Thông Tin

Năm năm ở Việt Nam của Đức Tổng Giám mụcLeopoldo Girelli

Ngày 13.01.2011, Đức Giáo hoàng Bênêđictô XVI đã bổ nhiệm Đức Tổng Giám mục Leopoldo Girelli làm Đại diện không thường trú của Tòa Thánh tại Việt Nam. Chưa đầy hai ngàn ngày đồng hành cùng Giáo hội Việt Nam, Đức Girelli đã để lại nhiều dấu ấn.

Ngày 13.01.2011, Đức Giáo hoàng Bênêđictô XVI đã bổ nhiệm Đức Tổng Giám mục Leopoldo Girelli làm Đại diện không thường trú của Tòa Thánh tại Việt Nam. Chưa đầy hai ngàn ngày đồng hành cùng Giáo hội Việt Nam, Đức Girelli đã để lại nhiều dấu ấn.
Đức Tổng Giám mục Leopoldo Girelli sinh ngày 13.3.1953 tại làng Predore, thuộc giáo phận Bergamo, phía Bắc Italia. Ngài chịu chức linh mục ngày 17.6.1978, sau đó gia nhập Học viện Ngoại giao Tòa Thánh. Cha bước vào ngành Ngoại giao từ ngày 13.7.1987 và làm việc trong các cơ quan ngoại giao của Tòa Thánh Vatican tại Cameroon, New Zealand, Hoa Kỳ…

Ngày 13 tháng 4 năm 2006, Đức Giáo hoàng Biển Đức XVI bổ nhiệm ngài làm Sứ thần Tòa Thánh tại Indonesia, vinh thăng Tổng Giám mục Hiệu tòa Capreae (lễ tấn phong Giám mục vào ngày 17 tháng 6 cùng năm do Đức Hồng y Angelo Sodano chủ phong). Ngày 10 tháng 10 năm 2006, kiêm nhiệm Sứ thần Tòa Thánh tại Đông Timor.
Đến ngày 13 tháng 1 năm 2011, Đức Tổng Giám mục L.Girelli rời nhiệm vụ tại Indonesia và Đông Timor vì được bổ nhiệm sang làm Sứ thần Tòa Thánh tại Singapore, kiêm Khâm sứ Tòa Thánh tại Malaysia và Brunei, kiêm đại diện không thường trú tại Việt Nam, là vị đại diện đầu tiên của Tòa Thánh được bổ nhiệm ở Việt Nam kể từ sau năm 1975. Ngày 18 tháng 6 năm 2011, ĐTGM tiếp tục được bổ nhiệm làm Sứ thần Tòa Thánh tại Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAưN). Sau đó không lâu, được nâng từ chức vị Khâm sứ lên thành Sứ thần tại Malaysia khi Tòa Thánh và quốc gia này thiết lập quan hệ ngoại giao một cách đầy đủ vào ngày 27 tháng 7 năm 2011. Đầu năm 2013, sau khi có nhân sự mới của Tòa Thánh ở một số nước ASEAN, Đức L.Girelli đảm trách chức vụ Sứ thần Tòa Thánh tại Singapore, ASEAN và là Đại diện Tòa Thánh không thường trú tại Việt Nam.

Khi nhậm chức Đại diện không thường trú tại Việt Nam năm 2011, ĐTGM ở tuổi 58 và 33 năm làm linh mục; là người có nhiều năm làm việc trong môi trường chính trị, xã hội, văn hóa ở châu Á nên ngài dễ thích ứng với môi trường làm việc mới.
Nhiệm vụ của Đại diện không thường trú của Tòa Thánh Vatican tại Việt Nam là thúc đẩy quan hệ giữa Tòa Thánh và Chính phủ, cũng như giữa Tòa Thánh và Giáo hội Công giáo Việt Nam.
Một chủ chăn tốt lành

Trong năm năm làm việc ở Việt Nam, Đức TGM L. Girelli đã đi thăm hết 26 giáo phận, nơi nào ngài đến ít là hai lần. ĐTGM đặc biệt ưu ái đến với các giáo phận vùng cao như Hưng Hóa (5 lần), Kontum (4 lần) và Ban Mê Thuột (3 lần)? Trong các chuyến đi, ngài đều ghé nhiều giáo xứ, dòng tu, Đại Chủng viện, các địa điểm hành hương và Đền thánh Công giáo. Đức Tổng đã dâng thánh lễ, nói chuyện với giáo dân, gặp gỡ và trao đổi với các Giám mục, linh mục, chủng sinh, tu sĩ..
Dù công việc của một Sứ thần Tòa Thánh tại Singapore và Sứ thần Tòa Thánh tại Hiệp hội các Quốc gia Đông Nam Á (chức vụ hiện nay của ngài) khá bận rộn nhưng ĐTGM luôn cố gắng tham dự các hoạt động lớn của Giáo hội Công giáo Việt Nam như Lễ đặt viên Đá xây dựng Trung tâm Thánh Mẫu La Vang; Đại hội Thánh Mẫu La Vang toàn quốc tổ chức ba năm một lần; tham dự các Hội nghị thường niên của Hội đồng Giám mục Việt Nam; dự lễ tấn phong Giám mục, lễ an táng các Đức Giám mục qua đời, cũng như đi thăm mục vụ, kinh lý khắp mọi miền.

Đi, tìm hiểu, chứng kiến và cảm nhận về cuộc sống, con người và lòng đạo của người dân bản địa, vị Đại diện Tòa Thánh từng chia sẻ : “Trong những cuộc viếng thăm này, tôi đã gặp được đức tin chân chính nơi các tín hữu và tôi đánh giá cao nhiệt tình mục vụ của các Giám mục, các linh mục tu sĩ đang làm việc cần mẫn để phục vụ Giáo hội địa phương”. Với linh mục, ngài khích lệ họ thăng tiến đời sống, chu toàn bổn phận qua ba thừa tác vụ : vương đế, tư tế và ngôn sứ. Như một phát biểu tại Tòa Giám mục Kontum gần đây, ngài đã nhắn nhủ: “Các linh mục và tu sĩ đang được sống trong một Giáo hội thân ái, hiệp thông và năng động; hãy cộng tác và lắng nghe Đức Giám mục của mình. Anh chị em hãy tích cực tham gia đời sống cộng đồng, nhờ đó ngoài bổn phận của một công dân, nhiệm vụ chính trị xã hội và văn hóa, anh chị em vẫn có đủ thời gian để tìm kiếm và hướng tâm về đời sống đức tin”.
Khi gặp gỡ Đại Chủng sinh nơi các Đại Chủng viện, ngài nói với họ về những yếu tố để trở thành linh mục tốt và nhắc lại ba chức năng của linh mục là lãnh đạo cộng đoàn, cử hành các bí tích và dạy dỗ giáo dân. ĐTGM cũng thường xuyên chỉ ra ba phương thế để chuẩn bị cho chức linh mục, đó là cầu nguyện, học hỏi để trở thành linh mục tốt và học tập trong chủng viện, cùng những nhân đức phải trau dồi : “Nếu các con muốn trở thành những vị lãnh đạo tốt/giỏi và những mục tử tốt lành của cộng đoàn, các con phải học biết làm chủ bản thân các con, tính khí của các con, thái độ của các con. Các con không thể khuyên bảo dân chúng nếu các con không thể làm chủ bản thân. Do đó, kỷ luật trong chủng viện là cách học biết làm thế nào làm chủ bản thân. Tuân theo kỷ luật của chủng viện là cách để trở nên có nghị lực mạnh mẽ, trở nên những vị lãnh đạo tốt” (nói chuyện tại Đại Chủng viện Huế năm 2011).

Tại các Dòng tu, ĐTGM dành nhiều thời gian để gặp gỡ các tu sĩ, thăm các cơ sở từ thiện mà các dòng tu đang đảm nhận. Ngài luôn cảm ơn lòng quý mến, trung thành và lời cầu nguyện của các tu sĩ dành cho Đức Thánh Cha và hàng giáo sĩ. “Đời sống và lời cầu nguyện của các tu sĩ đóng vai trò quan trọng giúp cho sinh hoạt giáo phận phát triển tốt đẹp, tràn đầy sức sống và siêu nhiên”, ĐTGM nhận định. Lý giải về vấn đề khủng hoảng đời tu ở các nước phương Tây, không loại trừ sẽ có thể xảy ra ở Việt Nam và sự thách đố của các tu sĩ ngày nay trong việc tuân giữ ba lời khấn, ngài chỉ dẫn: “Con người ngày nay đang mất dần khái niệm đi tu, bởi lẽ họ có khuynh hướng chạy theo tiền bạc, đam mê vật chất và hưởng thụ… Vì thế, phương thuốc duy nhất để chúng ta chữa trị chính là đời sống chứng tá và những lời cầu nguyện chân thành”.
Vị Đại diện thân thiện

Suốt năm năm qua, những ai có dịp gặp gỡ ĐTGM L.Girelli đều có chung một cảm nhận ngài “đơn giản – vui vẻ – thân tình”. Dù đến thăm các giáo họ, giáo xứ nằm sâu trong rừng ở giáo phận Kontum, hay trên những miền cao hiểm trở của núi rừng Tây Bắc, thậm chí là cả những họ đạo phải di chuyển bằng ghe xuồng mới đến được nơi miền sông nước Nam Bộ, hoặc tận ngoài đảo Cô Tô bốn bề biển cả, vị Đại diện Tòa Thánh vẫn luôn tìm cách hòa mình vào cuộc sống dân chúng, không kể đó là Kinh hay Thượng, H’Mông hay Kh’mer, người khá giả hay dân bần cùng.? Không một chút gì mang tính quan chức, ngăn cách. Ngài thích mặc những chiếc áo thổ cẩm, áo dài khăn đóng và đội nón lá do giáo dân địa phương tặng để hòa vào họ, trở nên giống họ; ôm hôn những đứa trẻ, trao ban bình an và an ủi những người già yếu, khuyết tật… Ngài còn chủ động học thêm nhiều câu tiếng Việt để nói với đàn chiên mà ngài được trao phó.

ĐTGM đã dành tình cảm tốt đẹp và bày tỏ lòng ngưỡng mộ đối với những giáo dân Việt Nam trong việc giữ gìn đức tin Công giáo, sốt sắng việc đạo. Đồng thời dặn dò mọi thành phần Dân Chúa tiếp tục cầu nguyện, giữ sự hiệp thông trong Giáo hội, tham gia đời sống cộng đồng, cộng tác với xã hội để phát triển đất nước… Riêng với các dân tộc thiểu số, ngài luôn khuyên họ hãy giữ gìn bản sắc văn hóa của mình vì đó là phần quan trọng trong nền văn hóa Việt Nam, cũng như tìm cách thể hiện những giá trị đó vào trong đời sống đạo.
Ở đây đó và vào những lúc có thể, ĐTGM Girelli cũng thường trao đổi với các linh mục, chủng sinh, tu sĩ, giáo dân về trách nhiệm của ngài, về mối quan hệ Việt Nam – Vatican, về đời tu và ơn gọi, về vị thế của giáo dân trong việc quản lý và điều hành Giáo hội… Thân tình như một người bạn, gần gũi như một người cha, Đức Tổng Giám mục Đại diện Tòa Thánh đã tạo nhiều niềm cảm hứng cho giáo dân, khơi gợi trong họ những trách nhiệm và trao cho họ sự tự tin trong việc dấn thân. Ngài là một chỗ dựa lớn của Giáo hội Việt Nam chúng ta.
ĐTGM Girelli cũng luôn để ý đến việc đối thoại và mở rộng sự hiểu biết với các cấp quản lý nhà nước. Khi viếng thăm mục vụ ở đâu, ngài đều đến chào thăm chính quyền các tỉnh, thành phố sở tại, tạo được thiện cảm và đón tiếp trọng thị. Trong các cuộc gặp gỡ này, vị Đại diện Tòa Thánh luôn gởi lời cảm ơn các cấp chính quyền Việt Nam đã tạo điều kiện thuận lợi cho các hoạt động của Giáo hội cũng như sự trân trọng dành cho ngài. ĐTGM ghi nhận sự quan tâm của nhà nước Việt Nam dành cho Giáo hội Công giáo. Ngài cũng khẳng định Giáo hội Công giáo sẽ luôn luôn và sẵn sàng làm hết mình vào sự phát triển chung của xã hội, của đất nước Việt Nam.

*

Có thể nói, trong năm năm qua ở Việt Nam, vị Đại diện không thường trú của Tòa Thánh Vatican đã dấn thân không mệt mỏi, hiểu cặn kẽ từng góc độ sinh hoạt của người Việt Nam Công giáo, và gặt hái được những thành quả khả quan trên cương vị được giao. Đó có lẽ cũng là nền tảng và là một trong những thành tố quan trọng để chúng ta kỳ vọng vào một ngày, Việt Nam và Tòa Thánh chính thức có quan hệ ngoại giao, mở ra một trang sử mới cho đất nước và cho Giáo hội.
Tuệ An

Quan Hệ Việt Nam – Vatican trong giai đoạn ĐTGM L. Girelli làm đại diện tòa thánh không thường trú

Ngày 22.01.2013, Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI đã tiếp kiến ông Nguyễn Phú Trọng, Tổng Bí thư Đảng Cộng Sản Việt Nam. Sau khi hội kiến trong vòng 30 phút, Đức Thánh Cha đã gặp chung và chào thăm 10 vị trong đoàn tháp tùng, trong đó có Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh, Trưởng Ban Tôn Giáo Chính phủ Phạm Dũng, Đại sứ Việt Nam tại Ý Nguyễn Hoàng Long… Đoàn cũng đã gặp gỡ Đức Hồng y Tarcisio Bertone, Quốc Vụ khanh Tòa Thánh lúc bấy giờ, cùng sự hiện diện của Đức TGM Dominique Mamberti, Ngoại trưởng Tòa Thánh và một số chức sắc thuộc Bộ ngoại giao Tòa Thánh. Thông báo của Phòng Báo chí Tòa Thánh sau đó cho biết: “Đây là lần đầu tiên một vị Tổng Bí Thư Đảng Cộng sản Việt Nam gặp Đức Giáo hoàng và các vị lãnh đạo cấp cao của Phủ Quốc Vụ khanh Tòa Thánh. Trong các cuộc nói chuyện thân mật, các vị đã bàn về những vấn đề có quan hệ đối với Việt Nam và Tòa Thánh, đồng thời bày tỏ ước muốn một số tình trạng còn tồn đọng sớm được giải quyết và sự cộng tác phong phú hiện nay có thể được củng cố”.

Ngày 22.3.2014, Đức Thánh Cha Phanxicô đã tiếp kiến riêng ông Nguyễn Sinh Hùng, Chủ tịch Quốc hội Việt Nam. Đây là lần đầu tiên Đức Giáo hoàng Phanxicô tiếp kiến một vị lãnh đạo cấp cao của Việt Nam kể từ khi được bầu làm Giáo hoàng vào năm 2013 và cũng là lần đầu tiên một vị Chủ tịch Quốc hội của Việt Nam thăm Vatican.

Ngày 18.10.2014, Đức Giáo hoàng Phanxicô đã tiếp kiến ông Nguyễn Tấn Dũng, Thủ tướng Việt Nam.  Sau cuộc gặp, Tòa Thánh đã ra thông cáo: “Hôm nay Đức Thánh Cha Phanxicô đã tiếp kiến ngài Nguyễn Tấn Dũng, Thủ tướng nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam. Sau đó, ngài Thủ tướng đã gặp Đức Hồng y Pietro Parolin, Quốc Vụ khanh Tòa Thánh, có Đức Tổng Giám mục Dominique Mamberti, Ngoại trưởng Tòa Thánh tháp tùng”.

Ngày 20.01.2015, nhân chuyến viếng thăm Việt Nam, Đức Hồng y Fernando Filoni, Tổng trưởng Bộ Loan báo Tin Mừng cho các Dân tộc đã có cuộc gặp với Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tại Văn phòng Chính phủ (Hà Nội). Tại buổi tiếp, Thủ tướng vui mừng chào đón và chúc chuyến thăm của ĐHY thành công tốt đẹp. Trước đó, vào đầu giờ chiều cùng ngày, ĐHY và phái đoàn đã chào thăm Ban Tôn giáo Chính Phủ Việt Nam. Tiếp đoàn là ông Phạm Dũng, Trưởng Ban Tôn giáo Chính phủ.

Ngoài ra, cũng trong năm năm vừa qua, “Nhóm Công tác hỗn hợp Việt Nam – Vatican” đã có thêm ba lần làm việc cùng nhau từ ngày 27 đến 28.02.2012 tại Hà Nội; từ ngày 13 đến 14.6.2013 tại Vatican và từ ngày 10 – 11.9.2014 tại Hà Nội.

Quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam và Tòa Thánh trong lịch sử chưa bao giờ được thiết lập chính thức, mặc dù Việt Nam là một quốc gia có số lượng giáo dân Công giáo lớn ở châu Á. Cho tới hiện nay, cấp bậc cao nhất trong mối quan hệ giữa Vatican và Việt Nam cũng chỉ là Khâm sứ Tòa Thánh. Đây là người đại diện cho Vatican tại các quốc gia mà Tòa Thánh không có quan hệ ngoại giao. Đức Khâm sứ được Đức Giáo hoàng phái đến những quốc gia này để làm người liên hệ với Giáo hội Công giáo ở nước sở tại trên lãnh vực phụng tự.

Đức Khâm sứ Tòa Thánh có cấp bậc ngang bằng với Sứ thần Tòa Thánh, nhưng về mặt quan hệ quốc tế thì không có tư cách ngoại giao chính thức như Sứ thần. Dù vậy, ở một số quốc gia thì Khâm sứ cũng có được một số thẩm quyền nhỏ về ngoại giao. Nơi ở và làm việc của Đức Khâm sứ gọi là Tòa Khâm sứ.

Sứ thần Tòa Thánh là cấp độ ngoại giao cao nhất của Vatican tại một quốc gia, tương đương với Đại sứ quán. Danh xưng Sứ thần Tòa Thánh được dùng khi Tòa Thánh Vatican đã thiết lập quan hệ ngoại giao chính thức và đầy đủ với một quốc gia nào đó. Tương tự, quốc gia này sẽ có một vị Đại sứ cạnh Tòa Thánh.

Người đứng đầu Tòa Sứ thần được gọi là vị Sứ thần (nuncio) và thường ở chức Tổng Giám mục. Nuncio bắt nguồn từ tiếng Latinh cổ “nuntius”, nghĩa là người mang thông điệp. Sứ thần là đại diện ngoại giao thường trú (đứng đầu đoàn ngoại giao) của Tòa Thánh ở một quốc gia hoặc tổ chức quốc tế, tương đương Đại sứ đặc mệnh toàn quyền. Điều 14 Công ước Vienne về Quan hệ Ngoại giao (1961) ghi nhận danh xưng “sứ thần” như là đặc ngữ tham chiếu đến chức vụ Đại sứ của Tòa Thánh tại các quốc gia.

Ngoài lãnh vực ngoại giao, Sứ thần cũng đảm nhận việc liên lạc giữa Tòa Thánh và Giáo hội Công giáo ở quốc gia sở tại trên lãnh vực tôn giáo. Sứ thần còn đóng vai trò quan trọng trong việc giám sát, tham vấn và lựa chọn Giám mục hoặc các chức vụ cao cấp cho Giáo hội ở quốc gia này. Mặc dù Tòa Sứ thần được xem là một Tòa Đại sứ, nhưng không có nhiệm vụ cấp thị thực và lãnh sự.

Nguồn tin: Báo Công giáo và Dân tộc

You may also like