BÀI ĐỌC I: Cv 16, 1-10
“Xin đi sang Macêđonia mà cứu giúp chúng tôi”.
Trích sách Tông đồ Công vụ.
Trong những ngày ấy, Phaolô đến Đerbê và Lystra. Ở đó có một môn đồ tên là Timôthêô, con của một bà Do-thái đã tin đạo, còn cha là người dân ngoại. Các anh em ở Lystra và Icôniô chứng nhận anh là người tốt. Phaolô muốn anh đi theo mình, vì nể người Do-thái ở trong vùng ấy, nên Phaolô đã đem anh đi cắt bì, vì mọi người biết cha anh là người dân ngoại. Khi hai ngài đi ngang qua các thành phố, hai ngài truyền lại cho họ tuân giữ những giáo lý do các tông đồ và kỳ lão tại Giêrusalem đã quyết định. Nhờ vậy, các giáo đoàn được vững mạnh trong đức tin và mỗi ngày càng tăng thêm đông số.
Các ngài đi qua Phrygia và vùng Galatia, vì Thánh Thần ngăn cản không cho rao giảng lời Chúa tại Tiểu Á. Khi đến Mysia, các ngài tìm cách đi Bithynia; nhưng Thánh Thần của Chúa Giêsu không cho phép. Vậy các ngài đi sang Mysia, xuống Trôa, và ban đêm Phaolô được thị kiến thấy một người Macêđô đứng đó và van xin ngài rằng: “Xin đi sang Macêđônia mà cứu giúp chúng tôi”.
Vừa thấy vậy, chúng tôi liền tìm cách đi sang Macêđônia, tin chắc rằng Thiên Chúa đã kêu gọi chúng tôi rao giảng Tin Mừng cho họ.
Đó là lời Chúa.
ĐÁP CA: Tv 99, 2. 3. 5
Đáp: Toàn thể địa cầu, hãy reo mừng Chúa! (c. 2a)
Hoặc đọc: Alleluia.
Xướng: 1) Toàn thể địa cầu, hãy reo mừng Chúa! Hãy phụng sự Chúa với niềm vui vẻ; hãy vào trước thiên nhan với lòng hân hoan khoái trá. – Đáp.
2) Hãy biết rằng Chúa là Thiên Chúa, chính Người đã tạo tác thân ta, và ta thuộc quyền sở hữu của Người. – Đáp.
3) Vì Thiên Chúa, Người thiện hảo, lòng từ bi Người tồn tại muôn đời, và lòng trung tín còn tới muôn muôn thế hệ. – Đáp.
Tin Mừng: Ga 15,18-21
18 Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ rằng: “Nếu thế gian ghét các con, các con hãy biết rằng họ đã ghét Thầy trước. 19 Nếu các con thuộc về thế gian, thế gian sẽ yêu những gì thuộc về nó, nhưng các con không thuộc về thế gian, vì chính Thầy đã chọn các con khỏi thế gian, nên thế gian ghét các con. 20 Các con hãy nhớ lại lời Thầy đã nói với các con: Tôi tớ không trọng hơn chủ. Nếu họ đã bắt Thầy, thì họ cũng sẽ bắt bớ các con; nếu họ tuân giữ lời Thầy, thì họ cũng tuân giữ lời các con. 21 Tại vì danh Thầy mà họ sẽ làm cho các con tất cả những điều đó, bởi vì họ không biết Đấng đã sai Thầy”.
Suy niệm (Đức Tổng Giám mục Giuse Nguyễn Năng)
Sứ điệp: Người an phận không thể là môn đệ của Đức Kitô. Muốn là môn đệ của Đức Kitô, con người phải dám chấp nhận bị thế gian thù ghét.
Cầu nguyện: Lạy Chúa Giêsu, người ta thường nói “Sự thật mất lòng”. Chúa đã thấm thía kinh nghiệm này, Chúa bị ngược đãi, bị chết trên thánh giá, chẳng phải vì Chúa gian ác, nhưng chính vì Chúa là Đấng công chính.
Chúa là chân lý và là Đấng công chính, Chúa đã không thỏa hiệp với giả dối, với những bê bối của trần thế, Chúa chết vì lòng thù hận của những kẻ giả dối: vì Chúa dám nói thẳng nói thật những giả hình của nhóm biệt phái và nhóm kinh sư, vì Chúa dám dùng dây thừng dẹp cảnh trục lợi, buôn gian bán lận trước đền thờ Giêrusalem. Chúa chết vì không mị dân: Chúa không chiều theo thị hiếu của dân chúng, không làm phép lạ cho vua Hê-rô-đê được thỏa tính tò mò.
Lạy Chúa, Chúa dạy con muốn là một Kitô hữu, con không được sống an phận. Muốn nên công chính, con cũng phải bước theo Chúa là chân lý, phải sống thẳng thắn theo gương của Chúa dù có bị thế gian thù ghét loại trừ.
Có những lúc con thuộc về trần thế. Khi con nịnh bợ người khác để cầu lợi, khi con ngại nhắc nhở nhau vì sợ mất lòng, khi con nể nhau mà làm điều sai trái phiền lòng Chúa… Đó là những lúc con bỏ Chúa mà thỏa hiệp với trần thế.
Lạy Chúa, dù con còn yếu đuối, xin Chúa vẫn thương đón nhận con vào nhóm môn đệ của Chúa. Từ nay con quyết sống thẳng thắn, nói thật, làm đúng, để đáng là môn đệ của Chúa. Xin thêm sức cho con để con biết sống theo gương thẳng thắn của Chúa, nhất là khi con cố gắng mà không tránh khỏi những phật lòng phiền luỵ. Xin Chúa nâng đỡ con. Amen.
Ghi nhớ : “Các con không thuộc về thế gian, vì chính Thầy đã chọn các con khỏi thế gian”.
Suy niệm 1: (Lm. Carôlô Hồ Bạc Xái)
A- Phân tích (Hạt giống…)
Trong Phúc Âm của Gioan, chữ thế gian mang 2 nghĩa: thứ nhất chỉ nhân loại cách chung (Vd: “Thiên Chúa đã yêu thế gian đến nỗi ban Con Một của Người cho thế gian”). Trong đoạn này chữ thế gian không theo nghĩa này; thứ hai “thế gian” là những người không chấp nhận Chúa Giêsu và thù ghét Ngài. Đây là ý nghĩa trong đoạn Phúc Âm này.
Vào thời Thánh Gioan viết Phúc Âm, các Kitô hữu sống giữa những người thù ghét Chúa Giêsu và các Kitô hữu;
a/ Các tín đồ Do Thái giáo thù ghét họ, coi họ là đồ phản lại đạo Do Thái;
b/ Đế quốc Rôma cũng thù ghét họ vì nếp sống của họ không giống như những người khác: Không mê tín dị đoan, không thờ hoàng đế La Mã…
Chúa Giêsu đã cho các môn đệ mình biết trước tình trạng đó. Ngài an ủi họ, đồng thời dạy họ cách sống giữa một thế gian thù nghịch như thế:
“Nếu thế gian ghét các con, các con hãy biết rằng họ đã ghét Thầy trước”.
“Các con không thuộc về thế gian… nên thế gian ghét các con”.
“Tôi tớ không trọng hơn chủ. Nếu họ đã bắt Thầy, thì họ cũng sẽ bắt bớ các con”.
B- Suy gẫm (…nẩy mầm)
1. Chúa Giêsu đã cho họ biết trước rằng làm môn đệ Ngài thì phải chấp nhận bị thế gian thù ghét. Nhưng thực tế, chúng ta một mặt tránh làm những gì khiến thế gian thù ghét mình, mặt khác còn tìm cách để thế gian yêu thương chiều chuộng mình. Hẳn là chúng ta không nên cố tình chọc tức thế gian, nhưng không nên quên lời Chúa nói: Chúng con ở giữa thế gian nhưng không thuộc về thế gian.
2. “Các con không thuộc về thế gian… nên thế gian ghét các con”. Người thế gian coi tiền bạc trọng hơn đạo đức, lọc lừa nhiều hơn là chân thật, ai cũng ích kỷ lo cho bản thân, thậm chí chà đạp lên người khác… Kitô hữu không thể sống như họ, cho nên bị họ thù ghét. Vậy, nếu vì phải sống theo lý tưởng tốt đẹp của mình mà bị thế gian thù ghét, chúng ta hãy chấp nhận.
3. “Nếu thế gian ghét các con, các con hãy biết rằng họ đã ghét Thầy trước”. Chúng con còn chấp nhận bị thế gian thù ghét vì lý do chúng ta là môn đệ Chúa, chúng ta phải vác Thập giá hằng ngày mà theo Chúa.
4. “Nếu các con thuộc về thế gian, thế gian sẽ yêu những gì thuộc về nó, nhưng các con không thuộc về thế gian, vì chính Thầy đã chọn các con khỏi thế gian, nên thế gian ghét các con”.
Khi còn là sinh viên, tôi thực sự ngoan đạo, sống trung thực và nghĩ đến người khác. Nhưng sau khi ra trường, đi làm và tiếp xúc với nhiều hạng người, dần dần đã quen với cách sống vụ lợi, không thật với lòng mình.
Hôm nay, đọc đoạn Phúc Âm này, tôi giật mình tự hỏi mình còn là Kitô hữu nữa không ? Vâng Kitô hữu phải có cuộc sống khác: phải yêu thương, bác ái, vị tha…
Quả là khó để trở lại, vì một phần “Tôi” quá lớn, phần khác nếu tôi không hoà theo lối sống của giới làm ăn, không làm hài lòng cấp trên thì sẽ bị tẩy chay, trừ khử.
Lạy Chúa, xin chỉ cho con cách thức sống Lời Chúa trong môi trường con hiện nay. (Epphata)
Suy niệm 2 (Lm. Nguyễn Vinh Sơn SCJ)
Câu chuyện
Một triết gia nổi tiếng, mỗi khi dạy học, thường bắt học sinh trả tiền. Ngày đó, có một thanh niên nghèo đến xin làm đệ tử. Ông hỏi: “Anh có gì trả cho tôi không ?”.
Chàng thanh niên khôn ngoan đáp: “Con sẽ cho thầy cả con người của con”.
Ông thầy nhìn anh rồi nói: “Được, tôi nhận anh. Nhưng anh phải cố gắng mỗi ngày để thăng tiến hơn con người hiện tại của anh”.
Những ai muốn tận hiến cho Chúa cũng phải cố gắng mỗi ngày để nên giống Đức Kitô hơn. Nên giống Chúa Kitô trong đau khổ và trong phục sinh…
Suy niệm
Khi bước theo tiếng gọi của Chúa Giêsu, người môn đệ đã chấp nhận dấn thân vào sứ mạng thầy uỷ thác, Chúa Giêsu cho các ông thấy một viễn ảnh chẳng mấy tốt đẹp: “Vì danh Thầy, các con sẽ bị thế gian bắt bớ và ghét bỏ”. Nếu Chúa Giêsu bị hiểu lầm, chống đối, thù ghét… thì số phận của những người theo Ngài cũng giống như vậy. (x. Mc 13,9-13; Mt 10,17-22; Lc 21,12-19). Như thầy, các môn sinh sẽ lãnh lấy phần thua thiệt để phải hy sinh cả mạng sống. Ðiều này không chỉ xảy ra trong Giáo hội thời sơ khai, nhưng mãi mãi cho đến hôm nay vẫn luôn còn bị bách hại.
Dù trước viễn ảnh đen tối, các môn đệ của Chúa Giêsu không thất vọng chùn chân, ngay sau đoạn Tin Mừng hôm nay Chúa hứa ban bình an và niềm vui cho những ai theo Ngài. Ngài đã khẳng định sẽ soi sáng và nâng đỡ cho những ai đang đối mặt với thử thách.
Trong ý nghĩa mầu nhiệm thập giá, thánh Phêrô kêu mời tất cả các Kitô hữu hãy vui mừng khi tham dự vào đau khổ của Đức Kitô: “Được chia sẻ những đau khổ của Đức Kitô bao nhiêu, anh em hãy vui mừng bấy nhiêu, để khi vinh quang Ngài tỏ hiện, anh em cũng được vui mừng hoan hỉ” (1Pr 4,12-13). Cho nên, trong đau khổ thử thách tâm trạng của Phaolô: “Tôi vui mừng chịu đau khổ vì anh em. Những gian nan thử thách Đức Kitô còn phải chịu, tôi xin mang lấy vào thân cho đủ mức, vì lợi ích thân thể Người là Giáo hội” (Cl 1,24). Sự trung thành anh dũng và vui mừng khi chịu thử thách của các môn đệ là lời giới thiệu hùng hồn đậm nét về Thiên Chúa: Trong cái chết tủi nhục của Chúa Giêsu trên thập giá, viên lãnh binh đã tuyên xưng: “Ông này thật là Con Thiên Chúa” (Mc 15,19).
Chúng ta tin và đi theo Chúa, chúng ta cũng sẽ gặp nhiều gian nan, thử thách và đau khổ. Nhưng Ðức Giêsu đã đối mặt với thử thách, đau khổ, cái chết và Ngài đã chiến thắng. Ngài cũng cho chúng ta sức mạnh để chiến thắng những thử thách, bách hại khi chúng ta vững tin vào Ngài và can đảm chấp nhận bị ngược đãi, bị thua thiệt, bị mất mát vì Ngài. Như thánh Phaolô đã xác tín: Chúng ta cùng chịu đau khổ với Ngài để được vinh quang với Ngài.
Ý lực sống
“Tôi cùng chịu đóng đinh với Đức Kitô; tôi sống, nhưng không còn phải là tôi, mà là Đức Kitô sống trong tôi” (Gl 2,19-20).
Nguồn: WGPSG