Hưng Hóa là một trong 26 giáo phận của Giáo hội Việt Nam, ở phía tây bắc tổ quốc.
Giáo phận Hưng Hóa đón nhận đức tin từ các cha Dòng Tên vào thế kỷ 17, khoảng năm 1627-1630. Các thừa sai đi thuyền dọc sông Hồng gieo vãi hạt giống Tin Mừng.
Ngày 15.4.1895, Tòa Thánh tách Hưng Hóa từ giáo phận Tây Đàng Ngoài (Hà Nội) thành một giáo phận mới, đặt tên là Thượng Đàng Ngoài hay còn gọi là giáo phận Đoài gồm 17.000 giáo dân trong 11 giáo xứ. Ngày 03.12.1924, giáo phận được gọi tên là Hưng Hóa vì tọa lạc tại tỉnh Hưng Hóa (nay là thị trấn Hưng Hóa, huyện Tam Nông, tỉnh Phú Thọ).
Chiến tranh Việt-Pháp bùng nổ, vì mất an ninh, ngày 02.11.1950, đức cha Jean-Marie Mazé (Kim) quyết định dời Tòa Giám Mục về Sơn Tây, thuộc tỉnh Hà Đông cũ.
Ngày 24.11.1960, Tòa Thánh thiết lập hàng giáo phẩm Việt Nam, Hưng Hóa trở thành giáo phận chính tòa thuộc giáo tỉnh Hà Nội, và đức cha Phêrô Nguyễn Huy Quang được đặt làm Giám mục chính tòa tiên khởi.
Giáo phận Hưng Hóa có diện tích 54.352 km2, trải rộng trên 9 tỉnh thuộc miền tây bắc Việt Nam, gồm trọn các tỉnh Phú Thọ, Yên Bái, Lào Cai, Lai Châu, Điện Biên và Sơn La, một phần các tỉnh Hoà Bình, Hà Giang, Tuyên Quang, cộng thêm thị xã Sơn Tây, nay thuộc thành phố Hà Nội.
Từ năm 2011 đến nay, Đức cha Gioan-Maria Vũ Tất là Giám mục chính Tòa, và từ năm 2014, có đức cha Anphong Nguyễn Hữu Long làm phụ tá.
Tính đến năm 2015 này, giáo phận Hưng Hóa có 95 giáo xứ, 570 giáo họ với 235.000 tín hữu, tỷ lệ 3,9%. Về nhân sự, có 85 linh mục gồm 75 linh mục giáo phận và 10 linh mục dòng (Đaminh, Lazariste, Hiến sĩ Đức Mẹ Vô Nhiễm, Thừa Sai Đức Tin), 110 đại chủng sinh đang theo học tại các chủng viện, 63 tiền chủng sinh, 60 tu sinh; 2 nữ tu dòng thánh Phaolô Chartres, 6 nữ tu dòng Con Đức Mẹ Phù Hộ, dòng Mến Thánh Giá Hưng Hóa với 270 nữ tu, 45 tập sinh, 130 đệ tử, 3.030 giáo lý viên.
Theo trang tin của Nhà thờ SAPA, lịch trình chuyến thăm mục vụ của Đức Tổng Giám mục Leopoldo Girelli và các Đức Cha Giáo phận Hưng Hóa tại tỉnh Điện Biên kéo dài từ ngày 14 đến 17/6/2015, với các Thánh Lễ được cử hành chủ yếu ở nhà các Giáo dân:
Trang tin Giáo phận Hưng Hóa cho biết, 15g30 ngày 13/6/2015 đoàn (gồm ĐTGM Leopoldo Girelli, Đức cha Gioan Maria Vũ Tất, Đức cha Anphong Nguyễn Hữu Long, Cha Đaminh Hoàng Minh Tiến, Cha Phêrô Phạm Thanh Bình và Cha Giuse Nguyễn Văn Thành) được ông Phạm Văn Thủy, Phó Chủ tịch tỉnh và các ban ngành tỉnh Sơn La “chào đón niềm nở bằng những bó hoa tươi, những nụ cười và những cái xiết tay”.
Sau phần chào thăm và giới thiệu, ông Thủy đã cho biết khái quát về sự phát triển của tỉnh Sơn La. Đối với tôn giáo, ông khẳng định quan điểm của chính quyền là hết sức tôn trọng tự do tôn giáo, đó cũng là vì bà con giáo dân tại Sơn La đã tích cực góp phần vào việc xây dựng địa phương.
Đáp lời, ĐTGM Leopoldo cám ơn chính quyền tỉnh đã dành thời gian tiếp đón đoàn, dù là ngày nghỉ. Ngài vui mừng trước sự phát triển của tỉnh Sơn La, và chia sẻ những nỗ lực của chính quyền trong việc giải quyết sự nghèo khó của bà con nhân dân. Về vấn đề tôn giáo, ngài nhận biết bà con chưa được hưởng sự tự do tôn giáo hoàn toàn, và mong chính quyền tỉnh sớm công nhận Công giáo là một tổ chức tôn giáo được hoạt động hợp pháp, cũng như chấp nhận cho 5 điểm có đông bà con công giáo nhất tại thành phố Sơn La, Mộc Châu, Mai Yên, Mường La và Chiềng Khoong được thành lập họ đạo.
Ông Phó Chủ tịch tỉnh cho biết ông cũng mong việc công nhận sớm thành hiện thực, đồng thời chỉ thị cho các ban ngành liên quan xác nhận thực tế nhu cầu của bà con, và trình cho ủy ban tỉnh xem xét giải quyết sớm cho đồng bào.
Số giáo dân tại tỉnh Sơn La hiện nay là 5.000 người, trong đó 2.800 người H’Mông. Dân số là 1.120.000 người, thuộc 12 dân tộc chung sống trên địa bàn 14.174 km2. Tỉnh Sơn La gồm thành phố Sơn La và 11 huyện.
Tối cùng ngày, ĐTGM Leopoldo và phái đoàn đã dâng Thánh Lễ tại nhà một Giáo dân, với số Giáo dân tham dự khoảng 300 người. Chia sẻ và khích lệ đời sống đức tin của bà con giáo dân, ĐTGM Leopoldo mượn hình ảnh cây mít trong sân, nơi dâng lễ, để ví von: Cây mít, dù bị che khuất bởi mái tôn nhưng nó vẫn chọc thủng và vươn lên cao, cho quả xum xuê. Đức tin của bà con cũng vậy, dù còn nhiều khó khăn, nhưng vẫn sinh nhiều hoa trái. Ngài hy vọng một ngày rất gần giáo xứ Sơn La sẽ được công nhận, và ngôi thánh đường sẽ được mọc lên tại thành phố Sơn La này.
(See more at: http://thanhnienconggiao.blogspot.com)