Đức Hồng y Michael Czerny (ĐHY) nói: Tình trạng khẩn cấp do Covid-19 gây ra đã khiến tình huống của nhiều người dễ bị tổn thương thậm chí còn bấp bênh hơn; nhưng đồng thời cũng cho thấy rất rõ rằng những người nhập cư rất cần thiết cho kết cấu xã hội của chúng ta.
ĐHY cũng hối thúc có các giải pháp tại các nước sở tại nhằm giải quyết nhu cầu của các gia đình nhập cư và tị nạn trên khắp thế giới.
Khi nói chuyện với CNA qua Skype ở Rome, ĐHY nhấn mạnh rằng người nhập cư thường đảm nhận các công việc có tính chất thiết yếu ở các quốc gia nhận nuôi họ.
Ngài hỏi: “Ai là những công nhân quét dọn, những người dọn vê sinh và ai là những nhân viên hỗ trợ trong bệnh viện? Ai là những người đang thu hái những rau trái mà chúng ta đang thực sự cần phải thu lượm?
“Ai là người chăm sóc người già, người gặp khó khăn hoặc những người cần được hỗ trợ và chăm sóc? Rất nhiều người trong số họ thuộc nhóm này [người di cư hoặc người tị nạn], những người đang làm những công việc kia vì đó là công việc chúng ta cần”.
Trong đại dịch Covid-19, các chính phủ đã hạn chế đáng kể những người di cư và tị nạn đi vào đất nước của họ. Một số quốc gia, bao gồm cả Hoa Kỳ, đã cấp phép thị thực tạm thời cho những người làm công việc được cho là thiết yếu, như việc đồng áng và việc làm theo thời vụ hoặc đóng gói thịt.
ĐHY đã nhấn mạnh rằng, cho tới bây giờ, chúng ta đã coi họ là điều đương nhiên – và một số lực lượng chính trị thậm chí đã cố gắng sử dụng họ cho những lợi ích chính trị – nhưng thực tế họ là những nguồn lực hỗ trợ thiết yếu cho xã hội, cho cộng đồng và cho cả các gia đình của chúng ta”.
“Và sự bùng nổ bất ngờ của Covid-19 đã cho thấy rằng nếu không có sự giúp đỡ của những người này, chúng ta không thể đi tới được.”
Tu sĩ dòng Tên Czerny, 73 tuổi, là người Canada, đã điều hành văn phòng di dân và tị nạn Vatican từ năm 2017. Đức Giáo hoàng Phanxicô đã thành lập văn phòng này như một bộ phận của Bộ Thúc Đẩy Sự Phát Triển Con Người Toàn Diện, và bổ nhiệm tu sĩ Czerny làm thư ký và đích thân ĐGH là người đứng đầu chính thức.
Tu sĩ Czerny, đã sống ở Rome 20 năm, được ĐGH Phanxicô nâng lên hàng hồng y vào tháng 10-2019.
Nói chuyện với CNA về ảnh hưởng của coronavirus, vị hồng y này so sánh các công việc người nhập cư thường đảm nhận giống như các chân của một cái bàn.
Ngài nói: “Những chân bàn vô hình bị lãng quên, đang được giơ ra và bây giờ chúng ta mới nhận ra xã hội và cộng đồng của chúng ta thực sự hoạt động ra sao.”
ĐHY giải thích: Do Covid-19, những người dễ bị tổn thương thậm chí còn dễ bị tổn thương hơn khi bị bệnh và bị bóc lột, “dù họ là di dân, hay người tị nạn, nạn nhân của nạn buôn người hay người di cư nội địa.”
Ví dụ, ở Ý, đại dich Covid-19 đã khiến các đường biên giới bị đóng cửa, do đó ngăn chặn dòng người lao động theo thời vụ, chủ yếu đến từ Đông Âu di nhập vào nước này. Những nông dân Ý phụ thuộc vào công nhân nhập cư theo mùa để thu hoạch vụ xuân của họ.
Vào tháng Tư, chính phủ đã nới lỏng các biện pháp, cho phép người nhập cư không có giấy tờ đã sống ở Ý được làm việc trong nông trại để bù đắp cho tình trạng thiếu hụt lao động.
Giờ đây, chính phủ đã đưa ra “một ân xá”, một “biện pháp bình thường hóa”, cho một số di dân – làm việc trong nông trại hoặc giúp việc nhà – nhận được tình trạng hợp pháp tạm thời để ngăn chặn các tổ chức tội phạm khai thác họ phải lao động với giá rẻ.
Điều này cũng sẽ cho phép người di cư có đủ điều kiện được chăm sóc sức khỏe, một triển vọng mà ĐHY Czerny đã ca ngợi.
ĐHY cho biết một số quốc gia đã mở lối cho người nhập cư được chăm sóc sức khỏe, khi nhận ra rằng “virus không phân biệt dân bản địa hay di dân. Bạn phải ngăn chặn virus ở bất cứ nơi nào nó lây lan.”
Nhưng bất chấp các biện pháp này, các báo cáo cho thấy việc khai thác di dân không có giấy tờ trong lao động nô lệ có khả năng gia tăng trong suốt thời gian phong tỏa.
ĐHY cho biết, với các quốc gia thực thi cách ly, rất nhiều phong trào quốc tế đã ngừng hoạt động, nhưng những người trong tình huống tuyệt vọng vẫn tiếp tục cố đi tìm việc làm hoặc tìm sư an toàn, vì vậy một số phong trào vẫn phải tiếp tục hoạt động, nhưng cũng thật không may, các hoạt động tội phạm lại cũng vẫn tiếp diễn.
Những người dễ bị tổn thương và tuyệt vọng tiếp tục bị lợi dụng. Những rủi ro này vẫn đang tiếp diễn.
Các báo cáo nói rằng trong thời gian đại dịch, những chiếc thuyền di cư vẫn tiếp tục cập bến lên hòn đảo Lampedusa, hòn đảo nằm giữa Sicily và Libya; các trung tâm tiếp nhận và xử lý người tị nạn – đôi khi được gọi là các “điểm nóng” – đã chật đầy hoặc đã quá tải.
ĐHY Czerny nói rằng “chúng ta hy vọng cuộc khủng hoảng coronavirus sẽ khuyến khích các chính quyền hợp thức hóa cách thường xuyên và dễ dàng hơn cho những người đang cần di chuyển bởi vì, ví dụ, họ cần đi làm ở nhiều ngành nghề khác nhau như công nghiệp hay dịch vụ.”
ĐHY thúc giục: “Vì vậy, đừng tiếp tục làm điều nghịch lý rành rành này: khi nói ‘đồng ý, hãy để họ đến giúp chúng ta’, nhưng rồi lại bảo ‘Không, không cho phép họ đến’. Điều này thật không ổn chút nào!”
ĐHY nói rằng, khi di dân thường được coi như là một khủng hoảng toàn cầu, thì giải pháp cho khủng hoảng này tùy thuộc vào các nước sở tại.
ĐHY nhấn mạnh: Sẽ không có câu trả lời mang tính toàn cầu mà chỉ có câu trả lời nơi từng địa phương.
“Đó là lý do tại sao Bộ phận Di dân và Tị nạn của chúng tôi quan tâm đến những gì đang diễn ra trên mặt đất, ở biên giới, ở Địa Trung Hải, hay trong phạm vi các trang trại…”
ĐHY nói rằng văn phòng của ngài được kết nối với các Giáo hội địa phương, các Hội đồng giám mục quốc gia, và các tổ chức làm việc với họ,
“Chúng tôi rất vui khi được đồng hành cùng với họ và đặc biệt là cố gắng tôn trọng các điều kiện thực tế ở mỗi nơi,” ngài lưu ý và nói thêm rằng những gì hữu ích ở một nơi chưa hẳn là sẽ hữu ích ở nơi khác.
ĐHY Czerny đề cao các giáo xứ Công giáo ở biên giới Hoa Kỳ và Mexico – là những cộng đoàn hỗ trợ tinh thần cho người dân ở cả hai quốc gia.
ĐHY cũng ca ngợi một giáo xứ ở Chicago đã tặng những giỏ thức ăn cho các gia đình nhập cư. Người dân tại giáo xứ này đang phát hiện cách cụ thể những người hàng xóm của họ là ai và nhu cầu của họ là gì.
Đây là những người nhập cư bình thường, những người không thể làm việc, vì Covid-19 đã ngăn cản cách kiếm sống mà họ cần để chi trả cho những nhu yếu phẩm hằng ngày: Họ không chỉ bị nhốt trong nhà, mà còn tệ hơn: bị phong tỏa hoàn toàn.
ĐHY Czerny nói: “Đó là một ví dụ tuyệt vời về các hoạt động bác ái Kitô giáo tại nơi làm việc – không chỉ đáp ứng nhu cầu trước mắt mà còn mở rộng tầm mắt để khám phá ra anh chị em thực sự của mình là ai.”
Giáo hội trên khắp thế giới đã đáp ứng rất quảng đại và có hiệu quả trước những thách thức mà người tị nạn và nhập cư phải đối mặt, thường chỉ bằng cách giúp đỡ các nhu cầu cơ bản như thực phẩm, nơi ở và chăm sóc sức khỏe.
ĐHY Czerny có trải nghiệm cá nhân với việc nhập cư – khi mới 2 tuổi, ngài cùng với cha mẹ đã di cư từ Tiệp Khắc đến Canada vào năm 1948.
ĐHY nói với CNA rằng trước khi ngài làm việc trong Bộ phận Di dân và Tị nạn, nhập cư không phải là mảng làm việc chính yếu của ngài.
ĐHY nói: “Vì vậy, khi việc này trở thành trọng tâm chính của tôi, tôi khá ngạc nhiên khi thấy quá khứ của mình có liên quan đến nó như thế nào. Đây là điều tôi đã khám phá ra, khi những người trong những tình huống khó khăn khác nhau mô tả những thách đố của họ, tôi nhận ra và thấu hiểu ngay: ‘Tôi biết, vì đó là những gì chúng tôi đã từng phải đối mặt.”
Vì vậy, thật là an ủi khi tôi có thể đồng cảm và có thiện cảm với những gì người ta kể cho tôi, khi tôi nghe nói về những tình huống của họ.
Hannah Brockhaus (CNA) / Thu Phượng chuyển ngữ / Nguồn: WGPSG