Đi tu dòng là gì?
Gm. GB. Bùi Tuần
Có nhiều câu trả lời. Nhưng một cách vắn tắt đại khái, ta có thể thưa: Đi tu dòng là nối tiếp việc tận hiến của Chúa Kitô.
Nối tiếp một cái gì, là gắn liền với cái đó, và phải giống như cái đó. Đời sống tu của chúng ta, nếu muốn là một sự nối tiếp đời tận hiến của Chúa Kitô, thì tất nhiên, phải ăn khớp với đời tận hiến của Ngài, phải giống đời tận hiến của Ngài.
Vì thế, đời tu của ta phải có hai cái nhìn:
+ Một cái nhìn vào Chúa Kitô, để lấy Ngài làm gương mẫu.
+ Và một cái nhìn vào chính mình ta, để tâm thực hiện gương mẫu đó một cách cụ thể.
Hôm nay, tôi muốn gợi ý về hai cái nhìn đó. Vì những lý do thực tiễn, tôi muốn giới hạn những cái nhìn của chúng ta ở đây, vào phạm vi một đặc điểm, lúc này được coi là quan trọng của đời tận hiến. Đó là thanh bần.
Anh em thân mến,
1. Trước hết chúng ta hãy nhìn vào Chúa Kitô, để lấy Ngài làm gương mẫu
Nhìn tổng quát, ta thấy đời Chúa Kitô là đời thanh bần. Nếu phân tích, thì đời thanh bần đó chia thành 3 mức độ, tùy theo 3
hoàn cảnh:
– Hoàn cảnh thứ nhất: Là những năm tháng sống ở Nagiarét. Ngài sinh sống thanh bần theo lối sống của giới thợ thuyền lao động. Còn nhỏ, thì sống nhờ vào công ăn việc làm tần tảo của cha mẹ. Lớn lên, thì sống nhờ công lao động của chính mình. Trong hoàn cảnh như thế, đời thanh bần của Ngài được gọi là bình thường.
– Hoàn cảnh thứ hai: Là những năm tháng Ngài đi giảng Tin Mừng. Thời gian đó, Ngài thôi làm thợ, sống chung với một số môn đệ đánh chài lưới, nay đây mai đó, không có nhà ở riêng, không có hành trang bộn bề. Cảnh sống nghèo của Ngài, được phác họa trong câu: “Con chồn có hang, con chim có tổ, Con Người không có nơi gối đầu”. Và trong câu: “Hãy bán hết gia tài đi, phân phát cho người nghèo, rồi trở lại theo Ta”. Trong hoàn cảnh như thế, đời sống thanh bần của Ngài, gọi được là khác thường.
– Hoàn cảnh thứ ba: Là cảnh Ngài sinh ra và chết. Sinh ra thiếu thốn, ở hang lừa. Mà hang đó cũng không phải là của mình. Chết trần trụi trên thập giá, chôn ở mồ của người khác. Trong hoàn cảnh như thế, sự thanh bần của Chúa Kitô được gọi là tột đỉnh.
Ba hoàn cảnh thanh bần, với ba mức độ thanh bần. Đó là đời Chúa. Sự thanh bần của Chúa, là do sự tự ý từ bỏ của cải, và sống phó thác nơi Chúa quan phòng. Vì thế sự thanh bần của Chúa là một nhân đức. Nhân đức đó đã được diễn tả, từ mức độ bình thường đến mức độ khác thường, và sau chót tới mức độ anh hùng. Thanh bần của Chúa, không phải là thường xuyên thiếu thốn, nhưng là thường xuyên khổ hạnh, tự ý, dứt lìa mọi vương vấn của cải, để sống cậy trông vào Chúa Quan Phòng.
2. Bây giờ, ta hãy nhìn vào mình ta, để tìm thực hiện gương Chúa một cách cụ thể
Trước hết, phải nói ngay rằng, để làm chứng tá cho sự thanh bần của Chúa Kitô, thì một sự dứt lìa của cải bằng tinh thần và trong tinh thần chưa đủ, mà phải có sự dứt lìa thực sự bề ngoài phần nào.
Phần nào đó là thế nào? Bao nhiêu?
Thưa, ta không thể xác định một cách máy móc, mà phải uyển chuyển, tùy hoàn cảnh nơi mình ở, chức vụ mình giữ, thời đại mình sống. Trong mỗi hoàn cảnh, sự thanh bần được tham định do mức sống và do lối sống. Mức sống thì căn cứ vào số lượng tiêu dùng. Cùng trong một hoàn cảnh, ai tiêu dùng nhiều thì có mức sống cao, ai tiêu dùng ít thì có mức sống thấp. Còn lối sống thì căn cứ vào cách sống của ta, có ăn hợp, có thích nghi với môi trường mình sống hay không, từ công việc làm, cách ăn uống, đồ dùng, nhà ở, hòa đồng với xã hội chung quanh hay là khác biệt, chênh lệch. Hoàn cảnh xã hội thay đổi, thì mức sống và lối sống của ta phải thay đổi, để nét thanh bần của người chúng ta được nhận ra.
Mức sống cũng như lối sống đó, mình thẩm định một phần, mà cũng do dư luận một phần. Nó áp dụng cho từng cá nhân, mà đồng thời cũng áp dụng cho tập thể nhà dòng. Vì đã gọi là chứng tá về sự thanh bần của Chúa Kitô, thì không phải chỉ cá nhân người tu làm chứng điều đó, mà cả cơ cấu nhà dòng cũng phải làm chứng điều đó, để thế gian thấy được rằng: Người tu sống thanh bần, mà chính nhà dòng cũng là một tổ chức, một cơ cấu thanh bần.
Hoàn cảnh xã hội đã thay đổi nhiều. Trong hoàn cảnh mới, cá nhân người tu cũng như cơ cấu nhà dòng, phải có một sự thích ứng, để xã hội nhìn thấy rằng, cá nhân từng người sống thanh bần.
Thường xuyên chúng ta cố gắng sống mức độ thanh bần bình thường, theo gương Chúa Kitô. Nhưng nếu có lúc nào đó, Chúa muốn chúng ta sống thanh bần ở mức cao độ, và tới mức anh hùng, như hoàn cảnh hai và ba của Chúa, thì chúng ta cũng hãy sẵn sàng. Dù trong hoàn cảnh nào, điều quan trọng là hãy có thái độ dứt lìa một cách quả cảm, đừng cay đắng, đừng chua xót, bực bội. Nhưng trong thanh bần, ta sẽ được dịp thực sự, sống cậy trông thường xuyên vào Chúa hơn.