Tất cả chúng ta – những kẻ lãng mạn vô vọng – đều muốn có một chuyện tình giống như Romeo và Juliet, phải không? Mãi cho đến khi ta nhận ra rằng tình yêu ấy của Romeo và Juliet thật là ấu trĩ, khờ dại, liều lĩnh, dẫn đến tự hủy hoại.
Hoặc có thể chuyện tình giữa Antony và Cleopatre sẽ khá hơn? Nhưng khoan đã, mối quan hệ của họ cũng kết thúc trong hủy hoại lẫn nhau đấy thôi!
Thế còn chuyện tình giữa Paris và Helen? Chuyện tình lãng mạn nhỏ bé ấy đã khơi lên một cuộc chiến đẫm máu, đến nỗi một sử thi đã được viết ra để mô tả những bạo lực kinh hoàng của nó.
Ở đây, có một bài học: Ước muốn lãng mạn là một đam mê cháy bỏng, nên đừng để nó đốt cháy mình.
Là một tu sĩ, tôi thường nói chuyện với các cặp đính hôn về bản chất của tình yêu. Tôi luôn cảnh báo họ: Có một loại tình yêu toàn tâm lao mình vào một mối quan hệ không lành mạnh, giống như một con tàu lao mình vào vách đá. Đó là một tình yêu không ranh giới, hoàn toàn chìm trong cảm xúc lãng mạn ảo tưởng. Romeo và Juliet khổ sở vì một tình yêu như thế, ám ảnh lẫn nhau đến nỗi mọi thứ khác trên đời đều biến mất. Họ lạc mất trong nhau, đến nỗi, khi một người chết đi, người còn lại không biết sống để làm gì nữa.
Trong tình yêu ngang trái, có một cái gì đó rất lôi cuốn chúng ta. Nó dường như bộc lộ một sự trao hiến trọn vẹn và một sức mạnh lãng mạn bao trùm tất cả. Nhiều bạn trẻ đính hôn đã có ý niệm như thế về mối quan hệ của họ. Đó là lí do tại sao, sau một thời gian, họ thường thất vọng về cuộc hôn nhân của mình và lo lắng rằng phải chăng hôn nhân của họ là một sai lầm.
Có vẻ thật là anh hùng khi bắt chước cặp đôi nổi tiếng Romeo và Juliet lãng mạn, nhưng nó khiến tôi tự hỏi, tôi có thực sự muốn vợ tôi phụ thuộc vào tôi đến mức, nếu tôi chết, cô ấy cũng hủy hoại chính mình? Tôi có muốn căn tính của cô ấy biến mất khi thiếu tôi? Tôi có muốn cô ấy cậy dựa vào tôi nhiều đến nỗi nếu tôi làm cô ấy thất vọng cách nào đó, dù chỉ một chút thôi, cũng đủ để cô ấy suy sụp và tự nghĩ rằng cuộc hôn nhân này chỉ là giả dối? Tôi yêu cầu các cặp đính hôn hãy suy xét trả lời cho các câu hỏi ấy, để suy nghĩ thật sâu sắc về bản chất của tình yêu và ý nghĩa của nó khi họ trở nên một với nhau.
Sự hợp nhất của hôn nhân là có thật, nhưng tình yêu đích thực không tiêu diệt tính cách cá nhân. Đừng để nó trở thành nguyên nhân khiến chúng ta phụ thuộc lẫn nhau. Đời sống hôn nhân dài lâu và thành công không khiến chúng ta đánh mất chính mình, mà thực ra là ngược lại. Điều này có thể khiến ta ngạc nhiên, nhưng quả thực, khi hai người gắn bó với nhau trong tình yêu hôn nhân, tính cách cá thể riêng biệt của mỗi người sẽ được bảo vệ.
Gần đây, tôi đọc nhiều lá thư của thi sĩ Rainer Maria Rilke; nhà thơ này có nhiều hiểu biết thú vị về bản chất của tình yêu, về mối liên kết giữa hôn nhân và tính cá biệt của hai người. Góp nhặt lại trong cuốn sách ‘Quan điểm của Rilke về Tình yêu và những Khó khăn (Rilke On Love And Other Difficulties)’, có một lá thư đặc biệt ông viết cho một người bạn rằng: Muốn thành công, cuộc hôn nhân phải đạt được sự cân bằng giữa ‘cái chung’ và ‘căn tính cá biệt’. Rilke viết, “Tôi cho rằng nhiệm vụ gắn bó cao cả nhất giữa 2 người là: người này phải bảo vệ tính cá biệt của người kia.”
Ở đây có một hình ảnh được nhà thơ sử dụng mà tôi thấy đặc biệt hữu ích: Giả sử, bạn tham gia vào một sự kiện thể thao trong sân vận động, bạn trở thành một phần của đám đông. Thực chất, bạn là một người hâm mộ không tên, cũng giống như những người hâm mộ khác. Ở đây không cần tính cá biệt, vì đám đông không quan tâm đến những cá nhân – là những thành phần của nó. Nhưng hôn nhân thì không phải là đám đông. Không giống chút nào. Đám đông xây dựng ‘cái chung’ bằng cách xóa bỏ ranh giới, còn trong hôn nhân, có một món quà vĩ đại hơn đã được trao ban. Rilke viết, “Mỗi người chỉ định cho mình một người bảo vệ cái cá biệt của mình, qua đó biểu lộ cho người ấy thấy rằng mình rất tin cậy họ, và đây là sự trao ban cao cả nhất.”
Một cặp vợ chồng sẽ tự nhiên muốn bảo vệ cho nhau bởi vì trước hết họ tìm đến để hiểu biết và yêu nhau như những cá nhân. “Vì thế, khi một người khước từ bản thân, họ sẽ không còn là gì cả; rồi khi cả hai người đều khước từ bản thân mình để đến bên nhau, sẽ không còn bất kỳ nền móng nào đỡ nâng họ nữa, ‘cái chung’ của họ sẽ không ngừng bị rơi rụng.” Không một người bạn đời nào muốn điều đó xảy ra cho người kia.
Mỗi ngày, tôi đều khuyến khích và hỗ trợ vợ tôi để cô ấy luôn có thể là chính mình hơn bao giờ hết, và tôi biết cô ấy cũng muốn tôi được như thế. Thật là nghịch lý, tôi hoàn toàn là tôi nhiều hơn, khi tôi ở với cô ấy. Tôi không tan biến trong cô ấy hoặc phụ thuộc cô ấy, nhưng đồng thời, món quà mà cô ấy tặng cho tôi thì không thể thay thế được và chỉ cô ấy mới tặng cho tôi được. Cô ấy tặng cho tôi không gian để tôi có thể là chính mình cách thoải mái, và trong sự yếu đuối mong manh, tôi có thể hoàn toàn sống như chính mình, cả mặt tốt cũng như mặt xấu. Đồng thời, cô ấy khiến tôi an tâm nghĩ rằng, tự cốt lõi bản thân mình, tôi là người rất đáng yêu. Tôi không muốn làm cô ấy thất vọng hoặc khiến cô ấy ít nghĩ đến tôi. Đó không phải là những gì cô ấy mong mỏi nơi tôi, tôi hoàn toàn tự do chọn chúng.
Có một sự ‘kéo co’. Tình yêu hôn nhân giống như lực hấp dẫn giữa hai hành tinh, một lực không thể lay chuyển, gắn kết hai người lại, nhưng họ vẫn nguyên vẹn là hai hành tinh cá biệt. Tình yêu không phá hủy. Nó xây dựng. Xây dựng thì khó. Yêu thương cũng rất khó. Chính vì thế nó rất đáng giá. Nó không phải là một thứ nhào lộn lãng mạn điên rồ để tạo ra bão tố. Nó là một diễn tiến thủy chung, với 10,000 ngày thức dậy bên nhau, người chồng pha hai ly cà phê mỗi sáng, cho mình và cho vợ mình, rồi ngồi bên nhau, chung căn phòng, đọc sách trong yên lặng, thoải mái.
Tình yêu chân thật không ngột ngạt, gò bó; nó rộng rãi. Tôi bảo vệ vợ tôi vì tôi đánh giá cô ấy đúng như cô ấy là, và không muốn đánh mất điều ấy. Cô ấy cũng làm cho tôi như vậy. Còn có gì lãng mạn hơn điều đó chứ?
Lm Michael Rennier (Aleteia) / Giuse Trần Tiến chuyển ngữ / Nguồn: WGPSG