Thánh Gia Hồi hương (1)
Lời Biện bạch
Những trang hồi ký sau đây, Philibert ngồi nhớ lại chuyện xảy ra tới nay đã 29 năm rồi – không có nhật ký, không có tài liệu nào, chỉ moi cái “bộ nhớ” cũ nhèm này mà viết lại – nên chắc chắn có những thiếu sót, vậy xin những anh em đã cùng sống những ngày ấy hãy xem lại và bổ túc : ông Chín, chú Ba, TH.Sylvestre, Roland… là những người còn sống, đã cùng trải qua giai đoạn lịch sử của Dòng, xin vui lòng bổ túc hoặc chỉnh sai .
Khởi viết ngày 29/7/ 1997
Hồi ký Thánh Gia
(Từ tháng 9/1968)
Biến cố lớn của Dòng
Muà hè 1968 cha Bề trên Joseph VULLIEZ xin từ chức sau khi đã lo cho Dòng gần 30 năm trời . Tổng nghị Dòng đã bầu chọn TH. JEAN Nguyễn văn Ê làm Bề trên người Việt đầu tiên của Dòng Thánh Gia .
Cũng trong kỳ Tổng nghị này nhà Dòng đã được giao quyền chọn người cho thụ phong Linh mục để lo việc đào tạo trong Dòng, Philibert được chỉ định đi học thần học ở Đại Chủng viện Xóm Biển (Phnom Penh).
Năm thần học I (1968-1969) trôi qua êm đẹp… Qua niên học 1969-1970 Đại Chủng viện P.Penh không có lớp thần học II, Philibert phải qua ở nhà Đan viện Biền Đức ở Kép, thuộc tỉnh Kampot , và học thần học chung với các Thầy của Đan viện.
Niên học chưa mãn, chỉ mới tháng 3/1970 biến co hính trị Cambốt bùng nổ, ngày 18/3/1970 Tướng Lon Nol, Tổng tư lệnh Quân đội Cambốt lật đổ Quốc Trường Sihanouk lúc ấy đang công du ở nước ngoài.
Việt kiều bị tàn sát
Phong trào bài Việt (bài trừ người VN ở đất Cambốt) bắt đầu. Đàn ông, thanh niên người Việt khắp các tỉnh cũng như ở Thủ đô P.Penh đều bị tập trung vào các trường học, hoặc vào giữa vòng rào kẽm gai giữa đồng trống. Có nhiều trại bị súng đại liên bắn xả tiêu diệt tập thể như vậy.
Đêm 11 rạng 12/4/1970 tất cả đàn ông, thanh niên họ Xóm Biển (trên bờ sông Tonlê-Sap đối diện với Thủ đô Phnom Penh ) bị bắt trói và lùa xuống mấy chiếc tàu binh đậu xung quanh bao vây bán đảo Chruichang-War (Xóm Biển) . Sau này cha Garra, cha sở Xóm Biển kiểm tra thì thiếu vắng khoảng 800 người của họ đạo. Đoàn tàu chở người bị bắt chạy xuôi dòng sông Mékong . Đến ngang chợ Banam (cách P.Penh độ 60 cây số ) trời đã mờ mờ sáng . Tàu đâm mũi vào bãi cát củ ù lao đối diện với chợ Banam, mở hầm tàu và đuổi người lên bãi cát. Đoàn người vừa lên bãi cát thì súng tàu xả vào đoàn người làm chết sạch. Chỉ còn một thanh niên may mắn không bị trúng đạn và bị xác người chết đè lên nên sống sót . Khi tàu kéo đi rồi, anh ta mới ngoi lên và lội qu hợ Banam thuật tự sự cho ai nấy biết. Thật là khủng khiếp. Hôm sau số người bị giết này trôi theo dòng Mékong dập dìu như lục bình trôi vậy…
Lệnh hồi hương
Thấy phong trào bài Việt ngày càng dữ dội và tàn ác quá. Đức Cha Lesouef (Giám quản Tông tòa địa phận Kompong-Cham, nơi nhà Mẹ Banam trực thuộc ) ra lệnh cho Bề trên lo liệu cho tất cả Dòng Thánh Gia về VN, Chính ngài lo thủ tục giới thiệu và gởi gắm Dònh cho các Giám mục VN. Đồng thời ngài cũng liên lạc với Toà Thánh cho Dòng sang nhập vào Địa phận khác ở miền Nam VN .
Các Đệ tử tản về với gia đình để cùng hồi hương với gia đình.
Hiện tình lúc ấy, người VN không được di chuyển đi đâu hết. Phải nhờ các cha thừa sai lái xe du lịch từ P.Penh xuống đưa mỗi lần vài ba TH lên P.Penh (Nam Vang) tập trung tại Chủng viện . Mỗi người chỉ mang theo va-li đồ cá nhân, tài sản của Dòng bỏ lại hết.
Sổ bộ văn thư của Dòng cũng chỉ ghi vội những điều cần thiết mang theo, còn toàn bộ phải bỏ lại hết !! Sau cùng chỉ còn lại các anh Rémi, Roland, Clément quyết tử thủ ở lại với Dòng. Bị mấy lần dội bom, sau cùng anh em cũng phải rút xuống Vĩnh Phước , chờ cơ hội xuống ghe xuôi giòng về VN. Ngày các anh xô ghe ra đi , bị du kích địa phương cản trở, bắn theo, đạn rơi lơm bõm sát bên lái ghe. Thánh Gia đã đỡ đạn cho anh em chạy khỏi. Anh Rémi đã cõng theo tượng Thánh Gia lớn của Dòng và chiếc xe 2 CV thùng . Anh Thánh Gia đó sau này đặt ở trước nhà mới, được Đức Cha Micae Nguyễn Khắc Ngữ làm phép đầu năm 1972 với mấy căn nhà mới .
Tất cả các anh em khác cũng đã được tập trung về ở Tiểu chủng viện Nam Vang. Nơi đây trở thành một trại tập trung Việt kiều do chính quyền Cambốt giao cho các TH nhà ta điều hành, TH.Théophile chỉ huy với tất cả quyền hành cần thiết . Cảnh sát Nhà nước chỉ lo trật tự bên ngoài chớ không xen vào việc điều hành củ ác TH nhà ta. Tổng số người trong trại lên đến 10.000 người .
Đầu tháng 7/ 1970 các cha dòng Kép lái xe đưa TH.Philibert về P.Penh sum họp với anh em tại Tiểu chủng viện . Bề trên JEAN giao cho Philibert về VN trước để liên hệ với các Giám mục miền Tây xin chỗ cắm dùi cho Nhà Dòng hồi hương.
Trưa ngày 4/5/1970 Bề trên JEAN lái chiếc 404 của Dòng đưa Philibert ra sân bay Pochentong. Nhờ chiếc xe mang biển số vàng (biển số Ngoại giao đoàn) nên xe vô tới tận sân bay .Chiều hôm ấy Philibert đã ở Saigon rồi. Sáng hôm sau đi mua một xe Honda 72 làm phương tiện chạy Saigon-CầnThơ- Long Xuyên – Bình Dương .
Các Đức Cha Phú Cường : ĐC. Thiên, Cần Thơ : ĐC. Quang rất sẵn sàng đón nhận nhà Dòng nhưng không tìm được khu đất nào hội đủ những tiêu chuẩn mong muốn để xây dựng Dòng mới tại Cần Thơ và Phú Cường .
Sau cùng, Đức Cha Long Xuyên Micae Nguyễn Khắc Ngữ sẵn lòng để cho một khu đất ruộng tại họ Cần Say, cách thị xã Long Xuyên 5 cây số . Khu đất này do nhiều người địa phương đang canh tác , nhà Dòng muốn thì phải thương lượng , trao đổi hoặc bồi hoàn thế nào để gom cho được từ 10 mẫu (ha) trở lên. Sau cùng cũng được trên 10 mẫu. Khu ruộng này muà nước bị ngập sâu, có chỗ 1 mét, có chỗ hơn 1 mét 50, người t hỉ trồng lúa nổi ( lúa lớn theo nước ).
Bê trên JEAN đã khôn khéo, xin được mua đứt khu đất này và xin tách bộ để làm sở hữu của Dòng. Đến trung tuần tháng 5/ 1970 Bề trên JEAN và TH Sylvestre về tới VN bằng đường hàng không. Còn các anh em khác phải chờ tàu VN chở về từng đợt với đồng bào VN .
Cuối tháng 6 và đầu tháng 7/1970 các anh em ở P.Penh đã tựu về gần đầy đủ ở Cần Xay, chỉ còn thiếu TH.Pasteur Võ văn Phép . Trước biến cố anh đang giúp một giáo họ lẻ thuộc tỉnh Svay-Riêng gần biên giới Việt-Miên và biệt tin luôn , không biết sống chết ra sao ?! Mãi đến trung tuần tháng 7/1970 , có người đem về một mảnh giấy bùi nhùi như giấy vệ sinh, có mấy hàng chữ , rõ là nét chữ của anh Pasteur, báo cho biết là anh vẫn an toàn và đang tìm về với anh em, tạ ơn Chúa !
Tổng số anh em khấn tạm và khấn trọn lúc đó là trên 30 , được cha Ngoạn, chính xứ Cần Xay cho tạm trú trong nhà xứ cũ , một ngôi nhà sàn bằng gỗ ba gian quá cũ kỹ đến nỗi mỗi bước đi phải coi chừng kẻo lọt xuống sàn ! T ứ thử tưởng tượng khoảng 30 người sống chen chút trong một cái nhà diện tích không hơn 100 m2 mà quá cũ kỹ, không biết xụm xuống lúc nào !
( Còn tiếp )