Chưa được phân loại

Nhịp cầu lòng nhân đạo

Từ khi chiến tranh nội chiến năm 2011 bên vùng Trung Đông, cụ thể ở bên nước Syria, Libya bùng nổ ngày càng khốc liệt, và những người Hồi giáo cực đoan tuyên bố thành lập nhà nước Hồi giáo ISS thẳng tay xua đuổi, đàn áp chém giết dã man những người Kito giáo, những người tín hữu Jesiden, những người Kurden, đã đẩy người dân những nơi đó tìm cách chạy trốn bằng mọi phương tiện đi tìm nơi tỵ nạn an toàn trú ẩn ngày càng nhiều cùng bi thảm.

Làn sóng người tỵ nạn từ vùng Trung Đông trước hết bằng đường bộ vượt qua vùng sa mạc, đồi núi, rồi bằng tầu thuyền vượt biển ngang qua biển Địa trung hải cực kỳ nguy hiểm sang bên Âu châu ngày càng nhiều, ngày càng thảm khốc. Như tấm hình cậu bé Aylan Kurdi ba tuổi bị đắm tầu chết đuối trên đường vượt biển trôi dạt vào bờ biển Thổ nhĩ Kỳ đã làm rúng động lương tâm mọi người trên thế giới.

Những người tỵ nạn để được lên tầu thuyền vượt biển, họ bị lợi dụng làm tiền, bị chèn ép bóc lột hành hạ. Rồi bị dồn vào khoang thuyền chật hẹp thả cho ra khơi giữa lòng đại dương sóng gío mênh mông. Những hình ảnh bi thảm thương tâm cảnh người vượt biên bằng tầu thuyền này được các hệ thống thông tin hằng ngày đưa tin trình chiếu trên các hệ thống truyền hình truyền thanh khắp nơi thế giới.

Làn sóng người tỵ nạn này đã đang trở thành thảm họa về lòng nhân đạo cho thế giới. Những con người bơ vơ trong bước đường cùng khốn khổ cần hơn khi nào hết được cứu giúp đón nhận cho đời sống có an ninh bảo đảm và niềm hy vọng.

Thấy người lại nhớ đến thân mình. Chúng ta những người Việt Nam đang sinh sống bên các xã hội đất nước Âu châu cũng đã trải qua bước đường tỵ nạn, cùng đã được các quốc gia nơi đây đón nhận cho vào định cư sinh sống xây dựng lại đời sống từ hơn kém 30 năm qua.

Chúng ta cám ơn Thiên Chúa, cám ơn Thượng Đế đã cho chúng ta tìm được nơi chốn bình an về đời sống tinh thần lẫn cả thể xác, và cám ơn dân tộc đất nước đã tiếp nhận cho chúng ta cơ hội rất tốt xây dựng lại đời sống.

Chúng ta hướng lòng về những người đang trên bước đi tỵ nạn với lòng thương cảm tình liên đới, cùng cầu xin cho họ sớm tìm được nhịp cầu lòng nhân đạo đến sinh sống nơi những quốc gia đất nước có an ninh bảo đảm cho đời sống.

Bỏ đi những khác hiệt về văn hóa, về tôn giáo, về chính trị kinh tế, nhiều nước bên Âu châu đã giang rộng vòng tay đón nhận họ, như nước Ý, nước Hylạp, nước Đức, nước Áo… Nhưng cũng có nhiều nước ở Âu châu do dự giới hạn, hay không muốn nhận họ.

Bà Thủ tướng nước Đức Angela Merkel đã quyết định nhận hàng trăm ngàn người tỵ nạn đó vào sống trong xã hội nước Đức, cho dù bị phê bình chỉ trích cùng bị phản đối… Khi được hỏi sẽ thu nhận bao nhiêu người tỵ nạn, Bà thẳng thắn trả lời: Lòng nhân đạo cho người tỵ nạn không có giới hạn vào con số!

Phương thức mở rộng cánh cửa đón nhận người tỵ nạn và câu trả lời của Bà Thủ Tướng Merkel thể hiện cụ thể rõ ràng đức bác ái của nếp sống Kitô giáo cùng rất nhân bản của một dân tộc vừa giầu có vật chất, vừa giầu cả tinh thần. Xin ngả mũ cúi đầu với lòng kính phục.

Trong Kinh Thánh nơi sách Xuất hành, Thiên Chúa nói với dân Do Thái: „ Người ngoại kiều, các ngươi không được áp bức; chính các ngươi đã biết thân phận của người ngoại kiều, vì các ngươi đã là ngoại kiều ở đất Ai-cập.“ Xh 23,9.

Nhịp cầu lòng nhân đạo là luật lệ cho đời sống.

Đức Giáo Hoàng Phanxico hằng kêu gọi mọi người, nhất là người Công Giáo phải thực thi lòng nhân đạo bác ái với những người tỵ nạn

“Anh chị em thân mến, người ta nhận ra Lòng Thương Xót của Thiên Chúa qua các việc làm của chúng ta, như cuộc sống của chân phước Mẹ Têrêsa Calcutta mà chúng ta tưởng niệm ngày qua đời hôm 5 tháng 9 này.

Đứng trước thảm trạng hàng chục ngàn người tị nạn trốn chạy cái chết vì chiến tranh và đói và họ đang hành trình tiến về cuộc sống hy vọng, Tin Mừng kêu gọi chúng ta, yêu cầu chúng ta hãy trở thành ”những người thân cận của những ngừơi bé nhỏ nhất và bị bỏ rơi, mang lại cho họ một niềm hy vọng cụ thể.

Nếu chỉ nói ‘Can đảm lên, hãy kiên nhẫn!..’ mà thôi thì chưa đủ. Niềm hy vọng Kitô có sức phấn đấu, với sự kiên trì của người đang tiến về một mục tiêu chắc chắn. Vì thế, nhân dịp Năm Thánh Lòng Thương Xót sắp đến gần, tôi kêu gọi các giáo xứ, các cộng đoàn dòng tu, các đan viện và Đền thánh ở toàn Âu Châu hãy biểu lộ sự cụ thể của Tin Mừng và đón tiếp một gia đình tị nạn. Đó là một cử chỉ cụ thể để chuẩn bị cho Năm Thánh Lòng Thương Xót. Mỗi giáo xứ, mỗi cộng đoàn dòng tu, mỗi đan viện, mỗi đền thánh ở Âu Châu hãy tiếp nhận một gia đình, bắt đầu từ giáo phận Rôma của tôi.

Tôi ngỏ lời với các anh em Giám Mục Âu Châu của tôi, là những chủ chăn đích thực, để các vị hỗ trợ lời kêu gọi này của tôi trong các giáo phận của các vị, nhớ rằng Lòng Thương Xót là danh xưng thứ hai của Tình Yêu: ‘Tất cả những gì các con làm cho một trong những người anh em bé nhỏ nhất của Thầy đây, là các con làm cho Thầy’ (Mt 25,40).

Cả hai giáo xứ ở Vatican cũng sẽ đón nhận 2 gia đình tị nạn trong những ngày này. (Kinh truyền tin ngày 6.9.2015).

Và trước đó năm 2013 khi Đức Thánh Cha đến thăm “Centro Astalli” là Trung tâm tị nạn ở Rôma do các linh mục dòng Tên điều hành, ngài mạnh mẽ kêu gọi:
“Chúa đã kêu gọi chúng ta sống với lòng can đảm và lòng hiếu khách quảng đại hơn trong các cộng đoàn, trong các nhà và trong các tu viện không dùng đến. Anh chị em nam nữ tu sĩ thân mến, các tu viện không dùng đến của anh chị em không có ích gì cho Giáo Hội nếu chúng được biến thành khách sạn để kiếm tiền.

Các tu viện không dùng đến không thuộc về anh chị em, nhưng là xác thịt của Chúa Kitô cho những người tị nạn. Chúa mời gọi chúng ta sống với lòng can đảm và rộng lượng lớn hơn, để đón nhận những người tị nạn trong cộng đoàn, nhà ở và các tu viện bỏ hoang.

Điều này tất nhiên không phải là một điều gì đó đơn giản; nó đòi hỏi một tiêu chuẩn và trách nhiệm, nhưng cả lòng can đảm nữa. Chúng ta làm rất nhiều, nhưng có lẽ chúng ta được kêu gọi để làm nhiều hơn nữa, chấp nhận và chia sẻ với những người mà Chúa Quan Phòng đã gởi đến cho chúng ta phục vụ cụ thể”. (Ngày 10 tháng 9 2013)

Nhịp cầu lòng đạo đức con người bắc nối liền con người lại với nhau

Dân tộc xã hội nước Đức đón nhận những người tỵ nạn vào cùng sinh sống theo chiều kích lòng nhân đạo bác ái và văn hóa. Nên họ đã chào đón người tỵ nạn với khẩu hiệu“ Willkommenskultur“.

Thật là một nhịp cầu đầy lòng nhân đạo bác aí, và khởi sắc nét văn hóa cho hôm nay cùng ngày mai.

Chúng ta tất cả được kêu mời để cùng chung bắc nhịp cầu này, và cùng đi trên nhịp cầu đó.

Lm. Daminh Nguyễn ngọc Long

(vietcatholic.org)

Bài viết liên quan