Suy Niệm Tin Mừng Chúa Nhật

Chúa nhật 3 Phục sinh năm B

BÀI ĐỌC I: Cv 3, 13-15. 17-19

“Đấng ban sự sống thì anh em đã giết đi, nhưng Thiên Chúa đã cho Người từ cõi chết sống lại”.

Trích sách Tông đồ Công vụ.

Khi ấy, Phêrô nói với dân chúng rằng: “Thiên Chúa Abraham, Thiên Chúa Isaac, Thiên Chúa Giacóp, Thiên Chúa các tổ phụ chúng ta đã làm vinh danh Chúa Giêsu, Con của Ngài, Đấng mà anh em đã nộp và chối bỏ trước mặt Philatô, trong khi Philatô xét là phải tha cho Người. Anh em đã chối bỏ Đấng Thánh, Đấng Công Chính, và xin tha tên sát nhân cho anh em, còn Đấng ban sự sống thì anh em lại giết đi, nhưng Thiên Chúa đã cho Người từ cõi chết sống lại, điều đó chúng tôi xin làm chứng.

“Hỡi anh em, thế nhưng tôi biết rằng anh em đã hành động vì không biết, như các thủ lãnh anh em đã làm. Thiên Chúa đã hoàn tất việc Người dùng miệng các tiên tri mà báo trước. Đức Kitô của Ngài phải chịu khổ hình. Vậy anh em hãy ăn năn hối cải, ngõ hầu tội lỗi anh em được xoá bỏ”.    

Đó là lời Chúa.

ĐÁP CA: Tv 4, 2. 7. 9

Đáp: Lạy Chúa, xin chiếu sáng thiên nhan Chúa trên mình chúng con! (c. 7a)

Hoặc đọc: Alleluia.

Xướng: 1) Khi con cầu, nguyện Chúa nghe, lạy Chúa công bình của con, Chúa đã giải thoát con trong cơn khốn khó, nguyện xót thương và nghe tiếng con cầu! – Đáp.

2) Nhiều người nói: “Ai chỉ cho ta thấy điều thiện hảo?” Lạy Chúa, xin chiếu sáng thiên nhan Chúa trên mình chúng con! – Đáp.

3) Được an bình, con vừa nằm xuống, thoắt ngủ ngon, vì lạy Chúa, duy có Chúa cho con yên hàn. – Đáp.

BÀI ĐỌC II: 1 Ga 2, 1-5a

“Chính Người là của lễ đền tội, không những cho chúng ta mà thôi, nhưng còn cho cả thế gian”.

Trích thư thứ nhất của Thánh Gioan Tông đồ.

Các con thân mến, Cha viết những điều này cho các con, để các con đừng phạm tội. Nhưng nếu có ai đã phạm tội, thì chúng ta có Đức Giêsu Kitô, Đấng công chính, làm trạng sư nơi Đức Chúa Cha. Chính Người là của lễ đền tội chúng ta; không nguyên đền tội chúng ta mà thôi, nhưng còn đền tội cho cả thế gian. Chính nơi điều này mà chúng ta biết rõ được là chúng ta biết Chúa Giêsu, nếu chúng ta giữ các giới răn Người. Ai nói mình biết Người, mà không giữ giới răn Người, là kẻ nói dối, và nơi người ấy không có chân lý. Còn ai giữ lời Người, thì quả thật, tình yêu của Thiên Chúa đã tuyệt hảo nơi người ấy.     

Đó là lời Chúa.

Tin mừng: Lc 24,35-48

35 Còn hai ông thì thuật lại những gì đã xảy ra dọc đường và việc mình đã nhận ra Chúa thế nào khi Người bẻ bánh.

36 Các ông còn đang nói, thì chính Đức Giê-su đứng giữa các ông và bảo: “Bình an cho anh em!” 37 Các ông kinh hồn bạt vía, tưởng là thấy ma.

38 Nhưng Người nói: “Sao lại hoảng hốt ? Sao lòng anh em còn ngờ vực ? 39 Nhìn chân tay Thầy coi, chính Thầy đây mà! Cứ rờ xem, ma đâu có xương có thịt như anh em thấy Thầy có đây ?”

40 Nói xong, Người đưa tay chân ra cho các ông xem. 41 Các ông còn chưa tin vì mừng quá, và còn đang ngỡ ngàng, thì Người hỏi: “Ở đây anh em có gì ăn không ?” 42 Các ông đưa cho Người một khúc cá nướng. 43 Người cầm lấy và ăn trước mặt các ông.

44 Rồi Người bảo: “Khi còn ở với anh em, Thầy đã từng nói với anh em rằng tất cả những gì sách Luật Mô-sê, các Sách Ngôn Sứ và các Thánh Vịnh đã chép về Thầy đều phải được ứng nghiệm.”

45 Bấy giờ Người mở trí cho các ông hiểu Kinh Thánh 46 và Người nói: “Có lời Kinh Thánh chép rằng: Đấng Ki-tô phải chịu khổ hình, rồi ngày thứ ba, từ cõi chết sống lại; 47 phải nhân danh Người mà rao giảng cho muôn dân, bắt đầu từ Giê-ru-sa-lem, kêu gọi họ sám hối để được ơn tha tội.

48 Chính anh em là chứng nhân về những điều này.

1. Suy niệm (TGM Giuse Nguyễn Năng)

Suy niệm: Khi các tông đồ đang tụ họp. Ðức Giêsu đã đến giữa họ và chúc Bình An cho họ. Bình An của Chúa chỉ ở lại nơi những cộng đoàn sống hòa hợp, đồng tâm nhất trí với nhau.

Gia đình hòa thuận, khu xóm an vui, giáo xứ êm ấm… là những cộng đoàn được Ðức Giêsu vui thích hiện diện và chúc lành cho họ.

Cầu nguyện: Lạy Chúa Giêsu xin Chúa đến với gia đình chúng con, xứ sở chúng con. Sự hiệp nhất của chúng con trong mọi công việc, nhất là trong các giờ kinh gia đình là điều làm Chúa vui lòng. Chúng con xin Chúa hiện diện giữa chúng con, hướng dẫn và đem bình an hạnh phúc cho chúng con. Amen.

Ghi nhớ: “Họ nhận ra được Người khi họ nhận bánh do Người bẻ trao cho”.

2. Suy niệm (Lm. Giuse Đinh Lập Liễm)

LÀM CHỨNG CHO CHÚA PHỤC SINH

A. DẪN NHẬP

Đức Giêsu đã sống lại như lời Ngài đã báo trước, nhưng nhiều người còn hoài nghi. Sự kiện ngôi mồ trống chưa thể xác quyết được việc Chúa sống lại từ cõi chết. Ngày thứ nhất trong tuần, chính Đức Giêsu đã hiện ra với bà Maria Mađalêna từ sáng sớm, với hai môn đệ đi làng Emmau vào buổi chiều và với mười Tông đồ tại nhà Tiệc ly vào buổi tối, để chứng minh là Ngài đã sống lại thật.

Sau khi đã được thấy cả con người Phục sinh của Chúa với những lỗ đinh ở chân tay cùng với cạnh sườn, cũng như thấy Ngài cùng ăn với các ông, lúc đó các ông mới xác tín rằng Chúa đã sống lại. Các ông đã trở nên những chứng nhân trung thành của Chúa phục sinh, và từ đó, các ông đi loan truyền cho mọi người biến cố Phục sinh của Chúa.

Chúng ta không được diễm phúc trông thấy Chúa sống lại như các Tông đồ, nhưng nhờ Thánh kinh, chúng ta tin vững chắc Chúa đã sống lại. Việc Phục sinh của Chúa sẽ là nền tảng cho đời sống Kitô hữu chúng ta. Và từ nền tảng này, chúng ta sẽ loan báo Chúa Phục sinh cho những người chung quanh bằng cuộc sống thường ngày của chúng ta.

B. TÌM HIỂU LỜI CHÚA

+ Bài đọc 1: Cv 3, 13-15.17-19

Thánh Phêrô đã làm phép lạ chữa lành người què ở cửa Đền thờ, điều này làm cho nhiều người ngạc nhiên và bàn tán. Nhân dịp này, thánh Phêrô đã giảng cho người Do thái một bài rất hùng hồn. Ngài cho biết rằng phép lạ ngài làm cho người què đi được, không phải do quyền năng hay đạo đức riêng của mình, mà chính do nhân danh Đức Giêsu Kitô mà ông đã chữa lành. Đức Giêsu chính là người mà dân Do thái đã giết đi, nhưng nay Thiên Chúa đã làm cho Người sống lại từ cõi chết.

Sở dĩ người Do thái giết Đức Giêsu là Đấng Messia vì họ không biết. Vì vậy, họ hãy sám hối, từ bỏ tội lỗi và tin nhận Ngài để được ơn cứu độ.

+ Bài đọc 2: 1Ga 2, 1-5

Khi hiến mình làm lễ vật hy sinh, Đức Kitô đã trở nên Đấng can thiệp rất thần thế cho chúng ta bên cạnh Chúa Cha. Nhiều người cho rằng mình đã“biết” Đức Giêsu, nhưng họ đã biết như thế nào? Thánh Gioan Tông đồ giải thích cho chúng ta thế nào là “biết” thật: Chính nơi điều này mà chúng ta biết rằng mình “biết” Đức Giêsu, đó là chúng ta giữ các giới răn của Ngài. Ai nói rằng mình “biết” Ngài mà không giữ giới răn Ngài thì ấy là kẻ nói dối.

+ Bài Tin mừng: Lc 24, 35-48

Khi sống lại từ cõi chết, Đức Giêsu đã hiện ra trước hết với Maria Mađalêna, rồi với hai môn đệ đi làng Emmau và với các Tông đồ tại nhà Tiệc ly. Những lần hiện ra này là bằng chứng rõ ràng về sự kiện Ngài đã từ cõi chết sống lại. Chính nhóm Mười Một không tin Ngài sống lại, họ còn tưởng Đấng Phục sinh là một hồn ma. Đức Kitô đã phải để cho họ sờ tay chân Ngài và ăn một khúc cá nướng trước mặt họ để họ nhận ra Ngài.

Mối quan tâm đầu tiên của thánh Luca là chứng tỏ rằng Đức Giêsu Phục sinh chính là người mà các Tông đồ đã biết trước, khi Ngài chịu đóng đinh. Thánh nhân nhấn mạnh rằng sự sống lại về mặt thể xác của Đức Giêsu là có thật, nhưng lại giải thích rõ ràng rằng: sự sống lại của Ngài không phải là cuộc trở lại với đời sống trần thế. Đức Giêsu đã sống lại với sự sống mới ở bên ngoài cái chết.

Vì thế, tất cả niềm tin của người Kitô hữu dựa trên biến cố Phục sinh này. Các Tông đồ đã chứng kiến tận mắt, nên lời chứng của các ngài rất đáng tin. Đồng thời Chúa cũng trao cho các ông sứ mệnh rao giảng Tin mừng Phục sinh cho muôn dân, để họ sám hối và được ơn tha tội, bởi vì “Chính anh em là chứng nhân về những điều này” (Lc 24.48).

C. THỰC HÀNH LỜI CHÚA: Làm chứng cho Chúa Phục sinh

I. ĐỨC GIÊSU LÀM CHỨNG VỀ MÌNH

Bài Tin mừng hôm nay thuật lại việc Chúa hiện ra lần thứ ba với các Tông đồ tại nhà Tiệc ly. Biến cố này, Gioan cũng thuật lại trong Ga 20, 19-23.

Với một cái nhìn chung, người ta nhận ra nơi Luca việc tường thuật các lần Chúa sống lại hiện ra được kể với ba hạng người: Trước tiên với các phụ nữ (Lc 24, 1-12), rồi cho các môn đệ (Lc 24, 13-25), và cuối cùng cho các Tông đồ, tức nhóm Mười Hai (Lc 24, 35-48). Đó là ba nhóm người mà khi Chúa đi rao giảng, đã liên kết với Chúa một cách chặt chẽ, tuy nhiên với mức độ khác nhau.

Qua các lần hiện ra, Đức Giêsu làm chứng rằng: mình đã sống lại bằng một phép lạ chưa từng có trên đời này. Để các Tông đồ tin, Ngài đã làm hết mọi cách từ tâm lý đến vật lý, từ lịch sử đến thực hiện đúng lời đã hứa.

Bởi vậy, khi Luca kể lại việc Chúa xuất hiện cho mười một Tông đồ lúc đêm xuống, thì ông nhấn mạnh việc Chúa xuất hiện bằng thể xác của Ngài. Khi các môn đệ thấy Ngài thì họ tưởng mình thấy ma, hoặc là hồn Ngài hiện về. Đánh tan cảm tưởng sai lầm đó, Đức Giêsu đã vận dụng mọi giác quan, để chứng tỏ Ngài có một thân thể không phải phi vật chất hay linh thiêng, nhưng là một thân thể có xương có thịt, mà hôm thứ sáu đã bị đóng đinh vào thập giá và được táng trong mồ. Chính là thân thể vật chất ấy với những dấu đinh, với cạnh nương long mà các ông trông thấy và có thể sờ vào được.

Để chứng minh tính chất vật chất của thân thể mình, Ngài cầm lấy miếng cá nướng và ăn trước mặt các ông và đưa cho các ông cùng ăn.

Khi các Tông đồ đã trở về tình trạng lành mạnh về tâm lý và thể lý rồi, Chúa mới hướng dẫn các ông về bằng chứng lịch sử: “Thầy đã từng nói với anh em rằng tất cả những gì sách luật Maisen, các sách tiên tri và các Thánh vịnh đã chép về Thầy, đều phải được ứng nghiệm”.

Đức Giêsu nói cho các Tông đồ biết toàn bộ Kinh thánh đã ứng nghiệm về Ngài. Nếu Thánh kinh không ứng nghiệm về Ngài, thì toàn bộ Thánh kinh là giả dối, vì Thánh kinh loan báo về Đấng cứu độ và ngoài Đức Giêsu ra không ai đem lại ơn cứu độ (Cv 4, 12).

Để thấy rõ như thế, Ngài đã “dẫn giải cho các ông những điều viết về Ngài trong toàn bộ Thánh kinh” (Lc 24, 27). Để có thời gian giải thích, chắc Ngài còn phải ở với các ông lâu dài, như thánh Luca đã xác định là 40 ngày được ghi rõ trong sách Công vụ tông đồ: “Ngài lại còn dùng nhiều cách để chứng tỏ cho các ông thấy là Ngài vẫn sống sau khi đã chịu khổ hình: trong 40 ngày, Ngài đã hiện ra nói chuyện với các ông về Nước Thiên Chúa” (Cv 1, 3). Thời gian 40 ngày đã quá đủ để các Tông đồ thấy chắc chắn: Thầy đã sống lại thật.

II. CÁC TÔNG ĐỒ LÀM CHỨNG VỀ CHÚA

Trong bài Tin mừng hôm nay, thánh Luca nhắc lại cho chúng ta lời Đức Giêsu ra lệnh cho các Tông đồ khi Ngài sống lại: “Phải nhân danh Thầy mà rao giảng cho muôn dân, bắt đầu từ Giêrusalem, kêu gọi họ sám hối để được ơn tha tội. Chính anh em là chứng nhân về những điều này” (Lc 24, 47-48).

Trong bài đọc một, thánh Phêrô đã làm chứng cho toàn dân Giêrusalem về Đức Giêsu bị đóng đinh, đã chết và đã sống lại. Chính họ đã nộp Ngài và chối bỏ trước mặt quan Philatô, dù quan xét xử không thấy tội gì. Họ đã xin tha cho kẻ sát nhân và lên án Đấng công chính. Nghe thế, họ quá rõ tội lỗi đã phạm, họ đã ăn năn sám hối: “Hôm ấy đã có thêm khoảng 3000 người theo đạo” (Cv 2, 41).

Trong bài đọc hai, thánh Gioan đã làm chứng về “Đức Giêsu Kitô, Đấng công chính, chính Người là của lễ hy sinh đền bù tội lỗi ta, và còn đền bù tội lỗi cho cả thế giới”. Rồi Gioan kêu gọi chúng ta làm chứng về Đức Kitô bằng đời sống đừng phạm tội, hãy vâng giữ lệnh Đức Kitô, để chứng tỏ lòng yêu mến Thiên Chúa tới mức hoàn hảo và biết được mình đang ở trong Đức Kitô. Ai không vâng lời Đức Kitô là kẻ nói láo.

Nhìn vào lịch sử truyền giáo, chúng ta thấy các Tông đồ, những chứng nhân trung thực, đã đi rao giảng Đức Giêsu chịu chết và phục sinh cho muôn dân, nghĩa là sau khi Chúa về trời, và sau khi đã lãnh nhận Chúa Thánh Thần, từ những người nhát gan, sợ hãi, từ những người dân chài, quê mùa, không hiểu gì về Đấng Cứu thế… các Tông đồ đã trở nên những người can đảm, thông thái, lợi khẩu. Các ngài đã vâng lệnh Chúa ra đi rao giảng cho mọi người biết và tin Chúa Giêsu chính là Con Thiên Chúa đã đến trần gian, đã chết và sống lại để cứu chuộc tất cả mọi người. Các ngài đã đóng đúng vai trò chứng nhân và thi hành đầy đủ bổn phận làm chứng của mình.

Bằng lời nói, các ngài rao giảng mà không sợ bất cứ một áp lực nào hay một sự đe dọa nào. Mỗi khi rao giảng, các ngài thường hiên ngang tuyên bố: “Chúng tôi xin làm chứng”. Dù đứng trước toà án cấm đoán, dọa nạt, các ngài vẫn khẳng khái thưa: “Xin quý vị xét cho, phần chúng tôi, chúng tôi không thể không nói về những điều đã thấy, đã nghe”.

Không những làm chứng bằng lời nói, các ngài còn làm chứng bằng việc làm, bằng chính đời sống của mình: sẵn sàng chịu vất vả, khổ cực, đòn vọt, tù ngục, và sẵn sàng chịu chết vì Chúa Giêsu. Sau 12 Tông đồ, lại có biết bao lớp tông đồ khác, trải qua các thời đại, tiếp nối sự nghiệp loan báo Tin mừng và làm chứng nhân cho Chúa Giêsu.

III. CHÚNG TA LÀM CHỨNG VỀ ĐỨC GIÊSU PHỤC SINH

Đức Kitô đã làm chứng về Ngài đã sống lại thật. Phêrô, Gioan, các Tông đồ và bao nhiêu người đã tin và đã làm chứng về Đức Kitô phục sinh. Còn chúng ta, nếu chúng ta vâng lệnh Đức Kitô truyền, chúng ta phải ra sức làm chứng về Ngài.

1. Giáo huấn của Hội thánh

Trong sắc lệnh Tông đồ giáo dân của công đồng Vatican II, Hội thánh nhắc nhở cho các tín hữu nhiệm vụ làm tông đồ và làm chứng nhân bởi vì nhiệm vụ này phát xuất từ bí tích Thánh tẩy:

Hình thức đặc biệt của hoạt động tông đồ cá nhân là giúp giáo dân làm chứng bằng cả đời sống phát xuất từ đức tin, đức cậy, đức mến. Đó là dấu chỉ rất thích hợp trong thời đại chúng ta, để biểu lộ Chúa Kitô sống động trong các tín hữu của Người. Cùng với việc tông đồ bằng lời nói mà trong một số hoàn cảnh lại rất cần thiết người giáo dân rao giảng Chúa Kitô cắt nghĩa và phổ biến giáo lý của Người tuỳ theo hoàn cảnh và tài năng của mỗi người, đồng thời họ cũng trung thành tuyên xưng giáo lý của Người nữa”. (Sắc lệnh tông đồ giáo dân, số 16)

2. Làm chứng là gì?

Làm chứng là nhận thực một sự kiện mà chính mình đã kinh qua hay đã kinh nghiệm. Hay nói cách khác, làm chứng là chứng nhận bằng lời nói hay bằng hành động một sự việc đã xảy ra, một sự kiện có thật mà mình đã thấy, đã nghe, đã trải qua.

Ở toà án, chứng nhân hay nhân chứng là người nói sự thật những điều mắt thấy tai nghe, và phải nói đúng sự thực như mình đã thấy. Chứng nhân càng có uy tín thì lời chứng của mình càng có giá trị, khiến người khác dễ bị thuyết phục. Ngược lại, những người không có uy tín thì khiến những lời nói của mình không có tính thuyết phục, đôi khi lại trở nên phản chứng.

3. Làm chứng như thế nào?

Làm chứng cho Đức Giêsu đâu có phải là chỉ kể lại cho kẻ khác về đời sống của một vĩ nhân đã sống cách đây 2000 năm. Ai cũng có thể làm được điều này. Làm chứng cho Đức Giêsu đâu phải chỉ là xác nhận rằng Đức Giêsu đã sống lại. Đám lính canh gác mồ cũng đã làm như thế.

Làm chứng cho Đức Giêsu chính là dùng chính cuộc sống của mình để chứng tỏ rằng: quyền năng của Đức Giêsu sống lại đã tác động và biến đổi chúng ta một cách lạ lùng nhất, có thể tưởng tượng được. Làm chứng nhân cho Đức Giêsu là để cho Ngài ngỏ lời với tha nhân ngang qua chúng ta, nghĩa là dùng chúng ta để nói với kẻ khác.

TruyệnLàm chứng bằng đời sống

Cách đây ít lâu, trong một cuộc hội thảo của giới trẻ về đề tài “Truyền giáo năm 2000”, nhiều bạn trẻ đề nghị phải sử dụng tối đa các phương tiện truyền thông tân tiến trong những năm cuối cùng của thế kỷ 20, gồm sách vở báo chí, phim ảnh có phẩm chất và hấp dẫn, để rao giảng Tin mừng cho mọi tầng lớp và mọi lứa tuổi. Một số bạn trẻ khác nhấn mạnh đến công tác xã hội và bác ái. Một số bạn trẻ khác đi xa hơn bằng cách đề nghị Giáo hội chống lại những bất công xã hội, những chà đạp quyền con người, để xây dựng công lý và hoà hợp.

Trong lúc mọi người đang hăng hái đưa ra những chương trình to lớn và đề nghị những hoạt động vĩ đại, thì một thiếu nữ da màu giơ tay xin phát biểu: “Tại Phi châu nghèo nàn và chậm tiến của chúng tôi, chúng tôi không gửi, hay đúng hơn không có khả năng gửi đến những làng chúng tôi muốn truyền giáo những sách vở, báo chí, phim ảnh, chúng tôi chỉ gửi đến đó một gia đình công giáo tốt, để dân làng thấy thế nào là đời sống Kitô giáo (R.D. Wahrheit, Ánh sáng hy vọng, tr 208).

Thánh Phaolô nhận thấy mình có trách nhiệm rao giảng Tin mừng, nếu không là một điều có lỗi lớn: “Khốn cho tôi nếu tôi không rao giảng Tin mừng”. Nếu muốn rao giảng Lời Chúa thì mỗi người có trách nhiệm phải lắng nghe và thực hành lời Chúa vì không nghe thì làm sao mà biết, không biết thì làm sao có thể rao giảng Lời Chúa bằng cách này hay cách khác cho những người chung quanh.

Mỗi Chúa nhật có một bài giảng, mỗi năm có 52 tuần lễ, tức là có 52 bài chia sẻ Lời Chúa. Nhưng chúng ta đã lãnh nhận như thế nào? Đành rằng có nhiều thứ bài giảng cũng như bánh chia có nhiều loại: bánh mặn, bánh lạt, bánh khô, bánh ướt, thì Lời Chúa qua thừa tác viên, đến với ta cũng vậy, có bài dài bài ngắn, bài hấp dẫn bài buồn ngủ…

Vào giây phút cuối cuộc đời, văn sĩ John Bayern đã nói những lời từ giã người vợ thân yêu như sau: “Mình yêu dấu, trong gương mặt của mình, tôi đã nhìn thấy dung mạo của Thiên Chúa. Xin cảm ơn mình vô cùng”.

Trong gương mặt của mình tôi đã nhìn thấy Thiên Chúa”. Mỗi Kitô hữu chúng ta được mời gọi sống như thế nào, để anh em chung quanh có thể nói tương tự: “Trong gương mặt của anh, tôi có thể nhìn thấy dung mạo của Thiên Chúa. Xin cảm ơn bạn vô cùng”. Đó là ơn gọi cao cả của mỗi người Kitô hữu được gọi trở nên giống Chúa, và làm cho những người khác nhìn thấy Chúa như trong Tin mừng theo thánh Mátthêu. Đức Giêsu đã căn dặn các môn đệ:“Các con hãy trở nên trọn lành như Cha các con ở trên trời là Đấng trọn lành”. Đức Giêsu còn nhấn mạnh đến trách nhiệm của người Kitô hữu đến độ Chúa so sánh cuộc sống của họ như đèn sáng: “Các con là anh sáng thế gian”. Ánh sáng đó cần phải chiếu sáng trước mặt người đời, ngõ hầu họ thấy việc lành mà ngợi khen Cha chúng ta ở trên trời (Hạt giống âm thầm, tr 178).

Chúng ta hãy suy nghĩ về đoạn văn trích từ lá thư mục vụ của Giám mục Duval của Pháp:

Dù có phát biểu khéo léo đến đâu, những tư tưởng trừu tượng cũng khó mà cảm động được lòng người. Nhưng những con người sống động, có khả năng làm cảm động lòng người, những người đó hãy xung phong bước ra. Hãy để cho chân lý trào ra từ cuộc sống của mình, và hãy làm cho quyền năng của mình tương xứng với món quà mà mình trao tặng bằng tình yêu. Lúc đó mọi người sẽ lắng tai nghe, và bình minh của những ngày tươi sáng sẽ bừng lên trên bầu trời của chúng ta”.

TruyệnGương lành lôi kéo

Một nhà truyền giáo Ấn độ, ông Gordon M. Suer đã xin một tín đồ Ấn độ giáo sống bên cạnh, để nuôi dạy ông học tiếng bản xứ, nhưng tín đồ Ấn độ giáo này từ chối như sau:

– Thưa ngài, tôi không đến dạy tiếng bản xứ cho ngài, vì tôi không muốn trở nên người Kitô hữu.

Nhà tuyền giáo trả lời:

– Tôi muốn học tiếng bản xứ, để có thể giao thiệp với những người chung quanh, để hiểu biết họ hơn, chứ không nhằm bắt họ phải trở lại đạo Chúa.

Nhưng người tín đồ Ấn giáo đáp lại:

– Thưa ngài, tôi biết vậy, nhưng đối với tôi, tôi nhận thấy rằng: không ai có thể sống bên cạnh ngài lâu, mà không bị ngài cảm hoá tin theo Chúa. Tôi không thể dạy ngài, vì tôi không thể sống bên cạnh ngài mà không trở thành người Kitô hữu.

Mỗi người chúng ta là những môn đệ của Đức Kitô, đều có trách nhiệm sống ơn gọi của mình như thế nào để có thể làm chứng cho Chúa trong mọi nơi, mọi hoàn cảnh.”Không ai có thể nhìn thấy Thiên Chúa, nhưng người Kitô hữu có bổn phận thể hiện dung mạo Thiên Chúa cho anh em chung quanh. Qua tình thương nhân từ của chúng ta, qua những việc tốt lành chúng ta làm, anh chị em chung quanh có thể hiểu được Thiên Chúa là Đấng tràn đầy tình thương nhân từ. Qua sự sẵn sàng tha thứ của chúng ta cho kẻ khác, anh em chung quanh cảm thấy được Thiên Chúa là Đấng hay tha thứ (Sđd, tr 179).

3. Suy niệm (Lm. Antôn Nguyễn Cao Siêu, SJ.)

TƯỞNG LÀ THẤY MA

Những kitô hữu chúng ta thường nghĩ rằng

tin Thầy Giêsu phục sinh chẳng có gì khó.

Chỉ cần thấy mồ không còn xác Thầy nằm đấy,

và thấy Thầy hiện ra với mình, là có niềm tin ngay.

Qua các sách Tin Mừng, ta lại thấy tin không dễ chút nào.

Đức Giêsu đã rất vất vả trong việc làm cho các môn đệ

tin rằng Ngài đã được Thiên Chúa phục sinh.

Khi Thầy Giêsu hiện ra với mười một môn đệ

trên một ngọn núi đã được báo trước, ở vùng Galilê,

có những ông quỳ xuống bái lạy,

nhưng có mấy ông vẫn hoài nghi (Mt 28, 17).

Khi Thầy Giêsu hiện ra với mười người trong nhóm Mười Hai,

ông Tôma không có mặt, và ông tuyên bố sẽ không tin

nếu không được tự mình kiểm chứng (Ga 20, 25.27).

Thầy Giêsu trách Tôma cứng lòng, chỉ chịu tin khi thấy.

Nhưng Thầy còn trách cả Nhóm Mười Một (Mc 16, 14)

vì họ không chịu tin những kẻ đã được thấy Ngài sau phục sinh.

Họ đã không tin vào lời chứng của các phụ nữ (Lc 24, 10-11).

Quả thật không dễ để tin vào sự sống lại

của vị Thầy đã bị đóng đinh, chết và chôn táng trong mồ.

Chuyện này chưa bao giờ xảy ra, chưa bao giờ nghe nói.

Tuy vậy, niềm tin Đức Giêsu đã được phục sinh

lại là niềm tin cốt lõi và căn bản của Kitô giáo.

Sau khi về với Cha, Thầy Giêsu muốn các môn đệ

trở thành những chứng nhân cho sự phục sinh của Thầy.

Họ sẽ không đi rao giảng tin buồn về một vĩ nhân đã chết,

nhưng sẽ đi loan báo Tin Mừng

về một Đấng đã chết nhưng nay đang sống,

Đấng ấy đã đến gặp họ, và đang hoạt động với họ.

Chính vì thế các môn đệ cần một kinh nghiệm sâu xa.

Đấng phục sinh đích thân hiện ra để cho họ kinh nghiệm đó,

cho họ niềm xác tín không lay chuyển,

đến nỗi họ dám hiến mạng sống mình để làm chứng sau này.

Bài Tin Mừng hôm nay cho thấy những nỗ lực của Thầy Giêsu

trong việc làm cho Nhóm Mười Một tin Thầy đã phục sinh.

Dù Thầy đã hiện ra cho Simôn và hai môn đệ về Emmau,

nhưng lạ thay, khi Thầy hiện ra cho Nhóm Mười Một

thì họ lại kinh hồn bạt vía, tưởng là thấy ma (Lc 24, 36-37).

Họ nghĩ ma là của hồn của người chết hiện về,

vì thế bóng ma thì mỏng manh như sương khói.                                                     

Thầy Giêsu đã làm hết sức để họ không nghĩ Ngài là ma.

Ngài cho họ xem tay chân, thậm chí rờ vào tay chân Ngài.

Ngài thuyết phục họ bằng lý luận để họ tin:

“Chính Thầy đây mà, cứ rờ mà xem, ma đâu có thịt xương

như anh em thấy Thầy có đây” (Lc 24, 39).

Nhưng vì các ông vẫn chưa tin và còn ngỡ ngàng,

Thầy Giêsu đã ăn một khúc cá nướng trước mặt các ông.

Đấng phục sinh đã làm những điều cụ thể,

để cho các ông thấy Ngài không phải là ma,

nhưng là người đang sống với thân xác được phục sinh.

Đấng phục sinh không chỉ giúp các ông tin bằng thực nghiệm.

Những điều ấy cần nhưng không đủ.

Như đối với hai môn đệ Emmau, Ngài còn muốn cho họ thấy

đau khổ và cái chết của Ngài đã được ghi trong Sách Thánh.

Đó không phải là một thất bại hay rủi ro,

nhưng là điều nằm trong kế hoạch cứu độ của Thiên Chúa.

Qua Khổ nạn mà Thầy Giêsu được vào vinh quang phục sinh.

Qua Phục sinh mà ơn tha tội đến với mọi dân tộc (Lc 24, 47).

Với lời giải thích Kinh Thánh của Thầy Giêsu phục sinh,

mọi biến cố đau buồn đã qua trở nên hiểu được,

và mọi vết thương trong tâm hồn họ được chữa lành.

Chúng ta không được Đức Giêsu hiện ra giải thích Kinh Thánh,

cũng không được Ngài bẻ bánh và trao cho ta.

Nhưng chúng ta được tham dự Thánh Lễ mỗi Chúa Nhật,

Nơi đây, Chúa phục sinh tiếp tục giải thích Kinh Thánh,

và tiếp tục trao cho ta Tấm Bánh là Mình Ngài.

Sự bao dung, kiên nhẫn và yêu thương của Ngài là vô bờ.

Chỉ mong chúng ta dám làm chứng cho Đấng phục sinh…

CẦU NGUYỆN

Lạy Chúa Giêsu phục sinh,

Xin cho chúng con học được cách cư xử của Chúa.

Khi được Cha trao toàn quyền trên trời dưới đất,

Chúa vẫn cư xử tế nhị như một người phục vụ.

Chúa nướng bánh và cá cho các môn đệ ăn.

Khi được Cha cho sống lại vinh quang,

Chúa vẫn là người đi bước trước đến với các môn đệ.

Chúa hẹn họ đến Galilê, để nối lại tình Thầy trò,

để chữa lành những vết thương do vấp ngã.

Khi được Cha nâng dậy từ cõi chết,

Chúa không quên tấm lòng của các phụ nữ,

những người đã theo Chúa từ lâu,

đã có mặt khi Chúa chịu đóng đinh và chôn táng.

Những phụ nữ đầu tiên ra thăm mộ

là những người đầu tiên được gặp Chúa,

và được Chúa trao sứ mạng loan báo Tin Vui.

Chúng con học nơi Chúa sự nhẫn nại,

khi thấy Chúa chịu đựng sự cứng lòng của ông Tôma,

học nơi Chúa óc hài hước,

khi thấy Chúa đồng hành với hai môn đệ bỏ đi vì thất vọng.

Chúa phục sinh cao cả nhưng đã tự hạ mình

để chinh phục lại nhóm môn đệ, không để mất một ai.

Chúa có nhiều cách để làm cho người ta nhận ra Chúa,

qua việc gọi tên hay làm cử chỉ bẻ bánh,      

qua mẻ cá lạ hay qua việc cho họ xem những vết thương…

Chúa đến qua hình dáng anh làm vườn hay người khách lạ.

Lạy Chúa Giêsu phục sinh,

Xin dạy chúng con đem đến cho con người hôm nay

an bình và hy vọng, niềm tin yêu và Thánh Thần.

Xin cho khuôn mặt chúng con luôn tươi vui để làm chứng,

luôn bừng sáng để tỏa lan sức sống của Chúa. Amen.

4. Suy niệm (song ngữ)

3rd Sunday of Easter
Reading I: Acts 3:13-15,17-19
Reading II: 1John 2:1-5

Chúa Nhật 3 Phục Sinh
Bài đọc I: Cv 3:13-15,17-19
Bài đọc II: 1Ga 2:1-5

Gospel
Luke 24:35-48

35 Then the two told what had happened on the way, and how Jesus was recognized by them when he broke the bread.

36 While they were still talking about this, Jesus himself stood among them and said to them, “Peace be with you”.

37 They were startled and frightened, thinking they saw a ghost.

38 He said to them, “Why are you troubled, and why do doubts rise in your minds ?

39 Look at my hands and my feet. It is I myself! Touch me and see; a ghost does not have flesh and bones, as you see I have”.

40 When he had said this, he showed them his hands and feet.

41 And while they still did not believe it because of joy and amazement, he asked them, “Do you have anything here to eat ?”

42 They gave him a piece of broiled fish,

43 and he took it and ate it in their presence.

44 He said to them, “This is what I told you while I was still with you: Everything must be fulfilled that is written about me in the Law of Moses, the Prophets and the Psalms”.

45 Then he opened their minds so they could understand the Scriptures.

46 He told them, “This is what is written: The Christ will suffer and rise from the dead on the third day,

47 and repentance and forgiveness of sins will be preached in his name to all nations, beginning at Jerusalem.

48 You are witnesses of these things.

Phúc Âm

Luca 24,35-48

35 Khi ấy, hai môn đệ thuật lại các việc đã xảy ra dọc đường và hai ông đã nhận ra Người lúc bẻ bánh như thế nào.

36 Mọi người còn đang bàn chuyện thì Chúa Giêsu hiện ra đứng giữa họ và phán: “Bình an cho các con! Thầy đây, đừng sợ”.

37 Nhưng mọi người bối rối tưởng mình thấy ma.

38 Chúa lại phán: “Sao các con bối rối và lòng các con lo nghĩ như vậy ?

39 Hãy xem tay chân Thầy: chính Thầy đây! Hãy sờ mà xem: ma đâu có xương thịt như các con thấy Thầy có đây”.

40 Nói xong, Người đưa tay chân cho họ xem.

41 Thấy họ còn chưa tin, và vì vui mừng mà bỡ ngỡ, Chúa hỏi: “Ở đây các con có gì ăn không ?”

42 Họ dâng cho Người một mẩu cá nướng và một tảng mật ong.

43 Người ăn trước mặt các ông và đưa phần còn lại cho họ.

44 Đoạn Người phán: “Đúng như lời Thầy đã nói với các con, khi Thầy còn ở với các con, là cần phải ứng nghiệm hết mọi lời đã ghi chép về Thầy trong luật Môsê, trong sách tiên tri và thánh vịnh”.

45 Rồi Người mở trí cho các ông am hiểu Thánh Kinh

46 Người lại nói: “Có lời chép rằng: Đấng Kitô sẽ phải chịu thương khó, và ngày thứ ba Người sẽ từ cõi chết sống lại.

47 Rồi phải nhân danh Người rao giảng sự thống hối và sự ăn năn để lãnh ơn tha tội cho muôn dân, bắt đầu từ thành Giêrusalem.

48 Còn các con, các con sẽ làm chứng nhân về những điều ấy”.

Interesting Details

  • On an earlier occasion, Jesus had appeared to the two disciples who were on their way to Emmaus, a village about seven miles from Jerusalem. This time, according to Luke, Jesus appeared among them when these two disciples went back to Jerusalem to tell the other disciples how they recognized Jesus through the sign of breaking bread (v.35).
  • When they thought He was only a spirit and not in the physical form (v.37), Jesus revealed Himself as truly risen from death in His earthly body, by inviting them to recognize His hands and feet where the nail or rope marks would be (v.39).
  • Jesus’ victory over death is pointed out very powerfully in the renewal of table fellowship with His disciples, when He asked for food and ate it before them (v.41-43).
  • Although having told them on several occasions before, Jesus now opened their minds to comprehend what had been written about Him in the Scriptures (v.45-46) that has now been fulfilled. Also as written in the Scriptures, “repentance and forgiveness of sins is to be preached in His name to all nations, beginning in Jerusalem” (v.47), Jesus now gave this commission to the disciples as the first witnesses of His fulfillment, right in Jerusalem (v.48).
  • Witness is a translation of the Greek word martyr. Some of this witnessing to the world requires martyrdom. Along with the commission of being witnesses, Jesus assured His disciples with God’s promise to give them the power from on high (v.49) through the presence and power of the Holy Spirit.

Chi Tiết Hay

  • Trong một dịp trước đó, Chúa Giêsu đã hiện ra với hai môn đệ khi họ đang trên đường đi Emmaus, một ngôi làng cách Giêrusalem khoảng bảy dặm. Lần này, theo phúc âm thánh Luca, Chúa Giêsu lại hiện ra với hai ông khi họ trở lại Giêrusalem để kể cho các môn đệ khác việc họ đã nhân ra Người qua hình thức bẻ bánh (c. 35).
  • Khi các môn đệ cho rằng Người chỉ là một thần linh chứ không phải người thật (c.37), Chúa Giêsu liền chứng tỏ cho họ thấy Người đã thực sự sống lại từ cõi chết, bằng cách bảo họ hãy nhìn xem những dấu đinh và vết trói nơi tay chân của Người
  • Việc chiến thắng sự chết của Chúa Giêsu được chứng minh một cách hùng hồn qua sự việc Người lại ngồi vào bàn ăn với các môn đệ, hỏi xin họ thức ăn và đã ăn trước mặt họ (cc.41-43).
  • Mặc dù dã nói với các môn đệ nhiều lần trước đó, nay Chúa Giêsu mới mở trí cho họ hiểu những điều đã được chép trong Thánh Kinh về Người nay đã được ứng nghiệm. (c.45-46). Và cũng thế, như đã có lời chép trong Thánh Kinh rằng “Sự thống hối và sự thứ tha tội lỗi phải được rao giảng trong danh Người tới mọi dân tộc, khởi đầu từ Giêrusalem” (c.47), nay Chúa Giêsu trao cho các môn đệ nhiệm vụ là những nhân chứng đầu tiên rằng Thánh Kinh đã được ứng nghiệm nơi Người, ngay tại Giêrusalem (c. 48).
  • Chữ chứng nhân có gốc từ tiếng Hy Lạp có nghĩa là tử vì đạọ Người làm chứng có khi bị dòi hỏi phải hy sinh chịu chết vì đạo Khi trao cho các môn đệ nhiệm vụ làm chứng nhân, Chúa Giêsu đã bảo đảm với họ lời hứa của Chúa Cha là sẽ ban cho họ sức mạnh từ trời cao (c. 49), qua sự hiện diện và quyền năng của Chúa Thánh Thần.

One Main Point

Through the reunion with Jesus, the disciples’ minds were opened to understand about Him as written in the Scriptures. Since they have witnessed that the Scriptures were fulfilled by Jesus, the disciples were now to preach in Jesus’ name about repentance and forgiveness of sins to the entire world, with the power from the Holy Spirit as promised by God through Jesus.

Một Điểm Chính

Qua việc hội ngộ với Chúa Giêsu, các môn đệ đã được mở trí để hiểu về Người như đã được chép trong Thánh Kinh. Vì những môn đệ đã chứng kiến lời Thánh Kinh được ứng nghiệm, nay họ sẽ rao giảng nhân danh Chúa Giêsu về lòng thống hối và sự thứ tha tội lỗi cho khắp thế gian, với sự trợ lực của Thánh Thần như lời Đức Chúa Cha đã hứa.

Reflections

  1. How do I recognize Jesus’ presence with ‘flesh and bones’ in the people around me and in myself ? How ready am I to have my mind opened to understand about Jesus and the Scriptures ?
  2. Being called to the same commission given to His disciples, how do I live as a witness of Jesus, preaching about repentance and forgiveness of sins ?
  3. What did I learn from Jesus in handling doubts and fears in the minds of others when I’m carrying out the tasks of a witness ?

Suy niệm

  1. Tôi nhận ra sự hiện diện của Chúa Giêsu bằng “xương bằng thịt” nơi những người chung quanh tôi và ngay trong chính tôi như thế nào ? Tôi có sẵn sàng để trí tôi được khai mở để hiểu biết về Chúa Giêsu và Thánh Kinh ?
  2. Được giao phó cùng nhiệm vụ như những môn đệ của Chúa Giêsu, toi phải sống như thế nào dể làm chứng nhân về “lòng thống hối và sự thứ tha tội lỗi” ?
  3. Trong khi làm nhiệm vụ của một chứng nhân, tôi đã học từ Chúa Giêsu bài học gì để đối phó với sự nghi ngờ và sợ hãi của người khác ?

Nguồn: WGPSG

Bài viết liên quan