Bản ăn được ký bởi bộ trưởng và tổng thư ký thánh bộ, lần lượt là Đức Hồng Y Giuseppe Versaldi và Đức Tổng Giám Mục Angelo Vicenzo Zani. Nhưng không chỗ nào nói rằng Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã duyệt hoặc phê chuẩn tài liệu này. Điều này có thể gợi ý rằng bản văn này là cơ sở để đối thoại và thảo luận cho những người liên quan đến lĩnh vực giáo dục và không được coi là câu trả lời cuối cùng về chủ đề gây tranh cãi này.
Đức Hồng Y Versaldi, trong một bài trình bày được công bố trước báo chí cùng với bản văn “Nam và Nữ”, giải thích rằng các giám mục trên toàn thế giới đã lưu ý đến vấn đề phái tính trong thập niên vừa qua. Trong hội nghị toàn thể của thánh bộ vào tháng 2 năm 2017, “ý thức hệ phái tính” đã xuất hiện như “một vấn đề khẩn cấp” trong lĩnh vực giáo dục, vì vậy hội nghị đã quyết định thánh bộ nên viết một tài liệu để giúp đỡ những người làm việc trong lĩnh vực giáo dục Công Giáo. Đức Hồng Y Versaldi cho biết các bộ sở của Tòa Thánh đã đóng góp nhiều dữ liệu, nhưng ngài không nói liệu các thành viên của thánh bộ ở các nơi khác nhau trên thế giới có được tham khảo ý kiến hay không.
Tài liệu dài 31 trang, đang được gửi đến các chủ tịch của mọi hội đồng giám mục, mang tựa đề “Người dựng nên họ có nam có nữ”. Nó được công bố bởi phòng báo chí Tòa Thánh vào ngày 10 tháng 6 và có phụ đề là “Hướng tới một con đường đối thoại về vấn đề lý thuyết phái tính trong giáo dục”.
Bản văn giải thích rằng “lý thuyết phái tính” nói lên một ý thức hệ vốn “bác bỏ sự khác biệt và tính hỗ tương trong bản tính đàn ông và đàn bà và dự kiến một xã hội không có sự khác biệt giới tính, do đó loại bỏ cơ sở nhân học của gia đình.
Bản văn nói rằng ý thức hệ này dẫn đến các chương trình giáo dục và các ban hành luật pháp nhằm cổ vũ một bản sắc bản vị và thân mật xúc cảm tách biệt hoàn toàn với sự khác biệt sinh học giữa nam và nữ với hậu quả là “bản sắc con người trở thành sự lựa chọn của cá nhân, một lựa chọn cũng có thể thay đổi theo thời gian”, như Đức Giáo Hoàng Phanxicô giải thích trong tông huấn của ngài về gia đình, “Amoris Laetitia” (số 56).
Trong khi nhìn nhận rằng ý thức hệ này tương phản với viễn kiến của Kitô giáo về nhân học, tài liệu nói rằng, “nếu chúng ta muốn tiếp nhận cách tiếp cận vấn đề lý thuyết phái tính dựa trên con đường đối thoại, thì điều sinh tử là phải lưu ý phân biệt giữa ý thức hệ phái tính một mặt và mặt khác, toàn bộ lĩnh vực nghiên cứu về phái tính mà các khoa học nhân văn đã và đang đảm nhiệm.
Tài liệu nhắc nhớ rằng Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã chỉ ra rằng dù các ý thức hệ phái tính đáp ứng “các hoài mong đôi khi có thể hiểu được”, nhưng chúng cũng tìm cách “tự khẳng định là tuyệt đối và không thể nghi ngờ, thậm chí còn ra lệnh trẻ em nên được nuôi dạy như thế nào”, do đó loại bỏ đối thoại.
Bản văn nhấn mạnh “Thay vào đó, các công trình khác về phái tính đã được thi hành nhằm đạt được sự hiểu biết sâu xa hơn về cách thức trong đó sự khác biệt giới tính giữa đàn ông và đàn bà được sống thực trong nhiều nền văn hóa khác nhau. Chính trong mối liên hệ với loại nghiên cứu này mà chúng ta nên cởi mở hơn để lắng nghe, lý luận và đề xuất”.
Tài liệu này cung cấp một cái nhìn tổng quan ngắn gọn về các “biến cố văn hóa” thế kỷ 20, “những biến cố đã mang đến những lý thuyết nhân học mới và với chúng là các khởi đầu của lý thuyết phái tính”. Nó cho rằng, những lý thuyết này “dựa trên một cách hiểu sự dị biệt hóa phái tính tính hoàn toàn mang tính xã hội , dựa vào sự nhấn mạnh mạnh mẽ vào quyền tự do cá nhân”, và vào khoảng giữa thế kỷ, “các cuộc nghiên cứu đã được công bố, nhiều lần nhấn mạnh đến vai trò của điều kiện hóa từ bên ngoài, bao gồm cả ảnh hưởng của nó đối với việc xác định nhân cách”.
“Khi các cuộc nghiên cứu như vậy được áp dụng vào giới tính của con người, họ thường làm như vậy với mục đích chứng minh rằng bản sắc giới tính là một cấu trúc xã hội hơn là một sự kiện tự nhiên hoặc sinh học có sẵn”.
Theo tài liệu, “vào đầu những năm 1990, nó tập chú vào khả thể cá nhân tự xác định xu hướng tình dục của mình mà không xem xét tính hỗ tương và tính bổ túc trong các mối liên hệ nam nữ, cũng không xem xét mục đích sinh sản của tình dục. Hơn nữa, có ý kiến cho rằng người ta có thể ủng hộ lý thuyết tách biệt triệt để giữa phái tính (gender) và giới tính (sex), với phái tính chiếm ưu tiên hơn giới tính. Một mục tiêu như vậy được coi như một giai đoạn quan trọng trong sự biến hóa của loài người, trong đó, “một xã hội không có các dị biệt về giới tính” là điều có thể dự kiến được.
Theo tài liệu, tất cả các điều trên dẫn đến vấn đề “tách biệt giới tính khỏi phái tính”; và tài liệu viết thêm, “khái niệm phái tính được coi là phụ thuộc vào tâm thức (mindset) chủ quan của mỗi người, họ có thể chọn phái tính không tương ứng với giới tính sinh học của họ, và do đó với cách những người khác nhìn người đó (chuyển phái tính, transgenderism).
“Các đề xuất của lý thuyết phái tính gặp nhau ở khái niệm “queer”, có ý nói đến các chiều kích giới tính cực kỳ dễ thay đổi (liquid, lỏng), dễ uốn nắn, và dường như du mục (nomadic). Điều này đạt đến đỉnh cao khi chúng khẳng định sự giải phóng hoàn toàn của cá nhân khỏi bất cứ một định nghĩa nào về giới tính theo lối tiên thiên (a priori) có sẵn, và việc không còn các việc phân loại bị coi là quá cứng ngắc.
Bản văn tiếp tục: “tính sóng đôi (duality) nơi các cặp nam nữ ngoài ra còn bị xem là mâu thuẫn với ý niệm ‘đa ái’ (polyamory), nghĩa là các mối liên hệ liên quan đến hơn hai cá nhân. Vì thế, người ta cho rằng khoảng thời gian kéo dài của các mối liên hệ, cũng như bản chất ràng buộc của chúng, nên linh hoạt, tùy thuộc vào mong muốn thay đổi của các cá nhân liên quan. Đương nhiên, điều này có hậu quả đối với việc chia sẻ trách nhiệm và các nghĩa vụ cố hữu trong chức phận làm mẹ và làm cha. Loạt liên hệ mới này trở thành ‘sự giống nhau về tính chất’ (kinship)”, vốn “dựa trên thèm muốn hoặc tình âu yếm, thường có đặc điểm ở một khoảng thời gian giới hạn được định sẵn, linh hoạt về mặt đạo đức hoặc thậm chí (đôi khi bằng sự đồng thuận minh nhiên) không hy vọng có bất cứ ý nghĩa dài hạn nào”.
Bản văn giải thích rằng Giáo Hội rõ ràng có vấn đề với tầm nhìn này về giới tính, bản sắc và mối liên hệ, nhưng nó cũng lưu ý những điểm mà trên đó, Tòa Thánh và các nhà lý thuyết phái tính tìm được đồng thuận và các nguồn để đối thoại, như “một mong muốn đáng khen chống lại mọi phát biểu kỳ thị bất công” và “các hình thức kỳ thị bất công là một sự kiện đáng buồn của lịch sử và cũng đã gây ảnh hưởng trong Giáo hội”.
Bản văn thừa nhận “Điều trên đem đến một nguyên trạng (status quo) cứng ngắc nào đó, làm chậm diễn trình hội nhập văn hóa cần thiết và có tính tiến bộ việc công bố sự thật của Chúa Giêsu về phẩm giá bình đẳng của đàn ông và đàn bà, và khuyến khích các tố cáo thuộc loại não trạng duy nam tính (masculinist mentality), núp dưới các động cơ tôn giáo ít nhiều che đậy”.
Một điểm quan trọng khác của đồng thuận là “nhu cầu giáo dục trẻ em và thanh thiếu niên biết tôn trọng mọi người về nét đặc thù và khác biệt của họ, để không ai phải chịu sự bắt nạt, bạo lực, lăng mạ hoặc kỳ thị dựa trên các đặc điểm cụ thể của họ (như nhu cầu đặc biệt, chủng tộc, tôn giáo, khuynh hướng giới tính, v.v.)”.
Tài liệu sau đó tiếp tục phác thảo nền nhân học Kitô giáo, một nền nhân học, theo tài liệu, “có gốc rễ trong câu chuyện về nguồn gốc con người xuất hiện trong sách Sáng thế, trong đó, chúng ta đọc rằng ‘Thiên Chúa dựng nên con người giống hình ảnh của chính Người … Người dựng nên họ có nam có nữ’”.
Tài liệu nói, “những lời lẽ này nắm bắt không những bản chất của câu chuyện về sáng thế mà còn cả câu chuyện về mối liên hệ trao ban sự sống giữa người đàn ông và người đàn bà, đưa họ đến sự hiệp nhất với Thiên Chúa”.
Tài liệu của thánh bộ lý luận rằng, “Cần phải khẳng định lại nguồn gốc hữu thể của sự khác biệt giới tính, như một sự bác bỏ nhân học về các mưu toan phủ nhận tính sóng đôi (duality) nam-nữ của bản chất con người, mà từ đó gia đình được phát sinh”.
Dựa trên giáo huấn của Đức Bênêđíctô XVI và Đức Phanxicô, tài liệu nói, “việc bác bỏ tính sóng đôi này không chỉ xóa bỏ viễn kiến coi con người như là thành quả của một hành động sáng tạo mà còn tạo ra ý niệm coi con người như một loại trừu tượng hóa tự chọn cho mình thứ bản tính mình muốn”.
Tài liệu viết tiếp: “Người đàn ông và người đàn bà trong trạng thái thụ tạo của họ như các phiên bản bổ sung của những gì là nhân bản đang bị tranh cãi. Nhưng nếu không có tính song đối nam nữ định sẵn trong sáng thế, thì gia đình cũng không còn là một thực tại được sáng thế thiết định. Tương tự như vậy, đứa trẻ cũng đánh mất vị trí nó chiếm hữu được từ đó và cả phẩm giá vốn thuộc về nó”.
Tài liệu kết luận bằng cách nói rằng “các nhà giáo dục Công Giáo được kêu gọi vượt xa mọi chủ nghĩa giản lược có tính ý thức hệ hoặc chủ nghĩa duy tương đối có tính đồng điệu hóa (homologizing relativism) bằng cách trung thành với bản sắc dựa trên tin mừng của họ, hầu biến đổi cách tích cực các thách thức thời đại thành cơ hội bằng cách đi theo con đường lắng nghe lý luận và đề xuất viễn kiến Kitô giáo, đồng thời làm chứng bằng chính sự hiện diện của họ, và bằng sự nhất quán trong lời nói và việc làm của họ”.
Tài liệu viết thêm, “nền văn hóa đối thoại không hề mâu thuẫn với các nguyện vọng chính đáng của các trường Công Giáo trong việc duy trì viễn kiến của họ về giới tính con người, phù hợp với quyền của các gia đình được tự do giáo dục con cái theo một nền nhân học toàn diện, có khả năng hài hòa bản sắc thể lý, tâm linh và thiêng liêng của con người”.
Đón đọc: Văn Kiện “Người Dựng Nên Họ Có Nam Có Nữ”