Suy Niệm Hằng Ngày

Thứ Bảy tuần Bát Nhật Phục Sinh

BÀI ĐỌC I: Cv 4, 13-21

“Chúng tôi không thể nào không nói lên những điều mắt thấy tai nghe”.

Trích sách Tông đồ Công vụ.

Trong những ngày ấy, các thủ lãnh, kỳ lão và luật sĩ nhận thấy Phêrô và Gioan kiên quyết, và biết hai ngài là những kẻ thất học và dốt nát, nên lấy làm lạ; và còn biết rằng hai ngài đã ở cùng Đức Giêsu; họ thấy kẻ được chữa lành đứng ở đó với hai ngài, nên họ không thể nói gì nghịch lại được. Họ mới truyền lệnh cho hai ngài ra khỏi hội nghị, rồi thảo luận với nhau rằng: “Chúng ta phải làm gì đối với những người này ? Vì toàn dân cư ngụ ở Giêrusalem đều hay biết, phép lạ hai ông đã làm rõ ràng quá chúng ta không thể chối được. Nhưng để sự việc không còn loan truyền trong dân nữa, chúng ta hãy đe doạ, cấm hai ông không được lấy danh ấy mà giảng cho ai nữa”. Họ liền gọi hai ngài vào và cấm nhặt không được nhân danh Đức Giêsu mà nói và giảng dạy nữa. Nhưng Phêrô và Gioan trả lời họ rằng: “Trước mặt Chúa, các ngài hãy xét coi: nghe các ngài hơn nghe Chúa, có phải lẽ không ? Vì chúng tôi không thể nào không nói lên những điều mắt thấy tai nghe”. Nhưng họ lại đe doạ hai ngài, rồi thả về, vì không tìm được cách nào trừng phạt hai ngài, họ lại còn sợ dân chúng, vì mọi người đều ca tụng Thiên Chúa về việc đã xảy ra.

Đó là lời Chúa.

ĐÁP CA: Tv 117, 1 và 14-15. 16ab-18. 19-21

Đáp: Tôi cảm tạ Chúa vì Chúa đã nhậm lời tôi (c. 21a).

Hoặc đọc: Alleluia.

Xướng: 1) Hãy cảm tạ Chúa, vì Chúa hảo tâm, vì đức từ bi của Người muôn thuở. Chúa là sức mạnh, là dũng lực của tôi, và Người trở nên Đấng cứu độ tôi. Tiếng reo mừng và chiến thắng vang lên trong cư xá những kẻ hiền nhân:Tay hữu Chúa đã hành động mãnh liệt.- Đáp.

2) Tay hữu Chúa đã cất nhắc tôi lên, tay hữu Chúa đã hành động mãnh liệt. Tôi không chết, nhưng tôi sẽ sống, và tôi sẽ loan truyền công cuộc của Chúa. Chúa sửa trị, Chúa sửa trị tôi, nhưng Người đã không nạp tôi cho tử thần. – Đáp.

3) Xin mở cho tôi các cửa công minh, để tôi vào và cảm tạ ơn Chúa. Đây là ngọ môn của Chúa, những người hiền đức qua đó tiến vào. Tôi cảm tạ Chúa vì Chúa đã nhậm lời tôi, và đã trở nên Đấng cứu độ tôi. – Đáp.

Tin Mừng: Mc 16,9-15

9 Khi Chúa Giêsu sống lại, sáng sớm ngày thứ nhất trong tuần, thì trước hết Người hiện ra với Maria Mađalêna, kẻ đã được Chúa đuổi bảy quỷ. 10 Bà đi báo tin cho những kẻ đã từng ở với Người và nay đang buồn thảm khóc lóc. 11 Họ nghe bà nói Chúa sống lại và bà đã thấy Người, nhưng họ không tin. 12 Sau đó, Chúa lại hiện ra dưới hình thức khác với hai môn đệ đang trên đường về miền quê. 13 Hai ông trở về báo tin cho anh em, nhưng họ cũng không tin các ông ấy. 14 Sau hết, Chúa hiện ra với mười một tông đồ lúc đang ngồi ăn. Chúa khiển trách các ông đã cứng lòng, vì các ông không tin những kẻ đã thấy Người sống lại. 15 Rồi Người phán: “Các con hãy đi khắp thế gian rao giảng Tin Mừng cho muôn loài”.

Suy niệm 1 (Lm. Carôlô Hồ Bạc Xái)

A- Phân tích (Hạt giống…)

Phần cuối của Phúc Âm Máccô (cũng không do Máccô viết, mà do ai đó viết thêm vào), ghi tóm lược 3 cuộc hiện ra chính của Chúa Giêsu sau khi sống lại:

– Hiện ra cho Maria Mađalêna.

– Hiện ra cho hai môn đệ Emmaus.

– Hiện ra cho mười một tông đồ.

Đoạn Phúc Âm này nhấn mạnh:

– Thái độ không tin của các tông đồ (không tin những lời Mađalêna nói, cũng không tin hai môn đệ Emmaus)

– Chúa Giêsu khiển trách thái độ không tin ấy.

– Sau khi làm cho các ông tin, Chúa Giêsu sai ông “hãy đi khắp thế gian rao giảng Tin Mừng cho muôn loài”.

B- Suy gẫm (… nẩy mầm)

1. Sau khi khiển trách các môn đệ đã cứng lòng tin, rồi củng cố lại lòng tin đó, Chúa Giêsu mới sai các ông đi rao giảng. Rao giảng là chia sẻ niềm tin của mình cho người chưa tin hoặc đức tin còn yếu. Vì thế phải tin rồi mới rao giảng.

2. Các môn đệ đã không tin mặc dù nghe các phụ nữ kể lại việc Chúa hiện ra cho các bà. Các ông vẫn không tin khi nghe thêm hai môn đệ Emmaus thuật lại cuộc gặp gỡ của họ với Đấng phục sinh. Chỉ mãi đến lúc Chúa Giêsu đến thì các ông mới tin. Đức tin không do suy luận, không do có bằng chứng, nhưng đức tin là việc Chúa làm, do Chúa ban. Con cám ơn Chúa đã ban đức tin cho con. Con xin Chúa gìn giữ và củng cố đức tin của con.

3. Có một bà nổi tiếng đạo đức, nhân hậu và luôn bình tâm trước mọi thử thách. Một bà khác ở cách xa ít dặm, nghe nói thì tìm đến, hi vọng học được bí quyết để sống bình tâm và hạnh phúc. Bà hỏi:

– Thưa bà, có phải bà có một đức tin lớn lao ?

– Ồ không, tôi không phải là người có đức tin lớn lao, mà chỉ là người có đức tin bé nhỏ đặt vào một Thiên Chúa lớn lao.

4. “Khi Chúa Giêsu sống lại… thì trước hết Người hiện ra với Maria Mađalêna… Bà đi báo tin cho những kẻ đã từng ở với Người và nay đang buồn thảm khóc lóc”.

Tôi là Maria Mácđala. Mọi người sỉ vả, chê bai tôi. không ai dám đụng đến tôi vì sợ bị ô uế và lây nhiễm tội lỗi. Mọi cặp mắt khinh miệt đều hướng về tôi. Vậy mà khi gặp ngài, Ngài nhìn tôi với đôi mắt triù mến và đầy tình thương. Tôi không thể nào quên đôi mắt ấy, đôi mắt đã kéo tôi ra khỏi vũng bùn tội lỗi. Từ giây phút đó, tôi bước đi theo ngài, cùng với ngài rảo qua khắp các làng mạc, thành phố để truyền bá Phúc Âm.

Rồi ngài bị bắt, bị đem giết. Tôi bối rối, sợ hãi và tuyệt vọng. Các môn đệ của ngài cũng đã bỏ chạy. Nhưng ngài vẫn chưa được yên, cả đến xác ngài cũng bị đánh cắp khi tôi ra viếng mồ sau khi ngài chết vài ngày. Ôi cuộc đời của ngài như thế này sao ? Vậy là chấm dứt, chấm dứt tất cả!

Trong cơn tuyệt vọng, Ngài gọi tôi “Maria”. Vâng, chính là ngài. Không phải là cái xác tôi đang tìm mà là một Chúa Giêsu đang sống, sống thực sự. Nhiệm vụ của tôi bây giờ là phải đi loan báo cho mọi người biết tin vui này. Tôi không có quyền giữ lại niềm vui và hạnh phúc cho riêng mình. Chúa muốn mọi người cũng được hạnh phúc như tôi, được chia sẻ niềm hanh phúc này.

Chúa Giêsu ơi, Ngài đã sống lại, xin phục sinh tâm hồn con và cho con biết đem niềm vui phục sinh đến cho mọi người. (Epphata)

Suy niệm 2 (Lm. Nguyễn Vinh Sơn SCJ)

Câu chuyện

Số giáo dân thêm nhiều, và hầu hết các họ đạo đứng vững được trong thử thách, dù lâu ngày vắng linh mục, một phần lớn còn là nhờ hoạt động tông đồ giáo dân của một số người nhiệt thành với công cuộc của nước Chúa.

Ở Trại Mỹ (Chaimi) tỉnh Quảng Nghĩa (nay là tỉnh Quảng Ngãi), cha Đắc Lộ gặp gia đình ông cụ Phaolô và bà Mônica. Tuy bị lòa cả hai mắt, nhưng ông cụ rất nhiệt thành truyền giáo: Cụ thật là linh hồn sống động của họ đạo đó. Các ngày Chúa Nhật và lễ trọng, cụ họp giáo dân trong căn nhà, trong khu nhà cụ và cụ giảng dạy khuyên răn họ.

Cụ còn giúp cho họ tất cả mọi phương tiện cần thiết để bảo vệ đức tin họ đã được lãnh nhận. Lòng nhiệt thành của cụ lan rộng ra với tất cả những người ngoại đạo và giúp được nhiều người sẵn sàng chịu phép rửa. Thiên Chúa lại cho cụ có quyền trên cả ma quỷ. Những người bị quỷ ám vùng đó đều được cụ trừ quỷ (Lm. Nguyễn Hồng, Lịch sử truyền giáo tại Việt Nam).

Suy niệm

Khi gặp được Ðức Giêsu Phục Sinh, Maria ra đi loan báo cho các môn đệ nhưng họ không tin. Hai môn đệ bỏ về quê Emmaus gặp được Chúa Phục Sinh, trở về Giêrusalem báo tin, họ cũng chẳng tin. Cuối cùng, chính Ðức Giêsu hiện ra với nhóm Mười một cho các ông chứng nghiệm nhãn tiền và quở trách lòng cứng tin của họ.

Khi các môn đồ nhận được niềm tin Phục sinh của Thầy mình, họ thay đổi hẳn: Thay vì sợ hãi, yếu tin luôn trốn tránh ban đầu khi Thầy chết, họ đã mạnh mẽ dám công nhiên tuyên bố rằng thời điểm Thiên Chúa thi ân nay đã đến như Đức Giêsu đã báo trước. Họ tin rằng Đức Giêsu đã “sống lại” và “nước của Đức Chúa” đã đến. Các môn đệ cũng loan báo tin mừng Chúa sống lại cho khắp tận cùng thế giới: “Chính Đức Giêsu đó, Thiên Chúa đã làm cho sống lại; về điều này tất cả chúng tôi xin làm chứng”(Cv 2,32). Thánh Phêrô loan báo Đức Kitô sống lại trước toàn dân Israel (x. Cv 3,14-16) và trước Thượng hội đồng Do Thái mà không chút sợ hãi (x. Cv 4, 10), sự sống lại và Phục sinh của Thầy đã đánh chết cái sợ, cái sợ đã từng làm ông chối Thầy (x. Mt 26,69-75; Mc 14,66-72; Lc 22,56-62 ; Ga 18,25-27). Phaolô, người đã từng không tin và đi bắt đạo Chúa, sau lại xác tín mạnh mẽ: “Chúa chúng ta, từ cõi chết sống lại” (x. Rm 4,24; 8,11; 2Cr 4,14; Gl 1,1; Ep 1,20; Cl 2,12). Phaolô cũng đã tuyên xưng cùng một niềm tin Chúa Kitô Phục sinh cho dân Israel (x. Cv 13,33; 17,3) và trước Thượng hội đồng Do Thái (x. Cv 23,6), cho cả dân ngoại khắp nơi ông đến (x. Cv 17,31). Môn đệ Philipphê loan truyền tin mừng Chúa Phục sinh cho viên thái giám Êtiôpia (x. Cv 8,35).

Đức Kitô hằng sống là ý nghĩa và là cùng đích cuộc đời của họ, vì thế chỉ một nhóm nhỏ sống niềm tin Đức Kitô sống lại đã làm dậy sóng cả thế giới như Suzanne de Diétrich đã quả quyết: “Sự xác thực của Phục sinh đã xây dựng Giáo hội. Không có sự việc Phục sinh, không bao giờ có Giáo hội Kitô”. Với thánh tông đồ Phaolô: Chính niềm tin Phục sinh chi phối mọi sinh hoạt của vị tông đồ này (x. Gl 2,20; 6,14-18), và ông chỉ sống để làm chứng cho một chân lý duy nhất: Đức Kitô đã chết và đã sống lại (x. 1Cr 15; Rm 4,24-25; 6,4.9;7,4…). Cuối cùng, cũng vì niềm tin sống lại, Phaolô đã hy sinh mạng sống mình tại Rôma.

Niềm tin Phục sinh đã bén rễ sâu và được thực hiện nơi người tín hữu qua mọi thời đại bằng lời nói, bằng lòng can đảm, đôi khi bằng chính mạng sống mình. Cũng chính niềm tin đó mà thánh Stêphanô đã trở nên chứng nhân đầu tiên và trải qua nhiều thế kỷ mãi cho đến ngày nay các chứng nhân tử đạo vẫn nối tiếp làm chứng nhân cho niềm tin Phục sinh, bất chấp mọi thứ kể cả cái chết. Đó là niềm tin của Giáo hội: Đức Kitô Phục sinh và chúng ta cũng được phục sinh.

Ý lực sống

“Nếu Đức Kitô đã không trỗi dậy, thì lời rao giảng của chúng tôi trống rỗng và cả đức tin của anh em nữa cũng trống rỗng… và anh em vẫn còn sống trong tội lỗi của anh em” (1Cr 15,14.17).

Nguồn: WGPSG

You may also like