Nghi thức

Đức TGM Roche: Việc cải cách Thánh Lễ của Công Đồng Vatican II là việc ‘không thể đảo ngược được’

ĐỨC TỔNG GIÁM MỤC ROCHE:
VIỆC CẢI CÁCH THÁNH LỄ CỦA CÔNG ĐỒNG VATICAN II
LÀ VIỆC ‘KHÔNG THỂ ĐẢO NGƯỢC ĐƯỢC’

Tác giả: Gerard O’Connell

Trong bài thuyết trình công khai đầu tiên, với tư cách là Bộ trưởng Bộ Phụng tự và Kỷ luật Bí tích, Đức Tổng Giám mục Arthur Roche nói rõ về đường hướng mà Bộ sẽ thực hiện dưới sự lãnh đạo của ngài. Ngài đã thực hiện điều này bằng việc trích dẫn những lời của Đức Giáo hoàng Phanxicô, khi đề cập đến việc cải cách phụng vụ đã được Công đồng Vatican II chuẩn nhận: “Với thẩm quyền của Huấn quyền, chúng tôi có thể khẳng định một cách chắc chắn rằng cải cách phụng vụ là việc không thể đảo ngược được.”

Vị tổng giám mục sinh ở Anh, người được Đức Giáo hoàng Phanxicô bổ nhiệm kế vị Hồng y Robert Sarah để làm bộ trưởng của bộ này vào ngày 27 tháng 5, đã được mời đến đọc diễn văn khai mạc cho nhân viên và sinh viên nhân dịp khai giảng năm học tại Giáo Hoàng Học Viện Thánh Anselm ở Rome. Trường đại học này được điều hành bởi các tu sĩ dòng Biển Đức, bao gồm một học viện phụng vụ nhằm huấn luyện về phụng vụ cho các thành viên của các dòng tu, cho giáo sĩ và giáo dân.

Ngài bắt đầu bài thuyết trình của mình bằng việc lưu ý nhân viên và sinh viên rằng ngài nói chuyện với họ không chỉ với tư cách là bộ trưởng Bộ Phụng tự ở Vatican, mà còn dựa vào kinh nghiệm 46 năm làm linh mục, 20 năm làm giám mục (10 năm với tư cách là giám mục giáo phận, gần 10 năm là thư ký của Bộ Phụng tự) và với tư cách là một người Công giáo đã “kinh qua thời trước và sau Công đồng Vatican II.”

Đức Tổng Giám mục nhắc nhở các sinh viên về “tầm quan trọng sống còn” của việc nghiên cứu có tính học thuật của họ “đối với sức sống và sức khỏe của Giáo hội.” Nhấn mạnh về “sức khỏe của Giáo hội,” ngài nói, bởi vì “chúng ta cần những người được chuẩn bị kỹ lưỡng và quân bình, những người yêu mến Giáo hội như Giáo hội đang là!”

Ngài kêu gọi họ “hãy trở thành những người nam và người nữ đích thực của Giáo hội, những người “có cùng cảm thức với Giáo hội” (“sentire cum ecclesia”) và không bị ảnh hưởng bởi các hệ tư tưởng mang tính giáo hội, bởi những sở thích cá nhân hay những ý tưởng mới lạ, hay bởi ước muốn nhào nặn Giáo hội theo hình dung của mình, nhưng bởi những gì Giáo hội đang mời gọi anh chị em hôm nay, đó là trở nên những nhà truyền giáo của Giáo hội trong một thời đại mới với một nhiệm vụ rõ ràng cụ thể.”

Khi nhấn mạnh đến nhu cầu Giáo hội cần có những người “được chuẩn bị tốt và quân bình,” những người có cùng cảm thức với Giáo hội, Đức Tổng Giám mục phản ánh mối quan tâm của nhiều giám mục, đó là các tân linh mục ngày nay thường thiếu “sự chuẩn bị và quân bình” trong các vấn đề phụng vụ. Họ rơi vào “các hệ tư tưởng mang tính giáo hội” hay đơn giản là tự tiện có cái nhìn về Giáo hội và thực hành phụng vụ. Những lo ngại như vậy cũng là một phần lý do dẫn đến sắc lệnh “Traditionis Custodes” ký ngày 16 tháng 07 của Đức Giáo hoàng Phanxicô, nhằm hạn chế việc cử hành Thánh lễ tiếng Latinh từ thời Công đồng Trentô, trước Vatican II.

Đức Tổng Giám mục Roche kêu gọi các sinh viên chú ý đến “lịch sử lâu dài và hấp dẫn của phong trào phụng vụ” trước Công đồng Vatican II và những lựa chọn của các nghị phụ liên quan đến phụng vụ cũng như lý do của những lựa chọn ấy.

Ngài nhắc nhở họ rằng Đức Giáo hoàng Phanxicô, trong bài phát biểu trước những người tham dự Tuần lễ Phụng vụ Quốc gia Ý lần thứ 68 vào tháng 08 năm 2017, đã nhắc lại rằng Thánh Phaolô VI đã nói với các hồng y trong một cuộc họp Cơ Mật Viện (consistory) một năm trước khi ngài qua đời: “Đã đến lúc phải dứt khoát loại bỏ các yếu tố gây chia rẽ, có hại như nhau theo cả hai nghĩa, để áp dụng trọn vẹn, theo các tiêu chuẩn đúng đắn đã gợi hứng cho cuộc cải cách được chúng tôi chấp thuận khi thể hiện những nguyện vọng của Công đồng.”

Sau đó, Đức Giáo hoàng Phanxicô nói thêm, “Vẫn còn nhiều việc phải làm theo đường hướng này, nhất là bằng cách tái khám phá những lý do đưa đến những quyết định liên quan đến việc cải cách phụng vụ, bằng cách loại bỏ những lối đọc vô căn cứ và hời hợt, lối đón nhận nửa vời và những lối thực hành làm nó bị méo mó.”

Đức Giáo hoàng kết luận: “Sau huấn quyền này, sau cuộc hành trình dài này, với thẩm quyền của Huấn quyền, chúng tôi có thể khẳng định một cách chắc chắn rằng việc cải cách phụng vụ là việc không thể đảo ngược được.”

Trong bài thuyết trình của mình, Đức Tổng Giám mục Roche kêu gọi nhân viên và sinh viên tại Học Viện Thánh Anselm “hãy là những người nam và người nữ, những học giả và bậc thầy trong những nỗ lực khoa học khác nhau, đúng vậy, nhưng trên hết hãy là những môn đệ trung thành, những người xây dựng Giáo hội, chứ không phải là nguyên nhân gây ra sự phân mảnh trong Giáo hội.”

Ngài khuyến khích họ đào sâu đời sống thiêng liêng qua các nghiên cứu phụng vụ của họ, và ngài chia sẻ rằng đời sống đức tin của ngài đã trở nên phong phú hơn nhiều, nhờ 20 năm làm việc với những bản dịch của bộ Sách Lễ Rôma đã được Đức Giáo Hoàng Phaolô VI phê chuẩn. Ngài tiết lộ, qua công việc này, ngài mới nhận ra rằng “những lời cầu nguyện, những bản văn này, không chỉ là sự sáng tạo của một bộ óc tinh tế hay một ngòi bút đơn lẻ, nhưng đến từ chính bàn tay Thiên Chúa, qua di sản phong phú của Kinh Thánh và các giáo phụ mà ta gặp thấy ở đó, cùng với lời dạy sâu xa về bản chất của Giáo hội như được thấy trong Hiến Chế ‘Lumen Gentium.’”

Đức Tổng Giám mục phát biểu: “Di sản này kết nối chúng ta với đức tin của Giáo hội như được diễn tả qua các thời đại và phù hợp với thời đại lẫn sứ mạng của chúng ta.”

“Sách Lễ Rôma do Đức Giáo hoàng Phaolô VI phê chuẩn là Sách Lễ phong phú nhất mà Giáo hội từng soạn ra cùng với Bộ sách Bài Đọc (Missale Romanum Lectionarium),” Đức Tổng Giám Mục Roche đã nói với cử tọa của ngài như thế. Hơn nữa, theo ngài, “có thể nói một cách đúng đắn rằng tầm nhìn trong Hiến chế về Phụng vụ Thánh (‘Sacrosanctum Concilium,’) và trong Hiến Chế Tín lý về Mặc Khải Thánh (‘Dei Verbum’), giờ đây đã trở nên rõ ràng hơn trong lời cầu nguyện và trong ý thức của Giáo hội, nhờ sự thức tỉnh mới về Kinh Thánh trong Nghi Lễ Rôma.”

“Biết những lời cầu nguyện trong Sách Lễ là khởi đầu cho việc học cách cầu nguyện theo Kinh Thánh. Đây là một món quà quý giá dành cho Dân trung tín của Thiên Chúa, điều đó sẽ đem lại những hạt giống của canh tân,” Đức Tổng Giám mục Roche nói.

Trước Công đồng Vatican II, hầu hết tất cả các bản văn phụng vụ đều bằng tiếng Latinh. Nhưng Hiến chế phụng vụ — văn kiện công đồng đầu tiên được các nghị phụ phê chuẩn vào ngày 4 tháng 12 năm 1963 — đã thay đổi tất cả điều đó bằng cách cho phép sử dụng tiếng bản địa. Trong bài giảng của mình, từ kinh nghiệm cá nhân, Đức Tổng Giám mục Roche nhắc lại rằng tuy công việc phiên dịch có “tầm quan trọng to lớn,” nhưng nhiệm vụ này chẳng hề dễ dàng bởi vì “có nhiều lý thuyết và tranh luận” có thể dẫn đến “một cuộc bút chiến giữa những quan điểm đối nghịch và tương phản.”

“Ngay cả những người ủng hộ kém cỏi nhất cũng có ý kiến riêng, cũng có thể to tiếng và cố chấp.” Ngài hóm hỉnh gợi lại câu ngạn ngữ về việc “có thể thương lượng với những kẻ khủng bố, nhưng không thể thương lượng với những chuyên gia phụng vụ.” Ngài nói rằng bất kể những hạn chế của các bản dịch trước đây là gì, ngài cảm thấy các bản dịch mới đã được cải thiện.

Đức Tổng Giám mục Roche nhớ lại rằng khi các hội đồng giám mục của các nước Anh và Wales, Scotland và Ireland ban hành một tuyên bố về Bí tích Thánh Thể vào năm 1998, Đức Hồng Y Basil Hume, lúc đó là Tổng Giám mục của Westminster cũng là một tu sĩ dòng Biển Đức, đã viết:

“Người Công giáo tin gì về Bí tích Thánh Thể? Khi cho rước lễ, vị linh mục nói với tôi “Mình Thánh Chúa Kitô,” tôi đáp “Amen.” … Lời thưa “Amen” của tôi không chỉ bày tỏ đức tin của tôi vào thân mình Chúa Kitô là Bí tích Thánh Thể, mà còn bày tỏ đức tin của tôi vào thân mình Chúa Kitô là Hội thánh. Bí tích Thánh Thể và Giáo hội gắn bó với nhau không thể tách rời.”

Bình giải về điều này, Đức Tổng Giám mục Roche nhận xét, “Chính trong Bí tích Thánh Thể, chúng ta tìm thấy mã di truyền của Giáo hội.”

Ngài lưu ý đến “hai chiều kích của phụng vụ mà chúng ta không được phép bỏ quên, vì chúng mô tả chính bản chất của Giáo hội.” Thứ nhất, chiều kích đồng đại (the synchronic dimension) như sau: “với tư cách là người Công giáo, ngay lúc này và ở đây, chúng ta được hiệp nhất với mọi người Công giáo khác trên khắp thế giới, và qua giám mục địa phương, chúng ta được hiệp nhất với Đức Giáo hoàng, người kế vị Thánh Phêrô.”

Ngài nói: “Mối liên hệ này đánh dấu và đảm bảo sự thuộc về của chúng ta; không có điều đó, chúng ta sẽ cô đơn, đứng ngoài cộng đoàn được Đức Kitô thiết lập và được xây dựng trên nền tảng Tông đồ Phêrô.”

Chiều kích thứ hai, chiều kích lịch đại (the diachronic dimension) như sau: “trong Giáo hội, chúng ta cũng được hiệp nhất với mọi tín hữu đã từng sống và tin, cũng như với mọi người Công giáo sẽ sống và tin trong tương lai.”

Tóm tắt điều này, Đức Tổng nói, “Chúng ta có thể nói về chiều kích đồng đại của phụng vụ như hợp nhất toàn thể Giáo hội trên thế giới, và về chiều kích lịch đại như chạy xuyên qua thời gian để vào vĩnh cửu.”

Đức Tổng Giám mục người Anh nhắc nhở cử tọa của ngài rằng “bất cứ khi nào chúng ta quy tụ để cử hành Bí tích Thánh Thể, chúng ta không chỉ quy tụ trong tư cách là cộng đoàn này, ở nơi cụ thể này, nhưng chúng ta đứng giữa những giao lộ của mọi sự sống, và ở ngưỡng cửa nơi thời gian giao cắt với vĩnh cửu – sự quy tụ của chúng ta lớn hơn những gì mắt thường có thể thấy. Chúng ta đang đi vào mầu nhiệm Chúa Kitô. Nhờ mầu nhiệm nhập thể và mầu nhiệm vượt qua, Đấng ấy làm cho dòng chảy hay ‘dòng trôi của thời gian’ đi vào cõi ‘vĩnh hằng đời đời,’ để được nâng lên và biến đổi.”

Nói cách khác, ngài nói, “phụng vụ là nơi hai thế giới gặp nhau.” Ngài lưu ý rằng “nhiều hiểu lầm về phụng vụ trong quá khứ và hiện tại, có thể bắt nguồn từ việc không nhận ra đặc tính này, dù lẽ ra nó phải được thể hiện rõ ràng trong toàn bộ phụng vụ Công giáo.”

Đức Tổng Giám mục Roche nói: “Việc cải cách phụng vụ như được ghi lại trong Sách Lễ Rôma đang là và vẫn còn là kim chỉ nam cho chúng ta hiểu và thực hiện một đánh giá đúng đắn về phụng vụ.”

Đức Tổng kết luận bằng cách nhắc nhở các giáo sư và sinh viên tại Học Viện Thánh Anselmo, cũng như Giáo Hội nói chung: “Chúng ta không tạo ra hoặc cải cách phụng vụ; điều đó đã được thực hiện bởi thẩm quyền cao nhất của Giáo hội rồi, đó là một Công đồng chung. Trách nhiệm của chúng ta là thực hiện cuộc cải cách đó, trung thành với những gì chúng ta đã lãnh nhận, và không ủng hộ những điều không thuộc tâm thức của Giáo hội, dù chúng được quảng bá cách rầm rộ.”

Chuyển ngữ: Tu sĩ Vinh Sơn Nguyễn Hoàng Vũ, SJ
Từ: americamagazine.org (12.10.2021) 

Nguồn: WHĐ

Bài viết liên quan