Hội Dòng

CĂN TÍNH CỦA DÒNG

CĂN TÍNH CỦA DÒNG

Mỗi hội dòng giống như một gia đình (từ ngữ hội dòng, dòng tu cũng nói lên ý nghĩa này, vì dòng là dòng tộc, dòng giống). Trong một gia đình, cha mẹ và các anh chị em có nét hao hao giống nhau. Sự giống nhau này là do mã di truyền, do cách đào tạo của từng gia đình. Trong một hội dòng cũng vậy, các thành viên cũng có nét hao hao giống nhau về cách sống và sứ vụ. Sự giống nhau này là do đặc sủng/đoàn sủng (mã di truyền) của đấng sáng lập. Đặc sủng của đấng sáng lập là yếu tố chính tạo nên sự khác biệt giữa dòng này và dòng khác. Đặc sủng chính là sức sống, là nguồn mạch của mọi hoạt động tông đồ của mỗi hội dòng. Bởi đó, Đức Giáo hoàng Phaolô VI đã kêu gọi các cộng đoàn tu trì phải trung thành với tinh thần, với những ý hướng Phúc âm và gương thánh thiện của đấng sáng lập. Chính ở đây mà các hội dòng tìm thấy nguồn gốc của họ (x. ET 11-12). Mỗi hội dòng phải ra sức giữ lấy căn tính của mình để khỏi rơi vào tình trạng mập mờ, không xác định được vị trí và nhiệm vụ của mình trong đời sống Giáo hội (x. FLC 46). Để đổi mới đời sống thánh hiến, Vatican II đã kêu gọi mỗi hội dòng phải khám phá lại tinh thần và mục đích của đấng sáng lập (x. PC 2b).

Đức Phaolô VI cũng dạy: “Công đồng đã dạy rằng các tu sĩ phải duy trì một cách trung thành tinh thần của các đấng sáng lập, lối sống Tin mừng và gương thánh thiện của họ. Các tu sĩ phải nhận ra nơi đây một trong những nền tảng cho sự canh tân hiện nay và một trong những tiêu chuẩn chắc chắn nhất cho sự quyết định về loại hoạt động của mỗi hội dòng.” (ET 11) Ngài chỉ ra rằng mỗi cá nhân của mỗi hội dòng được định hình bởi những tính cách đặc biệt về tinh thần và đặc sủng của đấng sáng lập. Mỗi hội dòng phải qui chiếu về với những nguồn gốc này trước khi nó có thể đem lại một sự canh tân đích thực và trung thành.1

      Trong Tông huấn về Đời sống thánh hiến, Đức Gioan Phaolô II căn dặn các hội dòng phải trung thành với những đặc sủng này và sau đó trung thành với gia sản thiêng liêng được tạo lập nên trong mỗi hội dòng. Họ phải duy trì chúng trong những cộng đoàn mà chúng đã lập nên. Đặc sủng phải xây dựng nguyên tắc sống của mỗi hội dòng tại bất cứ thời điểm nào (x. VC 36, 37). Cũng trong tông huấn này, Đức Giáo hoàng đã nhiều lần sử dụng từ đặc sủng để nói về những chiều kích khác nhau của đời sống thánh hiến, đặc biệt là để nói lên tính đặc thù của mỗi hội dòng (x. VC 1, 5, 19, 25, 32, 36, 37, 48, 63, 65, 68, 72, 71, 73, 74, 80, 93).

Đặc sủng của đấng sáng lập cũng là yếu tố tạo nên sự hiệp nhất trong hội dòng: “Nền tảng của sự hiệp nhất là sự hiệp thông trong Chúa Kitô được củng cố bởi đoàn sủng duy nhất của đấng sáng lập (x. EE 18; MR 11- 12). Vì thế, việc quy chiếu về đấng sáng lập dòng, và về đoàn sủng mà vị ấy đã sống và thông truyền, giữ gìn và phát triển qua suốt cuộc sống của hội dòng (x. MR 11), được coi là yếu tố thiết yếu cho sự hợp nhất của hội dòng.” (FLC 45; x. FLC 2c)

Văn kiện của Bộ Tu sĩ và Bộ Giám mục (Mutuae Relationes) đã nói về đặc sủng của đấng sáng lập như sau:

“Đặc sủng của các Đấng sáng lập biểu lộ như là một kinh nghiệm2 về Thần Khí, được truyền lại cho các môn đệ của họ để sống, giữ gìn, đào sâu và không ngừng phát triển trong sự hài hòa với Thân Thể Chúa Kitô đang không ngừng lớn lên.” (MR 11) Vì lý do này mà đặc tính của mỗi hội dòng khác nhau được Giáo hội bảo tồn và nuôi dưỡng (x. LG 44; CD 33, 35).

Mỗi đấng sáng lập tìm ra một cách mới để sống những lời khuyên Phúc âm. Đấng sáng lập được Thiên Chúa kêu gọi để diễn tả mầu nhiệm Chúa Kitô trong một cách đặc biệt. Đấng sáng lập nhận được một cảm nghiệm đặc biệt về Thần khí, nhận thức một hướng đi mới trong đường nên thánh và đáp ứng lại những nhu cầu của Giáo hội và xã hội. Thiên Chúa ban cho họ một kinh nghiệm sâu xa về chính Ngài để mà những người khác có thể hưởng nhờ.3

Đặc sủng lập dòng xác định bản chất, tinh thần, mục đích và đặc tính, là những yếu tố cấu thành di sản thiêng liêng của mỗi hội dòng và làm nền tảng cho ý nghĩa của căn tính, một yếu tố then chốt cho sự trung thành của mỗi tu sĩ (x. EE 11).

Mỗi thành viên, tùy theo vị trí và nhiệm vụ của mình, đều có trách nhiệm góp phần vào sự phát triển đoàn sủng của hội dòng. Trách nhiệm ở đây được hiểu là một cái gì đó thôi thúc họ phải đáp ứng. Sự góp phần của mỗi người trong sự hợp tác với người khác, tạo nên sự phong phú và sức sống cho đặc sủng và giúp hiểu được những nét đặc biệt của nó hơn. Đó là lý do tại sao công đồng Vatican II kêu gọi công việc canh tân nên được thực hiện trong sự hợp tác của cả cộng đoàn (x. PC 4).

“Các Bề trên và các phần tử hãy trung thành duy trì sứ mệnh và các công tác riêng của dòng. Tuy nhiên, họ hãy biết thích ứng chúng cách khôn ngoan chiếu theo nhu cầu của thời thế và địa phương, kể cả bằng việc sử dụng các phương tiện mới mẻ và thích ứng.” (Can 677 §1).

Sai lầm có thể xảy ra là khi chúng ta “hiện đại hóa” đặc sủng, thay mới hoàn toàn để cho nó hấp dẫn hơn, hoặc sử dụng đặc sủng của đấng sáng lập để phục vụ cho chính chúng ta, để biện minh cho những quyết định và hành động của chúng ta. Trong bối cảnh xét lại các hình thức hoạt động tông đồ và thích nghi, văn kiện “Những yếu tố cốt yếu của đời tu” (EE), số 27, đã đưa ra những khuyến cáo về ba cơn cám dỗ khi xây dựng kế hoạch hoạt động tông đồ:

      1) muốn ôm đồm mọi hình thức hoạt động tông đồ,

      2) bỏ đi những hình thức hoạt động truyền thống theo đặc sủng của dòng, để chạy theo những hoạt động đáp ứng nhu cầu xã hội tức thời, nhưng lại không hợp với đặc sủng của dòng,

      3) phân tán nhân lực dòng vào những hoạt động ngắn hạn, chỉ liên hệ đến đặc sủng một cách mơ hồ; do đó, với thời gian, tính cách đồng nhất trong việc thực hiện đặc sủng của dòng sẽ bị tổn thương. (x. EE 27; FLC 45-46)

Đặc sủng luôn gắn liền với sứ mệnh truyền giáo, mỗi hội dòng có một sứ mệnh truyền giáo riêng biệt, tùy theo đặc sủng của mình (x. VC 19, 72, 46; PC 10, 20; Can 673, 674, 676, 677). Đặc sủng của họ không chỉ được ban tặng cho riêng họ, nhưng còn là một ân huệ cho đời sống và sứ mệnh truyền giáo của Giáo hội (x. LG 43, 44; PC 5). Sự tận hiến của tu sĩ “liên kết họ với Giáo hội và với mầu nhiệm của Giáo hội cách đặc biệt”, thúc đẩy họ hành động với lòng tận tụy không chia sẻ để phục vụ lợi ích của toàn Thân Thể (x. LG 44; MR 10). Các tu sĩ thuộc về gia đình giáo phận, họ phải cộng tác với Giám mục trong các công tác mục vụ của giáo phận (x. CD 34).

“Hoạt động tông đồ của các tu sĩ tiên vàn hệ tại việc chứng tá của đời tận hiến. Họ có bổn phận hun đúc đời sống chứng tá nhờ lời cầu nguyện và việc đền tội.” (Can 673). Dù nhu cầu mục vụ cấp bách thế nào đi nữa, chúng ta luôn phải nhớ rằng sự đóng góp tốt nhất mà một hội dòng có thể đem lại cho Giáo hội là sự trung thành với đoàn sủng của họ. Hội dòng càng hiện diện theo đoàn sủng của mình, càng đem lại nhiều hoa trái (x. FLC 61; MR 49- 50).

Theo tông huấn Vita Consecrata, “Các Giám mục được yêu cầu đón tiếp và trân trọng các đoàn sủng của các hội dòng, dành cho chúng một chỗ trong kế hoạch mục vụ của giáo phận. Các ngài phải đặc biệt quan tâm đến các hội dòng thuộc quyền giáo phận, được trao phó cho các ngài chăm sóc đặc biệt. Một giáo phận không có đời sống thánh hiến sẽ thiếu nhiều ơn huệ thiêng liêng, thiếu những nơi dành riêng cho việc tìm kiếm Thiên Chúa, thiếu các hoạt động tông đồ và những phương thức mục vụ chuyên biệt; hơn nữa, giáo phận đó có thể suy yếu đi rất nhiều, vì thiếu vắng tinh thần truyền giáo vốn là đặc điểm của hầu hết các hội dòng (x. AG 18). Vì thế, cần biết đón nhận, với lòng tri ân và quảng đại, hồng ân của đời sống thánh hiến mà Chúa Thánh Thần ban cho Giáo hội địa phương” (VC 48)

Bởi đó, chương trình đào tạo cần bao gồm những khóa học đều đặn và suy tư trong cầu nguyện về đấng sáng lập, về đặc sủng và hiến pháp của dòng (x. FLC 45; EE 46). Đức Gioan Phaolô II cũng yêu cầu các hội dòng chú tâm vào việc đào tạo theo đoàn sủng riêng biệt của họ, để họ có thể thực hiện sứ mệnh loan báo Tin mừng tùy theo đoàn sủng của mình (x. VC 68, 72). Đoàn sủng tạo nên linh đạo, lối sống, truyền thống và sứ mệnh của hội dòng. Bởi đó, việc đào tạo theo đoàn sủng sẽ giúp các thành viên trong hội dòng ý thức được căn tính của mình, cũng như sứ mệnh đặc biệt mà họ được trao phó để xây dựng Giáo hội và phục vụ nước Thiên Chúa. Trong tông huấn Giáo hội tại Á Châu, Đức Gioan Phaolô II viết: “Tôi hiệp ý với các Nghị Phụ Thượng Hội Đồng mà kêu gọi những người sống đời thánh hiến, canh tân sự nhiệt thành của họ trong việc loan báo chân lý cứu độ của Chúa Kitô. Tất cả phải được huấn luyện và đào tạo xứng hợp; nền huấn luyện này cần tập trung vào Chúa Kitô và trung thành với đoàn sủng nền tảng của họ, nhấn mạnh đến sự thánh thiện và chứng tá cá nhân; tu đức và lối sống của họ phải nhạy cảm với gia sản tôn giáo của dân tộc mà họ đang sống và phục vụ.” (EA 44)

“Các Bề trên chu toàn bổn phận phục vụ và hướng dẫn hội dòng đúng theo đặc tính riêng của dòng mình…Các Bề trên phải tổ chức đời sống cộng đoàn của mình, phân chia công tác cho các thành viên, quan tâm đến sứ mệnh riêng biệt của hội dòng mình, phát triển sứ mệnh ấy và ra sức đưa sứ mệnh ấy vào các sinh hoạt của Giáo hội một cách hữu hiệu dưới sự hướng dẫn của Giám mục.” (MR 13).

“Bề trên của các hội dòng có nhiệm vụ trọng yếu và trách nhiệm trước tiên là phải ân cần lo cho các anh chị em của mình trung thành với đoàn sủng đấng sáng lập đã nhận được, hưởng ứng việc canh tân do Công đồng qui định và hoàn cảnh đòi hỏi. Do đó, họ phải ra sức định hướng một cách hữu hiệu cho các anh chị em trong hội dòng và không ngừng khuyến khích họ đi trên con đường ấy. Vì vậy, họ phải nhận thức rằng nhiệm vụ ưu tiên của mình là lo cho các anh chị em trong hội dòng được huấn luyện một cách đúng đắn và được canh tân (x. PC 2, 14, 18). Sau hết, vì ý thức rằng bản chất của đời sống tu trì đòi hỏi sự tham gia đặc biệt của các thành viên, các Bề trên phải khuyến khích sự tham gia, vì nếu các thành viên của hội dòng không cộng tác, thì không thể canh tân hữu hiệu và cập nhật đúng mức được (PC 4).” (MR 14)

Thưa anh em, hội dòng chúng ta được thành lập năm 1931, nhưng năm 1936 đã gửi một số TH. (Camille, Boniface, Félix, …) đến Giáo điểm Thứ 9, Rạch Giá, để truyền giáo. Thật vậy, ý định của đấng sáng lập cũng như mục đích ban đầu của hội dòng chúng ta là truyền giáo bằng cách dạy giáo lý cho dự tòng và tân tòng ở vùng sâu, vùng xa. Nhưng từ năm 1975 đến nay, vì nhiều lý do, chúng ta đã xao lãng sứ vụ của mình. Ngay nay, dù còn nhiều khó khăn, chính sách về tự do tôn giáo đã được nới lỏng nhiều. Bên cạnh đó, mối quan hệ của hội dòng chúng ta với giáo phận đang ngày một tốt đẹp. Đây chính là thời cơ để chúng ta khám phá lại tinh thần và mục đích của đấng sáng lập (x. PC 2b) và đồng thời thích nghi vào trong bối cảnh hiện nay. Chúng ta cần phải xác định được căn tính ơn gọi của mình trong Giáo hội. Chúng ta phải “sống, giữ gìn, đào sâu và không ngừng phát triển” (MR 11) với sự trung thành và lòng biết ơn đối với đặc sủng mà đấng sáng lập đã nhận được và truyền lại cho chúng ta.

Nhưng, thưa anh em, như anh em đã biết, vì tài liệu thất lạc cũng như vì trước đây chúng ta chưa quan tâm đủ về đặc sủng, linh đạo và sứ vụ của dòng chúng ta, nên việc xác định căn tính của dòng chúng ta vẫn chưa được rõ ràng. Xin anh em cùng nhau tìm hiểu, bàn bạc và góp ý xây dựng, vì đây là công việc chung của mọi phần tử dòng.

Xin anh em cùng cầu xin Chúa Thánh Thần, Đấng đã ban đặc sủng cho đấng sáng lập của dòng chúng ta, xin Ngài giúp chúng ta hiểu và sống ơn gọi của hội dòng một cách trung thành và sáng tạo.

Xin Thánh Gia luôn hướng dẫn chúng ta.

Thân ái,

Hữu Hạnh

   CHỮ VIẾT TẮT

AG Sắc lệnh về Truyền giáo

CD Sắc lệnh về Chức vụ Giám mục

EA Tông huấn Giáo hội tại Á Châu

EE Văn kiện Những Yếu tố Cốt yếu của Đời tu

ET  Tông huấn Chứng tá Tin Mừng

FLC Đời sống huynh đệ trong cộng đoàn

GS  Hiến chế mục vụ về Giáo hội trong thế giới hôm nay

LG  Hiến chế Tín lý về Hội thánh

MR Văn kiện Mối Tương quan giữa các Giám mục với các Tu sĩ

PC  Sắc lệnh về việc Canh tân Dòng tu

VC  Tông huấn về Đời sống Thánh hiến

1 X. Đức Phaolô VI, bài nói chuyện với một số tu sĩ ngày 31/3/1969, trong AAS 61 (1969) 266; và trong bài giảng ngày 4/3/1964; ET 11.

2 Kinh nghiệm hay cảm nghiệm là một đặc sủng, vì là một ân huệ đặc biệt của Chúa Thánh Thần.

3 X. Thượng Hội đồng Giám mục, kỳ IX, Đời Sống Thánh Hiến và Sứ Mạng của Đời sống này trong Giáo hội và trong Thế giới (Tài liệu làm việc), số 16-17.

Bài viết liên quan