro Gambetti, bề trên thánh Tu viện Phanxicô ở Assisi, nơi có mộ của thánh Phanxicô và cũng là nơi ngài ký Thông điệp thứ ba ”Fratelli tutti” vào chiều ngày 3/10, áp lễ kính thánh Phanxicô. Điều này nhấn mạnh quan điểm của Đức đương kim Giáo Hoàng, theo đó, ý tưởng Phanxicô phải ở trung tâm Giáo Hội tương lai.

Cũng có người nhận xét rằng khi chọn Đức Tổng giám mục Wilton Gregory, Tổng giám mục giáo phận thủ đô Washington, làm vị Hồng Y da đen đầu tiên tại Mỹ, thay vì chọn Đức Tổng giám mục José Gomez, thuộc Giám hạt Opus Dei, và là Tổng giám mục giáo phận Los Angeles, giáo phận lớn nhất tại Mỹ với hơn 4 triệu tín hữu, Đức Thánh Cha Phanxicô tìm được người đồng quan điểm hơn, với hướng đi mục vụ của ngài. Hồi năm ngoái, ngài đã chọn Đức Tổng giám mục Gregory làm Tổng giám mục giáo phận Washington thay thế Đức Hồng Y Donald Wuerl bị ép từ chức vì đã xử lý không tốt một số vụ giáo sĩ lạm dụng tính dục tại Mỹ. Gần đây, người ta chú ý đến sự đụng độ giữa Đức Tổng giám mục Gregory và Tổng thống Donald Trump; Đức Tổng giám mục đã trách cứ tổng thống sau khi đến viếng thăm Đền thánh Gioan Phaolô 2 thuộc giáo phận thủ đô, trong khi hồi năm 2008, khi Tổng thống da đen Obama đắc cử, Đức Tổng giám mục Gregory đã gọi đó là ”một bước tiến lớn cho nhân loại!”.

Chức năng của Hồng Y trong triều đại ĐGH Phanxicô

Dầu sao đi nữa, cũng có một câu hỏi lớn được đề ra: dưới thời Đức Thánh Cha Phanxicô, chức năng của Hồng Y thế nào, không kể nhiệm vụ bầu Giáo Hoàng mới nếu ở dưới 80 tuổi ?

Xưa nay, Hồng y đoàn vốn được coi là ”thượng viện”, là Hội đồng cố vấn của Đức Thánh Cha. Nhưng từ năm 2014, tức là từ sau Thượng Hội đồng giám mục thế giới về gia đình, Hồng y đoàn không còn được Đức Thánh Cha triệu tập để hỏi ý kiến về những vấn đề quan trọng nữa. Ngài chỉ có Hội đồng Hồng Y cố vấn, ban đầu có 8, rồi lên 9, sau đó xuống còn 6 và bây giờ có 7 vị, giúp ngài trong việc cải tổ giáo triệu và cai quản Giáo Hội. Phần lớn các Hồng Y khác ít khi có dịp về Roma, và vì thế có người đã đưa nhận xét: lần bầu Giáo Hoàng tới đây sẽ có nhiều khó khăn, vì phần lớn các Hồng Y không quen biết nhau. Thời gian sẽ trả lời!

Nguồn: vaticannews.va

You may also like